VinGroup chính thức sở hữu Viễn Thông A!
Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Vingroup đã hoàn tất thương vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng Viễn Thông A.
Theo thông tin từ VinGroup, Tập đoàn đã chính thức sở hữu Viễn Thông A khi nắm 100% tỷ lệ biểu quyết và 64,46% tỷ lệ lợi ích tại công ty này.
Trong khi đó, thông tin từ Viễn Thông A cũng cho biết, từ ngày 14/9 vừa qua, Viễn Thông A đã thay đổi Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật, từ ông Huỳnh Việt Thương sang bà Mai Thu Thủy.
Bà Mai Thu Thủy sinh năm 1975, hiện đang đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong tập đoàn VinGroup như Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Vincom Mega Mall Royal City, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, Thành viên HĐQT CTCP Vincom Retail, Phó TGĐ CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN)…
Bà Thủy từng là cổ đông lớn của Vingroup và là em gái của bà Mai Hương Nội, Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ VinGroup.
CTCP Đầu tư Việt Nam do bà Mai Thu Thủy làm Chủ tịch hiện đang nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phiếu của VinGroup, tương ứng 33,37% lượng cổ phiếu lưu hành.
Như vậy, sau gần 2 năm xuất hiện nhiều tin đồn, VinGroup đã chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm Viễn Thông A. Trước đó, một nguồn tin cho biết, VinGroup đã bắt đầu phỏng vấn lại toàn bộ khối vận hành siêu thị của Viễn Thông A sau sáp nhập và việc phỏng vấn đã diễn ra từ ngày 19/7, bắt đầu từ vị trí quản lý, giám sát.
Với thương vụ mua lại Viễn Thông A, đây có thể cũng chính là cách VinGroup đưa điện thoại Vsmart đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn. Vsmart là tên thương hiệu điện thoại được Vingroup công kế hoạch sản xuất hồi giữa tháng 6 vừa qua và nằm trong chiến lược mở rộng lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tập đoàn.
Video đang HOT
Theo số liệu của tạp chí bán lẻ Châu Á Retail Asia Publishing và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, Viễn Thông A đang nắm trong tay 310 cửa hàng và trung tâm bảo hành với tổng diện tích mặt sàn là 61.000 m2. Độ phủ của Viễn Thông A chỉ đứng sau Thế Giới Di Động và FPT Shop và sẽ là lựa chọn phù hợp để VinGroup tung Vsmart ra thị trường.
Theo số liệu chúng tôi thu thập được, doanh thu Viễn Thông A tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, sang năm 2017, doanh thu giảm nhẹ, đạt khoảng 4.600 tỷ đồng.
Viễn Thông A là cái tên có bề dày kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực bán lẻ di động khi được thành lập còn trước cả Thế Giới Di Động hay FPT Shop. Mặc dù vậy, sự cạnh tranh gắt gao từ những đối thủ cùng ngành buộc Viễn Thông A phải thay đổi và tìm kiếm những nhà đầu tư mới.
Theo GenK
Vingroup đầu tư vào công nghệ cao: Khát vọng và thách thức
Tháng 8 vừa qua, tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 50 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam.
Đồng thời, tập đoàn này cũng công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Như vậy, sau những thành công về bất động sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, siêu thị bán lẻ... Vingroup đã chính thức tuyên bố bước chân vào thị trường khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Vingroup
Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp
Trước câu hỏi của báo chí là vì sao Vingroup lại dấn thân vào một mảng hoạt động mà nền tảng kinh nghiệm gần như bằng 0, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết, rất đơn giản vì slogan của Vingroup là "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp". Trong 25 năm phát triển của mình, Vingroup chưa bao giờ dừng lại. Còn vì sao lại chọn công nghệ - công nghiệp? Nguyên nhân vì đây không chỉ là con đường ngắn nhất mà còn là tốt nhất để có thể phát triển đột phá.
Vingroup sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và các sản phẩm điện thông minh - gia dụng. Dự kiến cuối năm 2018, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.
Với mảng công nghệ, Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng, tạo cơ chế phát triển, các viện nghiên cứu, các quỹ hỗ trợ... nhằm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển công nghệ vật liệu, sản xuất phần mềm.
Ông Nguyễn Việt Quang cũng cho biết, ngoài việc "đặt hàng" 50 trường đại học để có được 100.000 kỹ sư công nghệ trình độ cao trong 10 năm tới, Vingroup cũng sẽ tiếp tục làm việc với các trường trung cấp để đào tạo thêm các kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghệ ở mức độ đơn giản hơn.
Không chỉ dựa vào nguồn chuyên gia trong nước, Vingroup đang có những chính sách hấp dẫn để chiêu hiền, đãi sĩ với đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài. Điển hình là GS Vũ Hà Văn ở Mỹ đã nhận lời làm Giám đốc Khoa học cho Viện Dữ liệu lớn và GS Nguyễn Quốc Sỹ ở Nga đã nhận lời làm Viện trưởng Viện Công nghệ cao Vin-Hitech của Vingoup.
Những nhà khoa học đầu quân cho Vingroup nói gì?
Chính thức nhận lời mời của Vingroup, GS Vũ Hà Văn cho biết, đây là câu chuyện khá thú vị và bất ngờ với chính cá nhân ông. Nói về việc phải có một quỹ đầu tư để tài trợ cho các nghiên cứu khoa học, GS Vũ Hà Văn đã đề nghị con số 100 tỷ đồng song ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup lại gợi ý con số gấp 10 lần như thế. Khoản tiền này cũng là một món tiền lớn và cần được dùng một cách thận trọng mới mang lại được lợi ích. Tài trợ của Chính phủ Việt Nam cho khoa học cũng là nhiều nghìn tỷ song hiệu quả cũng là vấn đề. Còn ở Mỹ, chưa tính tới các tổ chức tư nhân, hàng năm Chính phủ Mỹ tài trợ khoảng 170 tỷ USD.
GS TS Vũ Hà Văn (bên phải) và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng
Ở Mỹ, việc một doanh nhân tài trợ hàng chục triệu USD cho các trường đại học là điều thường xuyên diễn ra. Bản thân ghế giáo sư của ông Vũ Hà Văn tại ĐH Yale cũng mang tên một nhà tài trợ. Còn ở Việt Nam có được người tiên phong là tốt quá. Hy vọng, sẽ ngày càng có nhiều doanh nhân đầu tư hỗ trợ khoa học như vậy.
Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực khoa học không thể mang tầm nhìn ngắn hạn bởi lợi nhuận không thể tính bằng năm được mà phải tính hàng chục năm. Nếu có những doanh nghiệp đầu tư với tầm nhìn dài hạn như vậy thì đó là điều hay.
Song GS Vũ Hà Văn cũng thừa nhận là các nhà khoa học có thể rất giỏi chuyên môn nhưng lại là những nhà quản lý tồi. Chính ông Phạm Nhật Vượng cũng thừa nhận như vậy và điều đó sẽ được khắc phục bởi đội ngũ quản lý của Vingroup. Ngay cả khi những người dưới mình là các nhà khoa học giỏi thì vẫn phải quản lý họ theo một phương pháp nào đó để họ làm việc theo một tiến trình nhất định.
Còn với GS TS Nguyễn Quốc Sỹ, ông đã gác lại phía sau sự nghiệp 30 năm nghiên cứu tại Nga để đảm nhận trọng trách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech. Gia nhập Vingroup,ông phải về nước để làm việc toàn thời gian.
GS TS Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện Vin-Hitech.
"CNTT có thể cho phép làm việc từ rất xa, nhưng khi tổ chức các đồ án khoa học công nghệ (KHCN), các nhà khoa học phải ngồi lại cùng nhau chứ không thể làm từ xa được. Do đó tôi cũng như các cán bộ chủ chốt, lãnh đạo, chuyên gia cũng sẽ phải làm việc toàn thời gian tại đây", ông Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ khẳng định Việt Nam đang ở vùng trũng của KHCN, thậm chí còn đi sau nhiều nước. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ trí thức, đạt được các thành tựu KHCN cao để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho Việt Nam sẽ rất nặng nề.
"Chúng ta thiếu nhiều nhà khoa học cao cấp để có thể dẫn dắt, làm việc, tạo ra sản phẩm KHCN cao cấp cho đất nước. Ngoài ra phải làm việc với cường độ cao. Nhiều khi chúng tôi thường nói không phải làm việc 100% mà phải bằng 150% sức mình, khi đó tri thức không đủ mà cần có lòng yêu nước", ông Nguyễn Quốc Sỹ nói.
Tuy nhiên ở vùng trũng nhưng không phải là không thể tiến nhanh và tiến mạnh về KHCN. Việt Nam có thể đi tắt đón đầu nhưng đi thế nào còn phụ thuộc đặc thù của quốc gia, không phải cứ muốn là làm được.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi lên bằng công nghệ cao là đúng đắn. Tuy nhiên, đi con đường thế nào, nguồn lực ra sao, bằng phương pháp gì... chính là đồ án lớn cần phải suy xét.
"Chúng tôi biết làm KHCN không thể đem lợi nhuận nhanh chóng được. Nhưng với phương pháp tiếp cận hiện nay, với chiến lược phát triển cùng quyết tâm từ lãnh đạo cho tới các cán bộ thực thi, chúng tôi có niềm tin rất lớn Vingroup sẽ thành công, trở thành tập đoàn công nghệ đầu đàn của Việt Nam, vươn ra thế giới", Viện trưởng Vin Hi-Tech Nguyễn Quốc Sỹ bày tỏ.
Khách quan nhận xét, ThS Đào Kiến Quốc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Vingoup có lợi thế khi đầu tư vào KHCN vì có tiềm lực tài chính rất mạnh. Tuy nhiên, với tham vọng tuyển đến 100.000 nhân lực KHCN trong 10 năm tới thì đó là thách thức không nhỏ. Hiện tại, một tập đoàn công nghệ như FPT cũng chỉ có tổng số nhân lực khoảng 13.000 mà trong đó, tổng số nhân lực KHCN trong đó cũng chỉ cỡ 8.000 - 9.000 và còn lại là đội ngũ quản lý, tài chính, truyền thông... Vì thế, để thành công thì Vingroup không chỉ cần mời được các nhà khoa học hàng đầu tham gia công việc của mình mà còn phải có được những đội ngũ quản trị KHCN có đủ trình độ cần thiết.
Theo viettimes
Đối tác châu Âu hợp tác sản xuất điện thoại với Vingroup là ai BQ, công ty hợp tác với VinSmart, được biết đến với các smartphone có giá cạnh tranh, thiết kế ở Tây Ban Nha nhưng sản xuất ở Trung Quốc. Ngày 5/7, BQ - công ty công nghệ Tây Ban Nha và VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup đã ký hợp đồng hợp tác để thúc đẩy quá trình sản xuất các dòng điện thoại...