Vợ “bầu” Kiên rơi nước mắt khi chia sẻ về cuộc sống gia đình
Tham dự phiên xét xử phúc thẩm người chồng mà mình hết mực tin yêu, bà Đặng Ngọc Lan (SN 1972) đã không kìm được cảm xúc của mình mà bật khóc tâm sự về cuộc sống gia đình trước và sau khi “bầu” Kiên bị bắt.
Trong những lời chia sẻ mộc mạc ấy, người ta còn cảm nhận thấy rõ người phụ nữ xinh đẹp tài năng này còn có một sự tin tưởng tuyệt đối vào người mình yêu thương, không một chút nghi ngờ.
“Thời gian vừa rồi rất kinh khủng với gia đình tôi”
Ngày 2/12, TAND Tối cao tiếp tục ngày làm việc xét xử vụ phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên và những đối tượng liên quan). Cũng như những phiên xét xử trước đó, bà Lan trong trang phục giản dị có mặt từ rất sớm. Mở đầu phiên tòa, bà Lan trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử liên quan đến những văn bản mà mình đã đại diện cho chồng ký vào.
Những ai có mặt tại phiên tòa chứng kiến bà Lan trả lời cũng đều có chung nhận định rằng người phụ nữ này đã đặt trọn niềm tin vào chồng mình. Liên quan đến hợp đồng giao dịch giữa công ty B&B hiện do bà Lan làm Tổng Giám đốc với Ngân hàng ACB vào năm 2008, bà Lan cho biết: “Tôi không để ý tìm hiểu hợp đồng đó chi tiết như thế nào. Khi đó tôi ở nhà, anh Kiên mang hợp đồng về nói tôi ký. Tôi không thường xuyên ký hợp đồng, văn bản mà chỉ ủy quyền khi anh Kiên đi công tác. Trong trường hợp này, tôi ký hợp đồng đó ở nhà, nội dung hợp đồng như thế nào thì tôi không để ý”.
Bà Đặng Ngọc Lan trong phiên tòa.
Đồng thời, bà Lan cũng chia sẻ rằng trong quãng thời gian bà và chồng chung sống với nhau, rất nhiều lần Bầu Kiên mang hợp đồng về nhà ủy thác cho vợ ký hoặc có những khi Bầu Kiên đi công tác xa nhà thì chính bà Lan là người được ủy quyền ký vào các hợp đồng. Nhiều hợp đồng Bầu Kiên đưa về cho bà Lan ký, vì tin tưởng chồng nên có những hợp đồng bà Lan không đọc mà ký luôn. “Tôi tin tưởng anh Kiên, chồng mang về ký thì chẳng hỏi để làm gì, chắc là anh ấy sẽ không đưa tôi ký những cái sai… Tôi được ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng và các loại giấy tờ khác”, bà Lan chia sẻ và cho biết, từ năm 2009, bà ít khi thay chồng ký kết các hợp đồng kinh tế hơn vì mang thai và bận chăm sóc con nhỏ ở nhà.
Trả lời về trách nhiệm của bản thân với những hợp đồng đã ký, bà Lan nói: “Tôi ký với tư cách là môt người vợ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của chồng mình. Bây giờ tôi không thể nói anh Kiên là người chịu trách nhiệm vì đó là chồng tôi…”.
Video đang HOT
Trước câu hỏi của Thẩm phán cho rằng bà là đồng phạm với chồng, mặt bà Lan trùng xuống. Lặng đi một lúc bà Lan xúc động nói từng câu ngắt quãng: “Tôi không nghĩ một ngày mình lại là đồng phạm của chồng. Tôi luôn nghĩ tôi không sai… chồng tôi không sai… vì tôi hành động trên một niềm tin như thế… Tôi không thể phủ nhận tôi không có nhận thức về pháp luật, dù như vậy, có lợi cho tôi hơn. Nhưng tôi mong Hội đồng xét xử có thể hiểu và xem xét trách nhiệm của tôi với một phụ nữ suốt thời gian dài ở nhà chăm con và chỉ thực hiện một số công việc theo chỉ dẫn của chồng.”
Bà Lan cũng cho biết thêm: “2 năm vừa rồi là thời gian kinh khủng với gia đình tôi. Tôi còn phải chăm 3 con. Mọi người quá sợ hãi không dám làm tiếp các công việc kinh doanh. Tôi là người chưa bao giờ phải đứng ra lo công việc. Nhưng đấy là 2 năm vừa rồi chứ trước đó tôi không làm gì hết mà chỉ làm công việc của phụ nữ ở nhà thôi”.
Vào ngày 28/11, khi kết thúc ngày xét xử phúc thẩm đầu tiên, bà Lan đã tiễn chồng ra tận xe thùng. Trong những phút gặp gỡ ngắn ngủi, bà Lan dặn Bầu Kiên phải uống thuốc đầy đủ, đừng để bị ngất xỉu như một bị can khác tại tòa. Theo lời Luật sư bào chữa cho Bầu Kiên, kể từ khi bị bắt giam đến nay, Nguyễn Đức Kiên chưa từng gặp gỡ vợ con và người thân. Thông qua Luật sư bào chữa, người đàn ông tóc bạc này nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ tình cảm kịp thời từ phía gia đình. Đặc biệt người vợ trẻ và ba cậu con trai luôn dành tình yêu thương cho Nguyễn Đức Kiên.
Cậu con trai lớn của Bầu Kiên đã viết thư động viên bố và hứa cố gắng chăm sóc hai em trai nhỏ đã làm bầu Kiên phần nào an tâm về gia đình khi thiếu vắng mình trong một thời gian dài. Lúc này đây, đại gia Bầu Kiên từng sở hữu cả nghìn tỷ đồng trong tay mới thấm thía giá trị của hai từ tự do, đôi khi có nhiều tiền cũng không thể mua được.
Xét xử phúc thẩm “bầu” Kiên và đồng phạm.
Người thân cũng nặng trĩu nỗi niềm
Ngoài sự có mặt của bà Đặng Ngọc Lan tại phiên xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên, còn có nhiều người thân của bị cáo. Một trong những người thân của Bầu Kiên đến tòa sớm nhất trong mấy ngày hôm nay là người em trai – ông Nguyễn Đức Cương. Không giống như những người thân khác cùng ngồi ô tô đến tòa, ông Cương đi xe máy tới tòa. Vừa tới nơi, ông Cương vội vàng gửi xe rồi tiến thẳng vào trong phòng xử án với khuôn mặt buồn rượi.
Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm người anh trai của mình vào khoảng cuối thắng 5/2014, ông Cương luôn một mình lặng lẽ đến tòa theo dõi với sự cần mẫn. Tuy nhiên do có trục trặc về giấy tờ nên khi đó ông Cương không được vào bên trong. Tuy vậy người đàn ông này vẫn kiên trì đứng ngoài phiên tòa xử sơ thẩm anh mình. Đồng thời lúc đó ông Cương cũng thổ lộ đang viết một bài hát tặng riêng anh trai trong lúc sóng gió này.
Theo ông Cương cho biết, mặc dù giữa mình và anh trai lựa chọn hai con đường lập nghiệp khác nhau nhưng tình cảm dành cho nhau luôn đầy ắp. Ông Cương tâm sự Bầu Kiên là anh cả trong gia đình có 4 anh em, ông là thứ hai. Hai anh em giống nhau ở niềm đam mê thể thao nhưng Bầu Kiên nổi tiếng trong giới tài chính – ngân hàng, ông Cương lại theo con đường văn hóa nghệ thuật. Hiện ông đang là Phó Chủ nhiệm phụ trách điều hành CLB Văn hóa Nghệ thuật Thăng Long (Trung tâm văn hóa TP Hà Nội).
“Từ bé, anh Kiên đã có một trí nhớ gần như chụp ảnh tất cả các sự kiện, sau này anh Kiên học ở Hungary, anh ấy nói tiếng Hungary như tiếng mẹ đẻ. Bây giờ sức khỏe anh yếu đi nhưng khả năng nhớ đặc biệt đó vẫn không suy giảm” – ông Cương nói và chia sẻ thêm: “Anh Kiên nói rất thật lòng và mong mẹ cùng các em thông cảm vì sao anh không cho các em giữ vị trí quan trọng ở ngân hàng dù mình hoàn toàn có đủ khả năng làm điều đó. Lời này anh cũng dành nói với tôi vì trước đây nhiều lần anh nói tôi thông minh nhưng anh không “dùng” vì anh thấy các rủi ro trong kinh doanh, không muốn các em phải chịu các rủi ro này, cũng giống như đi máy bay, hai anh em không nên đi cùng một chuyến”.
Một người em khác của Bầu Kiên cũng có mặt tại phiên tòa vào sáng ngày 2/12 là Nguyễn Thúy Hương. Cũng giống như những người thân khác trong gia đình, bà Hương xuất hiện chóng vánh rồi đi nhanh vào trong sau khi xuất trình giấy tờ hợp lệ để tham gia phiên tòa. Bà Hương tham gia với tư cách là người liên quan đến những tội danh của anh trai mình, phần trả lời trước Hội đồng xét xử cũng được bà Hương nói rất ngắn gọn và kết thúc nhanh chóng.
Trước đó, ngày 9/6, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị VKSND Tối cao truy tố về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Các bị cáo: Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác đã làm đơn kháng cáo.
Theo Khampha
Thêm 2 bị cáo vụ bầu Kiên kháng án
Chiều 2/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Tòa vừa nhận được đơn kháng cáo của 2 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm. Như vậy, hiện tại đã có 6 bị cáo làm đơn kháng cáo trên tổng số 8 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này.
Trước đó, Tòa đã nhận được đơn kháng cáo của 4 bị cáo, gồm: Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang và Huỳnh Quang Tuấn. Đến nay, danh sách kháng cáo được bổ sung thêm 2 bị cáo nữa là: Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Cang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB).
Lê Vũ Kỳ (áo xanh, trái) nghe Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra đề nghị mức án
Đơn kháng cáo của Lê Vũ Kỳ có nêu rõ, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Kỳ đã nhận thức rõ các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng ACB, tuy nhiên bị cáo Kỳ mong được Tòa cấp phúc thẩm xem xét thêm về nhận thức và vai trò hoàn toàn thụ động của bị cáo trong việc ban hành các Nghị quyết của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB. Qua đó, bị cáo Kỳ mong được Tòa cấp phúc thẩm cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Kỳ đưa ra lý do bị cáo chưa có điều kiện tham gia các chương trình đào tạo về quản lý kinh tế và chưa được học các kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin. Do đó, hiểu biết và nhận thức của bị cáo về các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Điều này đã dẫn đến sai phạm khi bị cáo đồng ý với chủ trương đầu tư cổ phiếu và ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. Bị cáo Kỳ mong Tòa cấp phúc thẩm chiếu cố hoàn cảnh của bị cáo về tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh tật... để cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.
Trong đơn kháng cáo dài 2 trang, bị cáo Phạm Trung Cang phân tích về 2 hành vi mà bị cáo bị Tòa kết tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, bị kết án 3 năm tù) chào gia đình sau khi phiên tòa xét xử kết thúc
Thứ nhất là việc bị cáo Cang tham gia cuộc họp HĐQT Ngân hàng ACB (ngày 22/3/2010) để ra chủ trương cho phép ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. Về hành vi này, bị cáo Cang đưa ra thời điểm ngày 31/10/2010, bị cáo Cang đã làm đơn từ nhiệm HĐQT, thường trực HĐQT tại Ngân hàng ACB để bị cáo Cang sang làm việc tại Ngân hàng Eximbank. Theo đó, từ ngày 1/1/2011 trở đi, bị cáo Cang không còn chịu trách nhiệm về những hoạt động diễn ra tại ACB. Trong khi đó, việc 19 nhân viên của ACB đi gửi tiền tại Vietinbank xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9/2011. Do vậy, bị cáo Cang cho rằng sai phạm này không thuộc về trách nhiệm của bị cáo Cang.
Thứ hai, bị cáo Cang nêu rằng: Hành vi ký chủ trương "cấp hạng mức đầu tư 700 tỷ đồng để mua cổ phiếu có giá tốt trên thị trường" là chỉ đạo bình thường của Thường trực HĐQT đối với hoạt động Ngân hàng. Bị cáo hoàn toàn không có chủ trương cấp tín dụng để mua cổ phiếu của ACB. Việc thực hiện sai chủ trương đó của Thường trực HĐQT, bị cáo Cang khẳng định phải do chính cá nhân Nguyễn Đức Kiên và những người khác chịu trách nhiệm. Bị cáo Cang nói rằng bị cáo không phạm tội "khi ra chủ trương không vi phạm pháp luật". Trên cơ sở phân tích 2 hành vi này, bị cáo Cang đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh cho bị cáo.
Như vậy, cả hai bị cáo đều không kháng cáo toàn bộ tức là đồng ý và thừa nhận có sai phạm theo kết luận của cơ quan điều tra và chỉ không chấp nhận phần xác định vai trò sai phạm của mình trong vụ án.
Thanh Vân (tổng hợp)
Theo NTD
Phúc thẩm "bầu" Kiên: Lý Xuân Hải "nổi đóa" khi biết "bầu" Kiên mua cổ phiếu ACB Về hành vi cố ý làm trái, tòa phúc thẩm đã thẩm vấn các bị cáo về nội dung cuộc họp dẫn tới quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng và gây thiệt hại 687 tỷ đồng cho ngân hàng ACB. Chiều 3/12, HĐXX thẩm vấn làm rõ hành vi đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB gây thiệt hại cho Ngân...