Vợ chồng Việt kiều hơn 10 năm đòi nhà cho TP HCM mượn
Trong thời gian xuất cảnh đi Mỹ, vợ chồng bà Tuyết cho thành phố mượn nhà để phục vụ công ích nhưng phải mất hơn 10 năm theo kiện mới đòi lại được.
Ảnh minh họa
Theo nội dung vụ án, vợ chồng bà Tuyết (76 tuổi, Việt kiều Mỹ) được cha mẹ để lại căn nhà trên đường Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM).
Tháng 9/1984, vợ chồng bà ký hợp đồng cho Công ty quản lý nhà TP HCM mượn căn nhà trong 15 năm. Công ty tạm ứng cho vợ chồng bà 1,5 triệu đồng; chủ nhà có nghĩa vụ thanh toán lại số tiền sau khi trừ khấu hao cơ bản theo niên hạn sử dụng khi lấy nhà.
Cùng ngày, công ty này ký hợp đồng cho Công ty xuất nhập khẩu lương thực (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thuê lại trong 5 năm với số tiền tạm ứng là 1,5 triệu đồng. Số tiền này được Công ty quản lý nhà tạm ứng cho vợ chồng bà Tuyết và trừ vào tiền thuê nhà hàng tháng. Khi chủ nhà đòi lại, bên cho thuê sẽ báo trước cho bên thuê 3 tháng để di dời.
Từ năm 1991 đến 2008, khi số tiền tạm ứng được trừ hết vào việc thuê nhà, Công ty quản lý nhà nhiều lần ký thêm các hợp đồng cho thuê với Công ty xuất nhập khẩu lương thực theo giá hiện hành.
Đến năm 1999, công ty lương thực đã hai lần sửa chữa, xây dựng căn nhà và cam kết không yêu cầu bồi hoàn chi phí. Việc sửa chữa được Công ty quản lý nhà cấp giấy thỏa thuận không ảnh hưởng đến kết cấu nhà. Trên thực tế, công ty lương thực đã tự ý xây dựng thêm một lầu, trổ cửa từ ranh tường nhà bà Tuyết thông với ngôi nhà kế bên là tài sản từ trước của Công ty lương thực.
Sau thời gian định cư ở nước ngoài, năm 2005, vợ chồng bà Tuyết về Việt Nam và có đơn đòi lại nhà. Gần một năm sau, Công ty lương thực (lúc này đổi tên thành Công ty Cổ phần Hoàn Mỹ) có văn bản gửi Sở xây dựng đồng ý trả lại căn nhà, không yêu cầu bồi hoàn chi phí xây dựng. Tuy nhiên, nhiều năm sau khi đã hết hạn thuê nhưng Công ty Hoàn Mỹ vẫn không bàn giao nhà.
Công ty quản lý nhà sau đó khởi kiện, yêu cầu Công ty Hoàn Mỹ trả lại căn nhà để trả cho vợ chồng bà Tuyết.
Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Hoàn Mỹ cho rằng, hơn 30 năm trước công ty có thỏa thuận mua đứt căn nhà của vợ chồng bà Tuyết với số tiền 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm này không được sang nhượng trong trường hợp đi xuất cảnh nên không thể mua bán hợp pháp. Trường hợp phải trả lại, công ty yêu cầu Công ty quản lý nhà thành phố phải trả lại chi phí sửa chữa, xây dựng và số tiền 1,5 triệu đồng theo giá hiện hành (tương đương hơn 730).
Video đang HOT
Phía bà Tuyết cho biết, khi nhận nhà sẽ tự nguyện trả lại 1,5 triệu đồng tiền tạm ứng trước đây theo giá hiện hành. Tuy nhiên, bà không đồng ý thanh toán chi phí xây dựng sữa chữa cho Công ty Hoàn Mỹ bởi họ tự làm, trái với thỏa thuận của các bên.
Sau nhiều năm thương lượng bất thành, hồi tháng 8 năm ngoái TAND quận 3 xử sơ thẩm, buộc Công ty Hoàn Mỹ trả lại nhà cho Công ty quản lý nhà thành phố để giao cho vợ chồng bà Tuyết. Ghi nhận sự tự nguyện của vợ chồng bà Tuyết về việc trả lại cho Công ty quản lý nhà 1,5 triệu đồng tiền tạm ứng theo giá trị hiện hành.
Theo HĐXX, bà Tuyết là người thừa kế hợp pháp căn nhà. Trong thời gian vợ chồng bà xuất cảnh đã cho thành phố mượn, phục vụ mục đích công ích – là phù hợp với chính sách của Nhà nước. Nay hợp đồng cho mượn đã hết, thành phố có nghĩa vụ phải trả lại. Công ty Hoàn Mỹ cho rằng đã mua lại căn nhà với số tiền 1,5 triệu đồng nhưng không đưa ra được chứng cứ nên không được toà chấp nhận.
Không đồng ý với phán quyết này, phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP HCM, các bên giữ nguyên quan điểm. Phía bà Tuyết cho biết, nếu bị đơn muốn mua lại căn nhà, bà sẽ bán với giá 42 tỷ đồng. Còn Công ty Hoàn Mỹ thì ra điều kiện, nếu bà Tuyết muốn nhận lại căn nhà phải trả cho công ty 62 tỷ.
Sau khi hội ý, phía công ty Hoàn Mỹ đưa ra mức giá có thể mua là 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía bà Tuyết không đồng ý. Họ cho rằng số tiền nói trên “đã là có thiện chí”.
Do các đương sự không tìm được tiếng nói chung, chủ tọa phiên tòa dành khá nhiều thời gian phân tích. “Để sớm kết thúc vụ án đã kéo dài 10 năm gây mệt mỏi cho các đương sự, mỗi bên phải bớt một chút”, ông nói và gợi ý đưa ra mức giá chung là 36 tỷ đồng, cho các đương sự thêm thời gian suy nghĩ.
Mở lại phiên tòa sau một tuần tạm hoãn, phía bà Tuyết chấp thuận gợi ý của tòa, song Công ty Hoàn Mỹ cho rằng “32 tỷ là mức giá cao nhất có thể mua”.
Do các bên không thể hòa giải, HĐXX sau đó đã tuyên y án sơ thẩm, buộc Công ty Hoàn Mỹ phải trả lại nhà.
Hải Duyên
Theo VNE
Người đàn ông Việt kiều đòi Agribank 400.000 Euro gửi tiết kiệm
Liên quan đến giám đốc phòng giao dịch Agribank ở Sài Gòn ôm 17 tỷ đồng bỏ trốn, nam Việt kiều Pháp yêu cầu ngân hàng trả 400.000 Euro gửi tiết kiệm bị chiếm đoạt.
Trong phiên xử chiều 10/2 của TAND TP HCM đối với 2 cựu cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (quận 1), do có sai phạm khi Nguyễn Lê Kiều Quang (39 tuổi, nguyên giám đốc phòng giao dịch Hòa Hưng) bỏ trốn cùng 17 tỷ đồng, ông Dương Thanh Nghị (Việt kiều Pháp) được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Ông Nghị yêu cầu Agribank phải trả 400.000 Euro gửi tại phòng giao dịch Hòa Hưng, sau đó bị Quang làm giả hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm của ông vay ngân hàng hơn 10 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Trình bày với HĐXX ông Nghị cho biết, cuối năm 2013 có nhiều khoản tiền gửi phòng giao dịch Hòa Hưng. Là khách hàng lớn nên những lần giao dịch ông đều làm việc với giám đốc Quang, có sự chứng kiến của các nhân viên.
Tháng 9/2014 ông Nghị đến tất toán các khoản bằng tiền Việt, đổi thành Euro để gửi tiết kiệm. Trong đó có 2 khoản chưa đến hạn nên Quang hướng dẫn ông ký tên trên một số tờ giấy trắng để anh ta làm giúp các thủ tục tất toán trước hạn (vẫn được hưởng lãi xuất theo kỳ hạn).
Sau nhiều lần giao dịch đổi sang ngoại tệ, đến cuối năm đó ông dồn các tài khoản thành một sổ tiết kiệm trị giá 400.000 Euro.
Bị cáo Hòa (áo xanh) thừa nhận đã làm khống nhiều hồ sơ tín dụng theo chỉ đạo của Quang. Ảnh: H. D.
Đến tháng 2/2015, ông Nghị cầm sổ tiết kiệm lên ngân hàng tất toán để mang tiền qua Pháp làm ăn thì được thông báo "seri trên sổ tiết kiệm của ông và hồ sơ lưu tại ngân hàng không giống nhau". Sổ này đã được thế chấp để vay hơn 10 tỷ đồng, sau đó chuyển sang tài khoản đứng tên ông tại một công ty chứng khoán.
Ông Nghị khẳng định, ngoài các giao dịch gửi tiết kiệm tại phòng giao dịch Hòa Hưng "không có bất cứ giao dịch khác" để vay tiền ngân hàng, hay mở tài khoản chơi chứng khoán. Tuy nhiên, ông thừa nhận trong một số hồ sơ khống cơ quan điều tra thu giữ có chữ ký của ông, chữ viết thì không phải.
Từ đó, ông Nghị yêu cầu HĐXX buộc Agribank phải trả lại số tiền mà Quang đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt.
Đại diện Agribank cho biết, trong các hồ sơ vay vốn cũng như giấy nhận tiền đều có chữ ký của ông Nghị. Việc nhà băng phong tỏa sổ tiết kiệm của khách hàng là để đảm bảo cho việc trả nợ.
Liên quan đến việc Quang ôm 17 tỷ đồng bỏ trốn, bị cáo Đặng Thị Thu Hương (44 tuổi, nguyên phó giám đốc Phòng giao dịch Hoa Hưng) khai tại tòa, chiều 29/1/2015 Quang gọi điện báo xin tiếp quỹ 34 tỷ đồng và 400.000 Euro để giao dịch với ông Nghị. Giám đốc Quang kêu Hương báo với thủ quỹ Chi nhánh Mạc Thị Bưởi chuẩn bị tiền để sáng hôm sau đến lấy. Thấy số tiền quá lớn Hương không đồng ý nên Quang chỉ đạo lấy trước 17 tỷ đồng.
Hương đã phân công Phú Minh Hòa (34 tuổi) là Tổ trưởng phụ trách nhận và áp tải tiền cùng với bảo vệ và tài xế. Sáng 30/1/2015, Hòa đến Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi lấy 17 tỷ đồng áp tải tiền về, còn Quang đi theo để đổi tiền sang ngoại tệ nhằm giao dịch với ông Nghị (khách hàng do Quang phụ trách).
Cơ quan điều tra xác định, nhận tiền tại Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi nhưng Hòa không bỏ vào túi của ngân hàng mà dùng 2 túi riêng do Quang chuẩn bị trước. Nam nhân viên cũng không đi cùng xe chuyên dụng chở tiền mà tự đi xe máy về Phòng giao dịch Hoa Hưng, theo chỉ đạo của Quang.
Quang sau đó đã yêu cầu tài xế chở đến một ngân hàng khác, vờ đổi ngoại tệ nhưng sau đó ôm 17 tỷ đồng bỏ trốn.
Ngoài ra, Quang cùng Hòa còn lập khống hơn chục hồ sơ tín dụng chiếm đoạt 22,45 tỷ đồng của Agribank. Trong đó, Quang được cho là đã chỉ đạo Hòa làm khống hồ sơ tín dụng thế chấp sổ tiết kiệm 400.000 Euro của ông Nghị để vay tiền ngân hàng.
Quá trình thẩm vấn, bị cáo Hòa thừa nhận hành vi nhưng khẳng định "không được hưởng lợi, chỉ làm theo lệnh sếp".
Sau khi nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt Hòa 22 năm tù về các tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Hương nhận hình phạt cảnh cáo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với yêu cầu của ông Nghị, HĐXX cho rằng, Quang đang bỏ trốn nên các chứng cứ liên quan đến hợp đồng tín dụng chưa được làm rõ. Để đảm bảo quyền lợi cho ông Nghị cũng như của ngân hàng, tòa tách vụ việc thành vụ án dân sự khác.
"Do Quang đã làm giả tài khoản chứng khoán đứng tên ông Nghị, chiếm đoạt tiền của ngân hàng nên số tiền còn lại trong tài khoản này cần được tịch thu trả lại cho Agirbank", bản án nêu.
Hải Duyên
Theo VNE
Điều tra cái chết của người đàn ông ở Sài Gòn Người chủ tiệm uốn tóc ngửi mùi hôi thối bốc ra nồng nặc từ căn nhà hàng xóm nên cùng người dân đi kiểm tra thì hốt hoảng phát hiện thi thể người đàn ông Việt kiều đã tử vong trên tầng 4 của căn nhà. Tối 2.5, Công an quận 5 phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM...