Việt-Nga: Quan hệ đối tác trên nền tảng vững chắc
Với nhan đề “Việt Nam và Nga, mối quan hệ đối tác dựa trên nền tảng vững chắc”, trang mạng Ekhoplanet.ru của Nga ngày 31/10 đã đăng bài phỏng vấn Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang dành riêng cho hãng thống tấn Itar-Tass, trong khuôn khổ chuyến thăm Hà Nội mới đây của Tổng giám đốc Itar-Tass, ông Sergey Mikhailov.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) trong buổi tiếp ông Tổng giám đốc Itar-Tass, ông Sergey Mikhailov tại Hà Nội. Ảnh: ekhoplanet.
Phần đầu bài phỏng vấn tóm tắt, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cho rằng điểm đặc biệt trong quan hệ truyền thống với Nga là sự tin tưởng ở mức cao đồng thời quan hệ này có rất nhiều tiềm năng hứa hẹn. Hai nước đã nâng mối quan hệ lên mức chiến lược toàn diện, và hiện sự hợp tác bao trùm lĩnh vực rộng – từ nông nghiệp và công nghệ cao cho tới trao đổi văn hóa và khoa học, mà trong từng lĩnh vực còn có rất nhiều tiềm năng. Việt Nam tin tưởng chuyến thăm tới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cuộc thảo luận ở cấp cao tại thủ đô Hà Nội sẽ đem đến động lực mạnh mẽ mới trong mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Theo quan điểm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, quan hệ Việt-Nga là mối quan hệ đối tác chặt chẽ trên vũ đài quốc tế.
Sau đây là toàn văn nội dung bài phỏng vấn:
Câu hỏi:Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga ngày càng mở rộng và phát triển. Theo Ngài Chủ tịch nước, Việt Nam và Nga nên tập trung vào những lĩnh vực nào để nâng cao hiệu quả và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga?
Việt Nam và Liên bang Nga có lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống và gắn bó lâu đời, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2001 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Trên nền tảng vững chắc đó, hợp tác song phương ngày càng phát triển toàn diện, được đẩy mạnh cả về chiều sâu và bề rộng. Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, hợp tác kinh tế hiệu quả, hợp tác nhân văn không ngừng được mở rộng. Để tạo những đột phá mới trong thời gian tới, tôi cho rằng Việt Nam và Nga cần tập trung vào các lĩnh vực trụ cột là thương mại, năng lượng gồm dầu khí và điện hạt nhân, kỹ thuật quân sự, trong đó chú trọng triển khai các dự án chiến lược.
Về thương mại, hai bên cần nỗ lực đàm phán và sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Tuy hiện kim ngạch song phương vẫn liên tục tăng, năm 2012 đạt gần 2,5 tỉ USD, 8 tháng đầu năm 2013 đạt 1,8 tỉ USD, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của mỗi nước. Hiệp định này sẽ tạo bước đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng kim ngạch lên 7 tỉ USD năm 2015 và cao hơn nhiều vào năm 2020.
Trong lĩnh vực năng lượng, thời gian qua, hai nước đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ Liên bang Nga với nhiều dự án lớn. Ngoài liên doanh Vietsovpetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai Bên đã có thêm những liên doanh đang hoạt động hết sức hiệu quả như Vietgazprom, Gazpromviet, Rusvietpetro. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của Nga mở rộng hơn nữa hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đang được triển khai theo đúng tiến độ thỏa thuận. Hai bên cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ nhằm thực hiện dự án bảo đảm tiêu chí an toàn, hiệu quả và chất lượng cao nhất. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển ngành điện hạt nhân, mong muốn Nga giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, để về lâu dài Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, quản lý và vận hành an toàn Nhà máy điện hạt nhân.
Hợp tác kỹ thuật quân sự là lĩnh vực truyền thống và đang phát triển hiệu quả, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ, tính đến những hình thức hợp tác mới, góp phần quan trọng vào việc tăng cường Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga.
Câu hỏi: Xin Ngài Chủ tịch nước đánh giá về sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thay đổi nhanh chóng trong khu vực và thế giới hiện nay.
Video đang HOT
Là đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Liên bang Nga đang hợp tác chặt chẽ trong mọi lĩnh vực với độ tin cậy cao. Tôi rất hài lòng về quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Thời gian qua, hai Bên đã phối hợp đồng bộ và triển khai hiệu quả các thỏa thuận và hợp đồng đã ký kết. Ngoài gặp gỡ, tiếp xúc các cấp, kể cả giữa Lãnh đạo cấp cao, chúng ta còn có hàng loạt cơ chế đối thoại thường niên như Đối thoại chiến lược Ngoại giao – Quốc phòng – An ninh cấp Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng, hợp tác đa phương tại ADMM , Shangrila… để trao đổi ý kiến thường xuyên và kịp thời về các vấn đề hợp tác quốc phòng – an ninh, về hòa bình và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Hợp tác kỹ thuật quân sự Việt – Nga là lĩnh vực truyền thống của hai Bên và không ngừng phát triển, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong thời gian tới, chúng ta cần đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới như liên doanh sản xuất, tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học chung, thành lập các trung tâm dịch vụ và bảo hành hậu mãi, xuất khẩu sang các nước thứ ba. Bên cạnh đó, hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực đào tạo quân nhân, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, tôi cho rằng, hai bên càng cần hợp tác chặt chẽ và thường xuyên trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, thiết thực đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga, cũng như góp phần duy trì hoà bình, ổn định và phát triển bền vững ở Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Câu hỏi:Là một quốc gia thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và là người bạn thân thiết của Nga, Việt Nam có thể đóng góp những gì cho sự phát triển quan hệ giữa LB Nga và ASEAN?
Trước hết, cần khẳng định rằng, ASEAN luôn chủ trương tăng cường và mở rộng quan hệ với các đối tác, trong đó có Nga trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Trên thực tế, quan hệ và hợp tác ASEAN-Nga đã phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như an ninh-chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác phát triển…
Là một người bạn truyền thống của Nga, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của Nga và ủng hộ Nga ngày càng gắn kết hơn với khu vực. Ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 1995, Việt Nam đã ủng hộ Nga trở thành Đối tác Đối thoại đầy đủ của ASEAN tháng 7/1996 và là nước đầu tiên đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Nga giai đoạn 1996-1999. Trong năm 2010, với cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 2, và tại Cấp cao Đông Á lần thứ 5, Việt Nam đã ủng hộ Nga tham gia Cấp cao Đông Á.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục làm cầu nối, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác ASEAN-Nga theo hướng toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn trên cơ sở Chương trình Hành động Toàn diện Thúc đẩy Hợp tác ASEAN-Nga giai đoạn 2005-2015 với những hướng ưu tiên sau:
Thứ nhất, Việt Nam ủng hộ Nga tích cực gắn kết hơn với khu vực thông qua hỗ trợ ASEAN triển khai các mục tiêu trọng tâm như xây dựng cộng đồng, triển khai liên kết và kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mê-công…
Thứ hai, Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Nga thông qua các kênh hợp tác chuyên ngành, trao đổi thông tin liên quan đến thương mại và đầu tư. Với việc Nga đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam ủng hộ hai bên tiến hành đàm phán FTA ASEAN-Nga, tạo động lực mới cho sự phát triển sâu, rộng hơn của hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên cũng như tạo tiền đề cho việc Nga tham dự vào đàm phán Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ ba, Việt Nam ủng hộ cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác ASEAN-Nga về chính trị – an ninh, vì hòa bình và ổn định chung. Theo đó, hai bên cần tăng cường gặp gỡ và tham vấn ở các cấp để tăng cường tin cậy và hiểu biết, thảo thuận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đồng thời, ASEAN và Nga cần tăng cường phối hợp trong các cơ chế do ASEAN đóng vai trò chủ đạo như ARF, ADMM … Hai bên cũng cần thảo luận hướng tới đồng thuận về việc tổ chức Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 3, tạo động lực mới cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.
Thứ tư, Việt Nam ủng hộ thúc đẩy hợp tác chuyên ngành và phát triển giữa ASEAN và Nga, đặc biệt trên các lĩnh vực như khoa học và công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, giao thông, giáo dục và thúc đẩy hoạt động ngày càng hiệu quả hơn của Trung tâm ASEAN thuộc trường đại học MGIMO tại Moscow.
Thứ năm, Việt Nam ủng hộ đẩy mạnh hợp tác ASEAN-Nga về ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên như quản lý thiên tai, dịch bệnh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh lương thực và năng lượng…
Câu hỏi:Khi thảo luận với Tổng thống Nga Putin trong khuôn khổ Hội nghị APEC tại Vladivostok, Ngài Chủ tịch nước đã bày tỏ sự quan tâm của phía Việt Nam về đầu tư và phát triển kinh tế vùng Viễn Đông Nga. Đến nay, Việt Nam đã có dự án cụ thể nào chưa?
Vùng Viễn Đông của Nga là khu vực giàu tiềm năng với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai hết sức phong phú, dồi dào, có thế mạnh trong các ngành công nghiệp khai thác dầu khí, ngành công nghiệp nhẹ như da giày, dệt may, chế biến gỗ và đồ nội thất, nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp. Đây là những ngành thu hút nhiều lao động nước ngoài và Việt Nam có thể hợp tác tốt. Hiện tại đã có khoảng hơn 1.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại vùng Viễn Đông của Nga, tập trung chủ yếu ở các ngành xây dựng, lâm nghiệp….
Chính phủ Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư vào vùng Viễn Đông của Liên bang Nga. Cho đến nay tuy chưa có dự án cụ thể nhưng hai bên đang thảo luận tích cực trong khuôn khổ Tổ Công tác về công nghiệp nhẹ thuộc Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật Việt – Nga về khả năng hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ và nuôi trồng thủy sản tại Viễn Đông. Hoan nghênh việc Tổng thống Nga vừa ký Luật sửa đổi liên quan đến thuế thu nhập trong thực hiện các dự án đầu tư ở khu vực Viễn Đông, mong phía Nga có thêm các chính sách ưu đãi về đất đai, lao động đối với các nhà đầu tư vào vùng này.
Câu hỏi: Xin Ngài cho biết những vấn đề song phương và quốc tế quan trọng Ngài mong muốn thảo luận với Tổng thống Nga V. Pu-tin trong cuộc gặp sắp tới tại Hà Nội?
Chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 tới của Tổng thống V. Pu-tin là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ song phương Việt Nam và Liên bang Nga trong năm 2013, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã được hai nước thiết lập. Chuyến thăm sẽ là dịp để tôi cùng Tổng thống V. Pu-tin kiểm điểm và đánh giá những mặt thuận lợi, tìm cách tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại trong hợp tác song phương, cùng bàn bạc và thống nhất các hướng trọng điểm nhằm triển khai một cách hiệu quả và thực chất hợp tác song phương, trong đó có việc rà soát lại việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao đã đạt được, tiến độ triển khai các dự án lớn giữa hai nước.
Tôi sẽ tập trung trao đổi ý kiến về phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước từ chính trị, đến kinh tế – thương mại, đầu tư, đặc biệt là các dự án dầu khí, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, hợp tác kỹ thuật quân sự, hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ – giáo dục…và nhiều lĩnh vực khác.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm, tập trung thảo luận về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong khuôn khổ các cơ chế thuộc Liên hợp quốc, sự phối hợp của hai nước tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), trong khuôn khổ các tổ chức do ASEAN làm nòng cốt như Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Á – Âu (ASEM)…
Tôi tin tưởng rằng, các kết quả đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ thể hiện được ý chí, quyết tâm của Lãnh đạo Cấp cao hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, nâng cao chất lượng hợp tác song phương, góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển và hiện đại hóa ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.
Theo Duy Trinh
Báo Tin tức
Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận tránh vỡ nợ và mở lại chính phủ
Giới lãnh đạo hai phe Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ ngày 16/10 đã đạt được thỏa thuận chấm dứt bế tắc tài chính chỉ vài giờ trước khi Washington chạm trần nợ công.
Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Kelly Ayotte thông báo kết quả trên ngay sau cuộc họp ngày hôm qua của Thượng viện Mỹ.
"Kế hoạch vừa được thông qua tại Thượng viện sẽ nâng trần nợ công tới ngày 7/2/2014 và cấp ngân sách cho chính phủ liên bang đến ngày 15/1/2014", ông Ayotte cho biết.
Cũng tại phiên họp, lãnh đạo hai đảng đã nhất trí sẽ thành lập ủy ban chung có nhiệm vụ tìm kiếm các nguồn tài chính thay thế cho các khoản cắt giảm chi tiêu toàn diện.
Theo một trợ lý cấp cao của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện đều tin tưởng rằng Hạ viện sẽ có đủ số phiếu thuận để thông qua kế hoạch trên.
Ngay sau khi thỏa thuận được thông báo, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Hạ viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số, nhanh chóng thông qua thỏa thuận do Thượng viện thông qua để đảm bảo "chính phủ được mở lại và nguy cơ vỡ nợ được xóa bỏ".
"Chúng tôi hy vọng rằng hai viện có thể nhanh chóng hành động vì chúng ta đã ở ngày thứ 16... của tình trạng chính phủ ngừng hoạt động và Bộ Tài chính không còn thẩm quyển vay tiền để thực hiện các cam kết của chúng ta", phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney dẫn lời Tổng thống Obama.
Theo luật định, thỏa thuận mới còn cần phải chờ được Hạ viện thông qua, nơi nơi các nghị sĩ thuộc đảng Trà vẫn từ chối thỏa hiệp nếu không được Tổng thống Obama nhượng bộ đáng kể.
Trong tuyên bố mới nhất về thỏa thuận này, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố cơ quan này sẽ không ngăn cản dự luật của Thượng viện, mở ra triển vọng nước Mỹ có thể tạm thời tránh được việc vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
"Hạ viện tuyệt nhiên sẽ đón nhận dự thảo ngân sách mang tính lưỡng đảng của Thượng viện", ông Boehner phát biểu với báo giới.
Ông Boehner cũng cho biết nếu cần sẽ dựa vào sự ủng hộ của hầu hết các nghị sỹ của đảng Dân chủ
nhằm thông qua dự luật này trước khi trần nợ công tới hạn 16.700 tỷ USD vào ngày 17/10. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là hiện không rõ liệu ông Boehner có thể nhận đủ 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết tại Hạ viện hay không.
Vũ Anh
Theo Dantri
Việt-Trung nhất trí thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), để cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông tiến tới xây dựng "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC). Hai thủ tướng thống nhất kiểm soát tốt những bất đồng...