Viễn thông 2014: Định đoạt số phận nhiều ông lớn
Tiến trình tái cấu trúc thị trường viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông đã bước vào giai đoạn quyết định. Kỳ vọng sẽ có những cuộc “lột xác” ngoạn mục trong năm nay.
Số phận của các thành viên VNPT sẽ được định đoạt trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh
Đầu tiên phải nhắc đến thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, theo đó, Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014, trong đó có các “nắm đấm chủ lực” của ngành viễn thông – công nghệ thông tin là Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội ( Viettel), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC)…
Thứ hai, sau một thời gian phát triển “ nóng”, thị trường viễn thông đã đi vào giai đoạn bão hòa. Do vậy, để tồn tại, các nhà mạng phải có chiến lược đầu tư, phát triển bền vững.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, nhiều nhà mạng đã tỏ ra đuối sức. Thị trường đã chứng kiến việc EVN Telecom sáp nhập vào Viettel đầu năm 2011 và S-Fone “chết lâm sàng” từ năm 2012.
Một nhà mạng khác cũng đang rất khó khăn là Gmobile của Gtel. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp viễn thông bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi giấy phép cung cấp mạng viễn thông ảo (như Đông Dương Telecom, VTC) và một số doanh nghiệp khác bị thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
Rõ ràng, thị trường viễn thông không còn là cây hái tiền, mà thậm chí là hố sâu đối với các doanh nghiệp không đủ tiềm lực. Trong bối cảnh đó, câu chuyện khai tử, hợp nhất, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp viễn thông tất yếu sẽ xảy ra và năm 2014 được xem là thời điểm tốt cho các bên thực hiện tái cấu trúc.
Thứ ba, năm nay được xem là năm quyết liệt tái cấu trúc, bởi cả 3 nhà mạng chiếm hơn 97% thị phần viễn thông của Việt Nam là Viettel, MobiFone và VinaPhone sẽ bước vào giai đoạn quyết định phương án tái cấu trúc.
Đối với VNPT, chủ sở hữu của MobiFone và VinaPhone, nhiều khả năng, Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn VNPT sẽ được Chính phủ phê duyệt ngay trong quý I này. Theo đó, số phận của 2 nhà mạng MobiFone, VinaPhone sẽ được định đoạt là nhà mạng nào sẽ tách khỏi VNPT…
Video đang HOT
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo VTC xây dựng, báo cáo Bộ triển khai phương án tách Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC về trực thuộc Bộ theo Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ. Sau đó, sẽ xây dựng phương án tổ chức lại VTC để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Quyết định số 929/QĐ-TTg.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietNamPost) tập trung nghiên cứu, đề xuất để kiện toàn mô hình tổ chức phù hợp với xu thế kinh doanh dịch vụ bưu chính trên thế giới cũng như xu hướng phát triển của ngành.
Đối với Viettel, Thủ tướng đã có Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 17/5/2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Viettel giai đoạn 2013 – 2015. Theo Đề án đã được phê duyệt, Viettel sẽ có 11 đơn vị, 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trong nước hạch toán phụ thuộc công ty mẹ, 5 công ty TNHH một thành viên là đơn vị độc lập do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ và Viettel sẽ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 7 đơn vị, nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 4 đơn vị. Viettel cũng sẽ phải thoái vốn tại 5 công ty cổ phần khác.
Như vậy, Viettel sẽ phải thực hiện sắp xếp, đổi mới, thành lập, thoái vốn tại nhiều tổng công ty, công ty con của mình.
Lý do cuối cùng là việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những động thái rất quyết liệt, đốc thúc tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp trong ngành.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, xác định việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, ngay từ những ngày đầu năm, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, trọng tâm là việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, an ninh – quốc phòng; tạo lập thị trường sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính – viễn thông đa dạng hóa loại hình dịch vụ và nâng cao trình độ phát triển, tập trung phát triển ngành bưu chính, viễn thông, tăng cường sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường, sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao.
Với những tín hiệu và động thái trên, năm 2014, thị trường viễn thông sẽ chứng kiến một cuộc “lột xác” của các doanh nghiệp viễn thông, qua đó sẽ hình thành những tập đoàn, tổng công ty mạnh.
Theo VNE
Viettel có nên mua công ty sáng tạo Viber?
Một tin đồn đang làm xôn xao giới công nghệ khi cho biết Viber đang muốn bán mình cho một công ty châu Á và thật trùng hợp là ở Việt Nam Viettel cũng cho biết đang muốn mua một công ty sáng tạo.
Viettel có đang để mắt tới Viber?
Nhiều tin đồn cho hay Viber Media, công ty chủ quản Viber đang muốn bán mình với giá từ 300 triệu tới 600 triệu USD. Viber là ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hiện đang có khoảng hơn 200 triệu người đăng ký. Người dùng Viber hoạt động ở 200 quốc gia, nhưng mạnh nhất là Đông Nam Á, Tây Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi.
Tại Việt Nam, Viber công bố đạt khoảng 8 triệu người dùng, và CEO Viber là Talmon Marco cho biết họ đạt được thành quả trên không hề tốn bất cứ chi phí quảng cáo nào. Tuy vậy, vào cuối năm 2013, Viber cũng thành lập văn phòng ở Việt Nam và ra mắt người dùng trong nước và truyền thông qua chương trình Giáng Sinh Tím.
Trong khi đó, người khổng lồ của viễn thông Việt Nam là Viettel tuy đạt mức doanh thu hơn 162.000 tỷ đồng vào năm qua nhưng ban lãnh đạo công ty này đang ra sức tìm hướng đi mới. Từ đầu năm trước tới nay, lãnh đạo Viettel luôn than phiền về việc các dịch vụ nhắn tin gọi điện trên smartphone (thường gọi là OTT) đang bào mòn doanh thu của doanh nghiệp này. Cũng chính vì lý do mất vài trăm tỷ mỗi năm vì OTT, nên các nhà mạng di động, trong đó có Viettel, đã tăng cước 3G vào tháng 10 năm 2013
Mấy ngày gần đây, Phó Tổng giám đốc Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng, thường xuyên đăng đàn trên báo chí để nói về việc Viettel đang "rất cần mua các công ty sáng tạo", hoặc "Viettel đang thương thảo để mua lại Kakao Talk". Lý giải cho điều này, Viettel cho rằng hiện tại họ sáng tạo không đủ để theo kịp cơn sóng công nghệ, vì thế họ cần "thay máu sáng tạo" cho công ty mình.
Động thái đánh tiếng mua Kakao Talk được giới công nghệ trong nước chú ý. Nhưng theo bình luận của nhiều người, Viettel khó lòng mua được Kakao Talk, công ty đang thống trị ngành OTT tại Hàn Quốc với tỷ lệ 93% người sử dụng smartphone.
Một phần là Viettel khó lòng huy động đủ tiền mặt để mua Kakao Talk, một công ty được định giá khoảng 3 tỷ USD, trong khi lợi nhuận năm vừa rồi của Viettel mới chỉ hơn 1 tỷ USD. Ngoài tiền mặt ra, Viettel không thể mua bằng cổ phiếu, vì công ty này chưa cổ phần hóa, và cũng chưa thấy động thái nào của chính phủ về việc cổ phần hóa Viettel.
Tuy nhiên, tin Viber muốn bán mình có thể là một gợi ý hay cho Viettel.
Thứ nhất, Viber là một công ty hoạt động rộng trên toàn thế giới. Rất "cùng chí hướng" với Viettel đang hoạt động tại 9 quốc gia trên 3 châu lục. Viber cũng có lượng người dùng quốc tế rất lớn, không giống như Kakao Talk, chỉ thành công ở Hàn Quốc và có lượng người dùng nước ngoài không đáng kể.
Với những động thái đầu tư vào các quốc gia nghèo hơn Việt Nam, Viettel cho thấy họ đang muốn xuất khẩu mô hình viễn thông từng thành công ở Việt Nam qua các quốc gia này. Tuy nhiên, không giống như thời kỳ phát triển viễn thông ở Việt Nam, chỉ 5 - 10 năm nữa, mạng internet di động sẽ phủ ở các quốc gia này. Hiện tại, tổ chức Internet.org do Facebook đứng sau và dự án khí cầu wifi của Google đang lên kế hoạch để phủ internet tới các khu vực nghèo. Các tổ chức này hy vọng dùng internet di động miễn phí để thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia này.
Như thế, chỉ trong vòng vài năm nữa thì các ứng dụng gọi điện miễn phí sẽ bắt đầu "ăn mòn" doanh thu của các nhà mạng viễn thông, như câu chuyện đang xảy ra ở Việt Nam. Và mô hình nhà mạng của Viettel ở các quốc gia này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế, việc mua một công ty ứng dụng gọi điện miễn phí đã có nền tảng sẵn như Viber có thể sẽ giúp Viettel thay đổi mô hình của mình thành công.
Người dùng Viber có mặt ở 200 quốc gia, đặc biệt là 8 triệu người sử dụng tại Việt Nam.
Thứ hai, Viber có giá rẻ hơn nhiều so với giá của Kakao Talk. Viber hiện có rất ít mô hình kinh doanh kiếm ra tiền, so với các mô hình bán game của Kakao Talk. Tuy Kakao Talk chỉ mạnh ở Hàn Quốc, nhưng như thế là đủ để ứng dụng này trở thành một cổng game di động ở Hàn Quốc với doanh thu từ game lên tới 300 triệu USD, chỉ tính nửa đầu 2013. Hơn nữa, cái giá vài trăm triệu USD của Viber thì Viettel có thể "rút ví". Nên nhớ rằng Viettel đã từng đầu tư hơn nửa tỷ USD cho công ty đầu tư đứng sau các dự án đầu tư ra nước ngoài của mình Viettel Global.
Thứ ba, nếu Viettel nói rằng họ muốn mua "một công ty sáng tạo" thì Viber sáng tạo hơn nhiều so với Kakao Talk. Ra đời từ 2010, Viber là một trong những ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí đầu tiên trên thế giới. Với đội ngũ nhân viên chỉ vài chục người, nhưng Viber vẫn tập trung phát triển nhiều dịch vụ độc đáo. Đặc biệt, dịch vụ Viber Out cho phép người dùng Viber gọi ra điện thoại bàn được đánh giá là đối thủ có khả năng đe dọa Skype.
Viber tập trung sáng tạo vào viễn thông trên nền internet, không như các ứng dụng châu Á như Line và Kakao Talk phải chia sẻ nguồn lực để phát triển với lĩnh vực game trên di động. Định hướng đó của Viber có lẽ sẽ hợp với đại gia viễn thông Viettel hơn nhiều.
CEO Viber đã phủ nhận thông tin về việc bán mình trên Reuters. Tuy nhiên, với gợi ý về việc Viber Media từng liên hệ với Goldman Sachs về việc tìm người mua 6 tháng trước đây, cơ hội cho Viettel vẫn còn rất nhiều. Liệu ban lãnh đạo Viettel có chơi "ván bài lớn" này?
Theo PLXH
Viettel được cấp phép đầu tư tại Burundi, vẫn "nuôi mộng" tiến vào Myanmar Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel vừa được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động tại một quốc gia châu Phi là Burundi - một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người hằng năm chỉ đạt khoảng 200 đô la Mỹ. Năm 2013 Viettel đạt doanh thu 163.000 tỉ đồng và lợi...