Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình, cách ly xã hội để tận dụng ‘thời gian vàng’
Việt Nam thực hiện cách ly xã hội để hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng, tận dụng hiệu quả thời gian vàng 15 ngày phòng, chống dịch COVID-19.
Cách ly xã hội để hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng, tận dụng hiệu quả thời gian vàng – Ảnh: CHÍNH PHỦ/ĐÌNH NAM
Ngày 3-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (SARS-CoV-2) đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.
Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình
Liên quan đến triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về cách ly xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là giải pháp quan trọng, rất kịp thời và đúng thời điểm để ngăn chặn triệt để lây nhiễm trong cộng đồng. Bản chất Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là giãn cách xã hội.
Đặc biệt chỉ thị có hiệu lực trong vòng 15 ngày (từ 1 đến 15-4), là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Tuy nhiên đây là biện pháp mới, nên khi triển khai thực thi, một số địa phương lúng túng, thực hiện chưa thống nhất, thậm chí còn làm hơi quá… Vì vậy Bộ Y tế đã phối hợp, tham mưu cho cấp có thẩm quyền để có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Video đang HOT
Bộ Y tế nêu rõ cách ly xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong tỏa xã hội; chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn – nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế.
Người nhập cảnh về Việt Nam qua đường bộ giảm
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết thời gian qua Bộ đội Biên phòng đã tăng cường hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ để kiểm soát chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Nếu như trước đây mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người nhập cảnh, thì trong những ngày gần đây số lượng công dân Việt Nam về nước từ các tuyến đường bộ đã giảm rõ rệt (còn dưới 1.000 người/ngày). Tất cả các trường hợp nhập cảnh được tổ chức tiếp nhận, cách ly theo đúng quy định.
Tuy gặp nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, song quân đội cũng cố gắng hết sức để bảo đảm hậu cần lâu dài cho cán bộ, chiến sĩ trên các chốt ứng trực dọc biên giới.
Ổ dịch Bạch Mai nhiều ca test nhanh dương tính đã cho kết quả âm tính
Về tình hình ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết chúng ta đã rà soát được toàn bộ số lượng các y bác sĩ, bệnh nhân và những người liên quan có khả năng nhiễm bệnh, qua đó tổ chức cách ly, xét nghiệm… Đến thời điểm hiện tại, cơ bản tình hình đã nằm trong tầm kiểm soát.
Bộ Y tế đã hỗ trợ Hà Nội lấy mẫu 1.900 trường hợp, đã xét nghiệm gần 1.000 trường hợp, tất cả đều cho kết quả âm tính. Hà Nội cũng đã triển khai xét nghiệm nhanh (khoảng 2.000 trường hợp) qua đó phát hiện một số trường hợp dương tính, tuy nhiên sau khi xét nghiệm lại (bằng máy theo phương pháp PCR) đã cho kết quả âm tính.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị các địa phương bố trí địa điểm để các y bác sĩ, nhân viên y tế sau khi làm nhiệm vụ về nghỉ ngơi. Đối với các trường hợp vào khám bệnh tại các cơ sở y tế mà có triệu chứng với COVID-19 thì tổ chức test nhanh để kịp thời sàng lọc, phân loại…
N.AN
Phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam rất hiệu quả
Dù dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp và khó lường, song thực tế thời gian qua, việc kiểm soát tình hình lây lan đã cho thấy hiệu quả công tác phòng chống dịch của nước ta - điều mà thế giới ghi nhận và đánh giá như một hình mẫu chống đại dịch đang hoành hành trên toàn cầu.
Lập các điểm xét nghiệm nhanh để phát hiện sớm trường hợp dương tính được xem là một biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch Covid-19
Việt Nam trì hoãn rất tốt tốc độ phát triển của dịch
Nếu như các nước trên thế giới mất từ 7-9 ngày để tăng mốc mắc Covid-19 từ 100 ca lên 1.000 ca, thì Việt Nam qua 7 ngày mới có thêm 71 ca mắc mới (tính từ khi chạm mốc 100 ca vào ngày 22-3). Con số này sau 9 ngày là 103 ca và sau 10 ngày là 122 ca, tổng số mắc đến hết ngày 2-4 là 227 ca. Như vậy, có thể thấy tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của thế giới, trong đó bao gồm cả những quốc gia có trình độ phát triển khoa học, kinh tế và hệ thống y tế tốt hơn chúng ra nhiều lần. Vào thời điểm đầu tháng 3-2020, số ca mắc Covid-19 của nước ta và Mỹ là tương đương nhau, tuy nhiên hiện tại thì Mỹ đang là quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất thế giới.
Tính tới cuối giờ chiều ngày 3-2, Mỹ có hơn 215.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5.100 trường hợp tử vong. Số ca mắc Covid-19 của Mỹ nhiều gần gấp 2 Italia (quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 đứng thứ hai thế giới với hơn 110 nghìn ca) và vượt xa Trung Quốc vốn từng là nơi khởi phát và tâm dịch lớn nhất thế giới với hơn 81.000 người mắc và hơn 3.300 người tử vong. Không chỉ là quốc gia đầu tiên trên thế giới vượt mốc 100.000 rồi 200.000 ca, mà tốc độ gia tăng bệnh nhân của Mỹ rất đáng báo động với trên 20.000 ca/ngày.
Châu Âu hiện không chỉ là ổ dịch lớn nhất thế giới mà còn tiềm ẩn những nguy cơ rất nghiêm trọng do chưa có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh khi số người tử vong gia tăng liên tục. Ngoài Italia và Tây Ban Nha hiện đều có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 100.000, tính tới cuối giờ chiều ngày 2-4, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có tốc độ gia tăng số ca mắc mới rất đáng lo ngại như Đức (gần 80.000 trường hợp), Pháp (hơn 57.000 trường hợp), Anh (gần 30.000 trường hợp) và nhiều quốc gia khác có trên 10.000 trường hợp.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, Nhật Bản đang có tín hiệu tốt khi số ca mắc Covid-19 từ mốc 100 ca lên 1.000 ca mất khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, dù hạn chế tốc độ gia tăng của các ca mắc mới, song Nhật Bản tính tới cuối ngày 2-4 cũng đã có gần 2.400 ca.
Toàn dân đồng lòng "chiến đấu"
Chính nhờ Việt Nam có chiến lược phù hợp và làm tốt ngay từ giai đoạn đầu nên đã trì hoãn được thời gian dịch Covid-19 lây ra cộng đồng, tốc độ tăng số ca mắc mới chậm hơn. Việt Nam là một trong số ít quốc gia sớm công bố dịch khi mới chỉ có vài ca nhiễm bệnh, đi cùng với với đó là những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt với tinh thần được Thủ tướng Chính phủ khẳng định ngay từ đầu là: "Chống dịch như chống giặc".
Tính tới nay, Việt Nam đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống "giặc" Covid-19. Trong đó, giai đoạn 1 là khi có 16 người mắc bệnh đầu tiên và 3 tuần sau đó không có ca nhiễm mới. Tất cả 16 ca đều được điều trị thành công và ra viện. Giai đoạn 2 tính từ khi có ca bệnh số 17 cũng như nhiều ca bệnh khác từ nước ngoài về, thậm chí có những ca bệnh lây lan trong cộng đồng khiến số người bị mắc Covid-19 lên hơn 200 trường hợp. Hiện nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và có dưới 1.000 ca mắc, nguy cơ lây lan rộng rất cao.
Với mỗi giai đoạn của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, chúng ta đều có những biện pháp quyết liệt với mục tiêu kiểm soát, khống chế, không để dịch bùng phát lây lan diện rộng. Xuyên suốt từ giai đoạn 1 tới giai đoạn 3 hiện nay, cả hệ thống chính trị nước ta đã chủ động vào cuộc với sự tham gia của toàn dân nhằm chung sức đồng lòng "quyết chiến" với "giặc" Covid-19 để thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn và sức khỏe của nhân dân.
Trong giai đoạn 3 hiện nay, những biện pháp phòng chống dịch tại nước ta được nâng cấp lên một cấp độ cao hơn trước. Thủ tướng Chính phủ sau khi công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc (từ 1-4-2020) cũng đã ra Chỉ thị 16 quyết định "cách ly toàn xã hội" tới ngày 15-4 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất. Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội cũng đã ngay lập tức triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để phòng chống dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, dập từng "đốm lửa" dịch. Thành phố đã triển khai xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện các ca nghi dương tính để kịp thời có biện pháp phòng chống. Thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", CATP Hà Nội cũng đã lập 30 chốt giám sát, cách ly xã hội tại các điểm nút giao thông là cửa ngõ ra vào Thủ đô.
Những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của nước ta được nhân dân cả nước đồng tình, chấp hành nghiêm chỉnh và đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Việt Nam là một hình mẫu hiệu quả trong chống dịch Covid-19 và là quốc gia có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới.
Những ngày cách ly xã hội và cuộc 'hành trình' tìm về tuổi thơ Như bao cô cậu thiếu niên khác, việc bị 'ép buộc' ở nhà, cách ly xã hội trong vòng 14 ngày là điều dường như không thể đối với một người 17 tuổi như tôi. Nhưng rồi tôi đã tìm ra những giá trị bất ngờ. Nhiều người trẻ đã tìm thấy những hình ảnh tuổi thơ qua những ngày cách ly xã...