V.League trước bài toán khó duy trì phong độ và thể lực
Thời điểm cả nước đang giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhiều CLB cho quân xả trại hoàn toàn, nhưng cũng có đội vẫn đang ở chế độ tập duy trì tại các khu riêng biệt. Dẫu thế, bài toán giữ phong độ và thể lực cho các cầu thủ khi giải tái khởi tranh đang khiến ban huấn luyện nhiều đội rất đau đầu.
Nghỉ lâu nhất là Than.QN và CLB TP.HCM. Thế nên, dù tự ý thức tập luyện hàng ngày, nhưng như thủ môn Bùi Tiến Dũng (TP.HCM) thú nhận: “Vẫn không thể bằng lúc tập cùng cả đội”. Trong khi đó, các CLB như Viettel, DNH Nam Định, HL Hà Tĩnh… ban đầu cho các cầu thủ tập tại chỗ vì có khu riêng biệt, nhưng sau đã quyết định xả trại.
GĐKT Nguyễn Văn Sỹ của Nam Định cho biết: “Do chưa xác định thời gian giải khởi tranh lại, nên chúng tôi đành cho các cầu thủ có gia đình về tự tập. Trong lúc các cầu thủ ở xa và trẻ vẫn tập trung và mỗi ngày tập duy trì cùng HLV thể lực, nhưng khi giải khởi tranh chúng tôi phải cần ít nhất từ 2 đến 3 tuần để lấy lại phong độ”.
Các CLB B.BD, HAGL, SLNA… do có trung tâm riêng và cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, nên thời gian qua vẫn tập thường xuyên. HLV Nguyễn Thanh Sơn của B.BD chia sẻ: “Do chúng tôi vẫn tập duy trì thường xuyên, nên khi giải khởi tranh trở lại sẽ không gặp nhiều trở ngại, nhưng các đội nghỉ lâu nên sẽ hơi vất vả. Cũng bởi do các đội tập duy trì không giống nhau, nên có lẽ cần khoảng từ 3 đến 4 tuần để các đội tập luyện trước khi bước vào thi đấu lại”.
Tuấn Thành
Cầu thủ Việt Nam rộng lượng không kém đồng nghiệp trên thế giới
So với nhiều nền bóng đá hàng đầu thế giới như Anh, Italia... đang kiên quyết đấu tranh để không giảm lương cầu thủ, bóng đá Việt Nam đã có nhiều CLB tiên phong trong việc này như TP.HCM, DNH Nam Định.
Dù đây là thời điểm khó khăn của dịch bệnh Covid-19 hoành hành toàn cầu nhưng liên quan đến tiền nong là một câu chuyện nhạy cảm và không dễ có tiếng nói chung.
Nổi tiếng nhất gần đây chính là sự việc cựu tuyển thủ quốc gia Anh Wayne Rooney khẳng định mình và các đồng nghiệp ở quốc gia này sẵn sàng giảm tiền lương để hỗ trợ các nhân viên y tế. Tuy nhiên, Rooney chỉ làm điều đó nếu mọi quyết định được công khai và minh bạch.
Rooney đã phản ứng rất gay gắt: "Thật kỳ lạ khi mọi quyết định đều đến từ sau những cánh cửa đóng kín. Tại sao người ta lại gây áp lực, buộc các cầu thủ phải trả hóa đơn cho những ông chủ giàu có khi họ thất thu? Các cầu thủ như dê tế thần".
Cùng quan điểm với Rooney, huyền thoại Gary Lineker cũng đặt câu hỏi nghi ngờ khi những người siêu giàu trong xã hội, những triệu phú USD không hành động như các cầu thủ: "Chúng ta có biết được liệu những ông chủ ngân hàng, CEO, tỷ phú, liệu họ có chung tay ủng hộ".
Hiệp hội Cầu thủ bóng đá Anh (PFA) và BTC Premier League (giải Ngoại hạng Anh) vừa có cuộc họp để lắng nghe đề xuất giảm 30% lương mọi cầu thủ ở các CLB. Tuy nhiên, vấn đề này giữa các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Nếu điều này thành hiện thực, các CLB của giải Ngoại hạng Anh sẽ tiết kiệm được hơn 600 triệu USD.
Tình hình hiện tại ở các CLB đang rối rắm khi nhiều đội đã bị phản ứng mạnh mẽ do cắt lương các nhân viên. Mới đây, CLB Liverpool đã phải xin lỗi tất cả khi bị dư luận phản ứng dữ dội vì chỉ muốn trả 20% số tiền lương cho các nhân viên, 80% phần lương còn lại sẽ đến từ Quỹ trợ cấp của chính phủ Anh.
Không dư dả về tài chính nhưng cầu thủ Nam Định (trái) vẫn sẵn lòng giảm lương để giúp CLB. Ảnh: VPF
Dư luận Anh chỉ trích Liverpool nên tự xấu hổ vì có doanh thu khủng hàng năm nhưng lại nương nhờ Chính phủ lúc khó khăn. Mới đây, đội bóng thành phố Cảng đã quyết định rút lại ý định này và phải trả 100% lương cho nhân viên từ tiền của CLB.
Ở Itay, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19 thì ngoại trừ Juventus tự nguyện giảm lương hay cắt lương từ tháng 3 đến tháng 6, Hiệp hội cầu thủ Italia và BTC giải Serie A và Serie B vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giảm lương cầu thủ. Đơn giản bởi không phải cầu thủ nào cũng giàu có như Cristiano Ronaldo (đồng ý cắt 4 tháng lương ở Juventus).
So với câu chuyện ở Anh, Italy, những quốc gia có giải đấu mạnh hàng đầu thế giới và cầu thủ cũng có mức thu nhập khổng lồ, cầu thủ Việt Nam không thể so sánh. Ngay cả với giải VĐQG Malaysia mà cầu thủ nhận tiền lương cao số 1 Đông Nam Á, cầu thủ V-League cũng "hít khói".
Thế nhưng, Hiệp hội cầu thủ Malaysia đã tuyên bố không có chuyện cầu thủ phải cắt giảm lương trong tình hình hiện tại, dù giải Malaysia Super League cũng trì hoãn vô thời hạn do dịch bệnh Covid-19.
Ở thời điểm hiện tại, không kể nhiều CLB hạng Nhất Việt Nam chỉ có mức thu nhập khoảng 5-10 triệu đồng/tháng/cầu thủ. Còn V-League hiện tại, tiền lương của nhiều cầu thủ cũng từ 8-25 triệu đồng/tháng.
Không kể ngoại binh, rất ít những cầu thủ nội có mức thu nhập 30-50 triệu đồng và việc giảm lương của họ ở thời điểm hiện tại không hề dễ thở cho gia đình, người thân. Tuy nhiên, những hành động như của Công Phượng, Đỗ Merlo cũng cho thấy khi đứng trước khó khăn, họ luôn có ý thức ưu tiên cho cộng đồng.
Việt Hà
Văn Lâm liên tục báo tin vui từ Thái Lan Thủ môn tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm đang thi đấu cho CLB Muangthong United (Thái Lan) đã hồi phục chấn thương đồng thời không bị giảm lương do ảnh hưởng bởi Covid-19. Thủ môn Văn Lâm vừa hết chấn thương vừa không bị giảm lương CLB Muangthong United Theo thông tin mới nhất từ CLB Muangthong United, Văn Lâm bị chấn thương...