Việt Nam có quy định mới siết chặt quảng cáo trên Facebook, YouTube
Từ ngày 15/9 tới, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo vi phạm của Bộ TT&TT.
Hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới sẽ được siết chặt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181 năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
Nghị định mới được xây dựng và ban hành theo đề xuất của Bộ TT&TT nhằm siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook khi các nền tảng này đang chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam.
Theo Nghị định mới, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được xác định là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ở nước ngoài, cho người dùng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
Do đó, người kinh doanh dịch vụ, phát hành quảng cáo và người quảng cáo tham gia hoạt động cung cấp các dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 70, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT trước khi hoạt động.
Video đang HOT
Cụ thể, các nền tảng xuyên biên giới cần thông báo tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở, địa chỉ đặt máy chủ hoặc đầu mối liên hệ tại Việt Nam 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) sẽ có trách nhiệm gửi giấy xác nhận trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo.
Các nền tảng xuyên biên giới phải thực hiện quy định không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật. Thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.
Đối với người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm theo Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ.
Quy định mới cũng yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có biện pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật trên hệ thống cung cấp dịch vụ. Không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được thông báo vi phạm pháp luật.
Bộ TT&TT sẽ là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm. Đồng thời có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm, gửi yêu cầu xử lý đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT&TT, các đơn vị phải thực hiện xử lý vi phạm trong vòng 24 giờ. Sau thời hạn trên, nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn các quảng cáo này.
Trong trường hợp phát hiện các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực hiện ngăn chặn ngay các quảng cáo vi phạm.
Nghị định 70 sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/9.
Doanh nghiệp 'đổ tiền' quảng cáo trên mạng xã hội
Các doanh nghiệp vẫn đổ tiền vào quảng cáo trên mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm. Xu hướng này vẫn chưa thể thay đổi khi nhiều doanh nghiệp Việt coi đây là kênh chính để tiếp cận khách hàng.
Các kênh quảng cáo của doanh nghiệp TMĐT
Mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai nền tảng được doanh nghiệp đánh giá là đem lại hiệu quả cao trong hoạt động quảng bá trực tuyến. Các doanh nghiệp Việt Nam đang giành nguồn chi lớn cho hai kênh này.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), tỷ lệ các doanh nghiệp tìm đến hình thức quảng cáo trên mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng lên trong năm 2020.
Quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tảng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm tăng trưởng vượt qua các phương thức cũ đã là xu hướng trong hơn 4 năm trở lại đây. Đây cũng là hai phương thức chính được các doanh nghiệp đánh giá là kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiêu cho quảng cáo trên hai nền tảng này đã bắt đầu có sự phân hóa so với vài năm trước.
Theo khảo sát, năm 2020, có tới 53% doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam quảng cáo website/ứng dụng di động thông qua các mạng xã hội. Tỷ lệ này tăng thêm 4% (so với con số 49% của năm 2019). Đây cũng được coi là nền tảng chính trong nhiều năm liên tiếp được doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nhiều nhất.
Mạng xã hội vẫn được xem là một trong những kênh tiếp cận chính
Đứng thứ 2 là quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, tỷ lệ quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm của các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm từ 33% xuống còn 29% trong năm 2020. Đây là năm ghi nhận mức sụt giảm sau nhiều năm liền tăng trưởng ổn định.
Quảng cáo trên báo giấy và báo điện tử đã nhích tăng so với 2019 dù không đáng kể với tỷ lệ lần lượt là 14% và 15%. Trong khi truyền hình giảm nhẹ với tỷ lệ 13%. Đặc biệt có tới 24% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, chưa sử dụng hình thức quảng cáo trực tuyến nào.
Một điểm nhấn đáng chú ý của thị trường quảng cáo năm 2020 đó là đa số các doanh nghiệp đều cắt giảm chi phí quảng cáo qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động.
Theo Vecom, trong năm qua có 57% doanh nghiệp cho biết, chỉ chi dưới 10 triệu đồng vào hoạt động quảng bá này. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp chi ngân sách cho quảng cáo trên 50 triệu đồng chỉ ở mức 10%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm phần chi phí này.
Khảo sát năm 2020 cho thấy mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai kênh hiệu quả nhất cho hoạt động quảng cáo trực tuyến. Có thể thấy, mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm trong nhiều năm trở lại đây đã dần trở thành hai nền tảng chính hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cũng được coi là hai nền tảng đem lại hiệu quả tốt nhất so với các phương thức trực tuyến truyền thống khác như báo điện tử, tin nhắn và ứng dụng di động.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả cao các công cụ quảng cáo trực tuyến thông qua mạng xã hội cũng đã giảm xuống 41% (năm 2018 là 52%). Tương tự, hiệu quả của các công cụ quảng cáo trực tuyến qua các kênh tìm kiếm trong năm 2020 cũng giảm xuống 31% (so với con số 40% năm 2018). Một chuyên gia trong ngành cho biết, một phần nguyên nhân là do các kênh tiếp cận này đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.
Với xu hướng thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh mẽ, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là hai thành phố dẫn đầu về mức chi ngân sách cho các hoạt động quảng cáo trực tuyến. Theo đó, có 35% doanh nghiệp ở Tp. HCM và 33% doanh nghiệp ở Hà Nội chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng cáo trực tuyến, mức chi này với các khu vực còn lại là rất thấp. Điều này cũng phù hợp với mức chênh lệch TMĐT giữa các địa phương hiện nay.
Facebook đã trở thành công xưởng sao chép 770 tỷ USD Facebook ngày càng tăng cường sao chép tính năng phổ biến của đối thủ, thay vì phát triển những sản phẩm sáng tạo của riêng mình, theo giới chuyên gia. Từng có giai đoạn rất hứng khởi cách đây 4 năm khi Facebook dường như làm được điều gì đó khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tập đoàn này đã thành lập bộ phận...