Việt Nam đề xuất ba mục tiêu lớn cho hợp tác Á – Âu
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất Á – Âu cùng thúc đẩy hòa bình quốc tế, phát triển bền vững và bao trùm, quan hệ kinh tế cùng có lợi tại hội nghị ASEM.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hôm nay chủ trì Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu tại diễn dàn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEM bao gồm các nền kinh tế năng động nhất thế giới, chiếm 60% dân số, 65% GDP toàn cầu và 55% thương mại thế giới, là nơi tập trung của nhiều trung tâm chính trị, khoa học và công nghệ.
Xác định Á – Âu vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa được khai thác hết, Bộ trưởng đã đề xuất ba mục tiêu lớn mà ASEM cần hướng tới để tăng cường hợp tác giữa hai khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp ASEM tại Hà Nội hôm nay. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Video đang HOT
Đầu tiên là bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình và ổn định, trên cơ sở đối thoại và lòng tin. “ASEM cần đóng vai trò chủ chốt trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc là trung tâm, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết các thách thức toàn cầu”, ông nói.
Mục tiêu thứ hai là ASEM cần đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, với ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ các nước thành viên thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, đẩy mạnh hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước, xây dựng kinh tế tuần hoàn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mục tiêu thứ ba được Bộ trưởng đề cập là tạo dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ kinh tế bền vững, lâu dài, cùng có lợi giữa châu Âu và châu Á.
“Tăng cường kết nối kinh tế Á – Âu sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên và cần được triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, tài chính, công nghiệp đến kết nối khu vực và kinh tế số. Nỗ lực này ngày càng cần thiết, đặc biệt khi các nền kinh tế đang tìm cách khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19″, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Theo ông, những mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi sâu sắc và toàn diện do tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, các chuyển dịch địa kinh tế – chính trị, tác động đan xen phức tạp của Covid-19, cùng những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Bộ trưởng nhận định hợp tác quốc tế đang đối mặt nhiều rào cản như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, những hành vi làm xói mòn luật pháp quốc tế. Do đó, quan hệ đối tác và hợp tác Á – Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Với mục tiêu góp phần xây dựng tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á – Âu, Đối thoại ASEM đã tập trung thảo luận vai trò của hợp tác hai châu lục trong giải quyết các thách thức toàn cầu, cũng như tầm nhìn của hợp tác Á – Âu trong giai đoạn tới.
Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996 – 2021). Bộ trưởng Ngoại giao nhiều nước đã tham dự sự kiện, bao gồm sự xuất hiện trực tiếp của Ngoại trưởng Anh, Hàn Quốc và Singapore.
Ngoại trưởng Anh đến Việt Nam
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab vừa đáp máy bay ở Hà Nội tối 21/6, trong khuôn khổ chuyến công du một số nước Đông Nam Á.
"(Tôi) mong đợi được trao đổi về thương mại, an ninh cùng giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, Covid-19, và tội phạm nghiêm trọng có tổ chức", Ngoại trưởng Raab tối 21/6 viết trên Twitter.
Ông Raab dự kiến hội kiến các nhà lãnh đạo Việt Nam trong ngày 22/6. Sau đó, ông sẽ tham dự hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp ASEM với chủ đề "25 năm thành lập ASEM - Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á - Âu trong một thế giới đang thay đổi".
Hội nghị ASEM do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì tổ chức dưới hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bước xuống máy bay tại Việt Nam vào tối 21/6. Ảnh: Twitter/Dominic Raab.
Ngoài Việt Nam, điểm đến trong chuyến công du Đông Nam Á của ông Raab sẽ bao gồm Campuchia và Singapore.
Chuyến thăm diễn ra một tuần sau khi Anh thông báo bản phác thảo thỏa thuận thương mại tự do với Australia. Canberra là chính phủ đầu tiên đàm phán lại từ đầu với London sau khi Anh rời EU.
Một bản đánh giá gần đây của chính phủ Anh về chính sách ngoại giao và quốc phòng đã đề xuất rằng Anh nên điều chỉnh trọng tâm về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế.
Theo AP , ông Raab trước đó từng nói chính sách xoay trục này sẽ bao gồm việc nhấn sâu hơn vào các lợi ích chiến lược chung. Điều này sẽ vượt ra khỏi phạm vi thương mại để bao gồm các vấn đề như an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ hướng đi mới, Anh trước đó từng triển khai nhóm tác chiến do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu đến châu Á. Thời gian triển khai kéo dài 28 tuần.
Việt Nam nêu 4 nhóm biện pháp hợp tác Mekong - Lan Thương Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất 4 nhóm biện pháp hợp tác để giải quyết các vấn đề cấp bách khi dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 6 diễn ra hôm nay tại Trùng Khánh, Trung Quốc, với sự tham...