Việc xử lý xe buýt giả còn quá nhẹ
Sau khi Báo ANTĐ đăng bài Xe buýt “nhái” giữa Thủ đô, phản ánh về hiện tượng xe khách giả xe buýt, kèm theo hàng loạt sai phạm như không xé vé trả cho hành khách, thu tiền sai quy định,… gây bức xúc cho người dân, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Mạnh – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội về vấn đề này…
Xe buýt là một trong những phương tiện công cộng phổ biến với người dân hiện nay
(ảnh minh họa)
- PV: Mới đây, Đội CSGT số 5 đã phát hiện và xử lý một chiếc xe khách giả xe buýt chạy tuyến 205 từ Hưng Yên về Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này ?
- Ông Hoàng Văn Mạnh: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 75 tuyến xe buýt, nhìn chung hệ thống điểm đầu cuối, trung tâm trung chuyển điểm đỗ dọc đường đã được thành phố đầu tư thích đáng. Tuy nhiên, hiện tượng xe buýt “nhái” tại một số tuyến gây bức xúc tại những tuyến vận tải hành khách vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, tại những tuyến tập trung lượng khách đông như: Kim Mã – Sơn Tây, Mỹ Đình – Xuân Canh, Gia Lâm – Hưng Yên, Giáp Bát – Hưng Yên, những điểm “ nóng” các xe “dù” thường trà trộn vào khu vực nhà chờ để đón khách, trong đó có nhiều xe sơn mầu và kẻ lộ trình gần giống với xe buýt khiến người dân rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chưa từng phát hiện và xử lý trường hợp nào. Trong thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng triển khai và xử lý khoảng 50 trường hợp vi phạm, với các lỗi vi phạm như: trên xe không có nhân viên, sai hành trình tuyến, dừng đỗ sai quy định, thu tiền nhưng không đưa vé cho hành khách. Đặc biệt, trên tuyến đường 32, Mỹ Đình – Xuân Canh, Thanh tra Sở đã phát hiện và xử lý tạm giữ phương tiện 12 trường hợp. Điều đáng nói, khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra gắt gao thì tình trạng vi phạm giảm đáng kể, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, vi phạm tiếp tục tái diễn.
- PV: Trong trường hợp phát hiện những sai phạm của đơn vị dịch vụ, hiện tượng xe buýt giả, thái độ và chất lượng dịch vụ của lái, phụ xe trên xe buýt, người dân có thể phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng nào?
- Ông Hoàng Văn Mạnh: Theo quy định của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, trên xe buýt lái, phụ xe đều phải mặc đồng phục in logo của công ty, trên đầu xe số hiệu, lộ trình tuyến được ghi, dán theo đúng quy định. Tuy nhiên, với xe buýt giả thì lộ trình tuyến được ghi không rõ ràng, thậm chí không đánh tên và số hiệu tuyến cụ thể. Để đảm bảo hành khách có thông tin đầy đủ về số tuyến, điểm dừng đỗ của các tuyến xe,… Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị – Sở GTVT Hà Nội đã cho in cuốn sổ tay hướng dẫn hành khách đi xe buýt gồm đầy đủ những thông tin cần thiết giúp người dân đi đúng tuyến, đúng điểm chờ, tránh hiện tượng gặp phải xe buýt giả. Trường hợp người dân phát hiện những sai phạm liên quan đến hoạt động của xe buýt, xe khách, hay các cơ quan quản lý,… có thể gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng của Thanh tra Sở GTVT, số điện thoại: 38217922 (24/24h) để được tiếp nhận và xử lý thông tin.
- PV: Theo ông, hiện nay chế tài xử lý đối với những trường hợp xe khách, xe “dù” giả xe buýt có đủ sức răn đe?
- Ông Hoàng Văn Mạnh: Đối với những xe buýt giả mắc lỗi vi phạm trong trường hợp không có phù hiệu, không thu vé của khách, thu tiền của khách nhưng không xuất vé, không có sổ lịch trình thì mức xử phạt hành chính tối đa là 3 triệu đồng. Tuy chế tài xử phạt tương đối đầy đủ nhưng vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe, bởi quy định về thời gian tạm giữ phương tiện đã được điều chỉnh. Theo quy định trước đây, trong trường hợp vi phạm lần đầu, phương tiện sẽ bị cơ quan chức năng giữ trong vòng 15 ngày, vi phạm lần 2 là 30 ngày, tái phạm lần 3 là 60 ngày. Nhưng sau đó, quy định này đã được thay đổi và đối với tất cả những lỗi vi phạm như đã nói ở trên, cơ quan chức năng chỉ giữ phương tiện tối đa là 10 ngày. Theo tôi, tạm giữ phương tiện vẫn có hiệu quả cao nhất.
- PV: Để nạn xe buýt “nhái” không còn tái diễn, xin ông cho biết kế hoạch của Thanh tra Sở GTVT trong thời gian tới?
- Ông Hoàng Văn Mạnh: Hiện nay, Thanh tra giao thông, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cùng Phòng Cảnh sát PC45 đang có kế hoạch kiểm tra liên ngành các vấn đề liên quan đến ANTT tại các nhà chờ xe buýt, lộ trình của các tuyến, thái độ phục vụ của lái, phụ xe, kiểm tra thu tiền, tệ nạn móc túi trên xe buýt, đặc biệt các tuyến mà người dân bức xúc. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ xin ý kiến chỉ đạo để tiếp tục có kế hoạch duy trì hạ tầng xe buýt và đặc biệt ở các điểm đỗ bị lấn chiếm, cản trở việc lên, xuống xe của hành khách. Cụ thể, tại một số điểm trung chuyển lớn như: Long Biên, Cầu Giấy, Thanh tra Sở sẽ đề xuất hình thức điều khiển dịch vụ công cộng như ở các nước tiên tiến đã áp dụng, bằng cách cho lắp đặt hệ thống truyền thanh tại các khu vực này để hành khách lên, xuống đúng quy định, an toàn, đảm bảo cho những chặng tiếp theo. Điều này, sẽ làm giảm hiện tưởng xô đẩy, chen lấn và tệ nạn móc túi trên xe buýt.
Trung tá Trần Ngọc Ánh – Đội trưởng Tham mưu tổng hợp – Phòng CSGT – CATP Hà Nội: “Hãy điện thoại vào đường dây nóng CSGT Hà Nội”
Video đang HOT
Để xử lý các tình huống liên quan đến mọi hoạt động giao thông trên đường như: tai nạn, sự cố giao thông, xe “dù”, xe khách, xe “nhái”, những vi phạm của lái phụ xe buýt, xe khách liên tỉnh,… hay khi người dân gặp những sự cố trên đường, phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong quá trình tham gia vào những loại hình dịch vụ công cộng như xe buýt, xe khách, người dân có thể gọi điện đến đường dây nóng của Phòng CSGT- CATP Hà Nội theo số điện thoai: 04-39396253 để thông báo và phản ánh sự việc. Khi đó, Phòng CSGT sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực tiếp tại các địa bàn có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời những sai phạm.
Theo ANTD
Xe buýt giả náo loạn
Nhằm đánh lừa và tranh giành hành khách, hàng chục chiếc xe buýt giả ngày đêm hòa trong dòng xe tấp nập, quần thảo, tung hoành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Khó phân biệt xe buýt thật (phía trước) với xe buýt giả (phía sau)
Những chiếc xe khách, xe "dù" ở các tuyến cố định, sơn màu và kẻ lộ trình nhái theo xe buýt để đánh lừa hành khách hoạt động một cách trắng trợn. Để giành khách, chủ của những xe buýt giả này sẵn sàng đánh vỡ kiếng xe, hành hung nhân viên xe buýt thật.
"Chặt, chém"!
"Đi đâu, đi đâu... buýt đây...!", tại ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hòa - Đồng Nai), chiếc xe khách màu xanh trông giống như một chiếc xe buýt trờ tới, một thanh niên lao từ trên xe xuống, kéo cô gái đang đứng ngóng bên lề đường lên xe, rồi tiếp tục nhảy xuống lăng xăng hỏi người này, kéo người kia. Cô gái tìm chỗ ngồi, hớt hải hỏi tài xế: "Đây có phải xe buýt không anh?". Không có câu trả lời, chỉ có một người đến thu tiền với giá 40.000 đồng (cao gần gấp ba giá vé xe buýt thật) nhưng không xé vé rồi ra hiệu cho tài xế tức tốc lao về hướng Vũng Tàu. Khoảng 5 phút sau, một chiếc xe khác cũng sơn màu xanh lại lao đến. Phía trước xe gắn tấm biển bằng mica ghi số 11 (giống xe buýt tuyến số 11 chạy trên Quốc lộ 51). Lần này, một phụ nữ mặc "đồng phục" từ trên xe nhảy xuống kéo tay hành khách, miệng liến thoắng: "Nhanh lên em, trễ giờ rồi, nhanh". Tuy nhiên, gần 30 phút sau, xe này vẫn chưa chịu rời ngã tư Vũng Tàu mà chạy lòng vòng kiếm khách.
Những tấm biển mạo danh xe buýt bị cơ quan chức năng thu giữ
Sau nhiều ngày khảo sát, chúng tôi ghi nhận tại khu vực ngã tư Vũng Tàu, ngã ba Tân Vạn, cổng KCN Amata, có rất nhiều xe đò giả dạng xe buýt tỏa theo nhiều hướng về các vùng của tỉnh Đồng Nai. Trên Quốc lộ 1A, hướng về huyện Xuân Lộc hiện có hơn 20 chiếc xe loại này; tuyến Quốc lộ 51 về Nhơn Trạch, Long Thành cũng có vài chục chiếc và theo Quốc lộ 20 về phía Định Quán, Tân Phú cũng tương tự. Những chiếc xe buýt nhái này được sơn màu xanh, kẻ lộ trình bên hông, khiến rất nhiều hành khách tưởng đây là xe buýt thật.
Sẵn sàng dùng hung khí
Tình trạng xe buýt giả lộng hành, gây mất trật tự giao thông, đánh lừa hành khách ở Đồng Nai từng rộ lên trước đây, sau một thời gian tạm lắng nay bắt đầu hoạt động trở lại. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày hàng chục chiếc xe buýt giả liên tục quần thảo trên các tuyến đường. Nếu như xe buýt thật phải chạy đúng lịch trình, đón khách tại điểm quy định thì xe buýt giả có thể quần thảo hàng giờ để "vét" khách. Chủ xe, lơ xe và tài xế làm bằng mọi cách để có thể kéo được khách lên xe của mình rồi ra tay "chặt, chém". Thậm chí nhiều nhà xe còn sẵn sàng cho người dùng hung khí triệt hạ đối thủ cạnh tranh. Trên địa bàn Đồng Nai từng xảy ra nhiều vụ người của xe buýt giả dùng hung khí tấn công, đuổi đánh tài xế và nhân viên xe buýt thật "chạy có cờ". Có vụ, nhân viên xe buýt thật bị đánh đến mức phải nhập viện, cửa kính xe vỡ nát. Nguyên nhân xuất phát từ việc giành giật, "hớt" khách của nhau.
Trước thực trạng trên, đầu tháng 10-2011, lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai đã ra quân xử lý 6 trường hợp xe buýt giả hoạt động chen lẫn với xe buýt thật trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 và Quốc lộ 20. Trong 6 xe vi phạm có 3 xe biển số tỉnh Đồng Nai, 2 xe biển số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 1 xe biển số TPHCM. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nở, Trưởng Phòng Điều hành Trung tâm Vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc xử lý xe buýt giả lộng hành rất khó. Các lỗi vi phạm khá rõ ràng của xe buýt giả như kẻ lộ trình, giả nhãn hiệu, đón khách tại trạm xe buýt thì có thể xử phạt; riêng việc sơn xe màu xanh; nhân viên mặc đồng phục... giống nhân viên xe buýt thật thì không thể bắt lỗi được bởi không có quy định nào cấm đoán. "Do đó, mỗi lần ra quân, cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt các xe buýt giả lỗi nặng nhất là giả nhãn hiệu, mức phạt chỉ từ 400.000 đến 600.000 đồng!" - ông Nở cho biết.
Chặn đường "đối thủ" Mới đây, người dân khu Gò Dầu, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứng kiến sự kiện chưa từng có: Tất cả xe buýt của HTX Vận tải thị xã Bà Rịa đã tập trung dàn hàng ngang bên đường, chặn những xe buýt từ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai không cho đi vào địa phận huyện Tân Thành. Nguyên nhân được xác định do các đơn vị xe buýt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không muốn xe buýt của "đối thủ" vào sâu trong địa bàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình. Bởi theo quy định, xe buýt của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không được ra khỏi địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuộc chặn xe hy hữu này đã buộc hai sở GTVT của hai tỉnh phải cùng phối hợp với nhau để tìm cách giải quyết hợp lý.
Theo Người Lao Động