Virus corona biến các trung tâm mua sắm ở Nhật Bản thành thị trấn ma
Số ca nhiễm virus corona tăng tại Nhật Bản đã khiến các trung tâm mua sắm ở nước này trông không khác gì “thị trấn ma”. Người Nhật ngày càng ít ra khỏi nhà hơn.
Theo Nikkei Asian Review, thống kê của Công ty viễn thông KDDI cho thấy lưu lượng người xuất hiện tại các khu trung tâm và địa điểm du lịch hấp dẫn ở Nhật Bản đã giảm rõ rệt so với năm 2019.
Tại khu phố Asakusa cổ kính tại thủ đô Tokyo, nổi tiếng với ngôi đền Sensoji lâu đời nhất thành phố, số người đi bộ vào dịp cuối tuần và ngày lễ đã sụt giảm 15,5% so với tháng 1/2020.
Con số đó tại quận Umeda, thành phố Osaka – nơi nổi tiếng với những địa điểm mua sắm và ăn uống nổi tiếng đối với du khách Trung Quốc – là 15,2%. Hai thành phố Kyoto và Yokohama ghi nhận các con số giảm lần lượt là 14,1% và 9,7%.
Lượng người đi bộ vào cuối tuần và ngày lễ ở khu phố Asakusa đã giảm hơn 15% so với tháng 1/2020. Ảnh: Reuters.
GDP sẽ bay hơi 25,9 tỷ USD
Với việc tiêu thụ chiếm đến 60% GDP, nhiều người lo ngại rằng việc giảm chi tiêu cá nhân sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản lao đao.
Chuyên gia kinh tế Toshihiro Nagahama từ Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-ichi, ước tính rằng GDP của Nhật Bản có thể bị hao hụt khoảng 25,9 tỷ USD. Điều này sẽ gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế nước này hơn thảm họa kép động đất – sóng thần năm 2011.
Tính đến hôm 21/2, số ca nhiễm virus corona ở Nhật Bản là 105. Con số này chưa bao gồm hơn 600 du khách Nhật Bản dương tính với chủng virus này đang ở trên du thuyền Diamond Princess.
Việc người dân ra khỏi nhà ngày càng ít đã khiến các trung tâm mua sắm chịu ảnh hưởng nặng nề. Lượng khách đến trung tâm thương mại Mitsukoshi Ginza, nằm tại khu mua sắm cao cấp ở Tokyo đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trung tâm mua sắm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nỗi sợ về virus corona. Ảnh: Nikkei.
Nhà bán lẻ Sogo & Seibu chứng kiến doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019. Đại diện của công ty này cho biết con số đó có thể tăng lên đến 10%.
Các nhà thuốc và siêu thị chịu số phận tương tự. Những cửa hàng lớn tại Tokyo trong tháng 2/2020 đã ghi nhận mức giảm 40% cho các mặt hàng như mỹ phẩm, dược phẩm, cũng như những nhu yếu phẩm khác.
Tác động mạnh đến nhà hàng, khách sạn
Những địa danh du lịch nổi tiếng cũng không phải là ngoại lệ. Điển hình là lượng khách tham quan Thành Osaka và Tháp Tokyo vào tháng này lần lượt giảm 40% và 30% so với cùng kỳ những năm trước đó.
Công viên Sanrio Puroland vốn được nhiều du khách Trung Quốc quan tâm, nay lại không thấy bất kỳ nhóm khách du lịch Trung Quốc nào đến vui chơi trong tháng này. Nhà điều hành Sanrio Puroland cho biết họ đóng cửa công viên này đến ngày 12/3 nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona.
Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản cảnh báo rằng nhiều cư dân đã ngưng việc sử dụng các phương tiện công cộng. Lượng người đi tàu cao tốc shinkansen giảm 10% so với cùng kỳ 2019.
Cảnh vắng vẻ bên trong công viên Sanrio Puroland. Ảnh: Nikkei.
Mối lo ngại về virus corona sẽ tác động mạnh đến ngành nhà hàng, khách sạn. Các doanh nhân ngành công nghiệp này cho biết việc hủy đặt phòng hàng loạt không chỉ đến từ các du khách Trung Quốc.
Bên cạnh đó, số người chọn phương án đặt món ăn trực tuyến ngày càng gia tăng. Nhà hàng bánh kếp Chibo Dotonbori ở thành phố Osaka ghi nhận lượng khách đến ăn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số đơn hàng online lại cao hơn đáng kể.
Máy lọc không khí là một trong những sản phẩm chứng kiến doanh số phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, doanh thu cho khăn giấy cùng những nhu yếu phẩm khác phần nào gia tăng nhờ những dịch vụ giao hàng trực tuyến.
Theo news.zing.vn
Nỗi sợ virus corona khiến nhiều nơi 'nói không' với khách Trung Quốc
Do lo lắng trước virus corona đang lây lan nhanh, người dân nhiều nước kêu gọi cấm nhập cảnh công dân Trung Quốc và thậm chí có hành động phân biệt đối xử.
Nhiều cửa hàng ở Hàn Quốc, Hong Kong và Nhật Bản đã từ chối tiếp nhận khách hàng Trung Quốc. Người dân ở một vùng ở Indonesia còn kéo đến một khách sạn và yêu cầu du khách Trung Quốc rời đi. Một số tờ báo ở Pháp và Australia đối mặt với chỉ trích vì nội dung có tính phân biệt chủng tộc.
Người Trung Quốc và những người châu Á khác ở Mỹ, châu Âu cũng đang phải hứng chịu những sự miệt thị liên quan đến virus corona.
Hơn 30 người đã tụ tập gần Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, để kêu gọi chính phủ ra lệnh cấm nhập cảnh công dân Trung Quốc. Ảnh: AP.
Hơn 20 quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã ghi nhận những trường hợp nhiễm virus corona - thủ phạm gây ra dịch viêm phổi cấp đã giết chết hơn 300 người và làm hơn 14 nghìn người nhiễm bệnh. Nhiều quốc gia đã gửi máy bay đến thành phố Vũ Hán - tâm điểm đợt bùng phát dịch - để sơ tán công dân của họ.
Tâm lý bài Trung gia tăng
Khi Bắc Kinh đang nỗ lực củng cố tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, điều đó cũng tạo nên những tranh chấp thương mại, chính trị và ngoại giao với nhiều quốc gia.
Nhưng với nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng về căn bệnh xuất phát từ miền trung Trung Quốc, những cảm xúc bài Trung đang ngày cành trở nên mạnh mẽ hơn, và đôi khi là cả những giọng điệu phân biệt chủng tộc người châu Á.
Các diễn đàn trên mạng ở Hàn Quốc đang tràn ngập những bình luận kêu gọi chính phủ ra lệnh cấm nhập cảnh hoặc trục xuất người Trung Quốc về nước. Thêm vào đó cũng có những thái độ mỉa mai thói quen ăn uống và vệ sinh của người Trung Quốc.
Một nhà hàng hải sản nổi tiếng ở Seoul, điểm đến ưa thích của các du khách Trung Quốc khi tới thăm thủ đô Hàn Quốc, đã treo biển "Không tiếp khách Trung Quốc" nhưng phải dỡ bỏ sau đó vì hứng chịu vô số chỉ trích.
Hơn 650.000 người Hàn Quốc đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến, nhằm yêu cầu Nhà Xanh của tổng thống ra lệnh cấm tạm thời đối với du khách Trung Quốc. Một số nhà lập pháp của phe bảo thủ đối lập công khai ủng hộ ý tưởng này, và một đám đông hơn 30 người cũng tập hợp gần Nhà Xanh vào ngày 28/1 để yêu cầu chính phủ ngay lập tức cấm du khách Trung Quốc.
"Tâm lý bài ngoại vô điều kiện với người Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Các bệnh truyền nhiễm là một vấn đề khoa học, không phải là thứ có thể được giải quyết thông qua việc biểu lộ cảm xúc", báo JoongAng Ilbo đăng hôm 29/1.
Sau khi có thông tin về việc một sinh viên Đại học bang Arizona bị nhiễm virus corona, Ari Deng - một sinh viên người Mỹ gốc Hoa - đã phải chịu đựng một trải nghiệm khó diễn tả khi ngồi xuống một bàn học tại khuôn viên trường ở Tempe, Arizona bên cạnh 5 sinh viên khác.
Deng là người gốc Á duy nhất trên bàn. Cậu kể lại rằng những sinh viên khác bắt đầu thì thầm to nhỏ. "Họ tỏ ra rất căng thẳng và nhanh chóng thu dọn đồ đạc và đứng lên cùng một lúc", Deng kể lại.
Trong khi đó, tại một giờ học môn kinh doanh gần đây, một sinh viên không phải gốc Á đã nói: "Không phải phân biệt chủng tộc đâu, nhưng có rất nhiều sinh viên quốc tế sống tại khu nhà ở của tôi. Tôi cố gắng để giữa khoảng cách với họ nhưng tôi nghĩ biện pháp phòng ngừa tốt cho tất cả chúng ta là rửa tay".
Người dân Đài Loan cảm thấy bực bội vì bị phân biệt đối xử giống như người Trung Quốc đại lục. Ảnh: AP.
"Khá đau lòng nhưng tôi không cho phép điều đó ảnh hưởng đến tâm trí hoặc đè nặng lên lòng tôi", Deng chia sẻ.
"Dù chúng tôi có ở đất nước này lâu tới nhường nào, đôi khi chúng tôi lại ngay lập tức bị coi là người ngoại quốc. Đó là một thực tế khá đau buồn với rất nhiều người trong chúng tôi", ông Gregg Orton, giám đốc Hội đồng người Mỹ gốc châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ.
Bị từ chối vào cửa hàng
Trong khi đó, tại Hong Kong, virus corona đã làm sâu sắc thêm những cảm xúc tiêu cực của một bộ phận người dân đặc khu với đại lục, sau nhiều tháng biểu tình chống lại sự ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuần trước, Trưởng đặc khu Carrie Lam đã ra quyết định ngừng hoạt động các tuyến phà, tàu điện cao tốc và các chuyến bay nối Hong Kong với các thành phố của Trung Quốc.
Tenno Ramen, một nhà hàng bán mì Nhật ở Hong Kong, thông báo họ sẽ từ chối phục vụ khách hàng đại lục.
"Chúng tôi muốn sống lâu hơn. Chúng tôi muốn bảo vệ khách hàng địa phương. Xin thứ lỗi cho chúng tôi", nhà hàng viết trên Facebook.
Tại châu Âu, một giáo viên người Pháp đã tạo nên làn sóng trên Twitter với dòng hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải là một con virus) - thu hút nhiều người dùng kể lại trải nghiệm của họ khi bị phân biệt đối xử, bị trẻ em trế giễu trên sân trường hay bị mọi người xa lánh trên tàu điện ngầm vì có dáng vẻ của người châu Á.
Tờ báo của Đan Mạch, Jyllands-Posten, đã xuất bản ấn phẩm với bức vẽ trong đó các ngôi sao trên quốc kỳ Trung Quốc được thay bằng những con virus. Đại sứ quán Trung Quốc tạ Copenhagen gọi bức vẽ là một sự xúc phạm và yêu cầu tờ báo xin lỗi.
Nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch đăng tranh biếm họa hôm 27/1. Ảnh: AFP.
Tờ Der Spiegel của Đức cũng nhận nhiều chỉ trích khi đăng tải dòng tít "Made in China" với bức ảnh một cá nhân trong bộ đồ bảo hộ dịch bệnh.
Hôm 31/1, một quán cà phê gần đài phun nước Trevi ở Rome đã dán lên cửa sổ thông báo "Tất cả những người đến từ Trung Quốc không được vào đây", theo hãng tin ANSA của Italy.
Tại Australia, hai tờ báo với lượng lưu hành nhiều nhất đất nước đang bị chỉ trích dữ dội vì đăng tải những tiêu đề mang tính phân biệt chủng tộc với người Trung Quốc.
Một lính canh trong trang phục cố truyền ở khu di tich Bosingak tại Seoul, trong bối cảnh nước này đang hạn chế du khách từ Trung Quốc. Ảnh: AP.
Tờ Herald Sun hôm 28/1 chạy dòng tít "Chinese virus pandamonium" (Dịch bệnh virus Trung Quốc), trong đó chơi chữ pandemonium (bệnh dịch) thành pandamonium, với panda nghĩa là những con gấu trúc - loài vật chỉ có ở Trung Quốc. Tờ Daily Telegraphn thì đưa dòng tít "China kids stay home" - Những đứa trẻ gốc Trung Quốc hãy ở nhà.
Bà Kiwi Dollice Chua, một người Singapore đã sống ở New Zealand 21 năm qua, kể lại việc tuần trước bà đi vào một trung tâm thương mại ở thành phố Auckland để mua thiệp cưới, và bị một người phụ nữ nói rằng: "Người châu Á các người đã mang virus đến đây".
"Đó là sự phân biệt chủng tộc và còn hơn cả sự thô lỗ", bà Chua chia sẻ.
Người đàn ông òa khóc tiễn vợ đến Vũ Hán hỗ trợ đối phó virus corona
Vừa tiễn vợ làm tại bệnh viện Huaihe lên xe đến Vũ Hán để hỗ trợ khống chế dịch bệnh, người đàn ông liền bật khóc nức nở.
Theo news.zing.vn
Ông chủ Amazon sẽ đưa khách du lịch vũ trụ vào năm tới? Blue Origin, công ty được thành lập bởi Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon vừa thử nghiệm thành công tên lửa du lịch không gian. Blue Origin đang úp mở kế hoạch thực hiện chuyến bay dịch vụ đầu tiên vào không gian dành cho giới siêu giàu. Blue Origin, công ty được thành lập bởi Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, vừa...