Việt Trung xây điện thoại nối thẳng hai Bộ Quốc phòng
Tại cuộc đối thoại quốc phòng Việt – Trung mới đây, hai bên đã ký Thỏa thuận xây dựng đường dây thông tin điện thoại bảo mật nối thẳng hai Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ tư tại Bắc Kinh. Sau khi kết thúc Đối thoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi theo đoàn:
- Thưa đồng chí Thứ trưởng, xin đồng chí cho biết đánh giá về kết quả của Đối thoại quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ tư?
Đây là cuộc đối thoại mang dấu ấn quan trọng, kỷ niệm 10 năm ký Nghị định thư về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên đều thấy tính đúng đắn của việc ký Biên bản này cũng như những nội dung của nó, giúp quân đội hai nước hợp tác cùng phát triển.
Hai bên cũng đã vạch định hướng tiếp tục quá trình hợp tác giữa hai quân đội trong thời gian từ nay đến 2016, xa hơn là đến 2020. Cuộc đối thoại đã diễn ra rất thẳng thắn, không né tránh các vấn đề nhạy cảm và đi đến nhận thức chung rằng cần tiếp tục hợp tác cùng phát triển, nhằm tạo dựng không khí hòa bình để lãnh đạo cao cấp có thể từng bước giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước.
Hai đoàn đại biểu Việt Nam và Trung Quốc tham gia Đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ tư. Ảnh: Yên Ba
- Là người đã tham gia các cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Việt Nam-Trung Quốc từ lần đầu tiên đến nay, xin Thứ trưởng cho biết cuộc đối thoại lần này có điểm gì khác biệt so với những lần đối thoại trước?
Một trong những khác biệt của cuộc đối thoại lần này so với các cuộc đối thoại trước là hai bên đã ký Thỏa thuận Về việc xây dựng đường dây thông tin điện thoại bảo mật nối thẳng giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước.
Video đang HOT
Đây là đường dây liên lạc rất cần thiết để lãnh đạo quốc phòng hai nước có thể nhanh chóng xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra, không để dẫn tới hiểu lầm và vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Việc ký Thỏa thuận này nói lên sự gắn bó mật thiết, mối liên lạc thường xuyên giữa quân đội hai nước Việt Nam-Trung Quốc, cũng đồng thời thể hiện rõ một nội dung mà hai bên đã thảo luận và nhất trí trong cuộc Đối thoại, đó là “kiểm soát tốt những bất đồng còn tồn tại giữa hai bên”.
- Tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 12 vừa diễn ra ở Singapore, Thủ tướng Việt Nam đã có bài phát biểu dẫn đề, đề cập đến việc xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương. Tinh thần này đã thể hiện như thế nào trong cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần thứ tư?
Tại cuộc gặp song phương với tôi bên lề Đối thoại Shangri-La 12, Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đề xuất 4 nguyên tắc để chuẩn bị cho Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc
Trong đó nguyên tắc đầu tiên là thiết lập lòng tin chiến lược giữa Bộ Quốc phòng hai nước, tạo cơ sở cho những bước tiếp theo.
Những nguyên tắc còn lại là lãnh đạo quốc phòng hai nước có suy nghĩ rộng mở, nói với nhau sự thật để có niềm tin vào nhau; nhìn thẳng vào những tranh chấp, bất đồng, những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên để cùng nhau giải quyết; nghiên cứu kỹ lưỡng những điều còn khác biệt, trao đổi một cách chân thành để chuyển từ những điều còn mâu thuẫn sang có thể giải quyết được.
Tại Đối thoại lần này, cả 4 nguyên tắc đó tiếp tục được hai bên đồng tình và phát triển thông qua những định hướng cụ thể. Hai bên không né tránh những vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là tình hình trên Biển Đông.
Trong cuộc đối thoại, tôi đã đưa ra 5 hướng trọng điểm trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc, đó là: Tăng cường hợp tác quốc phòng ở cấp cao, lấy đối thoại cấp thứ trưởng làm trọng tâm; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hợp tác trong lĩnh vực công tác Đảng-công tác chính trị giữa quân đội hai nước, làm cho quân đội và nhân dân hai nước hiểu rõ những mặt tích cực cũng như còn tồn tại trong quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác về hải quân, cử các đội tàu sang thăm lẫn nhau, trao đổi qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân hai nước; đẩy mạnh hợp tác biên phòng thông qua các hoạt động trao đổi giao lưu qua biên giới và tăng cường hợp tác biên phòng trên biển với hình thức giúp đỡ ngư dân hai bên làm ăn; hợp tác trên các điễn đàn đa phương như ADMM , trợ giúp trong công tác tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Có những vấn đề cụ thể đã được đưa ra ngay trong khi đối thoại, chẳng hạn Trung tướng Thích Kiến Quốc sắp tới có dịp đi công tác khu vực phía Nam Trung Quốc, sẽ cùng tôi chủ trì hoạt động giao lưu giữa biên phòng hai nước; tôi cho rằng, những sáng kiến như thế cần có ngày càng nhiều hơn trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La 12 tiếp tục được dư luận chú ý. Cá nhân Thứ trưởng đánh giá thế nào về ảnh hưởng bài phát biểu này lên chính sách quốc phòng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc?
Cả thế giới, trong đó có lãnh đạo Trung Quốc, đã hiểu rành mạch về chính sách an ninh quốc phòng của Việt Nam thông qua bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La 12. Đó là chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ, không làm phương hại đến lợi ích của các nước khác.
Quan hệ quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc không nằm ngoài mối quan hệ tổng thể Việt Nam-Trung Quốc. Nền quốc phòng Việt Nam mang tính chất tự vệ, bảo vệ và củng cố hòa bình, đã có những đóng góp to lớn trong chính sách đối ngoại chung của đất nước.
Xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược giữa quân đội hai nước Việt Nam-Trung Quốc chính là góp phần vun đắp lòng tin chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Hai nước hoàn toàn có thể chung sống hòa bình, hợp tác phát triển, giải quyết những điều còn tồn tại trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế.
- Xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!
Theo vietbao
Triều Tiên từ chối đối thoại cấp bộ trưởng với Hàn Quốc
Hôm nay (7/6), Triều Tiên đã khôi phục hoạt động đường dây nóng chính thức với Hàn Quốc nhưng lại từ chối đề xuất mở các cuộc đối thoại cấp bộ trưởng tại Seoul vào tuần tới.
Hy vọng tái khởi động khu công nghiệp Kaesong đang được nhen nhóm trở lại khi Triều Tiên - Hàn Quốc đồng thuận đàm phán
Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình của Triều Tiên (CPRK) cho biết đường dây nóng vốn bị cắt đứt sau khi căng thẳng quân sự leo thang hồi tháng Ba, đã được khôi phục từ lúc 5 giờ sáng nay (giờ GMT).
Việc khôi phục đường dây Chữ Thập Đỏ phục vụ truyền thông liên chính phủ sẽ tạo điều kiện để 2 bên trao đổi đề xuất tiến hành các cuộc đối thoại chính thức. Đây được xem là bước tiến tích cực của Triều Tiên và Hàn Quốc trong nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng sau cuộc khủng hoảng quân sự từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, phát ngôn viên CPRK khẳng định các cuộc đối thoại nên được thực hiện trong lãnh thổ Triều Tiên và quy mô cuộc họp ở cấp thấp hơn so với cấp bộ trưởng như Seoul đề xuất.
"Theo quan điểm của chúng tôi mối liên hệ nhân sự trong chính quyền Triều Tiên và Hàn Quốc là quan trọng hơn so với việc tổ chức các cuộc đối thoại cấp bộ trưởng như Seoul đề nghị", hãng truyền thông trung ương KCNA dẫn lời phát ngôn viên CPRK.
Ngoài ra, thay vì thủ đô Seoul, địa điểm tổ chức các cuộc đối thoại nên diễn ra tại Kaesong - khu công nghiệp chung của Triều Tiên - Hàn Quốc, vốn nằm trong lãnh thổ của Triều Tiên, phát ngôn viên CPRK nói.
Tổ hợp công nghiệp chung Kaesong được thành lập vào năm 2004 và từng là biểu tượng của tinh thần hợp tác liên Triều, đã buộc phải đóng cửa hoạt động sau khi căng thẳng quân sự leo thang tới mức đỉnh điểm trên bán đảo Triều Tiên trong những tháng qua. Ngay hồi đầu tháng Tư, Triều tiên đã cho rút toàn bộ 53.000 công nhân về nước. Ngay sau đó, Hàn Quốc cũng đưa các nhà quản lý và quan chức ra khỏi Kaesong.
Hiện nay, việc tái khởi động khu công nghiệp chung Kaesong được xem là một trong những chủ đề chính trong các cuộc đối thoại sắp tới. Phát ngôn viên CPRK đưa ra đề xuất các cuộc đối thoại sẽ được tổ chức vào ngày 9/6 - sớm hơn 3 ngày so với thời gian Seoul đưa ra. Phản ứng lại tuyên bố của Triều Tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ "đang nghiên cứu" đề nghị của quốc gia láng giềng.
Đề xuất của Triều Tiên trong việc thảo luận các vấn đề liên quan tới thương mại, nhân đạo, tái mở cửa khu công nghiệp Kaesong và tổ chức đoàn tụ cho công dân 2 nước, được tuyên bố trước thời điểm diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc. Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Barack Obama sẽ tham gia cuộc họp được tổ chức tại California từ ngày 14 - 15/6, và Triều Tiên sẽ trở thành đề tài chính trong phiên thảo luận.
Trung Quốc - đồng minh thân cận và nhà đối tác thương mại chính của Triều Tiên, đang phải chịu áp lực lớn từ phía Mỹ nhằm kiềm chế quốc gia láng giềng, cũng đã bày tỏ sự vui mừng khi nhận được thông tin Triều Tiên - Hàn Quốc đồng thuận đàm phán.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - Ban Ki-moon cũng hoan nghênh đề xuất của Triều Tiên. "Đây là bước tiến đáng khích lệ nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng và thúc đẩy hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên", phát ngôn viên của ông Ban Ki-moon nói.
Theo vietbao
Việt-Trung nghiên cứu việc không dùng vũ lực trên biển Việt Nam và Trung Quốc nhất trí xem xét, nghiên cứu ký "Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước". Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 4 tại Bắc Kinh chiều 5/6....