Vinacomin dự kiến thu về 9,5 tỷ đồng khi thoái vốn tại VICOSA
Vinacomin đưa hơn 52.000 cổ phần VICOSA ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 182.200 đồng/cp.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sắp tới HNX sẽ tổ chức đấu giá cổ phần của CTCP Đại lý Hàng hải – Vinacomin (VICOSA) do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sở hữu.
Cụ thể, Vinacomin đăng ký đấu giá hơn 52.000 cổ phần VICOSA với giá khởi điểm 182.200 đồng/cp. Nếu đấu giá thành công, Vinacomin dự kiến thu về gần 9,5 tỷ đồng.
Thời gian diễn ra đấu giá dự kiến vào ngày 16/9. Đối tượng tham dự đấu giá bao gồm nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong, ngoài nước theo quy định.
VICOSA là đơn vị thuộc Vinacomin thành lập từ năm 1998. Hiện tại công ty đã và đang làm đại lý tàu biển cho rất nhiều hãng tàu biển trên thế giới đến Việt Nam làm hàng.
Công ty có nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước trải dài từ Bắc vào Nam. Đội ngũ đại lý viên lành nghề, nhiều kinh nghiệm đủ khả năng đáp ứng tất cả các tác nghiệp của đại lý hàng hải. Vốn điều lệ của Công ty đạt 25 tỷ đồng với mệnh giá cổ phiếu lên đến 100.000 đồng/cp.
Tại Vinacomin, công tác thoái vốn đang được ưu tiên. Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 – 2020, Vinacomin sẽ tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ trong năm 2019.
Tuy nhiên, do vướng về đất đai, phương án xử lý tài chính…, Công ty đã đề xuất được điều chỉnh tiến độ CPH sang cuối năm 2020, thậm chí sang năm 2021. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho rằng, việc CPH Công ty mẹ TKV khó có thể hoàn thành trong năm 2020.
Gần đây nhất, Vinacomin đã thoái vốn thành công tại CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh (KLM) sau khi bán ra 2,37 triệu cổ phiếu trong tháng 5/2020.
Video đang HOT
Yuanta: Thanh khoản TTCK tăng mạnh sau giai đoạn nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn
Năm 2020, 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ buộc phải cổ phần hóa bao gồm MobiFone, Agribank, Vinacomin, Vinafood I, GEN1, GEN2,...
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo đánh giá hiệu quả doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 sẽ diễn ra sôi nổi trong khi hoạt động thoái vốn có thể sẽ không sôi động bằng do tình hình thị trường chứng khoán đang còn gặp nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài.
Chỉ 64,2% doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã thực hiện nêm yết trên sàn
Theo dữ liệu thống kê từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam, từ năm 2005 đến nay có 896 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (chiếm khoảng 60% - 70% tổng số doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước). Trong đó, 480 doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thu về hơn 185.000 tỷ đồng, 416 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với giá trị hơn 181.000 tỷ đồng.
Theo quy định các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa 90 ngày phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UpCOM. Tuy nhiên, tính tới hiện tại mới chỉ 64,2% doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã thực hiện nêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Tỷ lệ thoái vốn thành công 100% so với kế hoạch đạt 53,3% với giá thoái vốn trung bình 44.763 đồng/cổ phiếu (dữ liệu loại trừ 1 trường hợp đột biến của Công ty Cổ phần In báo Lào Cai thoái vốn ngày 17/12/2019 với giá trung bình 16,5 triệu đồng/cổ phiếu).
Trên thực tế, tiến trình cổ phần và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 diễn ra khá chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 37 doanh nghiệp trên tổng số 127 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, đạt 29% so với kế hoạch.
Trong khi đó, mới có 44 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn thu về 4.566 tỷ đồng trong khi theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái vốn nhà nước tại 406 doanh nghiệp trị giá khoảng 60.000 tỷ đồng.
Quy mô giảm nhưng hiệu quả hoạt động được cải thiện sau cổ phần hóa, thoái vốn
Kết quả cho thấy sau khi thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Mặc dù sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có phần chậm lại, nhưng doanh nghiệp cải thiện về chất lượng tài chính khi mức sinh lời được cải thiện đáng kể, nhất là sau 2 năm kể từ khi thoái vốn nhà nước.
Theo thống kê của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ROE trung bình 3 năm sau thoái vốn 15,4% trong khi trước khi thoái vốn là 12,4%. Tương tự ROA trung bình trước thoái vốn 1,5% trong khi sau thoái vốn ở mức 1,6%.
Trong khi đó, trước khi thoái vốn, tăng trưởng tổng tài sản có xu hướng tăng sau đó chững lại, tới năm thứ 2 mới dần cải thiện. Khả năng doanh nghiệp sau thoái vốn mất khoảng 2 năm để tái cơ cấu lại tài sản doanh nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cũng thể hiện rõ hiệu quả thoái vốn doanh nghiệp sau 2 năm.
Chờ đợi "bom tấn" Agribank và MobiFone
Thực tế cho thấy, không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn là động lực tăng trưởng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Theo số liệu Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổng hợp, thanh khoản TTCK sẽ được cải thiện rõ rệt sau khoảng 2-3 năm số lượng doanh nghiệp được nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa tăng mạnh.
Cụ thể, sau 2 giai đoạn 2007-2008 và 2015-2016 đẩy mạnh hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa, thanh khoản TTCK trung bình năm 2009 đạt 1.623 tỷ đồng/phiên (tăng 226% so với 2008), năm 2018 đạt 5.259 tỷ đồng/phiên (tăng 28% so với 2017).
Quy định các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa bắt buộc phải niêm yết lên sàn sẽ là động lực khiến số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn tăng lên. Ngoài ra, việc nhà nước thoái vốn đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, việc tư nhân vận hành và quyết định đưa lên sàn sẽ dễ dàng hơn khi còn thuộc sở hữu nhà nước.
Vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh sẽ giải được bài toán từ hai chiều về cả tăng quy mô cho thị trường lẫn tạo điều kiện để nguồn vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam trong bối cảnh các cổ phiếu hiện tại trên sàn gần như đã kín room.
Theo kế hoạch trong năm 2020, có 93 doanh nghiệp nhà nước buộc phải cổ phần hóa bao gồm MobiFone, Agribank, Vinacomin, Vinafood I, GEN1, GEN2,... Trong đó, hai thương vụ lớn được chờ đợi trong đợt cổ phần hóa sắp tới là Mobifone và Agribank.
Theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, MobiFone có thể sẽ tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2020 hoặc đầu năm 2021. Hiện không chỉ nhà đầu tư trong nước mà các tập đoàn viễn thông nước ngoài như Singtel (Singapore), Telenor (Na Uy), Comvik (Thụy Điển) và Telstra (Australia),... cũng rất quan tâm tới thương vụ này.
Trong khi đó, Agribank sẽ khó hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2020 và có thể phải chờ sang năm 2021. Việc cổ phần hóa là một trong những giải pháp giúp Agribank không bị rớt lại trong cuộc chạy đua tăng vốn so với các ngân hàng khác.
THANH HÀ
Theo bizlive.vn
Vimico dựa vào đâu đưa ra mức giá gấp 1,2 lần thị giá tại Kim loại màu Nghệ Tĩnh? Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Công ty Khoáng sản TKV- CTCP (Vimico) đăng ký bán đấu giá toàn bộ cổ phần KLM của CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh vào ngày 10/3. Được biết, KLM kinh doanh chính trong lĩnh vực tư vấn thăm dò, khảo sát, khai thác, chế biến, mua bán khoáng sản...