Việt Nam chưa ghi nhận đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca
Bộ Y tế chiều 8/4 thông tin hơn 55.000 người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca, hiện đều an toàn, chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối.
Trong số người đã tiêm vaccine, Hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vaccine phòng Covid-19 mà ở các loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khắc như sởi, ho gà, uốn ván…
Hệ thống giám sát cũng ghi nhận tỷ lệ khoảng 1/1.000 trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm. Những trường hợp này được xử trí kịp thời và đúng phác đồ, sức khỏe đều đã ổn định, đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Theo Bộ Y tế, những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm tại Việt Nam trong một tháng qua thấp, tương đương số liệu do nhà sản xuất cung cấp.
“Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng”, Bộ Y tế cho biết.
Video đang HOT
Vaccine Covid-19 do AstraZeneca sản xuất được Bộ Y tế phê duyệt ngày 1/2. Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong 3 vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2.
Vaccine AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam từ ngày 8/3, ba địa phương đầu tiên triển khai là Hà Nội, TP HCM và Hải Dương. Đến ngày 7/4, tổng cộng đã tiêm 55.151 người tại 19 tỉnh, thành phố. Họ thuộc nhóm ưu tiên gồm các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
Theo Bộ Y tế, với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. Người đi tiêm phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe, tiếp đó theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ. Ngành y tế cũng đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng, luôn sẵn sàng xử lý, đảm bảo an toàn cho người tiêm. Thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ trong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Bộ Y tế tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca được triển khai tiêm chủng ngày 8/3 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Châu Âu thời gian qua ghi nhận một số trường hợp sau khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca liên quan đến tình trạng đông máu, huyết khối, là “tác dụng phụ rất hiếm gặp”. Một số quốc gia châu Âu dừng tiêm, số ca Covid-19 tăng trở lại, như Đức, Pháp…
“Những thông tin này gây tâm lý gây hoang mang trong dư luận, khiến nhiều người chần chừ hoặc hủy bỏ lịch tiêm chủng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bao phủ của vaccine tại mỗi khu vực, quốc gia cũng như toàn cầu”, Bộ Y tế nhận định.
Theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch liên quan đến vaccine AstraZeneca là “rất hiếm gặp”. Trong khi đó, lợi ích của tiêm phòng trong bảo vệ cá nhân và cả cộng đồng trước Covid-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên.
Do vậy, WHO khuyến cáo các nước tiếp tục triển khai tiêm vaccine để tăng tỷ lệ miễn dịch, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Trên cơ sở khuyến cáo của WHO và thực tiễn kết quả triển khai tiêm tại Việt Nam trong một tháng qua, đại diện Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia khuyên người dân bình tĩnh, chủ động thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn về tiêm vaccine Covid-19. “Khi đến lượt mình được tiêm, hãy đến các cơ sở tiêm chủng của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khỏe, thông tin cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm”, đại diện Chương trình khuyên.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với WHO, các tổ chức quốc tế và các cơ quan chuyên môn để xác thực thông tin khoa học, chính xác về sự liên quan giữa vaccine và những phản ứng nặng sau tiêm chủng, nhất là những trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu và huyết khối sau tiêm vaccine.
COVAX điều chỉnh ngày giao và số lượng vắc-xin đợt đầu cho Việt Nam
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam thay mặt Cơ chế COVAX mới đây cho biết, do sự chậm trễ trong sản xuất vắc-xin COVID-19 được phân phối thông qua COVAX, việc giao hàng dự kiến đến tất cả các quốc gia bị chậm lại và số lượng đợt đầu được xem xét và điều chỉnh.
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ nhận được 811.200 liều vắc-xin AstraZeneca dự kiến trong ba tuần tới. Số lượng này nhỏ hơn so với công bố trước đây cho lô hàng đầu tiên và được tính toán dựa trên tiêu chí phân phối theo tỉ lệ công bằng về số lượng vắc-xin hiện có cho tất cả các quốc gia tham gia. Dựa trên thông tin ban đầu được chia sẻ từ nhà sản xuất, COVAX vẫn giữ kế hoạch ban đầu là cung cấp tổng cộng 4.176.000 liều vắc-xin cho Việt Nam vào cuối tháng 5, trong khi vẫn còn các hạn chế về điều hành và cung ứng.
Trong giai đoạn ban đầu triển khai vắc-xin COVID-19, các nhà sản xuất vắc-xin cần thời gian để mở rộng quy mô và tối ưu hóa quy trình sản xuất. AstraZeneca, sử dụng một mạng lưới chuỗi cung ứng mới với các cơ sở trên nhiều châu lục, đang nỗ lực để rút ngắn thời gian chờ giữa các công đoạn qui trình sản xuất của mình để có thể kịp thời cung ứng vắc xin cho tất cả các nước tham gia COVAX.
Việt Nam sẽ có thêm hơn 800.000 liều vắc xin COVID-19 từ COVAX Facility Kế hoạch phân phối vắc xin từ Covax bị chậm lại nên trong 3 tuần tới, Việt Nam chỉ nhận được hơn 800.000 liều, số lượng vắc xin này thấp hơn dự kiến theo thông báo trước đó. Ngày 24/3, Bộ Y tế thông tin cho biết, COVAX Facility cho hay dự kiến, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của COVAX Facility...