Vietcombank tiếp tục tăng đầu tư vào trái phiếu ngân hàng khác
Kết thúc 6 tháng đầu, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 10.981 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống về con số tuyệt đối.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố BCTC hợp nhất giữa niên độ năm 2020 với kết quả kinh doanh khá khả quan.
Trong đó, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi hơn 17,1 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ. Riêng quý II/2020, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 8.077 tỷ đồng, giảm 5,9%.
Hoạt động dịch vụ ghi nhận lợi nhuận gần 2.283 tỷ đồng, tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó, riêng quý II/2020 đóng góp 1.155 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động ngoại hối cũng có sự tăng trưởng khá tốt, 18,4%, đạt 1.928 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 392 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.
Tuy nhiên, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác lại chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh trong kỳ, đạt lần lượt -21 tỷ đồng và 1.325 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.
Chi phí hoạt động trong kỳ của ngân hàng ở mức 8.028 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ trong khi chi phí trích lập dự phòng tăng tới 20,9%, lên hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 10.981 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, với kết quả này, Vietcombank vẫn đang là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về con số lợi nhuận.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Vietcombank đạt mức đạt 1,18 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách khàng tăng 4,91% đạt 770,7 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ qua Vietcombank tiếp tục tăng đầu tư vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác.
Cụ thể, trong khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, ngân hàng đang nắm hơn 18.000 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành.
Trong khi khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn cũng có 45.569 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành.
Theo đó, tổng lượng trái phiếu của các TCTD khác mà Vietcombank đang nắm giữ ở mức 63.575 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm và chiếm 5,36% tổng tài sản ngân hàng, so với tỷ trọng 4,98% hồi đầu năm.
Huy động tiền gửi của khách hàng của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm tăng 5,68%, đạt 981,2 nghìn tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tại thời điểm cuối tháng 6/2020, Vietcombank đang có tổng cộng 6.433 tỷ đồng nợ xấu, tăng nhẹ 10,8% so với đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn ở mức khá thấp, chỉ 0,83%/cho vay khách hàng, so với mức 0,79% hồi đầu năm.
6 tháng, ngân hàng là ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao nhất
Đến cuối tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 11% so với cùng kỳ, nhưng số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng đến hơn 30% cho thấy sự hấp dẫn từ việc huy động vốn này.
Báo cáo vừa công bố của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu sôi động trở lại kể từ quý II/2020.
Theo ước tính, tỷ lệ phát hành thành công sau 6 tháng 2020 là khoảng 69% so với 67% của cả năm 2019. Tỷ trọng trái phiếu có kỳ hạn từ 3 - 5 năm tăng mạnh khi chiếm hơn 60% so với khoảng 46% của cả năm 2019. Trong khi đó, kỳ hạn ngắn dưới 3 năm ghi nhận tỷ trọng giảm xuống còn hơn 20%.
Về khía cạnh nhóm ngành, tổ chức tín dụng và bất động sản là 2 ngành có tỷ trọng phát hành cao nhất với 30% và 29% tổng giá trị phát hành sau 6 tháng 2020. Kỳ hạn phát hành bình quân của ngân hàng và bất động sản lần lượt là 4,5 năm và 3,8 năm.
Quý II chứng kiến sự bứt phá của nhóm ngân hàng khi phát hành tới hơn 46.000 tỷ đồng so với chưa tới 1.000 tỷ đồng trong quý I. Trong đó, riêng BIDV đã chiếm gần một phần ba số lượng tăng thêm. Trong khi ngành sản xuất chỉ chiếm 3,9% tỷ trọng giá trị phát hành 6 tháng 2020, tuy nhiên kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm ngành này lên đến 7,8 năm.
Theo số liệu tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã phát hành lên tới 156.000 tỷ đồng sau 6 tháng năm 2020, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước.
Ở khía cạnh lãi suất, lãi suất danh nghĩa cho sản phẩm tương tự như năm 2019 biến động khá trái chiều ở từng doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, một điểm chung có thể nhận thấy là trái phiếu của nhóm ngân hàng có lãi suất giảm so với sản phẩm tương tự của năm 2019.
Mục đích của nhóm này đa phần là phát hành để tăng vốn cấp hai khi trái phiếu thường có kỳ hạn dài và không tài sản đảm bảo. Điển hình như với BIDV, lãi suất phát hành kỳ hạn 10 năm cuối 2019 bằng lãi suất tham chiếu (trung bình lãi suất tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng cho phương thức trả sau bốn ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank và Ngân hàng Công Thương) cộng với 1,7% đến 1,8%. Tuy nhiên, đợt phát hành gần đây cho trái phiếu cùng kỳ hạn 10 năm của BIDV đề nghị lãi suất tham chiếu cộng với 1,3%. Ngoài ra, với việc hạ lãi suất các kỳ hạn gần đây của các ngân hàng cũng khiến cho lãi suất tham chiếu hiện nay thấp hơn so với thời điểm cuối 2019.
Trái ngược với nhóm ngân hàng thì một số doanh nghiệp bất động sản như CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) lại ghi nhận lãi suất cao hơn so với năm 2019. Trong đó, DXG thường đề nghị lãi suất cố định, thì KBC thêm vào cả lãi suất thả nổi sau một năm đầu tiên phát hành cho kỳ hạn 2 năm.
Trong bối cảnh tín dụng chỉ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước vào thời điểm cuối tháng 6, số lượng trái phiếu phát hành tăng đến hơn 30% cho thấy sự hấp dẫn từ việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá đơn sơ khi chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín. Điều này đã khiến cho Bộ Tài chính nhiều lần đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia vào thị trường này khi mà khối nhà đầu tư cá nhân nắm tới hơn 27% tổng khối lượng phát hành của 6 tháng 2020 so với chỉ 9% khối lượng cả năm 2019, theo Bộ Tài Chính.
Ngoài ra, 28 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khối lượng vượt ba lần vốn chủ sở hữu, trong đó 11 doanh nghiệp vượt 50 lần vốn chủ sở hữu.
Các chuyên gia phân tích của VDSC dự báo, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong nữa cuối năm 2020 khi mà Ngân hàng lo ngại xảy ra nợ xấu trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá trị phát hành trong 2 quý cuối năm 2020 sẽ giảm so với nữa đầu năm do Nghị định 81 vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Điểm nhấn chính từ Nghị định mới này khiến cho việc phát hành sau tháng 9 bị ảnh hưởng nặng là việc đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành liền trước 6 tháng. Trong suốt 2 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp chia nhỏ đợt phát hành để vừa dễ cho các nhà đầu tư tham gia vừa tuân thủ quy định giao dịch dưới 100 nhà đầu tư, thì với việc quy định mới có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ buộc phải phát hành lô lớn. Khi đó, tổ chức phát hành có thể gặp khó khăn hơn để tìm kiếm những nhà đầu tư lớn.
"Do đó, chúng tôi sẽ không quá bất ngờ nếu khối lượng phát hành tăng mạnh từ nay tới trước khi Nghị định có hiệu lực", VDSC cho biết.
Thị trường tiền tệ nhiều biến động: Yếu tố nào tác động mặt bằng lãi suất ngân hàng? Đầu tháng 7/2020, thị trường tiền tệ có nhiều biến động. Trong đó, trái phiếu DN đã khiến nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động lần thứ 4 kể từ đầu năm. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) đã giảm, còn hầu hết các đồng tiền khác trong giỏ thanh toán quốc tế...