VKFTA có hiệu lực, xuất khẩu hàng dệt may chưa dễ tăng tốc
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, mở ra một cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam tăng kim ngạch nhờ ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, ngành hàng được kỳ vọng có tốc độ tăng xuất khẩu lớn nhất sang Hàn Quốc là dệt may lại đang chứng kiến sự giảm tốc đáng kể trong năm 2015. Vậy đâu là nguyên nhân?
Cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc là rất khả quan khi VKFTA đã chính thức có hiệu lực
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 11 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc đạt 2,150 tỷ USD, tăng chưa đến 2% so với cùng kỳ 2014 và khả năng cả năm 2015 chỉ đạt 2,59 tỷ USD, tụt xa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 3 tỷ USD.
Trong khi đó, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng tới 27% so với 2013, đạt 2,4 tỷ USD. Tăng mạnh nhất là các nhóm áo khoác, áo jacket, hàng suite, quần nam/nữ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, bà Nguyễn Thị Đoàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần May Kinh Bắc (tại Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Cầu Giát, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, năm 2015, dệt may sang Hàn Quốc không đạt được mức tăng kỷ lục như năm 2014, do cạnh tranh xuất khẩu giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này rất khốc liệt.
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất cùng dòng sản phẩm tại các nước như Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đang là đối thủ lớn của ngành may mặc của Việt Nam tại Hàn Quốc và nhiều thị trường khác.
Theo bà Đoàn, khi VKFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa dễ tăng tốc xuất khẩu sang Hàn Quốc do phân chia thị phần của các nhà nhập khẩu tại Hàn Quốc đã khá rõ nét. Sự thay đổi sẽ có, nhưng mức độ còn tùy quy mô, sự nhạy bén và năng động của doanh nghiệp.
Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, song thị phần hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc lại có cải thiện đáng kể: chiếm 16,4%, tăng 2,4% so với 2013; trong khi của Trung Quốc là 43,44%, giảm 1,59% và thị phần của các nước khác như Myanmar, Mỹ, Australia, Italy tăng dưới 0,5% so với năm 2013.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas, xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 không có gì đáng lo ngại, bởi năm 2013 – 2014, xuất khẩu dệt may sang thị trường này tăng tới 27 – 28%. Lý do nữa làm xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc giảm là, năm 2015, tổng nhập khẩu hàng dệt may của Hàn Quốc giảm 0,9% so với 2014, ước đạt 14,071 tỷ USD…
Trong khi đó, cơ hội gia tăng xuất khẩu vẫn được nhận định là khả quan, bởi thương mại song phương đã chuyển sang một giai đoạn mới, do VKFTA đã có hiệu lực, mở ra thời cơ cho các doanh nghiệp biết đầu tư bài bản để khai thác thị trường này.
Video đang HOT
Với cam kết mở cửa theo VKFTA, hàng dệt may Việt Nam thỏa mãn chứng nhận xuất xứ sẽ được hưởng mức thuế 0% từ ngày 20/12/2015 (thay vì mức thuế 8 – 13% trước đó).
Lãnh đạo Công ty cổ phần May Minh Hoàng (TP.HCM) cho rằng, việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng đây cũng là động lực lớn để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thể hiện ở việc nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, hàng khác biệt mà thị trường Hàn Quốc có nhu cầu.
Vấn đề lớn để được nhận ưu đãi thuế 0% thay cho mức 8 – 13% như trước là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may phải tự chứng nhận xuất xứ, đảm bảo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo quy định của Hải quan Hàn Quốc. Đây chính là điểm yếu của không ít doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, do đội ngũ thực hiện chứng nhận xuất xứ còn thiếu và yếu.
Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội giảm thuế và có thông tin về VKFTA, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201/2015/TT-BTC về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại tự do này trong giai đoạn 2015-2018. Theo đó, một số mặt hàng dệt may, quần áo nguyên chiếc xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế quan ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định. Như vậy, mấu chốt là doanh nghiệp khi xuất khẩu phải chuẩn bị đầy đủ chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để được Hải quan nước nhập khẩu chấp nhận.
Về tổng thể, theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành dệt may có khả năng tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu khi Hàn Quốc giảm thuế do quy mô sản xuất lớn, mặt hàng xuất khẩu đa dạng và có đội ngũ hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc đang hoạt động rất quy mô và bài bản tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này hiện đóng góp tới 65% tổng giá trị xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2016
Hàng loạt các luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành như Luật bảo hiểm xã hội, Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch, Luật tổ chức Chính Phủ, Luật nghĩa vụ quân sự... từ tháng 1/2016.
Từ 1/1/2016, mức đóng bảo hiểm xã hội thay đổi
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi từ đầu năm tới. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.
Luật này quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực vào 1/1/2016 bổ sung rất nhiều chế độ thai sản cho người cha, người mang thai hộ và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng thai sản linh hoạt hơn.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014.
Thẻ căn cước công dân thay thế các giấy tờ CMND
Theo đó, thay vì được cấp Chứng minh nhân dân (CMND) như hiện nay, kể từ ngày 1/1/2016, sẽ bắt đầu cấp Thẻ căn cước công dân.
Từ ngày 1/1/2016 thẻ căn cước công dân sẽ thay thế các giầy tờ CMND (ảnh minh họa)
Cụ thể, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ Căn cước công dân.
Việc tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân, (tức là tính tuổi đúng ngày). Ví dụ: A sinh ngày 01/03/2001, đến ngày 02/03/2015 A mới có thể đăng ký và cấp thẻ Căn cước công dân.
Công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại CAND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào điều kiện, cơ sở vật chất thực tế để quy định đối tượng cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại Công an cấp huyện, cấp tỉnh và Bộ Công an.
Điểm mới của Luật Hộ tịch có hiệu lực ngày 1/1/2016
Được Quốc Hội ban hành từ ngày 20/11/2014, Luật Hộ tịch quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; Cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, Luật nuôi con nuôi, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác
Thêm nhiều quyền lợi cho quân nhân khi xuất ngũ
Luật này quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Từ ngày 01/01/2016, Luật nghĩa vụ quân sự sẽ có hiệu lực và thay thế Luật nghĩa vụ quân sự 1981, sửa đổi 1990, sửa đổi 1998 và sửa đổi 2005. Tại Luật nghĩa vụ quân sự 2015, có nhiều điểm mới so với trước đây như quy định về công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự; quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự; Đối tượng được miễn đăng ký NVQS; Đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ; Đối tượng được miễn gọi nhập ngũ.
Theo luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 thời gian tại ngũ trong thời bình là 24 tháng (trước đây quy định thời gian này là 18 tháng). Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá 06 tháng.
Trong chiến tranh hay tình trạng quốc phòng khẩn cấp, sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hay động viên cục bộ.
Xe hơi 4-9 chỗ phải có bình chữa cháy
Theo thông tư 57 của Bộ Công an, kể từ ngày 6/1/2016 ôtô 4-9 chỗ ngồi phải có phương tiện phòng cháy và chữa cháy (gọi tắt là bình chữa cháy).
Theo_VnMedia
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Tất cả vì sự bền vững của Doanh nghiệp và nền kinh tế" Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015 sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, "những trao đổi kiến nghị được đưa ra, tất cả vì sự bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế". Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Đức Thanh VBF cuối kỳ diễn...