Viêm não do virus Herpes tấn công trẻ em
Mùa hè là thời điểm xuất hiện các bệnh viêm não, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến viêm não do virus herpes. Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) từ đầu mùa hè đến nay đã điều trị cho 14 bệnh nhi nhiễm virus herpes. Một cháu đã tử vong.
Điều trị muộn, di chứng nặng
Tại khu vực cách ly của Khoa Truyền nhiễm, bệnh nhi Nguyễn Việt Nhật (6 tháng tuổi, quê huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) nằm ly bì trên giường, tiếng thở mệt nhọc, nước da trắng xanh, mắt nhắm nghiền.
Đôi lúc người mẹ cất tiếng gọi nhưng bé Nhật chỉ mở mắt nhìn vô cảm. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, điều trị trực tiếp cho bé Nhật cho hay, bệnh nhi này là điển hình của viêm não do virus herpes, nhập viện từ 12-4 trong tình trạng sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, hôn mê.
Trước đó khi thấy con sốt cao, chị Hoàng Thị Út, mẹ bệnh nhi đã đưa con lên bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh, sau cùng các bác sĩ tỉnh chuyển bé lên tuyến trung ương vì chẩn đoán viêm não nặng không rõ căn nguyên.
Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) xét nghiệm dịch não tủy cho thấy bệnh nhi Nhật bị viêm não do virus herpes. Sau 5 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã thoát khỏi hôn mê.
Đến nay về cơ bản bệnh nhi đã khỏi bệnh viêm não do virus herpes, nhưng di chứng để lại khá nặng nề.
Điều trị cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi T.Ư.
Bác sĩ Nga cho hay bé Việt Nhật mang di chứng tinh thần (có phản xạ đáp ứng với mọi người xung quanh nhưng không linh hoạt, không tương tác với người đối diện, vô cảm) và di chứng vận động với biểu hiện yếu hai chân.
Hôm nay bệnh nhi Nhật được chuyển đến Bệnh viện Châm cứu T.Ư để tập phục hồi chức năng trong ít nhất là 6 tháng để có thể cải thiện tình trạng vận động hai chân.
Video đang HOT
Trước đó một bệnh nhi đã tử vong do virus herpes. Nhập Bệnh viện Nhi T.Ư sau khi điều trị 2 ngày tại bệnh viện tỉnh với triệu chứng sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt vẫn không đỡ dẫn tới hôn mê, co giật nửa người bên trái.
Bệnh nhi này tử vong do đến bệnh viện ở giai đoạn muộn (sau ngày thứ 5 kể từ khi khởi bệnh) của bệnh viêm não do virus herpes.
Trẻ bị viêm não virus herpes trong thời gian qua ở Bệnh viện Nhi T.Ư ở trong độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi. Năm 2011 có khoảng 50 bệnh nhi bị bệnh này với 3 trường hợp tử vong.
Hơn 40 bệnh nhi mặc dù được chữa khỏi bệnh nhưng nhiều trẻ chịu di chứng nặng nề như nằm yên một chỗ không biết gì, người liên tục co giật hoặc co cứng cơ.
Chưa có vaccine phòng
Th.s, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết virus herpes là một trong nhiều tác nhân gây viêm não khá phổ biến. Bệnh xảy ra rải rác, không thành dịch, thường diễn tiến nặng, gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng khiến trẻ khó thích nghi với cuộc sống sau này.
Virus xâm nhập cơ thể con người qua đường niêm mạc mũi – hô hấp. Sau đó nó sẽ trực tiếp đến não, gây viêm não, ảnh hưởng đến toàn bộ não nhưng có khuynh hướng gây tổn thương nhiều ở vùng thuỳ trán, đặc biệt là thuỳ thái dương.
Bác sĩ Hải khuyến cáo rối loạn tri giác, sốt và co giật khu trú là những dấu hiệu đầu tiên thường được ghi nhận.
Trẻ lớn thường có thêm các triệu chứng nhức đầu, thay đổi tính tình. Ngoài ra trẻ còn có những biểu hiện khác có thể gặp là nôn ói, hay quên.
Chưa có vắc xin phòng virus herpes . (Ảnh minh họa)
Khoảng 30-60% bệnh nhân không điều trị thuốc đặc hiệu sẽ diễn tiến đến tử vong. Nếu phát hiện sớm, điều trị bằng thuốc đặc hiệu ngay thì có thể cứu sống được trên 60% số trẻ mắc bệnh và tỷ lệ di chứng cũng ít hơn.
Ở những trường hợp sống sót, bệnh nhân từ từ tỉnh lại, nhưng vẫn còn rối loạn tâm thần và tổn thương thần kinh kéo dài.
Di chứng thường gặp là có những động tác bất thường, yếu liệt chi, gồng vặn người từng cơn, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, nói khó hoặc không nói được, không viết được, rối loạn chức năng trí tuệ nhiều mức độ.
Theo bác sĩ Nga, những di chứng tinh thần, vận động làm cho trẻ khó có được đời sống như những trẻ bình thường, là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Nga cho biết hiện nay, viêm não do virus herpes là bệnh viêm não virus duy nhất có thuốc đặc trị, đó là acyclovir. Ngoài ra, trẻ cần được hạ nhiệt, chống co giật, phù não, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, dinh dưỡng đầy đủ.
Vật lý trị liệu cần được tiến hành sớm khi trẻ ổn định lâm sàng hoặc khi phát hiện có di chứng. Bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi sau khi xuất viện để phát hiện di chứng não.
Theo bác sĩ Hải, viêm não do virus herpes là bệnh chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp ngừa bệnh tốt nhất vẫn là ăn uống hợp vệ sinh, giữ sạch mũi họng cho trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, buồn nôn, nôn khan, co giật một bên tay hoặc chân, co giật nửa người cần đi khám ngay tại cơ sở y tế.
Theo Thái Hà (Tiền Phong)
Coi chừng: Lao màng não dễ nhầm với viêm não
Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng.
Lao màng não (LMN) xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não. Căn bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, lao màng não thường gặp ở lứa tuổi 20-50, nam bị nhiều hơn nữ. Ở trẻ em, bệnh tập trung ở lứa tuổi 1-5.
Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng LMN là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng: nếu nhập viện muộn (khi đã hôn mê sâu), tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân LMN lên đến 70-80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng nề như: sống thực vật, động kinh, mù mắt, liệt dây thần kinh 3 hoặc 4, liệt nửa người hoặc 2 chi dưới, thiểu năng trí tuệ, thay đổi tính tình, béo phì, vô kinh ở nữ giới, đái tháo nhạt...
Vi khuẩn lao gây bệnh lao màng não.
Bệnh LMN khởi đầu với những triệu chứng không đặc hiệu: nhức đầu, chóng mặt, ù tai có người bị co giật khu trú, liệt, nói nhảm, buồn bã... khá giống với các bệnh thông thường như cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý. Nhìn chung, các triệu chứng bệnh ở giai đoạn này ít nhận biết được, dễ bỏ qua.
Khi bệnh tiến triển, tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh sớm hay muộn mà các triệu chứng của LMN có thể rất nghèo nàn hoặc phong phú. Tuy nhiên, các dấu hiệu viêm màng não điển hình ngày càng đầy đủ và rõ như: sốt cao kéo dài, tăng lên về chiều tối nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, liên tục hoặc thành từng cơn, âm ỉ hoặc dữ dội và tăng lên khi có những kích thích tiếng động hoặc ánh sáng (nhức đầu kết hợp với tăng trương lực cơ làm bệnh nhân hay nằm ở tư thế co người, quay mặt vào trong tối) nôn (khi tăng áp lực nội sọ) tự nhiên, nôn vọt không liên quan tới bữa ăn rối loạn tiêu hoá như táo bón hoặc tiêu chảy đau bụng, đau các khớp, đau ở cột sống phối hợp với đau ở các chi rối loạn cơ thắt gây bí đái, tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không tự chủ liệt các dây thần kinh sọ, liệt các chi, các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thể, các biểu hiện rối loạn tâm thần.
Các biểu hiện rối loạn ý thức có thể có với mức từ nhẹ đến nặng (hôn mê). Do các biểu hiện này cũng gặp ở các bệnh về não khác như u não, xuất huyết não, màng não, viêm màng não mủ, viêm màng não do nấm... nên bệnh nhân và ngay cả thầy thuốc cũng chẩn đoán nhầm, tập trung điều trị các bệnh về não mà bỏ qua việc điều trị lao.
Trong LMN, vi khuẩn lao có thể gây ra những hình thái tổn thương sau: gây viêm và làm tổn thương màng não, chủ yếu màng não ở khu vực nền sọ gây viêm và làm hẹp động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng não do đó có thể gây tổn thương một vùng của não gây rối loạn lưu thông của não thất. Do đó muốn điều trị bệnh có kết quả tốt thì cần chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Vì ở giai đoạn này tổn thương ở màng não và não nhẹ có thể phục hồi chức năng tốt sau quá trình điều trị.
Virus Herpes một nguyên nhân gây viêm não.
Thực ra, việc chẩn đoán xác định LMN là một việc không dễ dàng. Phương pháp xác định hiệu quả nhất (cấy vi khuẩn) cũng chỉ cho kết quả sau 2 tháng và có tới 50% trường hợp bị âm tính giả (có bệnh nhưng xét nghiệm không tìm ra vi khuẩn). Căn bệnh này lại chưa có vaccin phòng ngừa đặc hiệu. Chính vì thế, để phòng bệnh, khi thấy cơ thể có những triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, những người đã mắc các thể lao khác (như lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương...) những người không tiêm BCG, sức đề kháng suy giảm do suy dinh dưỡng, sau nhiễm virut , nhiễm HIV, đái tháo đường... cần tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không làm việc quá sức để vi khuẩn lao không có cơ hội tấn công não.
Cũng như các bệnh lao khác, LMN nếu được phát hiện sớm, dùng các thuốc điều trị lao đặc hiệu và các biện pháp hồi sức tích cực, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh đã giảm đáng kể.
Theo SK&ĐS
Bệnh viêm não vào mùa Tuần qua, một số bệnh viện ở Hà Nội bắt đầu ghi nhận có các bệnh nhi viêm não, viêm màng não. Nhiều bệnh nhi khi vào bệnh viện đã hôn mê sâu, co giật. Rất đông bệnh nhi đến chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày qua. Dù mới vào đầu mùa hè nhưng số trẻ nhập viện do...