VNPT, VTC tham chiến thị trường du lịch trực tuyến
Các doanh nghiệp ICT như VNPT và VTC đã chính thức nhảy vào thị trường du lịch trực tuyến với những giải pháp quản lý dịch vụ du lịch tổng thể trên nền tảng thông minh do chính các doanh nghiệp này nghiên cứu và phát triển.
Giải pháp quản lý du lịch thông minh iGuide do VTC phát triển.
Những năm gần đây, thị trường du lịch trực tuyến, đặt phòng trực tuyến có xu hướng phát triển mạnh, nhưng theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, có tới 70% thị phần du lịch trực tuyến nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Gần đây một số tập đoàn, công ty công nghệ của Việt Nam đã chính thức nhảy vào cung cấp giải pháp và dịch vụ cho ngành du lịch trực tuyến.
Theo tin từ Tổng công ty VTC, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trực thuộc VTC đang nghiên cứu và phát triển ứng dụng du lịch thông minh iGuide. iGuide là giải pháp tổng thể quản lý du lịch thông minh tiện lợi cho cả du khách và Ban quản lý địa điểm du lịch.
iGuide gồm có các thành phần: app người dùng, hệ thống quản trị địa điểm, quản trị hệ thống. Đối với du khách khi dùng ứng dụng iGuide sẽ được trải nghiệm một phương thức du lịch hoàn toàn mới, với hướng dẫn viên du lịch thông minh và giải pháp mua vé tham quan hiện đại, nhanh chóng. Ban quản lý địa điểm du lịch sẽ dùng iGuide để quản lý vật phẩm tối ưu, kiểm soát, đối soát được lượng khách tham quan.
iGuide là giải pháp tổng thể, từ hệ thống quản lý trung tâm cho chủ quản địa điểm đến phần mềm ứng dụng đầu cuối cho du khách. Giải pháp có những tính năng nổi bật như: Mạng xã hội, tra cứu, thông tin, bản đồ, chỉ dẫn, đa ngôn ngữ, thanh toán.
Đối với du khách, khi sử dụng sẽ đem đến trải nghiệm mới của một ứng dụng thông minh như tự khám phá, tự trải nghiệm phong phú (ảnh, audio, video, 360 độ), đặc biệt người dùng có thể sử dụng ứng dụng khi không có Internet.
Hướng dẫn viên du lịch thông minh sẽ hướng dẫn du khách tra cứu thông tin về địa địa tham quan, tra cứu về vật phẩm du lịch dễ dàng.
Còn với Ban quản lý địa điểm du lịch sẽ theo dõi được lượng khách quan quan, đối tượng khách, số vé bán ra, số tiền tự động trên hệ thống.
Với giải pháp quản lý du lịch thông minh, VTC dự kiến sẽ triển khai mô hình hợp tác kinh doanh với các Ban quản lý địa điểm du lịch như chia sẻ doanh thu bán vé, bán dịch vụ hướng dẫn du lịch, bán ứng dụng, cho thuê dịch vụ quảng cáo… VTC sẽ khai thác kinh doanh theo hình thức cung cấp hệ thống phần mềm, xây dựng nội dung, triển khai hạ tầng thiết bị, phụ trách bán dịch vụ cho khách có smartphone, cho thuê thiết bị hướng dẫn cho khách…
Video đang HOT
Trên nền tảng giải pháp iGuide, dự kiến VTC sẽ chính thức ra mắt ứng dụng du lịch trực tuyến VN Tuor trong thời gian tới.
Một trong những trải nghiệm du lịch trên iGuide.
Ngành du lịch Việt Nam có những bước tăng trưởng khá tốt trong hai năm trở lại đây. Theo số liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2017 đạt 12.9 triệu khách, tăng 29%. Tổng thu đạt 515.000 tỷ đồng, tăng 25,2%, trong đó dịch vụ thăm quan đạt 40.600 tỷ đồng, chiếm 7.9%. Năm 2018, lượng du khách tăng đáng kể so với cùng kỳ đạt 15,6 triệu khách, tăng 29 %, tổng thu tăng 22,5%.
Tuy nhiên, ngành kinh doanh du lịch truyền thống có nhiều hạn chế, ví dụ: Khách phải đi theo tour, ngôn ngữ hướng dẫn chưa đầy đủ, thiếu thông tin chỉ dẫn, khách phải tìm đổi ngoại tệ khi mua vé tham quan, phải xếp hàng để mua vé, ban quản lý không có giải pháp quản lý vật phẩm thống nhất, khó kiểm soát được lượng khách.
Ứng dụng các nền tảng công nghệ mới trong hoạt động du lịch là xu hướng đang diễn ra trên toàn thế giới và nó cũng chính là chủ đề của Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019. Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực du lịch đang diễn ra khá mạnh mẽ. Hiện đã có nhiều ứng dụng của các công ty du lịch được đưa vào sử dụng, đã và đang góp phần gia tăng các trải nghiệm của du khách, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tương tác giữa các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch.
Mới đây, Tập đoàn VNPT đã chính thức ra mắt ứng dụng du lịch thông minh mang tên VietNamGo. Đây sẽ là một kênh thông tin chính thống của ngành Du lịch Việt Nam.
Ứng dụng du lịch thông minh VietnamGo được VNPT xây dựng nhằm cung cấp các thông tin như: cẩm nang thông tin du lịch, cách thức đi lại, khí hậu từng vùng miền mà du khách lựa chọn, các điểm đến nổi bật, đặc sản theo địa phương, các món ẩm thực đặc trưng… Ứng dụng hỗ trợ hai ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh và tiếng Việt và hiện đã có cả phiên bản dành cho smartphone chạy Android và iOS.
Đặc biệt, ứng dụng còn hỗ trợ một số công nghệ hiện đại như ảnh 360, thăm quan 3D và thực tế ảo tăng cường. Hiện nay ứng dụng này đã được tập đoàn VNPT triển khai tại 27 tỉnh/thành phố trên cả nước và sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong thời gian tới.
Theo ITCNews
Số hóa để du lịch Việt Nam 'cất cánh'
Số hóa đang là xu thế tất yếu của du lịch toàn cầu. Ở Việt Nam, với số người sử dụng điện thoại thông minh rất cao thì việc phát triển du lịch thông minh, du lịch số là cơ hội để du lịch Việt Nam cất cánh.
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Du lịch thời... số hóa
Được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch cho gia đình đi du lịch vào kỳ nghỉ lễ sắp tới, chị Bùi Minh Hiền (Hà Nội) lập tức lên mạng, tìm hiểu thông tin về các tour du lịch, những điểm vui chơi nên đến trong dịp Tết. Sau khi tìm hiểu kỹ càng, từ điểm đến, phương tiện di chuyển, nhà hàng ăn uống, khách sạn..., chị Hiền tiến hành đặt các dịch vụ cho chuyến đi của gia đình ngay trên mạng.
"Năm nào gia đình tôi cũng có từ 1-2 chuyến đi du lịch trong các kỳ nghỉ. Có lúc thì chọn mua tour từ công ty du lịch, có lúc chúng tôi tự tìm điểm đến, tự đặt vé máy bay hoặc tàu xe, đặt phòng khách sạn... để có một lịch trình chủ động cho gia đình. Trước đây, mỗi lần gia đình muốn đi du lịch, nếu không mua tour từ công ty du lịch, tôi thường phải nhờ người quen giúp đỡ, giới thiệu. Còn bây giờ thì rất đơn giản, tôi chỉ cần tìm hiểu thông tin về điểm đến trên mạng, rồi đặt tất cả các dịch vụ qua mạng internet từ điện thoại hoặc máy tính", chị Hiền nói.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đưa hệ thống thuyết minh tự động vào phục vụ du khách.
Những du khách lựa chọn và đặt dịch vụ qua mạng như chị Hiền hiện nay rất nhiều. Có thể nói, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, quyết định hành trình của du khách phụ thuộc rất lớn vào những thông tin họ có được qua các kênh thông tin trực tuyến. Từ khả năng tiếp cận của điểm đến, đến cơ sở vật chất, các các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ du lịch đi kèm... Không những thế, du khách còn được tham khảo những sản phẩm du lịch cũng như đánh giá của người tham quan trước đó về điểm nghỉ ngơi, tham quan...
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam vào danh sách những thị trường du lịch có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Những năm gần đây, ngành Du lịch Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ. Từ vị trí thứ 5 Đông Nam Á năm 2016, Việt Nam trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á năm 2018. Sự phát triển này có được là nhờ phần lớn vào những tiến bộ của công nghệ thông tin như internet, mạng xã hội, ứng dụng di động, du lịch trực tuyến...
Du khách tham quan phố cổ Hội An trên phương tiện xe xích lô. Ảnh: Minh Đông/TTXVN
Cơ hội để du lịch cất cánh
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cơ hội để du lịch toàn cầu nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng phát triển. Xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để ra quyết định cho chuyến đi và các hoạt động du lịch đang ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, việc hỗ trợ cung cấp các thông tin du lịch qua mạng internet, mạng xã hội, ứng dụng di động, du lịch trực tuyến... có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với công tác quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%, trong đó 70% khách sử dụng các dịch vụ trực tuyến ở độ tuổi dưới 35 tuổi. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam...
"Từ các số liệu thống kê cho thấy, khách du lịch sử dụng internet, các tiện ích thông minh, các thiết thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến... ngày càng có xu hướng gia tăng. Họ đang trực tiếp trở thành những vị 'khách du lịch thông minh' - nhân tố quan trọng của du lịch thông minh", TS Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) chia sẻ.
Nhà cộng đồng tại Homestay Mường Then. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Hiện nay, 100% cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã có website du lịch. Một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ du khách.
Năm 2018, Hà Nội đưa vào sử dụng 2 phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long. Một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide... cũng được đưa vào sử dụng từ lâu.
Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng phần mềm du lịch thông minh "Vibrant Ho Chi Minh city" và một số phần mềm tiện ích khác như "Sai Gon Bus", "Ho Chi Minh City Travel Guide", "Ho Chi Minh City Guide and Map". Đà Nẵng xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như "Da Nang Tourism", "inDaNang", " Go! Đà Nẵng", "Da Nang Bus"...
Các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng đã có website riêng. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động kinh doanh trực tuyến, từ marketing, quảng bá sản phẩm, đến nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán... để nắm bắt nhu cầu của khách hàng.
"Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, nó sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành du lịch của Việt Nam và du lịch thế giới", TS Lê Quang Đăng cũng khẳng định.
Báo Tin tức
VNPT, Cục Bưu điện Trung ương sẵn sàng ứng trực, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt dịp Tết Đại diện Tổng Công ty hạ tầng mạng VNPT và Cục Bưu điện Trung ương đã chủ động kiểm tra, nâng cấp năng lực mạng lưới, phòng ngừa các nguy cơ, bố trí ứng trực 24/7, đảm bảo không được phép gián đoạn thông tin liên lạc trong những ngày Tết Nguyên đán 2019. Chiều ngày 30 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (4/2/2019),...