Việt Nam được đánh giá là điểm đến hứa hẹn của các công ty lớn thế giới
Việt Nam được cho có thể là điểm đến của hàng loạt công ty lớn trên thế giới, trong bối cảnh sự gián đoạn hoạt động sản xuất do tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã buộc các công ty phải tìm cách chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Điện tử YPE Vina, khu công nghiệp Bình Xuyên 2 Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Chuyên gia tư vấn Henrik Bork tại Asia Waypoint mới đây cho biết các tập đoàn điện tử của Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Trong khi đó, tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản đầu tháng 6 cho biết Apple đang dịch chuyển hoạt động sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến Việt Nam.
Đài DW của Đức đưa tin các công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Tháng 2, tập đoàn điện tử Samsung hàng đầu của Hàn Quốc thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.
Theo nhiều đánh giá, các công ty toàn cầu như Apple đang chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam chủ yếu do lương nhân công ở Trung Quốc cao và cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam được đánh giá sẽ có vai trò quan trọng trong mục tiêu chính sách này. Ngoài ra, Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ trên bình quân đầu người lớn hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và ngành sản xuất có tính cạnh tranh. Việt Nam cũng có hệ thống đường biển dễ dàng cho việc xuất khẩu, yếu tố khiến nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Theo chuyên gia Raphael Mok tại công ty tư vấn Fitch Solutions, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, trong bài viết xuất bản vào cuối tháng 5 vừa qua, đài DW của Đức nhận xét có một xu hướng chuyển dịch sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo DW, ông Daniel Mller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương của Đức cho biết Việt Nam luôn là điểm đến hứa hẹn đối với các công ty Đức.
Kinh tế Việt Nam trước những thách thức mới
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Nhật báo kinh tế của Trung Quốc vừa đăng bài viết nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng song phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh tình hình quốc tế không ngừng biến động.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Theo bài viết, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức bền, đặc biệt là trong ứng phó với khủng hoảng. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam là một trong số ít các nước có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng. Quý I/2022, GDP của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát bước đầu được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các chỉ số tài chính, tiền tệ, tín dụng được duy trì ổn định, thu ngân sách quốc gia tăng trưởng ổn định.
Bài viết nhận định mặc dù kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, giao thông đi lại ở các thành phố lớn gần như đã trở lại trạng thái bình thường trước khi diễn ra dịch bệnh, song cũng phải đối mặt với "cơn gió ngược" từ bên ngoài. Toàn cầu hóa kinh tế gặp những khó khăn thách thức, xu hướng phát triển khu vực hóa đang dần xuất hiện, lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu... Những yếu tố này ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh thách thức của lạm phát và chuỗi cung ứng đang ngày càng rõ rệt. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu tăng mạnh đẩy lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên liệu và linh kiện sản xuất ít nhiều bị gián đoạn. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc thông quan hàng hóa tương đối nghiêm trọng, mặc dù doanh nghiệp đã đa dạng hóa các kênh vận chuyển, nhưng giá thành vận tải tăng cao gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng gây ra tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam.
Để giải quyết những khó khăn thách thức hiện nay, WB cho rằng Việt Nam cần nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng những thách thức và thực hiện được các mục tiêu phát triển, đặc biệt cần phải cải tiến trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi số, bảo hiểm xã hội và cơ sở hạ tầng.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát giữa năm nay tác động mạnh tới các hoạt động sản xuất và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn và những vấn đề của năm 2021 không có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lưng lại. Dây chuyền sản xuất bản mạch...