Vĩnh Long hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Hội Chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Long chung tay tiêu thụ khoai lang tím Nhật của nông dân huyện Bình Tân.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp rà soát, đánh giá tình hình nông sản, thủy sản đến kỳ thu hoạch trên địa bàn để chủ động hỗ trợ tiêu thụ, nhất là các loại nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch như khoai lang, nhãn, cam, rau củ quả… Tính từ ngày 11/8 đến nay, thông qua các doanh nghiệp, vựa đầu mối thu mua nông sản của tỉnh đã tiêu thụ được 5.180 tấn nông sản các loại như 860 tấn khoai lang tím Nhật, 400 tấn chôm chôm, 1.600 tấn cam sành, 300 tấn bưởi, 185 tấn nhãn, 1.845 tấn rau củ…
Trong số đó, nhóm Hỗ trợ tiêu thụ nông sản Vĩnh Long do các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, có hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Bách hóa xanh, Big C… đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ trung bình mỗi ngày 20 tấn nông sản khoai lang, nhãn, rau củ quả… Viettel Post Vĩnh Long, Bưu điện tỉnh Vĩnh Long đã tiêu thụ 60 tấn nông sản các loại, đồng thời hỗ trợ đưa các loại nông sản của tỉnh giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn. Ngoài ra, còn một số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ theo kênh thiện nguyện, hỗ trợ cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh…
Video đang HOT
Mặt khác, ngành chức năng của tỉnh còn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ hộ nông dân, cơ sở sản xuất đăng ký kết nối mua – bán nông sản, hàng hóa lên Sàn giao dịch Thương mại điện tử ngành Công Thương, Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và website hỗ trợ của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối cung cầu sản phẩm.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, ước tính toàn tỉnh còn tồn đọng khoảng 65 tấn bưởi, 81 tấn chanh, 13 tấn nhãn, 24 tấn quất… không có thương lái đến thu mua hoặc lượng mua ít. Riêng diện tích khoai lang tím Nhật đến thời điểm thu hoạch khoảng 845 ha, ước sản lượng 25.300 tấn; trong đó, khoai lang quá lứa trên 5,5 tháng tuổi là 135 ha, tập trung nhiều ở các xã Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược của huyện Bình Tân. Hiện giá khoai lang tím Nhật cao nhất trong tháng là 85.000 đ/tạ, giảm 5.000 đ/tạ so với tháng trước và giảm 765.000 đ/tạ so với cùng kỳ năm 2020. Giá khoai lang tím Nhật ở mức thấp do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện thương lái đã tạm ngưng thu mua do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, khó khăn hiện nay của tỉnh là phần lớn các hộ nông dân sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ nên gặp khó trong thu gom nông sản cho nhà phân phối, doanh nghiệp tiêu thụ. Việc vận chuyển hàng hóa cũng chưa thật sự thông suốt giữa các tỉnh, thành. Trong thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh tiếp tục phối hợp cùng ngành Nông nghiệp và các địa phương triển khai xúc tiến thương mại, phối hợp chặt chẽ cùng Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của địa phương.
Đắk Lắk đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn gửi các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, nhất là các loại cây ăn quả có sản lượng lớn đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch như bơ, sầu riêng.
Người dân gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho cây sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch, kịch bản tiêu thụ bơ, sầu riêng niên vụ 2021. Tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tập trung triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ bơ, sầu riêng cho nông dân và doanh nghiệp, thương lái trong thời gian tới.
Để thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản, tỉnh Đắk Lắk đề nghị các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh nông sản của tỉnh tham gia sàn. Đồng thời, các bộ, ngành hỗ trợ quảng bá, hướng dẫn tỉnh Đắk Lắk triển khai các hoạt động kết nối, tiêu thụ trên môi trường số; giới thiệu, kết nối các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp phân phối lớn để thúc đẩy tiêu thụ bơ, sầu riêng.
Cùng với đó, các bộ, ngành hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của tỉnh đi qua và đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích, sản lượng cây ăn quả lớn, giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Một số sản phẩm đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch có sản lượng lớn như sầu riêng, bơ. Riêng diện tích sầu riêng của tỉnh trên 12.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 5.300 ha, sản lượng khoảng 103.000 tấn; thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 đến 10/2021.
Với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, người dân Đắk Lắk đã trồng nhiều giống sầu riêng như Ri6, Dona chất lượng rất tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao.
Bên cạnh sầu riêng, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk cũng có trên 9.000 ha bơ với sản lượng cho thu hoạch khoảng 82.000 tấn. Nhiều giống bơ nổi tiếng được trồng tại Đắk Lắk như: bơ 034, bơ sáp, bơ H, bơ Booth. Bơ Đắk Lắk được đánh giá cao về chất lượng, có thịt dày, dẻo thơm, vị béo. Từ giữa tháng 8, bơ Booth và bơ H sẽ vào vụ thu hoạch với sản lượng ước khoảng 40.000 tấn.
UBND tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19.
Ninh Thuận tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa an toàn, thông suốt Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa một cách an toàn, thông suốt giữa các vùng và địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều giải pháp đảm bảo vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo hàng hoá được lưu thông thông suốt, an toàn để phục vụ đời sống dân...