Video Tinh Tế thử nghiệm nhà thông minh Bkav SmartHome
Theo thành viên sonlazio của diễn đàn Tinh Tế, hệ thống SmartHome của Bkav không chỉ là hệ thống nhà tự động (home automation) mà là hệ thống có khả năng học theo thói quen của chúng ta và đáp ứng, phản hồi lại những thói quen đó.
Dưới đây là video thử nghiệm nhà thông minh Bkav SmartHome do Tinh Tế thực hiện.
Nguồn: YouTube
BKAV tuyên bố nhất thế giới về nhà thông minh
Trong thông cáo phát đi mới đây, Tập đoàn công nghệ Bkav phát đi một thông điệp gây "sốc": "Bkav tự hào là đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nhà thông minh". Sốc là bởi Việt Nam hầu như chưa có sản phẩm nào xứng đáng "hàng đầu thế giới", nhất là với sản phẩm công nghệ.
Theo định nghĩa của chính phủ Anh, nhà thông minh (smart home) là "một ngôi nhà tích hợp mạng truyền thông kết nối các thiết bị và dịch vụ điện gia dụng chính yếu, cho phép chủ nhân ngôi nhà điều khiển, giám sát hoặc truy cập chúng từ xa". Ngoài ra, thuật ngữ nhà tự động (home automation) được sử dụng phổ biến hơn, cũng được dùng như smart home. Hệ thống nhà thông minh từ đơn giản là điều khiển bật/tắt đèn từ xa cho đến rất phức tạp như mạng điều khiển máy tính/ vi xử lý với mức độ thông minh và tự động hóa khác nhau.
Từ hai năm trở lại đây, nhà thông minh trở thành một xu hướng công nghệ nóng trên thế giới. Ngoài các hãng đa quốc gia có bề dày kinh nghiệm nhiều chục năm về nhà tự động (home automation), các đại gia công nghệ như Microsoft, Apple, Google, Samsung, LG... tỏ ra sốt sắng với xu hướng công nghệ này với một loạt vụ thâu tóm.
Trong bối cảnh tại Việt Nam, nhà thông minh là một lĩnh vực còn xa lạ, dựa trên cơ sở nào Tập đoàn công nghệ Bkav đưa ra tuyên bố sản phẩm nhà thông minh của mình hàng đầu thế giới? Hay đó chỉ là một chiêu trò thu hút sự chú ý?
Với định hướng là giúp độc giả tìm hiểu tận cùng mọi vấn đề, chúng tôi đã có thể làm rõ và trả lời những câu hỏi nói trên.
Những gì nhà thông minh Bkav làm được, thế giới đều có
Người dùng có thể điều khiển hệ thống SmartHome qua chiếc máy tính bảng
Khi tiếp xúc với sản phẩm nhà thông minh SmartHome của Bkav, bạn có thể không khỏi choáng ngợp với khả năng giám sát, điều khiển các thiết bị điện gia dụng trong nhà như hệ thống đèn, rèm cửa, camera giám sát, khóa cửa, điều hòa, bình nóng lạnh... từ màn hình cảm ứng.
Chỉ với một cú chạm trên chiếc máy tính bảng/smartphone, bạn có thể chuyển tất cả những thiết bị này sang trạng thái mình mong muốn: buổi sáng rèm cửa mở, bình nước nóng sẵn sàng, đèn sáng theo lối đi, loa phát bản nhạc nhẹ nhàng; khi khách đến, đèn phòng khách bật đủ sáng ấm cúng, điều hòa giảm xuống độ mát sâu hơn, giảm âm lượng nhạc phát; hay phát hiện, cảnh báo có kẻ định xâm nhập... Thậm chí, bạn có thể điều khiển các trạng thái nói trên bằng giọng nói.
Tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều hãng cung cấp giải pháp giám sát và điều khiển ngôi nhà như vậy. Có thể kể ra hệ thống Synco của Siemens (Đức), Wiser Home Control của Schneider Electric (Pháp), Dynalite của Philips (Hà Lan) hay HAI của Leviton (Mỹ)...
Video đang HOT
Các hệ thống này có thể tự động hóa hầu hết các sinh hoạt trong gia đình thường ngày: mở/ đóng rèm, điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng, điều hòa, lò sưởi, nước nóng... theo kịch bản. Kịch bản được thiết lập theo nhu cầu của người dùng vào các thời điểm khác nhau trong ngày, thông thường bao gồm bật/ tắt đèn, điều hòa, TV, kéo, hạ rèm... Ngoài tham khảo nhiều clip về hoạt động của nhà thông minh trên YouTube, bạn có thể trực tiếp trải nghiệm việc điều khiển ngôi nhà thông qua các tour ảo nhà tự động của Schneider và Clipsal (Clipsal của Úc bị Schneider thâu tóm).
Đó là chưa kể, bạn cũng có thể tự khiến cho ngôi nhà của mình trở nên thông minh hơn bằng các giải pháp, thiết bị kiểm soát, điều khiển an ninh, đèn chiếu sáng, hệ thống âm thanh... rao bán trên trang thương mại điện tử Amazon hoặc eBay với giá từ vài chục đô-la cho đến hàng trăm đô-la trở lên.
Vậy SmartHome của Bkav có gì đặc sắc để ra tuyên bố đẳng cấp hàng đầu thế giới?
Điểm khác biệt: Làm được như thế nào?
Trả lời nghi vấn này tốt nhất và trước hết nên chính là Bkav. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav phụ trách mảng phần cứng và SmartHome cho biết câu chuyện ở đây không phải là "làm được hay không làm được", mà là "làm được như thế nào?".
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav phụ trách mảng phần cứng và SmartHome
Cụ thể, trong trường hợp nhà thông minh, ông Thắng cho biết sự khác biệt cơ bản quan trọng là triết lý tiếp cận sản phẩm, giữa một bên là phần mềm (Bkav) và một bên là phần cứng, tự động hóa (Siemens, Schneider, Leviton...). Với xuất phát điểm là các hãng điện tử, công nghiệp phần cứng nên các hãng này đưa những gì sẵn có (một phần của tự động hóa nhà máy) vào trong ngôi nhà - đồng nghĩa với sự chính xác răm rắp nhưng rập khuôn - trong khi các hoạt động sinh hoạt trong ngôi nhà rất phong phú, đa dạng và nhiều tâm trạng khác nhau. Đó là chưa kể đến hạn chế là việc mở rộng hệ thống theo nhu cầu phức tạp và tốn kém.
Tìm hiểu sâu về lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy đúng là có sự khác biệt giữa nhà thông minh 'smart home' và nhà tự động 'home automation'.
Nhìn chung, nhà tự động đề cập đến bất kỳ thiết bị nào được kiểm soát, điều khiển qua nhiều công nghệ khác nhau hoặc hệ thống phụ (sub-systems) có trong nhà bạn; từ an ninh, đèn, điều hòa cho đến phức tạp hơn như nhà hát tại gia, rèm, bể bơi, tưới cây... Còn một ngôi nhà "thông minh" thực thụ ngoài những tính năng như nhà tự động còn phải hiểu được người dùng, trực quan và dễ dàng sử dụng - nghĩa là mọi người trong nhà có thể vận hành và hưởng thụ trải nghiệm này.
... Tương tự câu chuyện basic phone và smartphone
Như vậy, hai khái niệm "nhà tự động" và "nhà thông minh" không hoàn toàn tương tự. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ngay sau đây.
Lấy ví dụ hệ thống Wiser - một sản phẩm mới trong họ sản phẩm Clipsal C-Bus - cũng điều khiển thiết bị gia dụng từ xa trên màn hình cảm ứng nhưng muốn đóng/ mở rèm, giảm bớt đèn chiếu sáng hay tăng giảm nhiệt độ từ điều hòa thì người dùng phải thực hiện từng thao tác. Ngoài ra, hệ thống này cung cấp các kịch bản tùy theo thời điểm trong ngày như ăn tối, tiệc, vắng nhà, đi ngủ, xem phim, có thể giảm dần ánh sáng hoặc đóng/ mở rèm lưng chừng...
Tuy nhiên, thực chất những kịch bản này là tổng hợp nhiều nút điều khiển thiết bị vào một nút và đặt tên cho nó, như Dining (ăn tối), Reading (đọc sách), Movie (xem phim)... Khi có nhu cầu sử dụng kịch bản nào, người dùng phải kích hoạt kịch bản đó. Trong trường hợp muốn chuyển sang kịch bản sớm hoặc muộn hơn, người dùng phải chỉnh lại thiết lập (mà điều này thường xuyên xảy ra vì sinh hoạt rất linh hoạt). Đây cũng là một trong những điều bị phàn nàn nhiều nhất trên diễn đàn Cbusforums. Thậm chí, có người dùng trên diễn đàn còn gọi Wiser là một thứ đồ chơi đắt đỏ hơn bất kỳ thứ nào!
Giao diện demo nhà tự động Wiser Automation Control
Tính năng của hệ thống Synco (Siemens) hay HAI (Leviton) cũng gần giống Wiser Home Control, mới dừng lại ở mức tự động, cài sẵn. Còn Dynalite (Philips) chỉ là hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng - có thể điều khiển từ xa, tăng giảm ở mức độ mong muốn. Có lẽ, đó chính là lý do giải thích tại sao hiện thuật ngữ home automation được sử dụng phổ biến hơn smart home.
Trong khi đó, theo những gì chúng tôi trải nghiệm SmartHome ở nhà thông minh mẫu Bkav phối hợp với Phú Mỹ Hưng đặt tại dự án Green Valley (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), hệ thống SmartHome có khả năng chạy các kịch bản hoàn toàn tự động theo không gian, thời gian, sở thích của người trong nhà. Đặc biệt, kịch bản mà hệ thống đưa ra không đơn thuần là việc hẹn giờ mà là kịch bản theo ngữ cảnh - có nghĩa hệ thống có khả năng học thói quen của người dùng để tự động điều chỉnh kịch bản.
Chẳng hạn, chúng tôi đã thử nghiệm với kịch bản Đi ngủ. Bình thường, chế độ này được mặc định tự động rèm đóng, đèn trần, đèn hắt tắt, chỉ sáng đèn ngủ, điều hòa giảm xuống 25 độ C. Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút, chúng tôi điều chỉnh điều hòa tăng lên 28 độ và thực hiện 3-4 lần thì kịch bản đi ngủ tự động điều chỉnh điều hòa lúc đầu là 25 độ C, sau đó tăng lên 28 độ C, đúng với khoảng thời gian chúng tôi điều chỉnh tăng.
Thật là đáng kinh ngạc! Nhưng chưa hết. Khi chúng tôi đang ở kịch bản Dùng bữa thì hệ thống "biết" chúng tôi có thể làm gì tiếp theo bằng cách hiển thị trên giao diện người dùng các kịch bản phù hợp với ngữ cảnh nhất như Xem phim, Tiếp khách hay Đi ra ngoài... Rõ ràng, SmartHome đã không chỉ thông minh hơn mà còn dễ sử dụng hơn so với nhà tự động
Vấn đề là tại sao hệ thống Bkav SmartHome lại có thể hiểu được người dùng trong khi sản phẩm nước ngoài - toàn những hãng đình đám hàng đầu thế giới- lại không thể có?
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Thanh Thắng nói: gốc rễ vẫn là phần mềm. Như "cùng thực hiện được nhắn tin, gọi điện, nghe nhạc nhưng rõ ràng iPhone cho trải nghiệm người dùng khác hẳn, đẳng cấp hơn hẳn một chiếc điện thoại cơ bản Nokia", ông Thắng ví von.
Ngay từ đầu, Bkav xác định cách tiếp cận nhà thông minh theo hướng không dây: Sử dụng chuẩn kết nối không dây Zigbee phổ biến toàn cầu, tập trung nguồn lực phát triển hệ điều hành nhà thông minh (SmartHome OS). Ông Thắng cho biết đây là lợi thế của người chơi đến sau, trong khi các hãng nhà tự động đã mất nhiều năm để nghiên cứu "kết nối" được tất cả các thiết bị gia dụng. "Mặc dù, trước đây để làm được điều này là vĩ đại, nhưng ở thời đại công nghệ hiện nay nó lại là một cản trở", ông Thắng nói.
Nhà tự động của các hãng như Schneider/ Clipsal, Siemens, Leviton... đến nay sử dụng phổ biến giao thức C-Bus, Insteon cần phải có hệ thống dây dẫn phụ trong nhà, hoặc có áp dụng công nghệ không dây nhưng cần phải có "cầu" (bridge) để dịch thông tin từ chuẩn này sang chuẩn khác. Nói chung, để lắp đặt hệ thống nhà tự động thì tốt hơn cả là ngay từ khi xây dựng, nếu không việc cải tạo, lắp đặt thêm "cầu" là rất phức tạp và tốn kém. Đó là chưa kể đến hạn chế hệ thống có thể đáp ứng cho ngôi nhà 3, 4 phòng với vài chục nốt mạng (như mạng phụ C-Bus cần tổng số 1.000m dây dẫn điện thế thấp cho kết nối tối đa 100 nốt mạng - mỗi nốt là một thiết bị).
Các sản phẩm này đều sử dụng phần mềm điều khiển, nhưng nó bị hạn chế bởi việc chạy theo phục vụ phần cứng sẵn có và sự sáng tạo do phần mềm đem lại là không đáng kể. Điều này thể hiện ngay ở giao diện người dùng như hình ảnh dưới đây:
Giao diện ứng dụng nhà tự động Insteon của Mỹ
Giao diện ứng dụng nhà tự động Wiser của Pháp
Có thể thấy ngay từ các giao diện nhà tự động phổ biến trên thế giới nói trên hai điều: Chức năng chủ yếu là bật/ tắt, cài đặt sẵn và khó sử dụng. Chẳng hạn, muốn cài đặt kịch bản nào đó, người dùng phải tìm phòng cần cài đặt, cài đặt từng thiết bị như các loại đèn trần, đèn cây, đèn treo tường, rồi rèm, điều hòa... Những yêu cầu này là quá sức đối với trẻ em hoặc người già, hoặc những người vốn "dị ứng" với công nghệ.
Giao diện ứng dụng SmartHome của Bkav
Khác với các hãng trên thế giới có di sản lớn và văn hóa tự động hóa lâu đời khiến cho quá khó để lột xác chuyển hướng theo văn hóa phần mềm, Bkav ngay từ đầu đã định hướng đưa nhà thông minh đến mọi nhà. Muốn vậy, trước hết giao diện nhà thông minh phải trực quan, dễ sử dụng đối với cả người già, trẻ em. Một điều quan trọng khác là phải triển khai mới dễ dàng, mở rộng hệ thống thuận tiện, kể cả khi cần cải tạo nhà đã xây từ trước.
Để làm được tất cả những việc này, chìa khóa phải là một hệ điều hành nhà thông minh. Ông Thắng cho biết, sau hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, Bkav đã phát triển hoàn thiện hệ điều hành SmartHome OS. Từ nền tảng này, các kỹ thuật viên chỉ cần cấu hình là làm được một hệ thống nhà thông minh đầy đủ. "Phần mềm mới là chủ đạo. Sự sáng tạo của nó là vô cùng", ông Thắng nhấn mạnh.
Đây là điều đáng kinh ngạc bởi trong khi tại các nước phát triển, thuật ngữ Internet of Things (tạm hiểu là mọi thứ kết nối) gần đây mới thịnh hành, còn các hãng công nghệ lớn như Google, Apple, Microsoft... đang tiếp cận nhà thông minh theo hướng phần mềm thì công ty công nghệ Việt Nam Bkav đã có sản phẩm hoàn thiện, kết nối mọi thứ trong ngôi nhà của bạn. Hiện Google, Microsoft đang manh nha phát triển hệ điều hành nhà thông minh, còn Apple vừa gấp gáp cho ra bộ kit Apple HomeKit để các nhà phát triển xây dựng app nhà thông minh.
Bộ phát sóng tín hiệu không dây cho các thiết bị (trái) và bảng điều khiển 4 kênh của SmartHome...
... Bảng điều khiển trung tâm nhà thông minh SmartHome. Tất cả được chế tạo với chất liệu cao cấp, thiết kế tinh xảo
Đó là chưa kể sản phẩm Bkav được trau chuốt rất kỹ từ thiết kế cho đến chất liệu nhằm "đem đến người dùng trải nghiệm sự tiện nghi và đẳng cấp trong thiết kế", ông Thắng nói. Không như các bảng điều khiển thông thường làm bằng chất liệu nhựa, nút bấm vật lý, màn hình đơn sắc, các thiết bị của SmartHome được làm từ nhôm phay nguyên khối, kính cường lực Gorilla Glass chống bám vân tay và nút điều khiển cảm ứng.Chúng tôi sẽ có bài "trên tay" nhà thông minh SmartHome để kiểm chứng thông tin này.
Có thể nói, Bkav đã không "nổ" khi tuyên bố đứng đầu thế giới về nhà thông minh bởi đúng là những gì SmartHome làm được khác biệt và ưu việt hơn so với các hãng trên thế giới và quan trọng hơn cả, nó xứng tầm thế giới không phải do tình cờ, may mắn mà là ở tầm nhìn xa trông rộng và cả một quá trình đầu tư bài bản.
Theo VnReview
Bkav: chúng tôi đã đi trước các đại gia công nghệ trên thế giới Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của Bkav cho biết Bkav SmartHome là đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nhà thông minh. Ngày 13/6/2014, tại TP.HCM, Tập đoàn công nghệ Bkav chính thức ra mắt Nhà thông minh SmartHome, giải pháp điều khiển ngôi nhà theo các kịch bản ngữ cảnh thông minh. Nhân dịp...