VN cần tiến hành thủ tục pháp lý khởi kiện TQ ra Tòa án quốc tế
Nhiều học giả cho rằng, trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu để tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về luật biển.
Từ ngày 2/5 đến ngày 15/7, Trung Quốc đã duy trì một lực lượng lớn tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 và tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên vùng biển chủ quyền.
Tại Hội thảo thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” diễn ra vào ngày 26/7, các học giả đều có chung nhận định, Biển Đông là vùng biển có vị trí địa chính trị rất quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á mà còn đối với cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại quốc tế bình thường trên Biển Đông là quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia.
Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các học giả cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và Thỏa thuận về nguyên tắc 6 điểm giải quyết tranh chấp trên Biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011. Đồng thời, hành vi này đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được quy định tại Điều 56,77 và 81 Công ước 1982; Ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế; đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới; làm tổn hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp quốc.
Các học giả đã thống nhất rằng, một môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không và an ninh của các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Hội thảo cũng đã phân tích sâu sắc vai trò Asean và các quốc gia ngoài khu vực đối với tình hình bất ổn hiện nay ở Biển Đông. Theo các học giả, với tư cách là tổ chức quốc tế khu vực, Asean cần tăng cường đoàn kết, hợp tác hơn nữa nhằm thống nhất ý chí chung của khối, hành động có trách nhiệm, đúng luật pháp quốc tế để tiến tới cùng Trung Quốc ký COC để kiểm soát và giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Video đang HOT
Các học giả đều chung nhận định rằng, vì lợi ích và sự phát triển chung của khu vực và thế giới, các tranh chấp, xung đột hiện nay trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982. Không bên nào được quyền hành xử đơn phương, áp đặt, trái luật pháp quốc tế bằng cách sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia khác. Do đó, các quốc gia trong khu vực phải tận tâm, thiện chí hợp tác để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi nhằm duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mỗi quốc gia phải được bảo đảm. Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, tuân thủ và thực hiện tromg đó có Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982.
Các học giả đã bàn về những ưu điểm và hạn chế của việc áp dụng các biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến Chương Liên Hợp quốc và Công ước của Liên Hợp quốc năm 1982. Về thực tiễn, các biện pháp chính trị ngoại giao là một biện pháp giải quyết tranh chấp đã được nhiều quốc gia sử dụng từ trước tới nay. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao sẽ được các bên tranh chấp tuân thủ, thực hiện bởi đó chính là kết quả của sự thoả thuận ý chí, quyền lợi ích của các quốc gia hữu quan. Do vậy, việc Việt Nam đã, đang kiên trì sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc là một giải pháp tích cực và có triển vọng.
Tuy nhiên, một số học giả và đại biểu cho rằng, trước tình hình và diễn biến trên Biển Đông hiện nay, và nhất là khi Trung Quốc không thiện chí để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao thì trong trường hợp cần thiết, Việt nam cũng nên cân nhắc việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan với Trung Quốc. Bởi lẽ, khi các biện pháp chính trị-ngoại giao đã được sử dụng nhưng không mang lại kết quả thì sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp là sự lựa chọn khôn ngoan, hòa bình, văn minh được luật quốc tế thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Vì trật tự của thế giới vẫn phải được vận hành trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Nhiều học giả cho rằng, trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu để tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982 để kiện về việc Trung Quốc hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bởi vì, theo quy định của Phụ lục VII, Công ước 1982, Tòa trọng tài quốc tế về luật biển có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về giải thích và dụng Công ước ngay cả khi Trung Quốc từ chối tham gia. Tuy nhiên, các học giả kiến nghị, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản các chứng cứ pháp lý, lịch sử và nội dung để khởi kiện khi thấy cần thiết. Đặc biệt là, cần nghiên cứu kỹ để vận dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” để chứng minh cho luận điểm và các tuyên bố của mình đối với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông theo Công ước 1982. Ngoài ra, các học giả cũng kiến nghị, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý như Singapo, Malaysia, Guyana, Suriname, Indonesia, Thái Lan… Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm gần đây của Philippines cả về việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cũng như kinh nghiệm đối phó với những phản ứng về chính trị, kinh tế, ngoại của Trung Quốc để chống lại vụ kiện tại Toà trọng tài quốc tế về luật biển. Mặt khác các học giả kiến nghị, nếu Việt Nam quyết định biện pháp thì cần lựa chọn một số điểm rất cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh để chứng minh mà cụ thể là tập trung vào những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là khả thi nhất trong thời điểm hiện nay.
Kết quả của hội thảo này sẽ được Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp thành Kỷ yếu Khoa học. Các kiến nghị khách quan, khoa học của các học giả và đại biểu tham dự hôm nay sẽ được gửi cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam và cơ quan, tổ chức quốc tế trong thời gian sớm nhất.
HẢI ANH
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Nhà giàn DK1 cột mốc chủ quyền giữa biển khơi
7 chiến sĩ đã hy sinh, hàng trăm chiến sĩ khác vẫn vững vàng bám trụ suốt 25 năm qua trên nhà giàn với mục đích cao cả là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Ngày 4/7, trong lúc các chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Nhà giàn DK1, thiếu tá Bùi Xuân Bổng lại khăn gói lên đường để tiếp tục nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Ông là một trong những người tiên phong, suýt bỏ mình giữa biển khi cùng đồng đội đến vùng biển đảo phía Nam bảo vệ nhà giàn những ngày đầu tiên.
Thiếu tá Bổng - Chỉ huy trưởng nhà giàn từ khi 23 tuổi. Đó cũng là năm đầu tiên ông Bổng được chuyển từ quân chủng Phòng không sang quân chủng Hải quân. Lạ lẫm với lần đầu tiên ra biển, song người sĩ quan trẻ vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ với quyết tâm giữ vững biển đảo.
Nhà giàn DK1 - cột mốc chủ quyền giữa biển khơi. Ảnh: Tiểu đoàn DK1
Ông cho biết, DK1 khi ấy chỉ có 3 nhà giàn và đều được xây dựng khá thấp, vị trí trọng yếu chỉ cách mặt nước chừng 6 mét. Khung thép không được vững vàng như hiện nay, các chân giàn chỉ mới cắm xuyên qua pông tông đặt trên nền san hô chứ chưa có hệ thống bám rễ. Việc thi công nhà giàn cũng được triển khai hầu hết các công đoạn từ trong đất liền, sau đó kéo ra vị trí cần dựng, thả chìm xuống đáy biển rồi tiếp tục bơm bêtông xuống.
Sau gần một năm bám biển với tinh thần vừa làm việc vừa thích nghi, đến khoảng 24h ngày 4/12/1990, một cơn bão đi ngang khiến nhà giàn DK1/3 đã bị nghiêng chừng 15 độ. Trên giàn lúc đó có tất cả 8 chiến sĩ. Ông Bổng động viên anh em cố bám giữ nhà giàn đồng thời chuẩn bị phao và các thiết bị chuyên dụng kết nối lại với nhau, đề phòng khi nhà giàn đổ. "Đến khoảng 2h sáng hôm sau, một đợt sóng lớn ập xuống khiến cho cả nhà giàn đổ chìm xuống nước. Mọi người bị sóng đánh văng khắp nơi, không thể liên kết lại với nhau như dự tính trước đó", giọng ông Bổng trầm lại.
Mỗi người lúc này tự tìm kiếm những chiếc phuy, can nhựa hoặc bất cứ thứ gì có thể bấu víu để chịu đựng những cơn sóng dữ cứ quật thẳng vào người. Ông Bổng gọi đồng đội đến khản giọng nhưng không ai trả lời. Trời dần sáng. Nhiều giờ sau đó vẫn không thấy lực lượng cứu hộ. Thời điểm cuối năm, nước biển rất lạnh.
"Sau đúng 14 giờ lênh đênh trên mặt biển, mọi hy vọng đều đã tắt dần. Cơ thể rã rời gần như tê liệt, chỉ cần buông tay là tất cả kết thúc. Đúng lúc này tôi thấy thấp thoáng tàu của những đồng đội. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ chỉ vớt được 5 người, 3 đồng chí còn lại của tôi đã không thể tìm thấy", ông Bổng kể.
Tài liệu của Tiểu đoàn DK1 cho hay, sau sự kiện đánh chiếm đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, Trung Quốc tiếp tục tổ chức đánh chiếm trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đứng trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng và lợi ích lâu dài của đất nước, Việt Nam quyết tâm phát triển cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu vực bãi đá ngầm thềm lục địa phía Đông và Đông Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngày 5/7/1989, nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng xong với tên gọi nhà giàn Tư Chính A (DK1/1), tiếp đó là nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) rồi nhà giàn Ba kè A (DK1/4). Đây là những nhà giàn đầu tiên được xây dựng trên những bãi đá ngầm hoặc bãi san hô của những hòn đảo chìm thuộc khu vực vùng biển phía Đông và Đông Nam. DK1 là sự kiện quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong suốt 25 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi hiểm nguy để giữ gìn bình yên cho vùng biển và thềm lục của Tổ quốc. Đến nay, đã có 7 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn DK1 anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trải qua nhiều phong ba bão táp, các nhà giàn DK1 vẫn hiên ngang trụ vững giữa ngàn khơi. Nơi ấy không chỉ khẳng định cột mốc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, mà còn khẳng định sự kiên cường, quyết tâm giữ biển đến cùng của chiến sĩ nhà giàn, dù đó là nơi khó khăn, gian khổ.
Thiếu tá Bùi Xuân Bổng trước giờ ra nhà giàn DK1. Ảnh: Xuân Mai
Phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập DK1, đại tá Trương Công Thế cho biết, ngoài việc khẳng định chủ quyền biển đảo, DK1 còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân, là nguồn động viên to lớn để bà con bám biển. "Có thể khẳng định, suốt 1/4 thế kỷ qua, trước nhiều biến cố của tình hình thế giới và khu vực, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 luôn đoàn kết một lòng, vững vàng nơi đầu sóng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia", Đại tá Thế nói.
Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực đó, năm 2005, Tiểu đoàn DK1 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Từ năm 2007 đến 2013 được Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu "Đơn vị quyết thắng". Năm 2009 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì... Mới đây, liệt sĩ - Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trước đây, nhà giàn DK1 chưa có sóng điện thoại nên việc liên lạc vào đất liền rất khó khăn. Từ chỗ thiếu thốn mọi thứ, giờ đây trên mỗi nhà giàn đều được trang bị các tủ sách báo, máy vi tính, tivi, đầu đĩa CD, VCD, karaoke... để cán bộ, chiến sĩ thư giãn, cập nhật tin tức thời sự của cả nước mỗi ngày. Các chiến sỹ còn tự chăn nuôi, trồng rau tăng gia sản xuất để hỗ trợ nguồn lương thực tươi sống ngay tại nhà giàn.
Còn theo thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), với vị trí địa lý chiến lược nên vùng biển, DK1 có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta. Do vậy, việc tiếp tục duy trì sự ổn định, hòa bình và giữ vững chủ quyền vùng biển DK1 là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị trong thời gian tới.
"Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông như hiện nay, nhiệm vụ của đơn vị là hết sức nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đều xác định tốt tư tưởng, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng để mãi mãi là cột mốc chủ quyền giữa biển khơi của Tổ quốc", Thượng tá Dĩnh nói.
Theo VnExpress
Học giả thế giới: Mỹ, Nhật có thể kiện "đường lưỡi bò" Đó là một trong những đề xuất của GS Jerome Cohen thuộc Trường Luật - Đại học New York (Mỹ), một học giả uy tín về luật pháp quốc tế, đặc biệt về những vấn đề liên quan Trung Quốc, tại hội thảo quốc tế ở Việt Nam mới đây, được GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) lược thuật trên tạp...