Vinalines đối mặt với “viễn cảnh” thua lỗ năm thứ 5 liên tiếp
Khoản lỗ dự kiến của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ( Vinalines) có thể lên tới trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2014. Nguyên nhân là do khối doanh nghiệp vận tải biển thành viên tiếp tục ngập sâu trong khó khăn, kết quả kinh doanh của đội tàu quá bi đát.
Tổng sản lượng vận tải biển của Vinalines trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 13,5 triệu tấn, bằng 47% kế hoạch năm 2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi giá cước ở mức thấp, giá dầu biến động liên tục, đội tàu có tổng trọng tải khoảng 2,9 triệu DWT của Vinalines vẫn chưa thể bứt ra được những khó khăn cố hữu như tuổi tàu cao, chi phí vận hành lớn, cơ cấu đội tàu không hợp lý – thừa tàu hàng rời, thiếu tàu container…
Khoản lỗ dự kiến của Vinalines có thể lên tới trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2014
Ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chuyên trách lĩnh vực hàng hải – cho biết: Đội tàu Vinalines chiếm tới 50% tổng trọng tải đội tàu cả nước nhưng chỉ chuyên chở chưa tới 25% sản lượng vận tải biển trong nước, điều này cho thấy hiệu quả vận hành đội tàu thấp.
Lãnh đạo của Vinalines cũng thừa nhận, đội tàu Vinalines sức cạnh tranh kém hơn đội tàu tư nhân. Khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu đội tàu Vinalines chính là suất đầu tư đội tàu cao, do nhiều tàu được đầu tư vào đúng thời điểm thị trường vận tải biển đang ở đỉnh cao (năm 2007-2008). Tuy nhiên, nếu chờ đến lúc thị trường phục hồi, thì đội tàu cũng đã già, chi phí bảo dưỡng rất tốn kém, nên Vinalines phải chấp nhận bán cắt lỗ để giảm gánh nặng tài chính cho đơn vị.
“Tình hình kinh doanh của Vinalines trong cả năm 2014 đang trông cậy cả vào khối cảng biển (trừ các doanh nghiệp liên doanh) – lĩnh vực đang được hưởng lợi từ chủ trương xiết chặt tải trọng xe trên các tuyến đường bộ để có thể cán đích mốc doanh thu 22.000 tỷ đồng” – lãnh đạo Vinalines cũng khẳng định,
Với kết quả kinh doanh bi đát và tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, nhiều khả năng Vinalines sẽ phải đón nhận năm thua lỗ liên tiếp thứ 5.
Trước những khó khăn nói trên, Vinalines đang coi công tác tái cơ cấu doanh nghiệp là nhiệm vụ sống còn, và nếu không hoàn thành quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu trong vòng 2-3 tới thì Vinalines sẽ bị “đắm”.
Video đang HOT
Được biết, đến thời điểm này, 7 đơn vị thành viên của Vinalines đã hoàn tất cổ phần hóa (CPH) theo đúng kế hoạch. Các đơn vị này hiện đang hoàn tất các thủ tục thu tiền bán cổ phần, xử lý số cổ phần không bán hết, tổ chức đại hội cổ đông và đăng ký doanh nghiệp. 5 doanh nghiệp khác phải hoàn tất CPH trong năm 2014 theo kế hoạch gồm cảng Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ.
Đối với công ty mẹ, Vinalines sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp, từ đó sẽ xây dựng phương án CPH. Dự kiến cuối năm 2014, Vinalines sẽ xây dựng xong và trình Chính phủ phê duyệt.
Liên quan tới công tác tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ lên tới 54.746 tỷ đồng của công ty mẹ và các doanh nghiệp vận tải biển…, hiện Vinalines đã cơ cấu được 196,25 triệu USD vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và 43.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Đối với các khoản nợ còn lại, một số ngân hàng thương mại trong nước, trong đó có VietinBank đã chấp thuận phương án chuyển các khoản nợ vay thành vốn góp khi tiến hành CPH công ty mẹ và công ty thành viên.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Lý do Dương Chí Dũng nhận án tử mới bị sa thải
Bộ GTVT vừa có quyết định buộc thôi việc với ông Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Hàng hải, Chủ tịch HĐQT Vinalines), 2 năm sau ngày bị khởi tố.
Chia sẻ thông tin với PV, ngày 23/6, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Bộ GTVT vừa ban hành quyết định "buộc thôi việc" đối với ông Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vừa bị kết án tử hình vì những sai phạm tại Vinalines".
Nói về nguyên do tại sao đến thời điểm Tòa tuyên án tử hình, thì Bộ mới lại đưa ra quyết định này, ông Trường phân tích: "Phải làm theo đúng quy định của pháp luật, khi tòa xử phúc thẩm tuyên án, sau đó Bộ mới có căn cứ đúng là phạm tội thì mới đủ điều kiện đưa ra quyết định thôi việc".
Cụ thể, theo ông Trường quyết định này, dựa vào quyết định của Tòa án, chứ nếu đưa ra quyết định khi tiến hành điều tra, giả sử Tòa kết luận vô tội thì hoàn toàn không chính xác. Có nghĩa là phải dựa trên kết luận của Tòa thì cơ quan nhà nước mới có quyết định liên quan đến việc bỏ chức vụ công chức.
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều bị kết luận án tử hình
Ông Trường cho biết thêm: "Khi Tòa kết luận có tội thì các cơ quan Đảng, nhà nước mới có thể cách chức các chức vụ trước đây mà một cá nhân đã đảm nhận".
Theo quyết định số 2191/QĐ-BGTVT về kỷ luật công chức, Bộ GTVT thi hành kỷ luật bằng hình thức "buộc thôi việc" đối với ông Dương Chí Dũng do vi phạm pháp luật và bị tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/6, Bộ GTVT yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị có liên quan và ông Dương Chí Dũng chịu trách nhiệm thi hành. Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết, chế độ bảo hiểm của ông Dương Chí Dũng sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định hiện hành.
Cùng với ông Dương Chí Dũng, Bộ GTVT cũng thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức "buộc thôi việc" đối với ông Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT từ ngày 10/6, do vi phạm pháp luật và bị tòa án kết án đã có hiệu lực. Chế độ bảo hiểm của ông Mai Văn Phúc cũng được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.
Hồi tháng 5, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước" và "Tham ô tài sản" trong thương vụ Vinalines mua ụ nổi 83M.
Bản án xác định ông Dũng và Phúc đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam trái với chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo mua ụ nổi 83M cũ nát gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng của nhà nước. Từ khi mang từ Nga về, ụ chưa từng được sử dụng do hư hỏng, hiện mỗi ngày mất khoảng một tỷ đồng chi phí bến bãi, sửa chữa.
Theo lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), phía bên bán đã "lại quả" hơn 28 tỷ đồng. Trong số này, ông Dũng và Phúc mỗi người nhận 10 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, ông Sơn và 6 người khác, đa phần là cán bộ đăng kiểm và hải quan, bị phạt từ 6 đến 14 năm tù.
Bộ GTVT đã làm đúng quy định
Nhìn nhận vấn đề này, Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ vào nguyên tắc suy đoán vô tội trên đây thì việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam hay VKS ra cáo trạng truy tố đối với bị cáo thì người này vẫn chưa bị xem là người có tội, bởi biết đâu nếu trong khi xét xử, cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo thì tòa án cũng có thể tuyên cho bị cáo vô tội.
Kể cả đến khi bản án sơ thẩm xét xử xong thì người bị kết án cũng chưa bị xem là người có tội, bởi bản án sơ thẩm có thể bị chính các bị cáo, những người có quyền kháng cáo khác gửi đơn kháng cáo hoặc VKS ra kháng nghị.
Chỉ khi nào vụ án đã xử phúc thẩm xong, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay thì người bị bản án đó kết tội mới bị xem là người phạm tội.
Trong vụ án của Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên vụ phó Vụ Vận tải Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines), tại thời điểm bị khởi tố cả hai đều là những người đang giữ các chức vụ, quyền hạn tại Bộ GTVT.
Vì thế, căn cứ quyết định khởi tố và yêu cầu của cơ quan điều tra thì Bộ GTVT cho tạm đình chỉ công tác hai ông để phục vụ công tác điều tra. Việc tạm đình chỉ công tác hai công chức của bộ khi bị khởi tố, bắt giam trên được thực hiện theo điều 81 Luật cán bộ công chức. Việc tạm đình chỉ công tác trong trường hợp này là để chờ cơ quan chức năng làm rõ vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức ấy ra sao để đơn vị chủ quản có cơ sở xử lý.
Vì vậy, việc Bộ GTVT phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật, sau đó mới thực hiện các bước trong quy trình về xử lý kỷ luật cán bộ công chức vi phạm pháp luật mới buộc thôi việc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc là đúng quy định.
Theo Đất Việt
Hàng chục nhà hàng du thuyền đang "bức tử" Hồ Tây Nguồn nước Hồ Tây ở phía góc đường Thuỵ Khê, nơi tập trung số lượng lớn nhà hàng du thuyển đang ô nhiễm trầm trọng. Từ lâu nay, việc kinh doanh nhà hàng du thuyền trên Hồ Tây đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà hàng kinh doanh này đang thiếu sự quản lý chặt chẽ. Hiện trên...