Việt Nam xa lạ với nghe nhạc trực tuyến trả tiền?
Trên thế giới, nếu nghe nhạc trực tuyến được dự báo là tương lai của nhạc số, chứ không phải là nhạc chuông nhạc chờ thì ở Việt Nam điều này dương như là ngược lại. Nhạc trực tuyến hiện vẫn là một thị trường đầy cam go, khi khái niệm nghe nhạc trả tiền vẫn là một điều xa lạ.
Điều này kéo theo nhiều sự vô lý khi mà những sáng tạo thuộc sở hữu cá nhân lại được sử dụng thoải mái miễn phí, trong khi người sở hữu phải tốn không ít tiền cho sự sáng tạo này.
Nghe nhạc trả tiền? Còn lâu!
Tháng 8/2011, NCT Corporation, chủ sở hữu website NhacCuaTui.Com cùng Universal Music Group và Sony Music ký thỏa thuận sử dụng bản quyền các ca khúc quốc tế thuộc sở hữu của hai đơn vị này. Đây là động thái tiến tới việc xây dựng dự án âm nhạc chất lượng cao để bán cho người nghe, với giá khá tượng trưng của NCT. “Điều quan trọng nhất là chúng tôi muốn mang đến thói quen nghe nhạc hợp pháp, có bản quyền”, ông Nhan Thế Luân – TGĐ NCT cho biết.
Zing Mp3 – một website cung cấp nhạc trực tuyến khá lớn hiện nay vẫn chưa thể bán ca khúc.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hiện tại, đây vẫn còn là khái niệm xa lạ. Người nghe có thể thoải mái nghe, tải các ca khúc mình thích về thiết bị cá nhân mà không gặp phải bất kỳ sự cản trở nào, không chỉ tại các website không hợp pháp mà còn là website hợp pháp. “Nhạc trực tuyến hiện chỉ giúp chúng tôi trong việc lấy quảng cáo cho website, còn bán ca khúc thì vẫn chưa thể“, đại diện Zing Mp3 – một website cung cấp nhạc trực tuyến khá lớn hiện nay cho biết. Điều này đã khiến không ít ca sĩ bức xúc khi mà nhạc trực tuyến tác động không nhỏ đến doanh thu băng đĩa, sáng tạo của mình trở thành “của chùa” của công chúng.
“Ở các nước, doanh thu nhạc số, băng đĩa khiến ca sĩ có thu nhập lớn, giúp ca sĩ phục vụ cho tái đầu tư giọng hát. Còn ở Việt Nam, doanh thu của ca sĩ chỉ dựa vào biểu diễn. Để có tiền, anh phải biểu diễn liên tục. Điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe và chất giọng, và thậm chí phần nào lý giải cho việc hát nhép nữa“, ca sĩ Nam Cường bày tỏ.
Khó có một thị trường đúng nghĩa
Thay đổi thói quen lẫn nhận thức của người nghe là một vấn đề khá nan giải, không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, rất khó để có thể kiên quyết đưa nhạc trực tuyến trở thành một thị trường đúng nghĩa, khi vô số website âm nhạc không phép vẫn đang tồn tại. Điều đó gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh nghiêm túc, và hậu quả của điều đó là không doanh nghiệp nào “chịu” nghiêm túc vì không thể “bán” khi người khác lại biếu không. Ngoài ra, hiện hầu hết các website đều dành cho người nghe quyền đăng tải ca khúc mà không kiểm soát. Bất kỳ người nghe nào, chỉ cần đăng ký thành viên là có thể chia sẻ ca khúc mình thích lên website.
Ở nước ngoài, khi nghe nhạc trực tuyến, tất cả người nghe đều phải trả tiền.
Ảnh: HC
“Các website dùng nhạc của chúng tôi, dù không bán được theo từng ca khúc nhưng họ cũng thu được tiền quảng cáo từ đó. Trên nguyên tắc, họ phải trả tiền cho chúng tôi. Thế nhưng, nếu chúng tôi thắc mắc, họ bảo là do người nghe tự đăng tải chứ họ không chủ trương dùng ca khúc đó”, ca sĩ Nam Cường cho biết thêm.
Không ít ca sĩ từng kiên quyết đấu tranh với vấn nạn này, tuy nhiên cũng có không ít người bỏ cuộc giữa chừng vì không đủ phương tiện kỹ thuật để giám sát, cũng không có thời gian để theo đuổi nếu phải nhờ đến pháp luật. Chỉ rất ít trường hợp thành công như ca sĩ Thái Thùy Linh với album Bộ đội. Cô ngoài việc tự thân còn phải nhờ đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Một vài website đã phải gỡ bỏ các ca khúc này xuống, tuy nhiên, hiện người nghe vẫn dễ dàng tải trên các website không phép.
Một cách nào đó, khi cuộc chiến với nhạc lậu vẫn chưa ngã ngũ thì có lẽ đừng “mơ” đến một thị trường nhạc trực tuyến đúng nghĩa!
Theo Báo Đất Việt
Nhạc số và những nghịch lý
Việc nhóm HKT, Phạm Trưởng đứng đầu danh sách tải nhạc, nhạc chuông nhạc chờ của một nhà mạng trong năm 2011 đã khiến không ít người "ngã ngửa". Thực tế, nhiều người sẽ còn "ngã ngửa" hơn nữa nếu biết số tiền mà những cái tên lạ hoắc này thu về trong năm là vài tỷ đồng.
Đây cũng là năm lên ngôi của nhạc số trên thế giới, khi doanh thu nhạc số tăng 8,4% còn doanh thu băng đĩa giảm 5% - theo số liệu của Nielsen và Billboard.
Không giống với xu hướng thế giới, theo một số đơn vị kinh doanh nhạc số tại Việt Nam, doanh thu trong năm 2011 lại giảm từ 10 - 20% so với năm trước. Sự sụt giảm này cũng cho thấy tại thống kê của Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với số tiền tác quyền thu về được trong năm khoảng 850 triệu đồng (đối với nhạc chuông) và gần 2,5 tỷ đồng (đối với nhạc trực tuyến trên các website). Tuy nhiên, sự sụt giảm được cho chỉ là một cú chững tạm thời, sau thời gian choáng ngợp vì sự mới mẻ của nhạc số của người nghe Việt Nam. Riêng với VCPMC, doanh thu giảm bởi nhiều ca sĩ đã chọn cách tìm đến thẳng với CP (đơn vị cung cấp nội dụng cho các mạng điện thoại) mà không qua đơn vị này.
Phạm Trưởng, một ca sĩ mới nhưng lại nằm trong top 3 ca sĩ có ca khúc được tải nhiều nhất.
Thực tế, nhạc số vẫn là miếng bánh cực kỳ béo bở ở hiện tại và tương lai, nếu không muốn nói là hoàn toàn đủ khả năng thay thế nhạc đĩa. Và theo đại diện một CP, thị phần nhạc chuông nhạc chờ tại các tỉnh cao hơn nhiều so với tại thành phố lớn. Đó cũng chính là lý do khiến bí quyết để "ăn" nhạc chuông nhạc chờ là phải có nhiều sô diễn tại tỉnh, và những cái tên xa lạ và liệt vào hàng "thảm họa" như HKT, Phạm Trưởng, Saka Trương Tuyền... trở thành những từ khóa hot được tìm kiếm nhất của nhạc số.
Theo đại diện của ca sĩ Nam Cường - người đứng trong top 3 ca sĩ có số người tải về (cùng HKT và Phạm Trưởng), số tiền ca sĩ này nhận được trong năm 2011 từ nhạc chuông nhạc chờ khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, con số nhà mạng thu về từ việc tải nhạc chuông nhạc chờ lên đến hàng tỷ, và với nhóm HKT là hàng chục tỷ đồng. Tùy theo hợp đồng và hình thức bán (thời gian bao lâu, độc quyền hay không độc quyền?...) sẽ quyết định tỷ lệ ăn chia giữa ca sĩ và các CP, giữa các CP và nhà mạng. Tuy nhiên, thường thì con số thực mà các ca sĩ nhận được là rất ít so với doanh thu thực tế mà nhà mạng đạt được. Bởi lẽ, các CP có thể giám sát được lượt tải của các nhà mạng, nhưng ca sĩ thì lại không. Con số mà ca sĩ biết được hoàn toàn phụ thuộc vào CP - một rủi ro không có khả năng kiểm soát.
Một điều đáng suy ngẫm khác là nếu như với các nước trên thế giới, nhạc trực tuyến được xem là xu hướng tương lai chứ không phải nhạc chuông nhạc chờ, thì tại Việt Nam, hiện tại nhạc trực tuyến vẫn là con số không to tướng: không doanh thu, không kiểm soát bởi do người nghe tự do đăng tải.
Theo Báo Đất Việt
Ra mắt tình khúc tưởng bị lãng quên của Đoàn Chuẩn Tình khúc tưởng như bị lãng quên của nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn - người được mệnh danh là tài tử đa tình bậc nhất xứ Bắc: "Một gói nho khô, một cánh pensée", vừa chính thức được thu âm, phát hành trong album "Những tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh". Nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai cố nhạc sĩ Đoàn...