Virus corona: Trung Quốc trước nguy cơ bị cô lập toàn cầu
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bị cô lập gia tăng vì nỗi lo virus corona chủng mới, khi ngày càng có nhiều quốc gia và hãng hàng không ban hành lệnh hạn chế di chuyển và cấm bay đến nước này
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 2-2 xác nhận ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới bên ngoài Trung Quốc.
Qua đời khi đang có dấu hiệu hồi phục
Theo người đại điện WHO, ông Rabi Abeyasinghe, nạn nhân là một người đàn ông 44 tuổi, qua đời tại Philippines vào ngày 1-2 sau khi bị chẩn đoán dương tính với virus. Tuy nhiên, ông Abeyasinghe cũng lưu ý rằng nạn nhân vốn thường trú tại TP Vũ Hán – Trung Quốc, nơi virus bùng phát.
Theo Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque III, trong những ngày cuối cùng, nạn nhân biểu hiện các dấu hiệu phục hồi, với tình hình sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, tình trạng của nạn nhân bất ngờ chuyển biến xấu trong vòng 24 giờ, dẫn đến tử vong.
Cũng theo ông Duque III, người phụ nữ 38 tuổi đi cùng nạn nhân bị chẩn đoán dương tính với virus hồi tuần rồi hiện vẫn bị cách ly. Người phụ nữ này, cũng đến từ TP Vũ Hán, là trường hợp nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận tại Philippines.
Thông tin trên được WHO công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với sự cô lập gia tăng vì nỗi lo virus, khi ngày càng có nhiều quốc gia và hãng hàng không ban hành lệnh hạn chế di chuyển và cấm bay đến đây.
Kể từ khi bùng phát tại TP Vũ Hán vào tháng 12-2019, virus corona đang lan nhanh và xa, với hơn 14.400 ca nhiễm được ghi nhận trên toàn thế giới, trong đó có hơn 130 ca tại ít nhất 25 quốc gia ngoài Trung Quốc, bao gồm Mỹ, Nga, Pháp và Úc.
Nhân viên y tế xịt thuốc khử trùng lên công dân Indonesia trở về từ TP Vũ Hán hôm 2-2 – Ảnh: REUTERS
Ngừng bay và cấm nhập cảnh
Mặc dù đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO khẳng định lệnh hạn chế du lịch và giao thương lúc này là chưa cần thiết. Dù vậy, danh sách các hãng hàng không quốc tế hoãn một số hoặc toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc đang ngày càng tăng.
Hai hãng hàng không Qantas Airways (Úc) và Air New Zealand (New Zealand) mới đây cho biết lệnh cấm du lịch Trung Quốc đã buộc họ phải ngưng các chuyến bay trực tiếp đến quốc gia này từ ngày 9-2. Trước đó, nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines, Delta Air Lines và American Airlines cũng đã thông báo sẽ hủy mọi chuyến bay đến Trung Quốc.
Mỹ và Singapore đã công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với những công dân nước ngoài đến Trung Quốc trong thời gian gần đây. Động thái tương tự cũng đã được Úc, Hàn Quốc, New Zealand và Philippines thực hiện.
Video đang HOT
“Sau khi cân nhắc những mối lo ngại của quan chức chính phủ và chuyên gia y tế, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định ban hành lệnh cấm ngay tức thì. Đây là một biện pháp phòng ngừa bổ sung để bảo vệ người dân Philippines” – Thượng nghị sĩ Christopher “Bong” Go khẳng định hôm 2-2.
Sơ tán và cách ly
Theo báo South China Morning Post, những công dân Philippines trở về từ Trung Quốc sẽ phải trải qua giai đoạn 14 ngày cách ly và biện pháp này nhiều khả năng ảnh hưởng đến khoảng 240.000 lao động Philippines đang làm việc tại Hồng Kông. Chính phủ Philippines không công bố thời điểm gỡ bỏ lệnh cấm cũng như biện pháp cách ly nêu trên.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS, quân đội Nga sẽ bắt đầu đưa công dân của họ rời khỏi Trung Quốc trong 2 ngày 3 và 4-2. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quá trình sơ tán sẽ tập trung vào những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nga cũng sẽ ngưng triển khai các tour du lịch miễn thị thực cũng như ngừng cấp thị thực làm việc cho công dân Trung Quốc.
Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cũng đã tuyên bố sẽ triển khai chính sách cách ly 14 ngày đối với những binh sĩ vừa trở về từ Trung Quốc và động thái này sẽ được thực hiện từ ngày 2-2. Theo USFK, sự bùng phát của virus corona chủng mới có thể gây ảnh hưởng đến năng lực sẵn sàng tác chiến của quân đội. Mặc dù chính sách trên chỉ áp dụng đối với binh sĩ Mỹ, USFK khuyến khích người thân của họ, nhân viên Bộ Quốc phòng và những nhóm khác thực hiện các động thái tình nguyện tương tự.
Theo Bloomberg, tình trạng của bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên tại Mỹ, một người đàn ông 35 tuổi, dường như đã khá lên chỉ sau 1 ngày được điều trị bằng loại thuốc mới do Công ty Gilead Sciences (Mỹ) phát triển và không biểu hiện bất cứ tác dụng phụ rõ ràng nào.
“Hiện tại, chúng tôi nhận thấy lợi ích của thuốc vượt trội so với rủi ro tiềm tàng” – ông Jay Cook, từ Trung tâm Y tế khu vực Everett ở Washington, khẳng định. Theo ông Cook, phát hiện này đã tạo động lực cho các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu loại thuốc nói trên.
Những mốc thời gian quan trọng
- Ngày 31-12-2019: Trung Quốc báo cáo với WHO về virus gây bệnh viêm phổi lạ tại TP Vũ Hán.
- Ngày 7-1-2020: Trung Quốc tuyên bố đã xác định được virus mới, được đặt tên là 2019-nCoV và thuộc họ corona từng gây ra đại dịch SARS hồi năm 2002-2003.
- Ngày 11-1: Trung Quốc công bố nạn nhân đầu tiên thiệt mạng vì virus, là một người đàn ông 61 tuổi.
- Ngày 13-1: WHO thông báo ca nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc. Nạn nhân là một nữ du khách đến từ TP Vũ Hán.
- Ngày 23-1: Vũ Hán trở thành TP đầu tiên tại Trung Quốc bị cách ly.
- Ngày 29-1: Số người thiệt mạng vì virus tăng mạnh, lên 132 người; ít nhất 6.000 ca nhiễm virus được ghi nhận trên toàn thế giới.
- Ngày 30-1: WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
- Ngày 2-2-2020: WHO xác nhận ca tử vong đầu tiên vì virus bên ngoài Trung Quốc. Nạn nhân, một người đàn ông 44 tuổi, thiệt mạng tại Philippines sau khi nhập cảnh từ TP Vũ Hán.
Cao Lực
Theo nguoilaodong
Corona diễn biến xấu, kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng
Nền kinh tế thứ hai thế giới có nguy cơ thiệt hại 160 tỉ USD chỉ trong ba tháng đầu năm 2020 và con số này có thể sẽ tăng dần theo thời gian.
Bộ Y tế Philippines và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 2-2 đã chính thức công bố ca tử vong đầu tiên tại nước này là một nam bệnh nhân dương tính với chủng virus Corona mới (2019-nCoV). Đây cũng là trường hợp tử vong đầu tiên xuất hiện ngoài Trung Quốc (TQ). Theo đài CNN, người chết là một công dân TQ, 44 tuổi, nhập viện tại BV San Lazaro ở Manila vào ngày 25-1.
"Sau khi nhập viện, bệnh nhân phát chứng viêm phổi nặng. Trong những ngày cuối cùng, sức khỏe của ông ổn định và có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, tình trạng của người bệnh nhanh chóng diễn biến xấu trong vòng 24 giờ trước khi tử vong" - Bộ trưởng Y tế Francisco Duque III chia sẻ. Hiện phía Philippines đang làm việc với Đại sứ quán TQ tại Manila và sẽ hỏa táng nạn nhân.
Phát hiện thêm đường lây lan Corona mới
Cũng trong ngày 2-2, Tân Hoa xã dẫn lời các chuyên gia từ ĐH Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán cảnh báo Corona có thể lây qua hệ tiêu hóa. Cụ thể, họ tìm thấy acid nucleic của virus trong chất bài tiết và trực tràng sau khi phát hiện dấu hiệu ban đầu của một số ca nhiễm bệnh lại chỉ là tiêu chảy, chứ không phải sốt như các trường hợp phổ biến.
Do đó, nhóm nghiên cứu kết luận ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, chủng mới của virus Corona còn có khả năng truyền nhiễm qua đường phân, miệng hoặc bãi nôn nhất định. Các chất thải của bệnh nhân do đó cần được xử lý, khử trùng, tránh để tiếp xúc với môi trường tránh tình trạng lây lan thêm.
CNN cho rằng nếu nghiên cứu trên được xác nhận, nhiều khả năng nhà chức trách sẽ ban hành thêm các chỉ dẫn liên quan đến ăn uống (hạn chế ăn thịt sống, rau sống), quan hệ tình dục, vệ sinh cá nhân (dùng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn), xả nước thải y tế, trồng trọt (bón phân bắc) hoặc chăn nuôi... Hiện Bắc Kinh đã yêu cầu nước thải từ các cơ sở y tế phải được khử trùng trước khi thải ra môi trường.
Nhân viên y tế di chuyển một người đàn ông bị nhiễm virus Corona ở Hong Kong hôm 22-1. Ảnh: CNN
Ở trung tâm dịch Vũ Hán, đài CGTN (TQ) tuyên bố BV dã chiến Hỏa Thần Sơn đã hoàn tất việc xây dựng và sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 3-2, tức chỉ sau 10 ngày khởi công. Bệnh viện dã chiến thứ hai sẽ đi vào hoạt động bốn ngày sau đó. Chủ tịch Tập Cận Bình đã phê duyệt kế hoạch triển khai 1.400 sĩ quan quân y đến bệnh viện này.
Được biết Hỏa Thần Sơn có diện tích 34.000 m2 với khả năng tiếp nhận và điều trị nội trú cùng lúc 1.000 bệnh nhân. Giám đốc kỹ thuật hệ thống xử lý nước thải Peng Guanping cho biết tiêu chuẩn xử lý tại đây cao gấp nhiều lần bệnh viện thông thường để phòng dịch lây lan. "Thời gian xử lý nước thải y tế thông thường là 90 phút nhưng tại các bệnh viện dã chiến này sẽ mất tới năm tiếng" - ông Peng tiết lộ thêm.
14.562 ca nhiễm virus Corona và 305 người thiệt mạng trên toàn cầu đã chính thức được Ủy ban Y tế Quốc gia TQ xác nhận tính đến tối 2-2, theo tờ South China Morning Post.
Kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề
Hãng tin Bloomberg hôm 2-2 cho hay Ngân hàng Trung ương TQ đã thông báo sẽ bơm khoảng 173 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế, ổn định thị trường ngân hàng và tâm lý các nhà đầu tư. Hiện dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động sản xuất tại TQ bị đình trệ. Các nhà máy cũng được yêu cầu đóng cửa đến giữa tháng 2 hoặc đầu tháng 3.
Theo tính toán của Bloomberg, virus Corona có khả năng giáng đòn nghiêm trọng vào tăng trưởng kinh tế của TQ trong ba tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng GDP ba tháng đầu có thể giảm xuống 5,7%, tức thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó và giảm 0,4% so với mức tăng trưởng 6,1% cùng kỳ năm 2019. Bệnh dịch càng kéo dài, mức ảnh hưởng càng thêm nghiêm trọng.
Trong khi đó, GS McKibbin thuộc ĐH Quốc gia Úc lưu ý dịch SARS năm 2003 từng gây tổn thất kinh tế TQ khoảng 40 tỉ USD. Do đó, virus Corona có thể gấp 3-4 lần như vậy, tức mức độ thiệt hại có thể lên tới 160 tỉ USD.
Đứng từ góc độ toàn cầu, các nước châu Á, đặc biệt là những nước láng giềng và đối tác thương mại lớn của TQ, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với dịch SARS hồi năm 2003. Trong đó, những nước hưởng lợi lớn từ khách du lịch TQ như Singapore, Thái Lan... chịu chung ảnh hưởng do hàng loạt lệnh cấm nhập cảnh với du khách nước ngoài quốc tịch TQ hoặc từng đến TQ trong những ngày gần đây.
Bắc Kinh vật lộn "nuôi" 50 triệu dân bị cách ly
Ngoài việc vật lộn chăm sóc những người nhiễm bệnh, chính quyền Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với các thách thức nhằm đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm cho khoảng 50 triệu dân ở các TP bị cách ly.
Theo ghi nhận của hãng tin AP, nhà chức trách đã cho thiết lập nhiều chốt kiểm tra y tế và các xe tải vận chuyển thực phẩm đi vào các vùng này đều bị kiểm tra nghiêm ngặt. Các biện pháp bình ổn thị trường cũng được thực thi, tránh việc đội giá nhu yếu phẩm. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc hôm 1-2 đã cam kết sẽ cung cấp đầy đủ thực phẩm cho người dân. Cứ mỗi hai ngày, mỗi gia đình được phép cử một người ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Dù vậy, một số người dân chia sẻ chỉ còn đủ lương thực cho 10 ngày tới.
Một số khu vực lân cận cho biết đã nhận được yêu cầu tiếp tế khẩn cấp lương thực cho Vũ Hán. Huyện Thọ Quang hôm 1-2 được lệnh chuyển 600 tấn rau quả tươi tới Vũ Hán mỗi ngày trong vòng 10-15 ngày tới. Tập đoàn Dự trữ lương thực TQ Sinograin đã ưu tiên cung cấp gạo, thịt và dầu ăn cho tỉnh Hồ Bắc từ ngày 29-1.
Thuốc đặc trị Corona của Mỹ thành công bước đầu
Theo hãng tin Bloomberg hôm 2-2, loại thuốc Remdesivir do Công ty dược phẩm Gilead Sciences phát triển đã được sử dụng để điều trị trường hợp đầu tiên nhiễm virus Corona ở Mỹ tại Trung tâm y tế TP Everett, bang Washington. Tình trạng của bệnh nhân này sau đó cải thiện đáng kể sau một ngày sử dụng thuốc mà chưa phát hiện tác dụng phụ. Các bác sĩ cho biết phát hiện trên có thể thúc đẩy thêm nhiều ca thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát nhằm xác định tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc mới.
Về phía TQ, Bắc Kinh thông báo tính đến hết ngày 31-1, tại 31 khu vực cấp tỉnh của nước này đã có 243 bệnh nhân được xuất viện với khoảng 20 người trong tâm dịch Vũ Hán. Tân Hoa xã khẳng định đây là số bệnh nhân được xuất viện trong một ngày nhiều nhất kể từ khi dịch Corona bùng phát.
VĨ CƯỜNG
Theo PLO
Người nhiễm virus corona chết ở Philippines đã đi nhiều nơi Người đàn ông đến từ Vũ Hán đi qua hai đảo ở Philppines trước khi nhập viện vào ngày 25/1 với triệu chứng ho và sốt. Một bệnh nhân nhiễm viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) chết hôm nay ở Manila, Philippines, trở thành ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới....