Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển bùng nổ khoa học và công nghệ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ sẽ là cơ hội lớn, ngàn năm có một, đối với các nước đang phát triển như nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 19/8 dự lễ công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.
Buổi lễ nằm trong khuôn khổ Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng một số địa phương, tổ chức.
Cùng tham dự lễ công bố có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết lễ công bố là một hoạt động quan trọng nhất của Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Thủ tướng thực hiện nghi thức công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động lực lượng nhân tài, trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ làm nòng cốt.
Với sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo, đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia, cùng với hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Video đang HOT
Các bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các bạn trẻ tài năng về những giải pháp phát triển đất nước dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, để từ đó, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, thể chế, khuôn khổ pháp luật để hình thành một hệ sinh thái thông qua việc xây dựng, nhân rộng mô hình các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến và hiệu quả trong cả nước.
“Các bạn trẻ tài năng trở về ngày hôm nay đều là những tài năng, trí tuệ, đều khát khao cống hiến, chung tay xây dựng đất nước, vì một Việt Nam thịnh vượng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho các nhà khoa học
Theo Bộ trưởng, thông qua sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, các bạn trẻ sẽ kết nối nhiều hơn nữa những tài năng, trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới, kết hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tạo thành một sức mạnh mới, nguồn lực quan trọng, đưa đất nước ta không ngừng vươn lên, sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn, ngàn năm có một, đối với các nước đang phát triển như nước ta, để chuyển đổi nền kinh tế, đột phá phát triển, thu hẹp khoảng cách, tránh tụt hậu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan khác khẳng định quyết tâm, cam kết cùng với những hành động thiết thực để thúc đẩy Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển, phát huy hiệu quả để góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.
TS Bùi Hải Hưng – nhà nghiên cứu của Google Deepmind, phát biểu tại buổi lễ.
Cũng tại buổi lễ, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có những chia sẻ về những mối quan tâm và đưa ra các kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo.
TS Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho rằng ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối có duyên với người Việt đang làm về công nghệ.
“Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới”, theo ông Hưng.
Nhà nghiên cứu của Google Deepmind cho rằng việc cần làm hiện nay là tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI.
Trong khi đó, PGS. TS Hồ Anh Văn tới từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản cho rằng công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam là phép nhân của sự thành công của trí thức trong nước, Chính phủ và trí thức ngoài nước. Và nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng hợp tác.
Theo Tri Thuc Tre
Phát triển khoa học, công nghệ gắn với thương mại hóa sản phẩm
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng thành phố trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ (KH-CN) của cả nước và khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển KH-CN, nhất là đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu KH-CN, làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thống kê tiềm lực KH-CN của TP Hồ Chí Minh cho thấy, so với cả nước, thành phố hiện có nguồn lực KH-CN chiếm hơn 25%; số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động chiếm khoảng 50%; số lượng DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và DN KH-CN lần lượt chiếm 42% và 15%. Trong đó, có các khu nghiên cứu KH-CN lớn như: Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ phần mềm Quang Trung, Trung tâm công nghệ sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán thành phố, 125 phòng thí nghiệm, 270 tổ chức KH-CN... Các nhà chuyên môn nhận định: Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để KH-CN thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Theo Sở KH-CN thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo để tiếp thu và vận dụng các thành tựu KH-CN, làm chủ công nghệ tiên tiến trở thành động lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm phát triển bền vững và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.
Để cụ thể hóa chiến lược phát triển ấy, thành phố đưa ra các mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực KH-CN trình độ cao đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức KH-CN phát huy trình độ, năng lực sáng tạo. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và các ngành sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ có giá trị gia tăng cao; lấy DN làm trung tâm của hoạt động KH-CN, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, viện, trung tâm, các tổ chức nghiên cứu với DN. Chú trọng phát triển khoa học dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển nhanh các ngành dịch vụ trên cơ sở ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến, tiến tới xây dựng thành công nền kinh tế tri thức ở thành phố và cả nước...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, sự phát triển của KH-CN ở thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó, mặt yếu nhất là thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu KH-CN ra thị trường. Phó Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng: "Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo KH-CN của thành phố, trong đó có thương mại hóa các sản phẩm KH-CN vẫn chưa đủ sự kết nối cộng đồng giữa các thành phần để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội".
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Nguyễn Văn Trình, hằng năm, thành phố dành 20% ngân sách (khoảng 2.000 tỷ đồng) chi cho công tác nghiên cứu, phát triển KH-CN, nhưng chỉ giải ngân được con số rất nhỏ, chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Phần lớn các DN đều có quỹ nghiên cứu phát triển KH-CN nhưng chưa được quan tâm sử dụng; DN chưa có sự kết nối đặt hàng các nhà nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, thành phố giao Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) hỗ trợ các sản phẩm đang được nghiên cứu triển khai đưa ra thị trường ứng dụng. Đến nay, một số sản phẩm được thương mại hóa thành công. Mới nhất, SHTP đã hỗ trợ thương mại hóa, đưa ra thị trường bảy sản phẩm thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, na-nô, bán dẫn và tự động hóa. Tuy nhiên, so với các sản phẩm khoa học mà các viện, trường, trung tâm KH-CN nghiên cứu tạo ra, việc thương mại hóa mới chỉ như "muối bỏ bể"...
Trưởng ban Quản lý SHTP Lê Hoài Quốc cho biết, gắn kết giữa nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo DN công nghệ cao và thương mại hóa là một trong bốn mục tiêu quan trọng thành phố đặt ra cho SHTP. Đến nay, SHTP đạt được một số kết quả bước đầu khá quan trọng như: Sản lượng công nghiệp công nghệ cao tăng nhanh và bền vững trong các năm gần đây; tạo dựng môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và triển khai, đào tạo, ươm tạo DN công nghệ cao và khởi nghiệp; hình thành chuỗi giá trị gia tăng từ nghiên cứu và triển khai, thương mại hóa sản phẩm công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ đến sản xuất công nghệ cao, đã tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển KH-CN của thành phố.
SHTP đang tiếp tục kết nối và tăng cường các quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với DN trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng theo xu hướng chung của thế giới. Một trong những hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu phát triển, thương mại hóa và sản xuất công nghệ cao nổi bật của SHTP trong những tháng cuối năm 2018 là tổ chức ba hội nghị quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới (na-nô), thiết kế, chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), rô-bốt và trí tuệ nhân tạo.
SHTP đang khẩn trương hoàn tất các khâu chuẩn bị để tổ chức hội nghị quốc tế "Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới" diễn ra vào cuối tháng 8 này. Dự kiến, hội nghị sẽ thu hút sự tham gia của 12 diễn giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và vật liệu nano đến từ Nhật Bản, Mỹ, Xin-ga-po... Đây là cơ hội tốt để KH-CN thành phố tiếp cận những công nghệ mới nhất trên thế giới về lĩnh vực robotics và trí tuệ nhân tạo (AI); kết nối thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu với các DN công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm; góp phần định hướng phát triển công nghệ robotics và AI cho thành phố trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 hiện nay...
Theo Tri Thuc Tre
100 nhân tài hiến kế CMCN 4.0: Cuộc chơi lớn, làm sâu và có tầm Cai gi Viêt Nam chưa co thi môi ngươi môt chân môt tay, cung vê đây lam. CMCN 4.0 se la cuôc chơi lơn, phai lam thât sâu va co tâm anh hương Đo la nhưng tâm tư cua Thư trương Bui Thê Duy, Bô Khoa hoc va công nghê trươc 100 nhân tai Viêt Nam trong buôi lam viêc chiêu nay, 20/8...