Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN Nhật
Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số doanh nghiệp Nhật Bản. Trong đó có lãnh đạo Tập đoàn ANA Shinobe Osamu, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON Okada Motoya, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Mitsui Tasuo Yasunaga.
Tại các buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao vai trò quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp vào sự phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản và đề nghị các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng tiếp lãnh đạo Tập đoàn ANA Shinobe Osamu. Ảnh: VGP
Phát biểu với lãnh đạo Tập đoàn ANA, Thủ tướng đề nghị ANA, với vai trò là tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản, được xếp vào nhóm các hãng hàng không hàng đầu thế giới về chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh hợp tác với các hãng hàng không Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh ANA mua thêm cổ phần của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA); hợp tác về đào tạo, huấn luyện phát triển nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam; mở rộng hợp tác trong chuỗi vận tải và cung ứng dịch vụ hàng không.
Lãnh đạo Tập đoàn ANA đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và cho biết, trong thời gian qua ANA đã có sự hợp tác rất tốt với VNA và sẽ mở rộng các hoạt động này trong tương lai; đang thúc đẩy các dự án kết nối để đưa các địa phương nổi tiếng của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…
Tiếp Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON, một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới, Thủ tướng khuyến khích AEON đưa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thực phẩm để bán tại các trung tâm của AEON trên thế giới.
Đồng thời đề nghị tập đoàn đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại hiện đại quy mô lớn và đào tạo nhân lực cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Thủ tướng tiếp ông Okada Motoya, lãnh đạo Tập đoàn AEON. Ảnh: VGP
Video đang HOT
Chủ tịch AEON cho rằng Việt Nam là một thị trường rất có sức hút đối với AEON, nhất là đối tượng trung lưu; cam kết thúc đẩy đưa hàng hoá của Việt Nam vào tiêu thụ trong chuỗi cửa hàng của AEON tại Nhật Bản và các nước trên thế giới.
AEON cũng cam kết tăng cường các hoạt động xã hội như cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, xây dựng trường học, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng tiếp ông Tasuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Mitsui. Ảnh: VGP
Trao đổi với Chủ tịch Công ty Mitsui, Thủ tướng cho rằng mặc dù là tập đoàn lớn có uy tín, tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ cao, nhưng đầu tư của Mitsui tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn Mitsui gia tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; năng lượng, đặc biệt là năng lượng mặt trời; các ngành công nghệ cao, các ngành công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật
Cũng trong hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt Toshihiro Nikai và các nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản, thành viên của Liên minh.
Thủ tướng tiếp Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt Toshihiro Nikai. Ảnh: VGP
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, trong đó hợp tác hữu nghị giữa hai Quốc hội, giao lưu giữa nghị sĩ hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều tiến triển tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn tình cảm của ông Toshihiro Nikai dành cho nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đặc biệt là việc ông đã đại diện cho Chính phủ Nhật Bản sang Việt Nam dự lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Thủ tướng đề nghị Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt tiếp tục thúc đẩy tiếp xúc cấp cao giữa hai đảng cầm quyền, Chính phủ, Quốc hội hai nước; ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giao lưu giữa các địa phương hai nước.
Chủ tịch Toshihiro Nikai khẳng định Liên minh tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn trong thời gian tới.
Liên minh mong muốn Việt Nam là một trong 6 nước phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên để Hiệp định sớm được thực thi, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm để dự án trường Đại học Việt-Nhật trở thành biểu tượng tốt đẹp cho quan hệ hai nước, thắt chặt mối quan hệ giữa thế hệ trẻ.
Thủ tướng đến thăm Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: VGP
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Nhật Bản.
Nhân dịp này, Thủ tướng trao tặng bằng khen cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản về thành tích trong công tác kêu gọi đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 30 năm qua.
Theo VGP
Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt!
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang được thực hiện.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt, đứng đầu là ngành chế tạo chế biến với tăng vững chắc 13% nhờ sức cầu mạnh bên ngoài. Sản lượng ngành nông nghiệp cũng vươn lên đạt mức tăng trưởng 3,9% chủ yếu do kết quả tốt ở lĩnh vực thủy sản định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 6,9% nhờ lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng mạnh trên cơ sở tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ và ngành dịch vụ du lịch đạt kỷ lục.
GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng bình quân 3,5%/ năm (thấp hơn chỉ tiêu 4% cho năm nay của Chính phủ), trong khi tỷ lệ lạm phát lõi xoay quanh 1,4% trong bảy tháng đầu năm 2018.
Ngân hàng Thế giới cho biết, nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân. Các chính sách kinh tế của Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách theo định hướng thị trường nhằm giảm dần vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục mở cửa kinh tế để thu hút đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, nền kinh tế năng động của Việt Nam tiếp tục tạo thêm thành quả về phúc lợi chung và giảm nghèo. Trên 900.000 việc làm hưởng lương được tạo ra trong năm 2017, còn mức lương thực tế tăng 4,3% do nhu cầu lao động vẫn đang phát sinh mạnh ở các ngành chế tạo, chế biến, xây dựng và dịch vụ. Trên cơ sở đó, tỷ lệ nghèo được dự báo tiếp tục giảm mạnh. Số liệu ước tính về tình trạng nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế cho quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp (3,2$ ngang giá sức mua năm 2011) dự kiến sẽ giảm từ khoảng 8,2% năm 2016 xuống còn 6,4% năm 2018.
Về xuất khẩu, thị trường này của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất được mở rộng, chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 16% từ tháng 1 - 7/2018. Đồng thời, tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu chững lại còn 11,1%, dẫn đến thặng dư cán cân thương mại và tài khoản vãng lai. Nhờ cán cân thanh toán thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục - ước khoảng 64 tỷ USD vào đầu tháng 6/2018.
Triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện
Liên quan đến tăng trưởng, Ngân hàng Thế giới dự báo dự báo , tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018), trước khi chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020 do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ. Mặc dù nền kinh tế có khởi sắc hơn, nhưng dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4% của Chính phủ, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu.
Về kinh tế đối ngoại, cân đối tài khoản vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong ngắn hạn, nhưng mức độ thặng dự sẽ giảm dần từ năm 2019 do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Tình hình ngân sách được củng cố dự kiến sẽ kiềm chế được nợ công trong kỳ dự báo.
Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù triển vọng trước mắt được cải thiện, nhưng rủi ro vẫn ở mức cao. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng môi trường kinh tế thuận lợi để đẩy mạnh những chính sách làm tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai. Chính sách tiền tệ cần điều chỉnh lượng thanh khoản trong khu vực ngân hàng sao cho lãi suất liên ngân hàng gắn với lãi suất chính sách và đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với các yếu tố căn bản.
"Nỗ lực trên có thể được bổ trợ bằng các biện pháp cẩn trọng vĩ mô nhằm ngăn ngừa tình trạng dành tín dụng quá mức cho các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hoặc tiêu dùng cá nhân. Hơn nữa, các bước nhằm tăng cường giám sát khu vực ngân hàng, xử lý nợ xấu, củng cố tỷ lệ an toàn vốn sẽ không chỉ giảm rủi ro về ổn định tài chính mà còn đem lại những cải thiện về trung gian tài chính, góp phần nâng cao tăng trưởng trong trung hạn. Tỷ giá hối đoái nếu được quản lý chủ động và linh hoạt hơn có thể giúp giảm thiểu rủi ro do những biến động kinh tế từ bên ngoài", Ngân hàng Thế giới nhận định.
Về chính sách tài khóa, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, mục tiêu tiếp tục giảm bội chi đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể nhằm nâng cao hiệu suất chi tiêu và duy trì bền vững tiềm năng thu trong trung hạn. Bên cạnh chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng là nhu cầu tiếp tục chú trọng cải cách cơ cấu sâu rộng, bao gồm cả những cải cách pháp quy nhằm xóa bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, tiếp tục cải cách nhằm nâng cao năng suất trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Một số địa phương vừa phải hứng chịu thiên tai bão lũ trong thời gian qua. Vì vậy, đầu tư cho các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu vẫn là ưu tiên để phòng ngừa tình trạng dễ tổn thương cho các hộ gia đình ở Việt Nam trước các cú sốc thiên tai.
Minh Ngọc
Theo vnmedia.vn
Việt Nam sẽ ra sao giữa căng thẳng thương mại dâng cao? Ới những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có điểm dừng như hiện nay, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung sẽ trở thành địa điểm lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư. Xuất khẩu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn từ chiến tranh thương mại. Ảnh: Patrick...