Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để hướng tới nền kinh tế số
Dân số trẻ cùng xu hướng tiêu dùng mới, hạ tầng viễn thông phát triển cùng sự quyết tâm của Chính phủ và những yếu tố mà các chuyên gia nhìn nhận rằng, Việt Nam chuyển mình sang một nền kinh tế số và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong 20 năm tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019 do Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN tổ chức đã diễn ra phiên thảo luận “Việt Nam và nền kinh tế số”.
Cuộc thảo luận bàn tròn tập trung vào các vấn đề như xu hướng chuyển đổi số trong phạm vi toàn cầu, tương lai nền kinh tế số của Việt Nam, ảnh hưởng của xu hướng chuyển đổi số đến sự phát triển của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam và những hàm ý cho chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Giáo sư Andrew Sheng, Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Fung (FGI) tại Hong Kong cho rằng, Việt Nam là một quốc gia năng động, lực lượng lao động dồi dào và chất lượng đang tăng mạnh. Vì vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế hàng đầu tại châu Á khi tham gia vào nền kinh tế số.
Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam rất phát triển, nhiều ứng dụng tiện ích ra đời, tích hợp vào đó là sự gia tăng về nhiều loại dịch vụ khiến kinh tế số dần dần có chỗ đứng trong nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Andrew Sheng, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức như nạn tấn công mạng còn nhiều, việc kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý còn hạn chế và hệ thống cơ sở dữ liệu chưa thực sự bền vững… Việt Nam cần học tập các bài học của các nước có quy mô và trình độ phát triển tương tự để có chiến lược phát triển phù hợp.
Trong khi đó, từ hóc nhìn trong nước, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách đánh giá, các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc đã phát triển ở quy mô lớn, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang ở quy mô nhỏ, do đó nên học hỏi từ các nước có quy mô tương tự, đặc biệt là các nước ở châu Á.
Ông Thành cũng cho rằng, nền kinh tế số Việt Nam thời gian qua tuy phát triển mang tính tự phát nhưng vẫn phát triển khá nhanh. Nguyên nhân là do có nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tốt, phủ sóng khắp nơi với mật độ người sử dụng cao, người dân Việt Nam ưa thích sử dụng công nghệ…
“Cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, dân số trẻ Việt Nam sẽ được tiếp cận với nhiều thông tin hơn và do đó, là động lực để Chính phủ đưa ra những biện pháp quản trị tốt hơn. Ứng dụng công nghệ số vào quản trị sẽ là xu hướng tất yếu để hỗ trợ Chính phủ trong việc quản lý và đáp ứng với thế hệ công dân mới. Thế hệ trẻ với những nhóm nhu cầu tiêu dùng thiên về các sản phẩm công nghệ, thiết bị di động sẽ là nhóm khách hàng lớn cho thời kỳ công nghệ số, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ DTT, Thành viên Tổ công tác Chính phủ điện tử của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, 20 năm tới hứa hẹn cơ hội để Việt Nam chuyển mình sang một nền kinh tế số và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Sự thành công và tốc độ của việc chuyển đổi này phụ thuộc phần lớn vào năng lực của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay và lực lượng này đang bị già hóa nhanh chóng. Do đó, các chính sách, thể chế và chính sách cần đào tạo nên lực lượng lao động có kỹ năng, là yếu tố then chốt cho việc chuyển đổi và thành công của thời đại số.
Video đang HOT
Thảo luận “Việt Nam và nền kinh tế số” tại Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
Trao đổi với phóng viên về kết quả từ phiên thảo luận, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – ĐHQGHN cho biết, các học giả, chuyên gia thống nhất rằng, Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi nhất định để hướng tới nền kinh tế số.
Thứ nhất là Việt Nam trong thời gian gần đây đã xuất khẩu liên quan đến sản phẩm số, công nghệ, phần mềm. Thứ hai là Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước nói chung. Nhưng quan trọng hơn, đó là trong nền kinh tế số dựa vào định hướng của người tiêu dùng thì với lợi thế dân số trẻ, cách thức tiêu dùng, cách tiếp cận với công nghệ mới sẽ tốt hơn, giúp Việt Nam trở thành môi trường có những mô hình kinh doanh mới. Thứ ba là Chính phủ hiện đã có nhiều chính sách, quyết tâm lớn trong tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để phát triển kinh tế đất nước, hướng tới nền kinh tế số.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là các thách thức như nguồn nhân lực chưa thực sự sẵn sàng trong nền kinh tế số; cơ sở hạ tầng bao gồm CNTT, chính sách luật pháp cần tiếp tục cải thiện; và sự cạnh tranh, đi trước của các nước phát triển.
“Do đó, việc tận dụng cơ hội trong nền kinh tế số cần rất nhiều sự sáng tạo của bản thân doanh nghiệp và sự hỗ trợ chính sách, hạ tầng tốt từ Chính phủ”, bà Thu nói.
Trao đổi sâu về thách thức do nguồn nhân lực, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng vấn đề này có vai trò, trách nhiệm lớn của hệ thống giáo dục.
“ Thế giới đang thay đổi nhanh, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế xã hội. Do đó, đào tạo phải thay đổi để đáp ứng sự thay đổi của thế giới. Đại học Kinh tế – ĐHQGHN cũng đang có những thay đổi để thích ứng trong bối cảnh hiện nay”, bà Thu cho hay.
Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – ĐHQGHN dẫn chứng, nhà trường đã có Đề án đổi mới trong đào tạo đại học, trong đó thiết kế những chương trình phù hợp với sự phát triển mới, đồng thời thay đổi cả cách tiếp cận đào tạo theo cách tiếp cận liên ngành và cá thể hóa, thay vì theo lối truyền thống.
Liên ngành không có nghĩa là không chuyên môn hóa, mà là cách tiếp cận liên ngành trong đào tạo. Ví dụ khi đào tạo một nhà kinh tế, chúng ta phải đào tạo trên góc nhìn liên ngành, bao gồm cả môi trường, xã hội…
Trong khi đó, cá thể hóa là ngoài đào tạo nền tảng chung sẽ phải đào tạo sâu theo hướng cá thể hóa. Nhà trường sẽ cho các sinh viên tham gia vào các dự án của doanh nghiệp, trong quá trình tìm cách giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức đã học, sinh viên sẽ tự hoàn thiện bản thân.
Bên cạnh đó, Đại học Kinh tế – ĐHQGHN cũng áp dụng kết hợp đào tạo truyền thống với online (còn gọi là Blended learning). Trong đó, các bạn sinh viên sẽ chủ động trong thời gian học tập, tìm kiếm các môn học, tín chỉ phù hợp với nghề nghiệp đang hướng đến dựa trên khung chương trình nhà trường đã xây dựng.
Theo Đầu Tư
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam!
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao.
Nhất là một số công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội. Và chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) vừa diễn ra sáng nay, 8/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó.
200 năm qua, thế giới đã đi qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, đó là cơ giới hóa, điện khí hóa và tự động hóa. Và nay là cuộc cách mạng về số hóa. Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là một số công nghệ đột phá của cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội. Máy móc, thiết bị trở nên ngày càng thông minh, hiểu được mệnh lệnh, hoạt động độc lập và kết nối. Các lĩnh vực vật lý và lĩnh vực số, lĩnh vực kinh tế vật chất và kinh tế số đang hòa nhập lại.
Chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn ICT Summit 2019 vừa khai mạc sáng nay, 8/8.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người. Đây là lần đầu tiên loài người bước vào thế giới ảo. Không chỉ một phần, mà toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực. Và chỉ lúc này thì công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó. Cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh hủy diệt.
Chuyển đổi số bao gồm bước một là số hóa. Không chỉ con người được số hóa mà tất cả các vật vô tri vô giác sẽ được số hóa. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, các vật vô tri vô giác được cất tiếng nói. Cái mà nhà Phật nói về cây cỏ có thể giao tiếp giờ đây là hiện thực. Bước hai của chuyển đổi số là hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Và đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số.
Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh doanh mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Nó phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đang phát triển như Việt Nam, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội. Thêm vào đó là văn hóa người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới.
Để chuyển đổi số nhanh hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần tạo ra các Platforms số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng. Sử dụng các platform số này tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số. Chúng ta có hàng ngàn báo và tạp chí. Nếu từng cơ quan này phải đầu tư nền tảng số thì sẽ rất tốn kém, nhiều cơ quan báo chí không có đủ nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực để đầu tư. Nhưng nếu có một Platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng ngàn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh.
Lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các Platforms. Chuyển đổi số thì khó nhất là toàn dân và toàn xã hội, nhưng chuyển đổi số chỉ phát huy hết sức mạnh của nó khi toàn dân, toàn xã hội kết nối số. Sức mạnh của kết nối không phải cấp số cộng, không phải cấp số nhân mà là hàm số mũ. Một nền tảng Platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. Platform văn minh ở chỗ giá trị tạo gia được chia sẻ giữa người tham gia và người tạo Platform nên sẽ thúc đẩy tất cả các bên. Lợi thế Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp CNTT có năng lực, có thể phát triển các Platforms phù hợp cho chuyển đổi số Việt Nam.
Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số thì quan trọng nhất là đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Nhưng chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập kỷ, liên quan đến mọi người nên muốn căn cơ thì ICT phải được coi là kỹ năng cơ bản như biết đọc, biết viết cho học sinh từ cấp học thấp nhất. Và cũng chính ICT là lời giải tốt nhất cho nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay. Giáo dục bằng công nghệ ICT cũng chính là cách tốt nhất để dạy kỹ năng số cho học sinh.
Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hóa các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực, từng tổ chức. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ. Không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp... Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây sẽ vừa là Nhà nước đi đầu và cũng vừa là kiến tạo thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển...
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng tổ chức.
Diễn đàn năm nay có sự tham dự của trên 700 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, bộ và các cơ quan ngang bộ; các cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 47 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 13 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" và xác định đây là Diễn đàn của hành động, Vietnam ICT Summit 2019 đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiến hành chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam. CĐS không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội.
Được diễn ra trọn vẹn trong ngày hôm nay, 8/8, các nội dung chính tại Vietnam ICT Summit 2019 bao gồm: Thảo luận chủ đề 1: Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Phát triển hạ tầng ICT và các công nghệ nền tảng; Thảo luận chủ đề 2: Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Nền tảng ứng dụng. Tiếp đó, sẽ là 2 Chuyên đề song song: Chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước và Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Theo VnMedia
Trí tuệ nhân tạo tăng khả năng thành công cho quá trình thụ tinh Một Startup có tên Univfy đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển phần mềm của mình, mang cơ hội sinh nở đến với rất nhiều người phụ nữ trên thế giới. (ảnh minh họa: Aditya Romansa) Cô Shivani, gần 30 tuổi, mong muốn được làm mẹ, nhưng lại không thể tự quyết định việc mang thai. Shivani đã lâu không...