Vietcombank lên kế hoạch tăng vốn, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 25 nghìn tỷ đồng
Nếu tăng được vốn điều lệ, Vietcombank dự kiến tổng tài sản năm 2020 tăng trưởng 9%, huy động vốn tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 10%, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10%, tương đương đạt trên 25.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Dự kiến ngày 26/6 tới, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Vietcombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Trong tài liệu gửi cổ đông trước thềm đại hội, Vietcombank dự kiến sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020 – 2021.
Còn thiếu hơn 21 nghìn tỷ đồng
Cụ thể, Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, hệ số an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II của VCB tại 31/12/2019 ở mức 9,24%, đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hiện hành của NHNN.
Tuy nhiên, với kế hoạch tăng trưởng quy mô tài sản trong thời gian tới, dự kiến Vietcombank chỉ có thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu (8%) đến cuối năm 2020.
Mặt khác, với tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng hàng đầu khu vực, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất toàn cầu được quản trị theo các thông lệ tốt nhất, và mục tiêu cụ thể là ngân hàng hàng đầu về quản trị rủi ro và chất lượng tài sản, Vietcombank hướng tới hệ số an toàn vốn không chỉ đáp ứng mức tối thiểu theo quy định (8%) mà ở mức cao hơn (9-10%).
Video đang HOT
Do đó việc bổ sung tăng vốn là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Tháng 1/2019, Vietcombank hoàn thành phát hành 3% vốn điều lệ (tỷ lệ sau khi phát hành) cho nhà đầu tư nước ngoài GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, mang lại nguồn thặng dư gần 5.000 tỷ.
Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng lên hơn 37 nghìn tỷ. Tuy nhiên, Vietcombank mới hoàn thành được 1/3 kế hoạch tăng vốn đã xác định theo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài được NHNN phê duyệt đầu năm 2018.
“Hiện tại, vốn điều lệ của Vietcombank đang thấp hơn mức kế hoạch tại Phương án cơ cấu Dự thảo 2 lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020 là 21.100 tỷ đồng.
Do đó, Vietcombank cần phải tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2020 – 2021 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược. Nếu không tăng được vốn, Vietcombank sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của Vietcombank, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Vietcombank cũng như đóng góp của Vietcombank cho Ngân sách Nhà nước”, lãnh đạo Vietcombank cho biết.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Theo đó, tại đại hội lần này, HĐQT ngân hàng dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ theo 2 cấu phần.
Cấu phần thứ nhất là phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 18%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vốn điều lệ sau chia cổ tức dự kiến tăng thêm 6.675 tỷ đồng lên 43.764 tỷ đồng.
Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán.
Khối lượng phát tối đa là 241 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành cho các nhà đầu tư dự kiến 204,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành; phát hành cho đối tác chiến lược ( Ngân hàng Mizuho Nhật Bản) để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến 36.161.771 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho.
Với kế hoạch tăng vốn điều lệ như trên, Vietcombank dự kiến tổng tài sản năm 2020 tăng trưởng 9%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 10%.
Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10%, tương đương đạt trên 25.000 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn duy trì trên 9%, hiệu suất sinh lời vốn chủ sở hữu ROAE khoảng 22%.
Vietcombank trong Top 2 ngân hàng có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất toàn cầu
Vietcombank hiện là thành viên có hiệu quả hoạt động dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam, lợi nhuận liên tiếp bứt phá qua các năm.
Ảnh minh họa.
Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới (Brand Finance) vừa công bố bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng (Brand Finance Banking 500) lớn nhất toàn cầu. 9 ngân hàng Việt có tên trên bảng xếp hạng, trong đó có 5 gương mặt mới so với năm 2019.
Theo Brand Finance: Trong khi khu vực châu Âu sụt giảm trong bảng xếp hạng, nhóm châu Á tăng chủ yếu nhờ Việt Nam.
"Thị trường có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất là Việt Nam, với mức tăng tới 146%. Trong đó, Vietcombank đã tăng 99%, đạt 0,8 tỷ USD, mức tăng trưởng cao thứ 2 tính theo tỷ lệ phần trăm trên toàn cầu" - Brand Finance cho biết.
Với mức tăng trưởng ấn tượng nêu trên, thứ hạng của Vietcombank trong bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 tăng mạnh từ vị trí 325 (năm 2019) lên vị trí 207 (năm 2020).
Vietcombank trong Top 2 ngân hàng có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất toàn cầu
"Kể từ khi Chính phủ Việt Nam đưa ra chiến lược tăng cường trách nhiệm và sức mạnh của ngành ngân hàng, bao gồm các yêu cầu về vốn nghiêm ngặt hơn và tính minh bạch cao hơn, nhận thức của khách hàng ngày càng được cải thiện. Niềm tin ngày càng tăng trong các ngân hàng Việt, với doanh thu cao hơn, triển vọng tích cực hơn theo đánh giá từ các nhà phân tích" - Brand Finance nhận định.
Vietcombank hiện là ngân hàng có hiệu quả hoạt động dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam, lợi nhuận liên tiếp bứt phá qua các năm với mức tăng trưởng ấn tượng năm 2017, 2018, 2019 lần lượt là: 32,2%; 61,1% và 26%; là ngân hàng Việt Nam đầu tiên cán mốc lợi nhuận đạt 1 tỷ đô la Mỹ và nằm trong Top 200 tổ chức tài chính ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn cầu. Chất lượng tín dụng của Vietcombank được quản trị thực chất, nợ xấu (phân loại theo chuẩn mực quốc tế) giảm tương ứng qua các năm, từ 1,1% (năm 2017); 0,97% (năm 2018) và đến năm 2019 chỉ còn 0,77%.
Với hiệu quả kinh doanh cao, Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp với 3 lần hạ lãi suất trong năm 2019, trong đó 2 lần giảm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và 1 lần giảm 0,5% đồng loạt cho các doanh nghiệp có dư nợ tại Vietcombank nhằm chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của kinh tế, xã hội đất nước.
LINH LINH
Theo Bizlive.vn
Một loạt ngân hàng báo cáo sớm kết quả quý 2, lợi nhuận đạt được vẫn khả quan Kết thúc 5 tháng đầu năm nay và ước đến hết tháng 6/2020, các ngân hàng quy mô đã hoàn thành được 40-50% kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy nhiên, tình hình tín dụng tăng trưởng chậm. Hoàn thành 40-50% kế hoạch lợi nhuận Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, kết thúc 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng...