Viết giấc mơ World Cup từ những lần… nhịn đói
Số đội dự World Cup 2023 được nâng lên thành 32 đội và viễn cảnh bóng đá nữ Việt Nam tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có vẻ đang ở rất gần. Nhưng giấc mơ gần mà xa ấy, liệu có cơ sở để trở thành sự thật?
Hai ngày trước, bóng đá nữ Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á sau 7 năm chờ đợi. Nó ý nghĩa hơn khi chúng ta chiến thắng Thái Lan – đội bóng vừa tham dự World Cup 2018. Và viễn cảnh tuyển nữ Việt Nam tham dự ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh bắt đầu hiện hữu trong mắt những người hâm mộ. Nó càng được cụ thể hóa và tiếp thêm niềm tin hơn, khi World Cup bóng đá nữ 2023 được nâng lên thành 32 đội.
Từ cái gối không được mổ của cô gái 19 tuổi
Có 4 năm cho một chiến dịch lớn của bóng đá nữ Việt Nam, không quá dài nhưng với bóng đá nữ Việt Nam thời điểm hiện tại, phía trước mắt vẫn đầy rẫy chông gai. Ví dụ đơn giản nhất, liệu bóng đá nữ có thể vươn ra tầm thế giới với những “cái bụng… đói” và những đôi chân bị hành hạ bởi những chấn thương đã thành mãn tính?
Trước thềm AFF Cup 2019, có một câu chuyện một tuyển thủ đang là trụ cột của U.19 QG và được đánh giá là “của hiếm” ở bóng đá nữ Việt Nam, như là một Chương Thị Kiều của tương lai. Nhưng rồi chấn thương đầu gối ập đến, cô bé không có đủ chi phí để phẫu thuật. Và tài năng này chấp nhận sống với cái đầu gối đau, tập luyện cùng nó với hy vọng sẽ tự tập, tự chữa và hồi phục.
Cầu thủ nữ 19 tuổi đó không phải trường hợp duy nhất, bởi ngay cả nhiều tuyển thủ vừa thắng Thái Lan cũng có những chấn thương tương tự. Theo cách nói vui của các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số thì “bây giờ mà cho cả đội đi kiểm tra chấn thương chắc chẳng còn người để đá”. Chấn thương là một phần tất yếu của bóng đá, nhưng với bóng đá nữ thì cơn ác mộng đó ám ảnh và khắc nghiệt hơn bội phần.
Các cô gái tuổi mười chín ấy sẽ trở thành nòng cốt trong chiến dịch hướng đến World Cup 2023 sắp tới của bóng đá Việt Nam? Liệu trong 4 năm ấy, có ai còn có thể trụ lại? Liệu họ có bất ngờ về nhà lấy chồng như lo ngại của biết bao HLV làm bóng đá nữ?
Đôi găng rách nát của một thủ môn nữ. Ảnh: HOÀI THU
Đến những bữa cơm bụi 25.000 đồng
Bóng đá nữ Việt Nam vẫn luôn tồn tại những mảng tối nao lòng. Đằng sau vinh quang của tấm Huy chương Vàng SEA Games hay chức vô địch AFF Cup là cả một núi những câu chuyện, đâu chỉ có tinh thần, ý chí hay quyết tâm và đam mê.
Họ cố gắng, chiến đấu với số phận để trở thành cầu thủ. Họ trốn nhà để thi tuyển vào một trung tâm bóng đá hay cả những người thầy, người cô phải tìm về tận những làng quê, bản núi xa xôi tìm, thuyết phục học trò, gia đình cho theo bóng đá.
5 năm trước, trên chuyến xe từ Gia Lai tới TPHCM, có một cô bé vừa khóc vừa ôm chiếc balô chỉ có vài bộ quần áo và ít tiền vay mượn từ họ hàng để nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ. Để có thể khoác lên mình chiếc áo tuyển thủ nữ, cô đã phải nhờ cả họ, hết cô dì đến chú bác tới xin bố mẹ cho theo nghiệp quần đùi áo số. Bây giờ mỗi lần trở về nhà, những ký ức của ngày nào đó vẫn hiện hữu như vừa xảy ra ngày hôm qua…
Những cô gái đi theo bóng đá, mỗi người là một câu chuyện dài tập. Từ năm 13 tuổi tới khi trở thành cầu thủ là cả một quá trình dài đằng đẵng.
Đó là những ngày thức dậy từ 5, 6 giờ sáng tập thể lực trên những khán đài cũ kỹ, những bãi cát dài, những con đường đèo núi… Là những buổi chiều nắng như đổ lửa, những cơn mưa rào xối xả và đám con gái vẫn lấm lem quần thảo với quả bóng rồi cắn răng hoàn thành giáo án.
Công sức, thanh xuân và cả tuổi thơ của những cô gái ấy được đổi lại bằng mức lương chỉ rơi vào mức 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Ngân sách dành cho bóng đá nữ của mỗi tỉnh đều hạn hẹp, họ phải chấp nhận và sống cùng nó.
Nếu muốn tiết kiệm tiền hay chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân, họ phải cắt cơm một vài ngày trong tuần để ra ngoài ăn những xuất cơm bình dân chỉ có giá 25.000 đồng. Tiền ăn khi chuẩn bị bước vào giải mới được nâng lên tới mức 200.000 đồng/ngày. Chấp nhận đi ăn ngoài thì số tiền hỗ trợ ăn ấy trở thành tiền được phụ thêm vào tiền lương của họ.
Khi có giải, mỗi cầu thủ được hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng để mua giày. Nhiều khi số tiền ấy còn bị… trừ thuế và đến tay cầu thủ chỉ còn khoảng 700.000-800.000 đồng. Với số tiền mua 1/3 đôi giày bóng đá loại bình thường, họ làm gì được? Tất nhiên, phải “nhịn ăn” để mua giày đá bóng chứ biết xin ai…
Đi World Cup bằng cách động viên nhau và cái bụng đói ư?
Đội tuyển nữ Việt Nam sau màn đăng quang trên đất Thái được tung hô và chào đón khi về Việt Nam. Nhưng nếu ngày hôm ấy, thầy trò HLV Mai Đức Chung thua thì sao? Cư dân mạng liệu sẽ không “ném đá” như ASIAD 2018?
Sau vinh quang của ngày hôm qua là những buổi chiều nắng như đổ lửa lên tới gần 50 độ giữa hè Hà Nội hay cái nắng nóng đỉnh điểm tới 43 độ ngoài trời ở Nhật, liệu có ai hiểu được điều đó?
Yêu và sống cùng bóng đá là phải chấp nhận. Hỏi họ có thấy hối hận vì theo nghiệp bóng đá nữ không, câu trả lời 100% là không. Bởi với họ, nó là tất cả, là đam mê và niềm tự hào cho Tổ quốc khi đứng trên bục cao nhất hát bài Tiến Quân ca.
Bóng đá nữ Việt Nam đang mơ giấc mơ World Cup vào 4 năm sau nhưng hành trình dài đằng đẵng ấy của bóng đá nữ liệu có bao nhiều người sẵn sàng hỗ trợ? Và những cô gái mới 19, có còn phải tập luyện với những vết thương đã thành mãn tính?
Câu trả lời ấy cần cả một sự chung tay của xã hội, doanh nghiệp và những người làm bóng đá như HLV Mai Đức Chung và Trưởng đoàn Dương Vũ Lâm từng chia sẻ: “Bóng đá nữ ngày xưa khó khăn thế nào thì bây giờ vẫn khó khăn thế ấy, các cầu thủ nữ phải động viên nhau vượt qua thôi, phận nữ nhi khổ đủ thứ. Song nói về tinh thần, phụ nữ Việt Nam luôn bất khuất, quật cường, có thế nào cũng chịu đựng được, điều này đúng với nhiều ngành nghề chứ không chỉ riêng bóng đá.
Để bóng đá phát triển, tất cả phải chung tay chung sức, chứ một vài người thì rất khó. Cần có cả xã hội và tất cả mọi người cùng chung tay, phải xã hội hoá bóng đá nữ”.
“Cầu thủ trẻ ở Hà Nam, mức lương chỉ được khoảng 2 triệu đồng một tháng nhưng lại phải đóng cả tiền điện vì họ phải ngủ lại ở sân. Thế nên tiền trừ đi và chỉ được khoảng 1 triệu đồng thôi…” – HLV Mai Đức Chung chia sẻ với cái lắc đầu.
Theo Lao động
Tuyển thủ nữ Việt Nam chịu thiệt thòi khi Thái Lan thay đổi kế hoạch
Hồng Nhung không thể chơi trận chung kết giải nữ vô địch quốc gia Thái Lan 2019. Tuy nhiên, những bước chạy của cô sẽ góp phần giúp Chonburi khuynh đảo bóng đá Thái.
Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) đã xác nhận hủy trận chung kết Giải vô địch quốc gia nữ giữa Chonburi và Bangkok Club dự kiến diễn ra hôm 11/5. FAT muốn tuyển nữ Thái Lan tập trung sớm hơn nhằm chuẩn bị cho World Cup bóng đá nữ khai mạc ngày 7/6 tới. Danh hiệu vô địch giải quốc gia được chia cho cả 2 CLB Chonburi và Bangkok.
Quyết định của FAT giúp 21 tuyển thủ nữ Thái Lan thuộc Chonburi và Bangkok Club được nghỉ ngơi và có thêm thời gian cho World Cup. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến Trần Thị Hồng Nhung chịu thiệt thòi.
Hồng Nhung (hàng dưới, thứ 2 từ phải sang) trong màu áo Chonburi ở trận bán kết giải vô địch nữ Thái Lan 2019. Ảnh: NVCC.
Cô gái Việt khuynh đảo bóng đá Thái
Tuyển thủ nữ Việt Nam được Chonburi hỏi mượn trong thời gian ngắn để phục vụ tham vọng vô địch quốc gia. Cô đá chính trong trận bán kết với Air Force FC hôm 2/5, chơi cực hay và giúp đại diện miền Đông Thái Lan giữ sạch lưới trước khi thắng 4-3 trên chấm luân lưu và tiến vào chung kết.
Hồng Nhung lẽ ra sẽ tiếp tục đá chính ở trận chung kết hôm 11/5. Tuy nhiên, việc thay đổi bất ngờ của FAT đã khiến cầu thủ thuộc biên chế Hà Nam bỏ lỡ cơ hội cuộc đời tại Chonburi. Đích thân Chủ tịch Chonburi Thanasak Suraprasert đã gửi lời xin lỗi tới Hồng Nhung.
Ít người biết Chonburi cần danh hiệu nữ vô địch quốc gia Thái Lan đến mức nào. Bà Hương Trần - người đóng vai trò kết nối thương vụ của Hồng Nhung - tiết lộ với Zing.vn: "Chủ tịch CLB Chonburi nói họ thiếu người ở vị trí trung vệ và đang nhắm đến Chương Thị Kiều hoặc Hồng Nhung. Bằng mọi giá họ phải vô địch để có thêm phiếu bầu và giữ được ghế tại Đại hội Liên đoàn Bóng đá Thái Lan sắp tới".
Với Chonburi, danh hiệu này không chỉ là chức vô địch, còn là bàn đạp để họ gia tăng sức ảnh hưởng ở FAT đồng thời kiếm thêm phiếu trong cuộc bầu cử Liên đoàn Bóng đá Thái Lan năm 2020. Trận chung kết không được tổ chức, nhưng với danh hiệu vô địch chia đôi này, mục tiêu của Chonburi đã phần nào thành công.
Điều đó nghĩa là Hồng Nhung, một cách gián tiếp, không chỉ giúp Chonburi thắng trận đấu hay mang về một danh hiệu. Tuyển thủ nữ Việt Nam thậm chí tác động tới chính trường bóng đá Thái Lan. Bước chạy của cô sẽ mở ra những cơ hội mới cho Chonburi trong cuộc bầu cử năm sau ở FAT.
Hồng Nhung là người tiên phong của bóng đá nữ Việt Nam trong hành trình xuất ngoại. Ảnh: FBNV.
Không phải Xuân Trường, những cô gái Việt mới là niềm tự hào
Để có Hồng Nhung trong thời gian gấp và ngắn như vậy, để cô có thể chơi đúng 2 trận, CLB Chonburi đã đứng ra đảm bảo mọi mặt giấy tờ, bảo hiểm, hợp đồng lao động. Điều đó cho thấy năng lực và tài năng của cô gái Hà Nam.
Tuy nhiên, Hồng Nhung không phải là nữ tuyển thủ Việt Nam duy nhất mà Chonburi nhắm tới. Đội bóng Thái Lan đã muốn 1 trong 2 người: Hồng Nhung hoặc Chương Thị Kiều (nữ TP.HCM).
Hai người họ chính là cặp trung vệ của đội tuyển nữ Việt Nam giành HCĐ AFF Cup nữ 2018. Chương Thị Kiều (1995) còn trẻ hơn Hồng Nhung (1992), nhưng từng mang băng đội trưởng tuyển quốc gia khi mới 19 tuổi.
Trong khi các đồng nghiệp nam như Lương Xuân Trường chật vật tìm chỗ đứng ở Thái Lan, những cô gái Việt đã chứng tỏ họ thừa khả năng chinh chiến ở đẳng cấp cao nhất của bóng đá nữ Thái Lan.
Hồng Nhung (hàng dưới, thứ 2 từ trái sang) và đồng đội ở CLB Chonburi. Ảnh: NVCC.
Trình độ bóng đá nữ Việt Nam và Thái Lan cũng không có nhiều sự chênh lệch về đẳng cấp. Trên bảng xếp hạng FIFA, Thái Lan xếp thứ 34, trên Việt Nam một bậc. Còn tại châu Á, thứ hạng lần lượt là 6 và 7.
Ở khu vực Đông Nam Á, tuyển nữ Việt Nam thường xuyên đụng độ đối thủ tại nhiều giải đấu. Trong 3 trận gặp nhau gần nhất, thầy trò HLV Mai Đức Chung thắng một, hòa một, thua một. Ở trận gần nhất, đội tuyển nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan 3-2 để vượt qua vòng bảng ASIAD 2018.
Đơn vị hỗ trợ Hồng Nhung trong chuyến đi lần này cũng đặt nhiều hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho các cầu thủ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Với những gì Hồng Nhung đã thể hiện, tương lai ấy có thể đang tới rất gần.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch thăm đội tuyển nữ Việt Nam. Sáng 8/3, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đến sân tập thăm hỏi và động viên đội tuyển nữ Việt Nam nhân ngày Quốc tế Phụ nữ.
Theo Zing
Cựu sao Argentina từng đánh vợ đến sảy thai Với những người từng ngưỡng mộ thế hệ vàng của Argentina hẳn không thể nào quên cái tên Claudio Caniggia. Cầu thủ với mái tóc vàng nghệ sĩ này từng có mặt trong thành phần ĐT Argentina vô địch Copa America 1991 và á quân World Cup 1990. Anh hiện tại đã bước vào tuổi 52. Claudio Caniggia lập gia đình năm 1998,...