Việt Nam đang có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và sản xuất
Báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu DHL 2021 (DHL Global Connectedness Index 2021 – GCI 2021) vừa được DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York công bố đã có đánh giá: Mặc cho sự bùng phát dịch COVID-19 gần đây, Việt Nam đang có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và sản xuất.
“Khả năng phục hồi của Việt Nam đối với các tác động của đại dịch vào năm 2020 cho thấy Việt Nam có thể phục hồi nhanh chóng. Nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng 2,9% vào năm ngoái và giá trị xuất khẩu tăng 28,4% trong nửa đầu năm 2021 so với một năm trước đó, khiến quốc gia này trở thành một câu chuyện thành công kinh tế hiếm hoi trong thời kỳ đại dịch. Việt Nam là ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Lợi thế có vị trí địa lý gần Trung Quốc và nằm dọc theo các tuyến đường vận chuyển trong khu vực cùng sự kết nối quốc tế mạnh mẽ đóng vai trò rất quan trọng”, báo cáo đánh giá.
Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích, 5 quốc gia có kết quả ấn tượng về khả năng cải thiện và kết nối mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua bao gồm Mexico, Hà Lan, Cộng hòa Sierra Leone, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam. Theo đó, báo cáo này chỉ ra cách các nhà hoạch định chính sách có thể tác động đến sự kết nối của quốc gia mình. 5 lĩnh vực chính giúp cải thiện chỉ số kết nối quốc gia bao gồm: hòa bình và an ninh, môi trường kinh doanh trong nước hấp dẫn, sự mở cửa cho dòng chảy quốc tế, hội nhập khu vực và hỗ trợ xã hội. Đáng chú ý, môi trường kinh doanh hấp dẫn trong nước có thể thúc đẩy chỉ số kết nối toàn cầu tốt hơn cả các chính sách ủng hộ toàn cầu hóa truyền thống.
Trong lần phát hành thứ 10 này, GCI 2021 đã đưa ra những phân tích mới mẻ về tác động của đại dịch lên toàn cầu hóa, được đo lường thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người. Mặc dù các xu hướng của các dòng chảy khác nhau, nhưng nhìn chung các chỉ số trước đó có sự giảm nhẹ vào năm 2020 đã tăng trưởng trở lại trong Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL năm nay. Tuy nhiên, những thách thức do đại dịch COVID-19 mang lại đã chỉ ra nhiều điểm yếu cần được cải thiện trong tương lai.
10 điểm quan trọng về kết nối toàn cầu.
Ông John Pearson, Tổng Giám đốc DHL Express, cho biết: “Nhiều người lo sợ rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tiến trình toàn cầu hóa. Chúng tôi đã phân tích các dòng chảy quốc tế khác nhau trên toàn thế giới trong nhiều năm và sau 1,5 năm xảy ra đại dịch, giờ đây chúng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng: đại dịch không khiến toàn cầu hóa sụp đổ. Sau sự sụt giảm ban đầu vào năm 2020, Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL đã tăng trở lại trong năm nay. Thương mại đã trở thành điểm tựa cho các quốc gia trên thế giới, trong đó, DHL Express đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phân phối vaccine đến thương mại điện tử”.
Sau khi có sự sụt giảm ở thời điểm bắt đầu đại dịch, thương mại hàng hóa đã phục hồi vượt mức trước dịch vào gần cuối năm 2020. Thương mại hàng hóa toàn cầu cũng đã thiết lập kỷ lục mới vào năm 2021. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thậm chí còn thu hẹp nhiều hơn so với năm 2020, nhưng cũng đang trên đà phục hồi hoàn toàn trong năm 2021. Dòng chảy dữ liệu quốc tế tăng mạnh trong năm 2020 vì có sự chuyển đổi từ tương tác trực tiếp sang trực tuyến, nhưng điều này cũng không thể cải thiện được độ chậm trễ trong việc toàn cầu hóa của dòng chảy thông tin. Sau cùng, dòng chảy quốc tế về con người bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch, và hiện đang dần có sự hồi phục. Ngành du lịch của thế giới sụt giảm 73% vào năm 2020 nhưng cũng đã có những dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2021.
Ông Steven A. Altman, Học giả Nghiên cứu cấp cao, kiêm Giám đốc phụ trách Sáng kiến DHL về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết: “Sự phục hồi của các dòng chảy toàn cầu là tín hiệu tốt vì một thế giới kết nối sẽ mang đến những triển vọng nổi bật cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững từ đại dịch COVID-19. Khi khủng hoảng diễn ra, nhiều người trong số chúng ta cảm thấy cần hạn chế di chuyển. Nhưng khi thách thức càng khắc nghiệt thì việc thu hút những ý tưởng và nguồn lực trong và ngoài nước càng trở nên cấp thiết”.
Trong khi đó, ông Ken Lee, Tổng Giám đốc DHL Express châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ: “Sự bứt phá mạnh mẽ của dòng chảy thương mại toàn cầu và tình hình phục hồi kinh tế hiện tại đã tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của khu vực châu Á trong năm 2021 được dự đoán sẽ tăng lần lượt là 14,7% và 9,4% so với năm 2019. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) một khi bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2022 sẽ góp phần rất lớn cho sự kết nối toàn cầu, phục hồi kinh tế và mang đến sự thịnh vượng cho khu vực. Giữa bối cảnh thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, cam kết của chúng tôi về việc đầu tư 750 triệu euro để củng cố cơ sở hạ tầng mặt đất và mạng lưới hàng không của châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2020 đến 2022 sẽ là cơ sở để chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ logistics, đồng thời hỗ trợ khách hàng trong công cuộc mở rộng sự hiện diện của họ đến nhiều nơi hơn nữa trên thế giới”.
Video đang HOT
Được biết, báo cáo Chỉ số Kết nối Toàn cầu của DHL đo lường mức độ toàn cầu hóa thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người. Chỉ số đo lường mức độ kết nối toàn cầu của mỗi quốc gia được căn cứ trên quy mô các dòng chảy quốc tế so với quy mô của nền kinh tế quốc nội (chiều sâu) lẫn mức độ mà quốc gia đó phân phối các dòng chảy quốc tế trên khắp toàn cầu (chiều rộng). Chỉ số Kết nối Toàn cầu của DHL được thống kê dựa trên hơn 3,5 triệu điểm dữ liệu về dòng chảy giữa các quốc gia trong giai đoạn từ 2001 đến 2020.
Gói phục hồi kinh tế hiệu quả, Việt Nam sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng cao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Đây là chương trình phục hồi kinh tế sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến, vào tháng 12 tới, tại cuộc họp chuyên đề, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung; trong đó, có việc xem xét thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nếu đề án phục hồi và phát triển kinh tế này được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023.
Gói hỗ trợ lớn với thời gian phù hợp
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trình Chính phủ cho ý kiến thông qua để triển khai các bước tiếp theo; trình các cấp có thẩm quyền, đó là trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, đường hướng và trình Quốc hội để xem xét thông qua các giải pháp, cơ chế chính sách. Đặc biệt, là các giải pháp, chính sách liên quan đến tài khóa và tiền tệ thuộc đến thẩm quyền của Quốc hội.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan trong tổ điều hành vĩ mô như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo có chất lượng để trình các cấp có thẩm quyền.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, có 5 nhóm chính sách được đề xuất tại chương trình. Đó là, nhóm phòng chống dịch bệnh và công tác y tế; trong đó, đề cập tới việc cung ứng vaccine, biện pháp phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm, cách ly, điều trị... Tất cả giải pháp này đều cần tới kinh phí và đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các gói giải pháp khác.
Nhóm thứ hai là giải pháp an sinh xã hội thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Nhóm giải pháp này được nghiên cứu, mở rộng thêm nhiều đối tượng bị ảnh hưởng như công nhân trong các khu công nghiệp với các giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; cho vay ưu đãi với đối tượng như học sinh sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non...
Nhóm 3 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu về giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện trong thời gian qua sẽ được nghiên cứu rà soát và tiếp tục thực hiện. Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ, cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất, có nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi.
Nhóm 4 đẩy mạnh đầu tư công. Nhóm này có ý nghĩa kép là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời và có ý nghĩa lâu dài là tạo ra kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế. Nhóm 5 là giải pháp về quản lý điều hành, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, Bộ nhận định cần có gói hỗ trợ lớn với thời gian phù hợp; đảm bảo cân đối vĩ mô, có hỗ trợ cả phía cung và cầu. Đồng thời, gắn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phù hợp với kế hoạch tài chính công, tái cơ cấu nền kinh tế, tính cả dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đảm bảo khả thi, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm...
"Theo đó, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho các đối tượng là người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023 và nếu thông qua ngay vào kỳ họp cuối năm sẽ thực hiện ngay vào đầu năm 2022", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Cần tính toán khoa học
Mặc dù đến nay, quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định nhưng được dự báo là quy mô hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay. Theo các chuyên gia, để đảm bảo hiệu quả, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế này cần được tính toán sát hơn, khoa học và đúng bản chất hơn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 6-6,5%, Việt Nam cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ xảy ra năm 1997-1998, tăng trưởng GDP của Việt Nam bị tác động giảm xuống mức sâu 4,77% (năm 1999), đến khi bật trở lại chỉ lên được 6,79%, tức tăng trên 2%.
Cuộc khủng hoảng thứ 2 là giai đoạn 2008-2011, tăng trưởng GDP lùi về mức 5,2% và sau đó tăng lên 6,4%, tức là tăng trên 1%. Như vậy, để hồi phục kinh tế, Việt Nam khó có bước nhảy vọt mà phải mất nhiều năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP đã xuống rất sâu vào năm 2020 là 2,91% và dự kiến năm 2021 chỉ khoảng 2%. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 lên từ 6-6,5% là bước nhảy vọt 4% trên mức "nền" thấp của năm 2021. Vì vậy, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá.
Nhìn ra thế giới, các nước, đặc biệt là các nước phát triển đã chi ra mức hỗ trợ từ 20-40% GDP. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, các nước không chỉ tăng chi tiêu cho y tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, còn hỗ trợ cả thu nhập của người dân và doanh nghiệp. Do đó, người dân mất việc làm, giảm tiền lương nhưng không giảm thu nhập. Vì thế, khi hết giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng vọt. Từ đó, tăng trưởng kinh tế cũng bật lên rất nhanh và Mỹ là một điển hình.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không thể đưa ra một chương trình phục hồi tốt nếu như không biết rõ thực trạng của nó. Do vậy, phải có một đánh giá đầy đủ hơn, chính xác hơn về thực trạng, nhất là về tác động của dịch vừa qua đối với doanh nghiệp, với lao động, việc làm đối với một số lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Để chương trình phục hồi này khả thi cần xác định rõ tính mục tiêu và đối tượng để phục hồi, hỗ trợ.
Khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, có xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch; khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó.
Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho hay, ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 chính thức có hiệu lực và được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.
"Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp; có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi", ông Hoàng Quang Phòng đề xuất.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần có đánh giá tác động đối với những cán cân lớn của nền kinh tế như: gói hỗ trợ sẽ tạo được việc làm và góp phần phục hồi tăng trưởng ra sao, nghĩa vụ trả nợ như thế nào... phải tính toán rất cụ thể.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trước hết, chương trình phục hồi quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng. Đồng thời, quan tâm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Những lĩnh vực quan tâm này chủ yếu dựa vào những đóng góp và mức độ thiệt hại cũng như là sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với phát triển. "Bên cạnh đó, chương trình này phải đủ dài về mặt thời gian từ năm 2022 đến năm 2023 mới đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi", TS. Võ Trí Thành khẳng định.
Cùng với đó, chính sách tài khóa là trọng yếu nhưng phải phối hợp cùng chính sách tiền tệ và các chính sách khác, đặc biệt là những chính sách liên quan đến kích cầu, kinh tế số, phục hồi xanh. Đồng thời, việc thiết kế chính sách đối với chương trình phục hồi kinh tế này phải sát hơn để đảm bảo hiệu quả.
Ngành ngân hàng đẩy mạnh kích cầu tín dụng cuối năm Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/10, tăng trưởng tín dụng bất ngờ ghi nhận mức tăng 8,72% so với cuối năm 2020, cao hơn so với mức tăng 6,5% ở cùng kỳ năm trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động đến nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong nhiều tháng. Tuy vậy, tại TP Hồ Chí...