Sáng 8/3 vaccine Covid-19 có mặt tại 4 điểm tiêm đầu tiên
Bốn xe chở vaccine AstraZeneca sẽ lần lượt xuất kho VNVC lúc 3h và 6h sáng 8/3 đi hai nơi ở Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM .
Tại kho tổng của Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC) tại quận Đống Đa , Hà Nội , khoảng 3h sáng 8/3, hai ôtô chuyên dụng bắt đầu chở vaccine tới Trung tâm y tế huyện Kim Thành và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Thời gian di chuyển khoảng 3-4 giờ cho quãng đường 90-120 km, tới mỗi địa điểm.
6h sáng, một xe khác sẽ xuất phát từ kho đưa vaccine đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh , Hà Nội .
Cùng lúc tại TP HCM, một xe chở vaccine cũng rời kho lên đường đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM .
Đây là bốn địa điểm đầu tiên được triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên cả nước, vào sáng 8/3. Nhóm được tiêm đầu tiên là những người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 , lực lượng truy vết dịch tễ, xét nghiệm…
Lô vaccine AstraZeneca tiêm đợt một cho các tỉnh Hải Dương, Hà Nội, đã được vận chuyển bằng máy bay đi Hà Nội đêm 6/3. Ảnh: Thư Anh.
Đại diện VNVC khẳng định tất cả vaccine sẽ có mặt tại 4 điểm tiêm đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế, trước khi chương trình tiêm chủng bắt đầu. Ngoài ra VNVC còn hỗ trợ các địa điểm tiêm ê kíp 12 người, gồm bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên chăm sóc sau tiêm.
Đêm qua, vaccine đã được chuyển an toàn từ kho lạnh của VNVC tại TP HCM, theo đường hàng không ra Hà Nội. Số lượng vaccine không được tiết lộ cụ thể.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, có 900 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ được tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, triển khai trong vòng một tuần. Buổi tiêm đầu tiên sáng 8/3 có đại diện Bộ Y tế chứng kiến.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, có 100 y bác sĩ trực tiếp điều trị, chăm sóc hoặc có nguy cơ nhiễm nCoV sẽ tiêm trước, bắt đầu từ 8h sáng. Công tác tiêm chủng và theo dõi sau tiêm diễn ra tại Trung tâm phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện đã bố trí 3 bàn tiêm với đủ phương tiện, kỹ thuật cần thiết.
Toàn bộ người được tiêm chủng sẽ phải khám sàng lọc trước khi tiêm. Người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở sẽ không được tiêm vaccine Covid-19 . Sau tiêm, họ được theo dõi tại viện 30 phút và theo dõi tại nhà trong 24 giờ tiếp theo. Dự kiến sau 12 tuần, họ sẽ tiêm mũi vaccine thứ hai. Lịch sử tiêm chủng sẽ được theo dõi trên hồ sơ sức khỏe điện tử.
Một hộp vaccine Covid-19 AstraZeneca gồm 10 liều tiêm 0,5ml, có hạn sử dụng 6 tháng. Ảnh: Thư Anh.
Việt Nam đang có 117.600 liều vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine dựa trên đề xuất số lượng từ các sở y tế, bệnh viện điều trị Covid-19. Cụ thể, trong đợt một, vaccine được phân phối cho 35 nơi, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19, để tiêm chủng từ ngày 8/3.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 6/3 cho biết, lượng vaccine ít, không thể phân bổ 63 địa phương mà chỉ có thể điều phối một phần cho 13 tỉnh, thành đang có dịch. Bộ vẫn đang tích cực đàm phán với đối tác nước ngoài để chuyển sớm vaccine về Việt Nam. Hy vọng tháng 3 có thể có thêm 1,3 triệu liều vaccine trong chương trình Covax Facility. Sau đó, tháng 4 và 5, nguồn cung vaccine tiếp tục tăng lên. Do số lượng vaccine ít nên tập trung ưu tiên 11 nhóm đối tượng và nhóm trực tiếp tham gia phòng chống dịch.
Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vaccine Covid-19 lần này được Bộ trưởng đánh giá là lớn nhất trong lịch sử, với khoảng 100 triệu liều. Dự án do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách việc tiếp nhận, vận chuyển vaccine tới các cơ sở tiêm chủng theo danh sách Viện cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vaccine Covid-19.
Bất ngờ F0 COVID-19 chặn số cuộc gọi từ Bộ Y tế, từ chối cung cấp thông tin
Ngay sau khi có thông tin về diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đã được triệu tập khẩn cấp với chỉ thị quyết liệt, đẩy nhanh tốc độ truy vết các F1, F2.
Thành viên tổ truy vết làm việc liên tục, truy vết các F0 để tìm ra nguồn lây nhiễm COVID-19. Ảnh: Thùy Linh
Các bệnh nhân từ chối cung cấp thông tin truy vết
Các thành viên của Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 là các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia dịch tễ và rất đông các tình nguyện viên là sinh viên năm cuối các chuyên ngành y tế công cộng...
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay, vùng lõi dịch Hải Dương cũng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, một khó khăn lớn của công tác phòng chống dịch đó là nhiều người từ tâm dịch đã tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố, gây nên nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Do đó, Tổ thông tin phải gấp rút làm việc, sớm phát hiện để ngăn chặn các nguồn lây.
Ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19, cho hay: Nếu muốn truy vết hiệu quả, chúng tôi sử dụng nhiều nguồn thông tin nhưng chủ yếu vẫn là chủ động tìm kiếm và tiếp nhận thông tin từ khai báo của người dân.
Theo ông Trung, thông tin chủ động khai báo của người dân vô cùng quan trọng. Từ những đợt dịch trước, chúng ta đã truy vết rất hiệu quả từ nguồn tin này. Tuy nhiên, đợt dịch này, mặc dù tình hình nghiêm trọng hơn nhưng bất ngờ là tỉ lệ người dân bất hợp tác, không cung cấp thông tin lại rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Bùi Thế Duy trao đổi về công tác truy vết các F0. Ảnh: Thùy Linh
"Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác với chúng tôi trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Con số này cao hơn nhiều các đợt bùng dịch trước đây. Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết. Khiến cho công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn"- ông Trung nói.
Theo ông Trung, có thể do người dân hoảng loạn, lo lắng dẫn tới hành động tắt máy, chặn số của Bộ Y tế hoặc có những thông tin cá nhân không muốn tiết lộ. Lúc này, Tổ truy vết buộc phải cử người đến trao đổi trực tiếp gây lãng phí thời gian và nhân lực.
Liên tục trực chiến, làm việc hết công suất
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đánh giá đội ngũ truy vết các F0 đã gặp rất nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch lần này rất phức tạp, số lượng bệnh nhân dương tính cao kỷ lục. "Chúng tôi đã làm việc hết công suất, để truy vết thành công hơn 100 ca bệnh dương tính trong suốt 3 ngày qua"- Thứ trưởng nói.
Ông đánh giá tình huống dịch bệnh lần này rất nguy hiểm vì tại Công ty Poyun- nơi được xác định là tâm dịch, các sự kiện tập thể khá nhiều nhưng hầu hết công nhân không đeo khẩu trang. Hơn nữa, tháng 1 cũng là khoảng thời gian mọi người thường xuyên tổ chức tiệc tất niên, đám cưới khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Vì vậy, tổ truy vết đã liên tục "trực chiến" trong mấy ngày qua, bằng hệ thống máy tính, điện thoại và sử dụng công nghệ cao để truy vết nguồn bệnh.
Đông đảo tình nguyện viên tham gia vào công tác truy vết F0. Ảnh: Thùy Linh
"Chúng tôi bắt đầu công việc bằng nguồn thông tin từ người dân khai báo và danh sách các ca bệnh. Sau khi trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC của các địa phương và phòng thí nghiệm cho kết quả dương tính, chúng tôi sẽ lập tức tổng hợp thông tin sơ bộ như tên, số điện thoại, địa chỉ... Lúc này, một đội ngũ chuyên môn về dịch tễ sẽ gọi điện phỏng vấn nhanh các bệnh nhân. Qua đó, chúng tôi sẽ nắm được toàn bộ lịch trình di chuyển của bệnh nhân, từ đó tìm F1, F2..."- Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ cho hay.
Ngay sau đó, các thông tin này được thống kê và tổng hợp lại, sau đó chuyển cho nhóm chuyên viên cấp cao của tổ. Đây là nhóm đầu não gồm các chuyên gia y tế sẽ xử lý thông tin, hỗ trợ địa phương xác định tâm dịch, đồng thời đề xuất các vấn đề như cách ly, phong tỏa...
"Một trong những cách để xác định F1, F2 rất hiệu quả là kênh thông tin của Bộ Y tế khi công khai các địa điểm, mốc thời gian có liên quan ca bệnh. Một số người dân có mặt tại mốc dịch tễ, nhận được thông tin, tới khai báo, xét nghiệm và có kết quả dương tính. Đây là điều rất đáng mừng nhưng số lượng vẫn khá hạn chế", Thứ trưởng Duy nói.
Hiện tại, chỉ dưới 1% số lượng F1 chủ động liên hệ khai báo. Phần F1, F2 còn lại đều được các thành viên trong tổ truy vết chủ động tìm kiếm.
Những sơ đồ truy vết được lập nên sau khi có ca bệnh COVID-19, được cập nhật và thay đổi liên tục. Ảnh: Thùy Linh
"Để có thể đón Tết Nguyên đán an toàn, tôi mong rằng tất cả người dân chung tay trong việc truy vết các trường hợp liên quan ca bệnh. Cần thường xuyên theo dõi các thông báo của Bộ Y tế, nếu có mặt tại địa điểm và mốc thời gian được Bộ Y tế công bố, mọi người cần nhanh chóng khai báo, lấy mẫu, thậm chí giúp ngành y tế phát hiện những trường hợp liên quan. Nếu không may nhiễm hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh, chúng ta cần hợp tác, khai báo rõ ràng các mốc dịch tễ. Việc làm này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng dập dịch"- Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Bùi Thế Duy đưa ra thông điệp.
Sức khoẻ các ca COVID-19 ở Hải Dương và Quảng Ninh hiện ra sao? Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế có buổi hội chẩn các ca COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến ở Hải Dương và Quảng Ninh. Tại buổi hội chẩn trực tuyến ngày 31/1, báo cáo tình hình điều trị cho các bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế TP.Chí Linh, thạc sĩ,...