Việt Nam có 1 thành phố được giải thưởng du lịch quốc tế gọi tên 5 lần liên tiếp: Đặt mục tiêu thu 260.000 tỷ đồng từ du lịch trong năm tới
Vượt qua nhiều ứng cử viên sáng giá khác, thành phố xinh đẹp của Việt Nam đã tiếp tục chiến thắng tại giải thưởng thế giới này.
TP.HCM nhiều lần “thắng lớn” tại giải thưởng quốc tế
Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch MICE thế giới ( World MICE Awards) lần thứ 5 năm 2024, TP.HCM xuất sắc chiến thắng tại 03 hạng mục quan trọng là “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á”, “Điểm đến du lịch khen thưởng hàng đầu Châu Á” và Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC được vinh danh là “Hội chợ thương mại hàng đầu châu Á”. Đáng chú ý, TP.HCM lần thứ 5 liên tiếp chiến thắng giải thưởng “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á” sau khi vượt qua nhiều ứng cử viên sáng giá.
Giải thưởng Du lịch MICE thế giới (World MICE Awards) nằm trong chuỗi giải thưởng được phát triển từ Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) – Giải thưởng uy tín được công nhận trên toàn cầu, được mệnh danh là “Giải Oscar của du lịch thế giới”. Giải thưởng World MICE Awards là sáng kiến toàn cầu nhằm công nhận và khen thưởng sự xuất sắc trong ngành du lịch MICE của các thương hiệu, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả của Giải thưởng được đánh giá bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành du lịch MICE và công chúng. Người chiến thắng là ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất trong một hạng mục bình chọn.
Giải thưởng là minh chứng cho tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thành phố có thể đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng hiện đại, kết hợp với lịch sử phong phú và đa dạng văn hóa, để tạo nên một địa điểm lý tưởng hàng đầu khu vực cho các sự kiện du lịch MICE quốc tế.
Ảnh: Kim Cương
TP.HCM là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa với sự đa dạng trong các hoạt động du lịch, từ khám phá lịch sử, kiến trúc đến thưởng thức ẩm thực và giải trí. Thành phố này không bao giờ ngủ, luôn nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, tạo nên một sức hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch TPHCM, năm 2024, TPHCM đã thu hút hơn 45 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tổng thu hơn 190.000 tỷ đồng. Trong năm 2025, thành phố này đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách khách quốc tế, 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 260.000 tỷ đồng.
Mùa nào lý tưởng để khám phá TP.HCM?
Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, thời tiết ở TP.HCM khá dễ chịu, với nhiệt độ trung bình khoảng 27 độ C, hiếm khi giảm sâu. Thành phố có hai mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Dù nhiệt độ đôi khi lên đến hơn 40 độ C vào mùa khô, nhưng không khí thường không quá oi bức, đặc biệt dịu mát hơn vào buổi tối.
Du khách có thể ghé thăm TP.HCM vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, nếu bạn chọn đến vào mùa mưa, đừng quên mang theo ô hoặc áo mưa để ứng phó với những cơn mưa rào bất chợt.
Dễ dàng di chuyển bằng mọi loại phương tiện
Là một trong những thành phố lớn và sầm uất nhất Việt Nam, TP.HCM có mạng lưới giao thông phát triển, kết nối dễ dàng bằng nhiều phương tiện như máy bay, tàu hỏa, xe khách và cả tàu biển.
Di chuyển bằng máy bay: Các hãng hàng không nội địa đều khai thác chuyến bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày. Sau đó, từ sân bay, bạn có thể dễ dàng đến trung tâm Quận 1 (cách 8 km) hoặc các khu vực lân cận như Quận 3 và Phú Nhuận bằng cách đặt xe taxi.
Tàu hỏa: Tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào TP.HCM là một hành trình thú vị, kéo dài khoảng 30 tiếng, với các điểm dừng tại những thành phố lớn như Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng. Vé tàu có nhiều mức giá tùy thuộc vào loại ghế ngồi hoặc giường nằm.
Đường bộ: Nếu đi ô tô, bạn có thể chọn hành trình dọc theo quốc lộ 1A hoặc đường mòn Hồ Chí.Minh, tùy thuộc vào địa điểm xuất phát và các điểm dừng chân trên đường.
TP.HCM mang đến nhiều lựa chọn phương tiện, từ xe máy, xe công nghệ, xe buýt đến xe đạp công cộng. Thuê xe máy là phương tiện linh hoạt và phổ biến nhất, đặc biệt nếu bạn muốn tự mình khám phá thành phố. Giá thuê dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng/ngày tùy loại xe. Một số nơi yêu cầu đặt cọc tiền mặt hoặc để lại giấy tờ tùy thân.
Với các ứng dụng đặt xe, bạn có thể dễ dàng gọi xe ô tô hoặc xe máy ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, nếu phải di chuyển liên tục, chi phí có thể khá cao. Xe buýt là lựa chọn tiết kiệm, trong khi xe đạp công cộng phù hợp để khám phá khu vực trung tâm.
Những trải nghiệm không thể không thử một lần tại TP.HCM
Video đang HOT
Tham quan Dinh Độc Lập:
Tọa lạc tại trung tâm Quận 1, Dinh Độc Lập là biểu tượng lịch sử quan trọng, nơi lưu giữ dấu ấn của những sự kiện trọng đại trong quá khứ. Công trình này thu hút đông đảo du khách vào dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ lớn như 30/4.
Check-in tại Bưu điện Trung tâm:
Được xây dựng từ thế kỷ 19, bưu điện TP.HCM là một công trình kiến trúc Pháp nổi bật với phong cách cổ điển, trần nhà vòm cung và những chi tiết trang trí tinh xảo. Nằm cạnh Nhà thờ Đức Bà, đây là địa điểm mang tính biểu tượng cho vẻ đẹp của thành phố.
Ghé qua Nhà thờ Đức Bà:
Được hoàn thành vào năm 1880, nhà thờ Đức Bà gây ấn tượng với lối kiến trúc kết hợp giữa Roman và Gothic. Nội thất nhà thờ rộng rãi, có thể chứa đến 1.200 người, là nơi thu hút nhiều khách du lịch yêu thích nghệ thuật và lịch sử.
Trải nghiệm buýt đường sông:
Được xem là một cách thú vị để chiêm ngưỡng thành phố từ góc nhìn mới, tuyến buýt đường sông đưa du khách đi qua những địa danh nổi tiếng như bến Nhà Rồng, cầu Phú Mỹ và cảng Bến Nghé. Giá vé phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng.
Dạo chơi Thảo Cầm Viên
Là một trong những vườn thú lâu đời, Thảo Cầm Viên có khoảng 1000 cá thể động vật gồm hàng chục loài có vú, hàng chục giống chim, nhiều giống bò sát và giống có cánh các loại, như: khỉ, gấu ngựa, gấu chó, hổ Đông Dương, hổ Bengal, báo hoa mai, báo lửa, sư tử, tinh tinh, ngựa vằn, linh dương, hươu, nai, heo rừng, mang, nhím, rùa, rái cá, voi châu Á, tê giác trắng, cá sấu hoa cà, cá sấu nước ngọt, trăn đất, công, bò tót, hà mã, báo đốm Mỹ , hươu cao cổ… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi đem tới không gian xanh lý tưởng để thư giãn với nhiều loài cây quý hiếm.
Khám phá phố Tây Bùi Viện
Được mệnh danh là “khu phố không ngủ”, Bùi Viện là điểm đến yêu thích của giới trẻ với hàng loạt quán bar, pub, và nhà hàng nhộn nhịp từ tối đến rạng sáng.
Ăn tối trên du thuyền sông Sài Gòn
Trải nghiệm một bữa ăn trên du thuyền dọc sông Sài Gòn là hoạt động lãng mạn, phù hợp cho các cặp đôi hoặc nhóm bạn. Du khách có thể chọn thực đơn phong cách Á – Âu và tận hưởng cảnh đẹp về đêm của thành phố, với giá từ 350.000 đồng/người.
Chùa cổ ở TPHCM sở hữu nhiều kỷ lục, được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ
Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.
Chùa An Phú là một trong những ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo, đẹp mắt tại TPHCM. Ảnh: Hà Nguyễn
Chùa "miểng sành"
Tọa lạc dọc theo đường Phạm Hùng (quận 8, TPHCM), từ xa, chùa cổ An Phú thu hút ánh nhìn của khách tham quan bởi ánh sáng lấp lóa từ muôn ngàn mảnh sành, sứ phơi mình trong nắng.
Đến gần hơn, kiến trúc ngôi chùa càng khiến cho người xem kinh ngạc. Gần như toàn bộ công trình ở chùa đều được dán, trang trí bằng vô số mảnh vỡ của chén bát, bình, dĩa, ấm trà,...
Các mảnh sành, sứ đa dạng về hình dáng, màu sắc.
Chùa còn có tên gọi khác là chùa "miểng sành" vì gần như các công trình tại đây đều được khảm sành, sứ. Ảnh: Hà Nguyễn
Tài liệu tại chùa cho biết, chùa An Phú được Hòa thượng Thích Thanh Đức xây dựng năm 1847. Sau hơn 100 năm tồn tại, trải qua nhiều đời sư trụ trì, chùa xuống cấp trầm trọng.
Năm 1961, chùa được trụ trì lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Từ Bạch tổ chức trùng tu. Chùa xây theo lối cổ lầu trên khuôn viên khoảng 1.500m2 với 2 khu chính: Khu thờ phụng; khu giảng đường, tăng phòng, khách đường...
Các mảnh sành, sứ cũ, vỡ từ ấm trà, đĩa, tô, bình... xuất hiện tại mọi khu vực của chùa. Ảnh: Hà Nguyễn
Suốt quá trình trùng tu, Hòa thượng Thích Từ Bạch có ý định sử dụng những mảnh sành, sứ phế liệu để trang trí cho ngôi chùa. Công việc này được chư tăng trong chùa thực hiện.
Bước đầu, chư tăng làm vỡ những sành, sứ phế liệu được thu gom từ nhiều nơi để chúng có góc cạnh, kích thước phù hợp. Sau đó, những mảnh vỡ này được chỉnh sửa theo đường nét mỹ thuật tạo hình rồi được chắp ghép, ốp lên tường, vì kèo, cột, cầu thang... của chùa theo các chủ đề chính như: tượng Phật Di Lặc, Quán Thế Âm Bồ Tát, chữ vạn, hoa sen...
Các mảnh sành, sứ được tạo hình thành các họa tiết hài hòa, đẹp mắt. Ảnh: Hà Nguyễn
Giữ nhiều kỷ lục
Sau khi Hòa thượng Thích Từ Bạch viên tịch vào năm 1993, công việc trùng tu, trang trí bằng mảnh sành, sứ cũ được Hòa thượng Thích Hiển Đức tiếp nối.
Thống kê của chùa cho thấy, từ năm 1961 - 2004, chùa đã sử dụng hơn 30 tấn sành, sứ phế liệu các loại với khoảng 20.000 ngày công lao động để gắn chúng lên diện tích 3.886m2.
|
Nhiều mảng tường được trang trí như những bức tranh nhiều màu, sinh động. Ảnh: Hà Nguyễn
Do gần như toàn bộ các công trình của chùa đều được gắn, ốp các mảnh sành, sứ cũ nên chùa An Phú còn có tên gọi khác là "chùa miểng sành".
Ngày 30/11/2007, chùa An Phú được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là ngôi chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất Việt Nam.
|
Ngay cả hàng cột bê tông bên ngoài tường rào cũng được chùa trang trí bằng các mảnh sành, sứ phế liệu. Ảnh: Hà Nguyễn
Ngoài kiến trúc, cách trang trí độc đáo bậc nhất TPHCM, ngôi cổ tự còn sở hữu những cặp nến có kích thước khổng lồ. Đầu tiên là cặp nến "Ngũ long chầu đăng" được đặt ở điện Phật.
Hai cây nến này nặng hơn 1.800kg, cao 3,4m. Thân nến được chạm trổ hình rồng uốn quanh từ chân đến đỉnh. Dưới đế cặp nến có khắc hình 5 con rồng nhỏ tinh xảo, đẹp mắt.
Một trong những cặp nến khổng lồ tại chùa An Phú. Ảnh: Hà Nguyễn
Năm 2005, chùa An Phú tiếp tục hoàn thành, giới thiệu thêm 2 cây nến chạm rồng có trọng lượng 2.100kg, cao 3,83m. So với cặp nến trước, hai cây nến này nặng hơn 300kg và cao hơn 0,43cm.
Cả hai cặp nến trên đều được xác nhận kỷ lục cao và nặng nhất Việt Nam.
Sở hữu kiến trúc đẹp mắt cùng cách trang trí độc đáo, chùa An Phú thu hút khách từ khắp nơi đến du lịch thưởng ngoạn, chiêm bái mỗi ngày. Chùa đặc biệt đông khách thập phương vào các ngày rằm, lễ, Tết...
Phong (áo khoác xanh đen) cùng người thân đến chùa An Phú cầu an. Ảnh: Hà Nguyễn
Tranh thủ ngày cuối tuần, mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Ngân (32 tuổi, quận 10, TPHCM) đến chùa An Phú vãn cảnh. Chị Kim Ngân thường xuyên đến các chùa trong địa bàn thành phố tận hưởng không khí thanh tịnh.
Đây là lần đầu chị đến viếng chùa "miểng sành" bởi tò mò trước cái tên cũng như kiến trúc ngôi chùa. Đến nơi, chị ngạc nhiên và choáng ngợp trước những họa tiết, hoa văn được tạo từ vô số mảnh sành, sứ tại chùa.
Nam thanh niên đốt, thả đèn hoa đăng xuống hồ nước nhân tạo sau khi khấn xin bình an trong cuộc sống. Ảnh: Hà Nguyễn
Những điểm đến lý tưởng dành cho người mới thất tình Đảo Nam Du, Đà Lạt là 2 trong số những điểm đến lý tưởng dành cho người mới thất tình. Đảo Nam Du Đến một nơi xa lạ sau khi thất tình là một trải nghiệm khá liều lĩnh. Nhưng nếu không thử, bạn sẽ không bao giờ chiến thắng được bản thân mình chứ đừng nói là quên được "người ta". Đảo...