Việt Nam xóa xong ma trận sở hữu chéo ngân hàng
Hiện chỉ còn duy nhất 01 ngân hàng với 01 cặp sở hữu sở hữu cổ phần lẫn nhau, trong sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm 30/6/2019, Việt Nam đã cơ bản xóa xong ma trận sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Cụ thể, qua giám sát của Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6/2019, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết. Tình trạng này vào năm 2012 – thời điểm yêu cầu xử lý sở hữu chéo được đặt ra nổi bật là 7 cặp.
Về sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, theo báo cáo trên, đến tháng 6/2019 chỉ còn lại 01 ngân hàng thương mại cổ phần với 01 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau. Trong khi đó, tình trạng này tại thời điểm tháng 6/2012 lên tới 56 cặp.
Trường hợp còn lại đó là Ngân hàng Á Châu – Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát – Á Châu (tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Á Châu tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát – Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%).
Để đạt được kết quả trên, thực tế quá trình xử lý và thoái vốn mất khá nhiều thời gian, một số trường hợp lỡ hẹn hoặc có yếu tố đặc thù của lịch sử để lại.
Quy định liên quan đã được Ngân hàng Nhà nước ấn định lộ trình trong Thông tư 36, có hiệu lực từ tháng 2/2015 với thời hạn cho 01 năm thực hiện. Nhưng đến vài năm sau một số thành viên mới thực hiện được.
Như tại Vietcombank, tỷ lệ sở hữu trên 5% tại MB, Eximbank, rồi tại OCB phải từng bước thoái vốn mới thực hiện xong; hay VietinBank cũng từng bước thoái tại Saigonbank…
Video đang HOT
Còn lại, việc một ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần một ngân hàng thương mại khác, với tỷ lệ dưới 5%, hiện được xem như những khoản đầu tư đơn thuần và thông thường.
Cùng với kết quả cơ bản xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo nói trên, một kết quả khác được chú ý là Ngân hàng Nhà nước đã tiến thêm một bước trong quy định về việc chặn nguồn tín dụng cho vay mua cổ phiếu ngân hàng, với quan điểm phải “tiền tươi thóc thật”; và quy định các vị trí cao cấp trong quản trị, điều hành ngân hàng thương mại không được kiêm nhiệm tại doanh nghiệp khác…
Những quy định trên cũng đã được luật hóa.
MINH ĐỨC
Theo Bizlive.vn
Nhiều ngân hàng có 'tướng' mới
Áp lực tăng trưởng kinh doanh cuối năm khiến nhiều ngân hàng dồn dập bổ nhiệm nhân sự mới ngồi "ghế nóng".
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, mã SGB) vừa thông báo việc chính thức có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị. Người ngồi "ghế nóng" là ông Vũ Quang Lãm - vừa được Hội đồng quản trị Saigonbank thông qua tại cuộc họp bất thường ngày 4/10.
Vào tháng 6/2018, ông Lãm được Hội đồng quản trị SaigonBank quyết định cho thôi giữ chức danh Tổng giám đốc để tạm thời đảm nhiệm công việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị, sau khi người tiền nhiệm là ông Phạm Văn Thông thôi giữ nhiệm vụ do không còn là người đại diện vốn góp theo ủy quyền của Thành ủy TP.HCM tại SaigonBank.
Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SaigonBank Vũ Quang Lãm. (Ảnh: SCG)
Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng có văn bản chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Ban Kiểm soát và Tổng giám đốc SGB.
Ông Lãm sinh 5/9/1969, có bằng tiến sỹ kinh tế và hiện là đại diện phần vốn góp của các cổ đông là Văn phòng Thành ủy TP.HCM và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận.
Báo cáo tài chính cho thấy, tính đến thời điểm 30/6, tổng tài sản của SaigonBank đạt hơn 21.291 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 14.181 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ghi nhận 14.589 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của SaigonBank lao dốc 21% so với cùng kỳ mặc dù đã giảm trích lập dự phòng, chỉ còn hơn 88 tỷ đồng, thực hiện được 51% kế hoạch năm. Đáng chú ý, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 6%, chiếm gần 319 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 2,20% lên mức 2,25%.
Cùng thời điểm với SaigonBank, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (mã NCB) thông báo về việc bổ nhiệm nhân sự chủ chốt. Theo đó, NCB bổ nhiệm hai ông Trần Thanh Quang và Đỗ Danh Hải vào vị trí Phó tổng giám đốc nhà băng này kể từ 1/10.
Ông Quang sinh năm 1977, có 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trước khi "đầu quân" cho NCB, ông Quang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tổ chức tín dụng và công nghệ như Habubank, ABBank, PVComBank, FPT...
Cũng như ông Quang, ông Hải có nhiều kinh nghiệm làm ngân hàng nhờ từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức tín dụng tại VDB, SeABank, SHB... trước khi về NCB.
Theo báo cáo bán niên, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 21 t đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Hiện, tổng tài sản của NCB là 70.696 tỷ đồng, giảm 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 1,6% đạt 35.846 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng lại tăng mạnh 14,4% lên 53.932 tỷ.
Liên quan nhân sự ngân hàng, trước đó, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam cho biết đã bổ nhiệm ông Tim Evans làm tân Tổng giám đốc. Ông Tim Evans sẽ thay thế ông Phạm Hồng Hải - người đã điều hành ngân hàng trong 4,5 năm qua.
Ông Tim Evans, tân Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam và ông Phạm Hồng Hải, người sẽ nhận nhiệm vụ mới tại HSBC Canada.
Trước khi nắm giữ vị trí Tổng giám đốc tại HSBC Việt Nam, ông Tim Evans từng là giám đốc khu vực Khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp, phụ trách các thị trường quốc tế của HSBC khu vực châu Á - Thái Bìch Dương, bao gồm Bangladesh, Mauritius, New Zealand, Maldives, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Ông Tim Evans cũng đã từng là Giám đốc khu vực phụ trách các doanh nghiệp tầm trung tại châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc khu vực Khối Thanh toán quốc tế và Giám đốc Vận hành Khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế của Ngân hàng HSBC Canada từ ngày 16/9.
Không lâu trước đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thông tin việc Hội đồng quản trị PGBank quyết định giao ông Lê Minh Quốc làm Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị. Nguyên nhân do ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị PG Bank thôi đảm nhiệm chức danh do không còn là người đại diện phần vốn góp của tổ chức là cổ đông của ngân hàng kể từ ngày 20/9/2019.
Ông Lê Minh Quốc có bằng tiến sỹ, từng nhiều năm công tác tại PGBank trong Hội đồng quản trị PGBank.
Báo cáo tài chính của PGBank cho thấy lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 của nhà băng này chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản ở PGBank là 28.211 tỷ đồng, giảm 5,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 1,2% lên 22.080 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 7,8% xuống còn 21.519 tỷ.
Đáng chú ý, nợ xấu tại nhà băng có xu hướng tăng lên. Hiện, nợ xấu của PGBank là 683 tỷ đồng, tăng 29 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 2,96% lên 3,06%.
Hòa Bình
Theo VTC.vn
Saigonbank sao "không chịu lớn"? Các cổ đông lớn không thoái được vốn, trong khi cũng không thể rót thêm tiền, khiến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) không tăng được vốn điều lệ và mở rộng hoạt động kinh doanh. Sau một quý 2 rất đáng thất vọng, các cổ đông của Saigonbank đang nín thở chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3 để...