Viện kiểm sát: Trương Mỹ Lan nộp 280.000 tỉ đồng sẽ xem xét giảm án tử hình
Bị cáo Trương Mỹ Lan nộp lại số tiền rất lớn để khắc phục cho ngân hàng, nhưng Viện kiểm sát cho rằng bị cáo phải nộp 3/4 tài sản mới được xem xét giảm án tử hình.
Ngày 25.11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đối đáp lại phần tranh luận mà luật sư bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 673.000 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ở giai đoạn 1.
“Về yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với án tử hình về tội tham ô tài sản, đây là nội dung lớn”, Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Theo Viện kiểm sát, tại điểm c khoản 3 điều 40 bộ luật Hình sự, người bị kết án tử hình mà nộp ít nhất 2/3 tài sản tội tham ô, thì không thi hành án tử hình. Hay theo Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, người phạm tội nộp ít nhất 3/4 tài sản hoặc nhờ người thân nộp lại số tiền tham ô thì sẽ được xem xét giảm án.
Vì thế Viện kiểm sát cho rằng, đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan mà đã nộp được 3/4 tài sản, tức nộp 280.000 tỉ đồng, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn bị cáo thi hành án tử hình. Trong quá trình tổ chức xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án, nếu bị cáo Lan tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, thì có thể nộp đơn lên Chủ tịch nước xem xét giảm nhẹ hình phạt.
“Viện kiểm sát ghi nhận về thái độ tích cực của bị cáo Lan, nỗ lực khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Nhưng con số thiệt hại là quá kinh khủng, chưa từng có trong lịch sử”, đại diện Viện kiểm sát cấp cao tại TP.HCM nói.
Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan nộp 3/4 tài sản sẽ được xem xét giảm án tử hình. ẢNH: NHẬT THỊNH
Tại phiên toà, ghi nhận bị cáo Lan tự nguyên dùng 658 mã tài sản, dự án 6A, tiền mặt và một số tài sản khác để khắc phục. Từ đó cho thấy bị cáo đã có thái độ tích cực hợp tác, nỗ lực khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát đề nghị tòa ghi nhận điểm này cho bị cáo. Sau các phần bào chữa của luật sư và chính bị cáo, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm y án sơ thẩm.
Viện kiểm sát cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực của bị cáo Trương Mỹ Lan, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận sai phạm của mình và mong muốn được khắc phục hậu quả.
Bị cáo cũng mong muốn, cố gắng để khắc phục hậu quả. Điều đó được thể hiện qua các hành động như bị cáo có đơn xin chủ động thi hành án, người nhà bị cáo nộp tiền để khắc phục hậu quả. Thậm chí, chồng bị cáo là bị cáo Chu Lập Cơ có 70 tỉ đồng cũng nộp cho bị cáo Lan chứ không dùng cho bản thân mình.
“Tuy nhiên, số tiền tham ô là lớn chưa từng có trong lịch sử. Hậu quả để lại này không biết đến khi nào mới khắc phục, ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội, nền kinh tế, thị trường tài chính bất động sản… Để ngân hàng không đổ vỡ, phá sản thì nhà nước phải nỗ lực rất nhiều. Mà tiền của nhà nước là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân”, đại diện Viện kiểm sát nêu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan thâu tóm, chỉ đạo điều hành SCB, hối lộ mua chuộc thanh tra ngân hàng là một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo khác.
Video đang HOT
“440 mã tài sản của bị cáo, thực chất là không định giá được chứ không phải định giá bằng 0 đồng. Các tài sản này sẽ có giá trị khi thi hành án và đã có đầy đủ cơ sở pháp lý”, đại diện Viện kiểm sát nói. Cũng theo Viện kiểm sát, còn 658 mã tài sản đang bị kê biên của bị cáo Lan cũng có nhiều mã là do người khác đứng tên, chưa đánh giá được giá trị thực chất của tài sản.
Một trong những dự của bị cáo Trương Mỹ Lan có vị trí rất đẹp tại TP.HCM. ẢNH: NHẬT THỊNH
Các luật sư cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ thực hiện 1 hành vi xuyên suốt mà tách ra xử lý 2 tội danh là gây bất lợi cho bị cáo. Về vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Lan với vai trò là cổ đông chi phối cổ đông gần như tuyệt đối trên 90%. Từ đó bị cáo chỉ đạo các bị cáo trong vụ án giữ vai trò chủ chốt của SCB để chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích cá nhân gây thiệt hại cho SCB.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập nhiều pháp nhân nhằm vay vốn của SCB như có tới 600 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hàng trăm con dấu để vay khống, trả nợ khoản vay cũ cho ngân hàng SCB…
Liên quan trách nhiệm của bị cáo Lan, tính đến giữa tháng 10.2022, còn dư nợ khoảng 677.000 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 1.200 khoản vay không có khả năng thu hồi…
Do đó, đại diện Viện kiểm sát cho rằng “bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản là phù hợp với quy định pháp luật”.
Theo Viện kiểm sát, số tiền tham ô trong vụ án là lớn chưa từng có trong lịch sử. ẢNH: NHẬT THỊNH
Luật sư cho rằng bị cáo Lan dùng tiền chủ yếu để đảo nợ, không ra khỏi ngân hàng. Viện kiểm sát không đồng ý với quan điểm này, bởi theo Viện kiểm sát, với 1.284 khoản vay, giải ngân hơn 500.000 tỉ đồng, ngoài giải ngân để đảo nợ, bị cáo đã sử dụng tiền vào mục đích khác. Gọi là đảo nợ nhưng thực chất là rút tiền ra khỏi SCB, sau đó sử dụng dòng tiền mới. Hành vi của bị cáo cấu thành tội phạm kể từ lúc tiền ra khỏi kiểm soát của SCB.
Theo kết quả điều tra, có hơn 1.000 tài sản đã bị kê biên, chính bị cáo Lan thuê người đứng tên. Trong đó, chỉ có 60 tài sản bị cáo mua trước năm 2012, tài sản mua sau thời gian này chiếm khoảng 90% là cùng với thời gian bị cáo phạm tội. Ngoài ra, một số bị cáo giữ vai trò chủ chốt của SCB như bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng… cũng thừa nhận bị cáo Lan dùng tiền vay để mua vào bất động sản. Không phải bị cáo chỉ sử dụng đồng tiền vay đảo nợ ngân hàng mà ra khỏi sự kiểm soát của ngân hàng để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Từ những phân tích đánh giá trên, Viện kiểm sát khẳng định rằng không có cơ sở để giảm án cho bị cáo Lan về mức án tử hình đối với tội danh tham ô tài sản.
Hôm 15.11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, để phạt bị cáo Trương Mỹ Lan y án tử hình về tội tham ô tài sản và 20 năm tù tội đưa hối lộ.
Đồng thời, Viện kiểm sát còn đề nghị tòa chấp nhận 1 phần kháng cáo của bị cáo Lan, tuyên phạt từ 16 – 18 năm tù, về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (sơ thẩm 20 năm tù). Tổng hình phạt chung mà bị cáo Lan bị đề nghị là án tử hình cho cả 3 tội danh. Bị cáo còn bị đề nghị bồi thường cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 4 của TAND TP.HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, trong 10 năm (từ 2011 – 2022), bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Nộp thêm 3.000 tỷ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan tha thiết xin được thoát án tử hình
Bị VKS tiếp tục đề nghị giữ nguyên mức án tử hình ở tội "Tham ô tài sản", bị cáo Trương Mỹ Lan hoảng loạn nói: "Bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bấn loạn".
Trong quá trình xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm, bị cáo Lan không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Để tỏ ý muốn khắc phục hậu quả, ngoài loạt tài sản đang bị kê biên, phong tỏa, bị cáo còn đem 658 mã tài sản hiện không thế chấp tại đâu đưa vào khắc phục.
Với mong muốn để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, người thân của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân đã nộp hơn 95 tỷ đồng khắc phục hậu quả vào tài khoản cơ quan thi hành án tại Kho bạc nhà nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, bị cáo Lan đã khắc phục thêm được 3.000 tỷ đồng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Nguyễn Huế
Trong phần luận tội đại diện VKS khẳng định bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như: ăn năn hối cải, tự nguyện đưa ra các phương án khắc phục mới. Tuy nhiên, bị cáo chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt ở tội danh "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ".
Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án tử hình và 20 năm tù; chỉ chấp nhận một phần kháng cáo, đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan từ 16-18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt cho cả 3 tội là tử hình.
Nghe mức án mà VKS đề nghị, bị cáo Lan không giữ được bình tĩnh, có dấu hiệu bị choáng, đứng không vững và xin HĐXX được trình bày.
"Nếu không được cho lên nói chắc bị cáo ngất tại chỗ. Đến hôm nay, VKS tiếp tục giữ mức hình phạt như thế thì bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bấn loạn. Kính xin Tòa và VKS xem xét thật kĩ cho bị cáo. Bị cáo chỉ mong muốn rằng làm sao để có thể trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước.
Bị cáo là người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Suốt 10 năm qua, bị cáo đã cống hiến rất nhiều cho Ngân hàng SCB. Bị cáo không biết nói gì, chỉ xin HĐXX và VKS xem xét thật kĩ số liệu và một lần nữa cho được đối chiếu với Ngân hàng SCB" - bị cáo Lan run giọng nói.
Luật sư dề nghị xem xét lại mức án tử hình cho bị cáo Trương Mỹ Lan
Bào chữa cho bị cáo Lan, các luật sư đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở cả 3 tội danh. Theo luật sư, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có đóng góp cho công tác thiện nguyện, tài trợ 25 triệu liều vắc xin Covid-19, mua máy thở cho các bệnh nhân Covid...
Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, bị cáo Lan đã có chuyển biến mới về nhận thức liên quan đến yêu cầu kháng cáo. Điều này thể hiện ở việc bị cáo không kêu oan về các tội danh mà chỉ mong muốn được xem xét nguyên nhân, bối cảnh và những vấn đề cần được đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan. Đặc biệt, bị cáo Lan mong muốn được xem xét tính xác thực của các số liệu quy buộc chiếm đoạt hoặc gây hậu quả thiệt hại.
Tòa nhà Sai Gon One Tower (Q1, TPHCM) đang bị kê biên để đảm bảo cho nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Hoàng Giám
Bên cạnh đó, có nhiều tình tiết mới liên quan đến dòng tiền khắc phục hậu quả vụ án, phương án xử lý cụ thể và kiến nghị về cơ chế. Việc này nhằm hồi sinh, phát triển các dự án, tài sản để có nguồn tiền khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án trong quá trình thi hành bản án, theo cam kết tự nguyện của bà Trương Mỹ Lan.
Theo luật sư Hoài đề nghị HĐXX cân nhắc thấu tình đạt lý, cùng với chính sách nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước để xem xét lại mức án tử hình mà bản án sơ thẩm đã tuyên về tội "Tham ô tài sản".
Luật sư Giang Hồng Thanh thì cho rằng, các tài sản có thể thu hồi và tài sản của bị cáo Lan đều đang bị kê biên. Bị cáo Lan muốn khắc phục hậu quả nhưng tài sản đã bị kê biên thì không thể thực hiện được. Vì vậy, việc đại diện VKS cho rằng số tiền khắc phục hậu quả chưa đủ để được giảm nhẹ án tử hình là đúng đắn với quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với vụ án.
Đối với các mã tài sản hiện đang kê biên, ông Thanh cho biết ước tính trị giá khoảng 700.000 tỷ đồng, và số tiền này đủ khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, với bảng giá đất UBND TPHCM vừa mới ban hành thì giá trị các tài sản này đã tăng lên 3-5 lần.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, dự án 6A với diện tích 26 ha (H.Bình Chánh, TP.HCM) hiện chưa bị kê biên, cũng chưa bị thế chấp, đang do SCB nắm giữ. Dự án này hiện đã có tỉ phú Vincent Tan (người Malaysia) đồng ý đầu tư vào dự án. Sau khi trừ các chi phí, bị cáo còn dư 20.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Dự án 6A tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Nguyễn Huế
Đặc biệt, với tòa nhà Capital Place ở 29 Liễu Giai (Hà Nội), hiện có các nhà đầu tư nước ngoài gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển tiền từ nước ngoài vào để cho bị cáo Lan vay 400 triệu USD trả nợ, giải tỏa kê biên. Sau khi trả nợ cho các ngân hàng nước ngoài, số còn lại bị cáo Lan sẽ dùng để khắc phục hậu quả vụ án.
Luật sư Trang đề nghị VKS xem xét lại mức án tử hình đối với bị cáo Lan. Bởi nếu tử hình thì với chế độ giam giữ, sẽ rất khó để bị cáo Lan tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục hậu vụ án.
Bị đề nghị án tử, bà Trương Mỹ Lan run giọng 'tinh thần bị cáo bấn loạn' Bị VKS đề nghị giữ nguyên mức án tử hình, bà Trương Mỹ Lan không giữ được bình tĩnh, bày tỏ "bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bấn loạn". Hôm (15/11), phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận. Sau khi bị VKS đề nghị giữ nguyên mức hình phạt tử...