Vinalines bán vốn tại công ty đang lỗ luỹ kế 1.500 tỷ đồng
Vinalines vừa rao bán hơn 13 triệu cổ phiếu của Vitranschart, một doanh nghiệp đang làm ăn bết bát, lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng.
Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Công ty TNHH MTV (Vinalines) vừa công bố về việc rao bán 13.440.239 cổ phiếu VST của công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart).
Hình thức giao dịch dự kiến là bán đấu giá, dự kiến diễn ra vào 8h30 ngày 5/12/2018 tại sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Giá khởi điểm dự kiến là 1.200 đồng/cổ phiếu.
Tàu VTC Star từng là tài sản đảm bảo cho khoản nợ 170 tỷ đồng của Vietcombank tại Vitranschart.
Hiện tại Vinalines là cổ đông mẹ nắm giữ tổng cộng 35,4 triệu cổ phần, tương ứng 58% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Vitranschart.
Số cổ phần được mang ra đấu giá lần này chiếm 22,03% vốn điều lệ của Vitranschart.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 của Vitranschart cho thấy, doanh nghiệp đang làm ăn cực kỳ bết bát.
Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 408,4 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Vitranschart đang kinh doanh dưới giá vốn khi mà giá vốn bỏ ra cao hơn cả doanh thu, ở mức 438 tỷ đồng, từ đó kéo lỗ thuần lên hơn 30 tỷ đồng.
Video đang HOT
Chi phí tài chính trong kỳ tăng 23 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên trên 117 tỷ đồng, chủ yếu tăng chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng đột biến 10 tỷ đồng, lên 30,9 tỷ đồng, chủ yếu do công ty trích lập dự phòng hơn 10,6 tỷ đồng ghi nhận vào chi phí quản lý.
Kết quả, Vitranschart báo lỗ hơn 182 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, giảm lỗ được hơn 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (222 tỷ đồng) nhưng lỗ lũy kế hiện tại cũng lên tới 1.485 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 3, tổng tài sản của Vitranschat đạt 1.367 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả 2.228 tỷ đồng, vượt 63% tổng tài sản. Vitranschart cũng đã âm vốn chủ sở hữu đến 860 tỷ đồng.
Năm 2018 Vitranschart đặt mục tiêu kinh doanh lỗ 302,2 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu VST đang giao dịch mức 700 đồng/cổ phiếu, giao dịch ảm đạm vì lượng cổ phiếu khớp lệnh rất ít.
M.Minh
Theo nguoiduatin.vn
Gỗ Trường Thành: Nóng chuyện danh tính đối tác M&A
Nội dung đặc biệt được quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 25/10 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) là danh tính đối tác mà TTF nhận sáp nhập, thông qua hình thức phát hành 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi.
HĐQT TTF đã có tờ trình về việc sẽ nhận sáp nhập doanh nghiệp có năng lực cùng ngành. Hình thức là phát hành thêm dự kiến 100 triệu cổ phiếu TTF để hoán đổi lấy cổ phiếu của các cổ đông này.
Sau sáp nhập, TTF sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản của công ty sáp nhập (bao gồm nhưng không giới hạn các quyền kinh doanh, quyền sử dụng đất, các khoản nợ phải thu, các khoản nợ phải trả, các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mà công ty sáp nhập ký kết với bất kỳ bên thứ ba nào...) một cách toàn bộ và nguyên trạng.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp được sáp nhập có hiệu quả kinh doanh tốt và đòn bẩy không quá cao, đây sẽ là một thông tin rất tích cực cho TTF. Bởi khi hoán đổi, vốn chủ sở hữu tăng lên nhưng nợ vay không tăng tương ứng, giúp chỉ số nợ của TTF "đẹp" hơn.
Nếu phát hành thành công, dự kiến vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 3.146 tỷ đồng. TTF dự kiến hoàn thành chào bán trong thời hạn 90 ngày và thời gian gia hạn phát hành (nếu cần) kể từ ngày được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán. Hiện tại, danh tính đối tác, cũng như tỷ lệ hoán đổi cụ thể chưa được tiết lộ.
Việc dự kiến phát hành lượng cổ phiếu chiếm khoảng 46,6% số lượng cổ phiếu đang lưu hành chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mức độ pha loãng, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (EPS) và quyền lợi của các cổ đông, nhưng hiện tại, vấn đề được ưu tiên hàng đầu tại TTF không phải là pha loãng, mà là các giải pháp để "cứu sống" Công ty.
Tại thời điểm 30/6/2018, TTF có khoản lỗ lũy kế lên đến gần 2.100 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng. Kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty, trong khi cổ phiếu TTF bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 19/4/2018.
Trong bối cảnh này, cần nhắc lại tham vọng của doanh nhân Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc của TTF khi ông chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 rằng, Ban lãnh đạo hiện tại không chỉ muốn khắc phục những khó khăn và hậu quả trong quá khứ, mà còn muốn đưa TTF trở lại đường đua, trở thành doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ lớn nhất Đông Nam Á, hướng dần đến phân khúc có biên lợi nhuận tốt nhất là cung cấp nội thất cho các khách sạn 5 sao và resort.
Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những giải pháp của Ban lãnh đạo đề ra là thực hiện thâu tóm và sáp nhập.
Do vậy, thông tin sẽ nhận sáp nhập một doanh nghiệp trong ngành không quá bất ngờ với nhà đầu tư quan tâm tới TTF. Trong đó, phương thức để giúp TTF vừa giảm được tỷ lệ đòn bẩy, vừa M&A doanh nghiệp cùng ngành là kịch bản được kỳ vọng nhất.
Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán cho biết, chưa thể đánh giá cụ thể tình hình hiện tại bởi chưa có thông tin chi tiết về đối tác và tỷ lệ hoán đổi.
Tuy nhiên, vấn đề ưu tiên của TTF có lẽ là giảm tỷ lệ đòn bẩy cao. Theo đó, để giảm tỷ lệ đòn bẩy có 2 cách thông dụng, hoặc phát hành thêm cổ phần để tăng vốn chủ sở hữu hoặc thực hiện như TTF, phát hành thêm và hoán đổi để M&A một doanh nghiệp khác, với điều kiện doanh nghiệp được sáp nhập có báo cáo tài chính "sạch", đòn bẩy không cao.
Với cách thứ nhất, TTF sẽ phải phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược, lượng tiền mới sẽ được "bơm" vào doanh nghiệp. Tình huống này khó xảy ra hơn bởi giá cổ phiếu TTF đang dưới mệnh giá và trước đó, Công ty mới hoàn tất phát hành riêng lẻ với giá trị 700 tỷ đồng.
Do vậy, kịch bản thứ 2 có tính khả thi cao hơn. Theo đó, dù không có dòng tiền thực bơm vào TTF, nhưng chỉ số tài chính của Công ty sẽ lành mạnh hơn, quy mô cũng lớn hơn. Nếu doanh nghiệp nhận sáp nhập có hoạt động hiệu quả thì việc M&A này còn trợ lực khá tốt cho hoạt động kinh doanh lõi của TTF trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một nội dung đáng quan tâm khác là tờ trình đổi tên Công ty thành CTCP Total Furniture. Nội dung này từng được lãnh đạo TTF nhắc tới trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 nhằm chấm dứt những liên quan tới người sáng lập.
Nhã An
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tiêu chuẩn cơ sở cho QR Code: Đảm bảo sự đồng bộ, an toàn và minh bạch Để hoạt động thanh toán qua QR Code tại Việt Nam có thể thống nhất được nhất thiết phải có một chuẩn kỹ thuật chung giữa các tổ chức triển khai. QR Code: Bước thăng hạng trong thanh toán Một trong những hình thức thanh toán trên di động đang được các tổ chức thẻ quốc tế và các nước quan tâm đó...