Video giả livestream đám tang Mai Phương tràn lan YouTube
Không tiếp cận được đám tang diễn viên Mai Phương, nhiều YouTuber đã đăng tải video giả livestream để câu kéo người xem.
Theo thông tin từ người nhà, Mai Phương ra đi vào tối 28/3, tại nhà riêng. Sự ra đi của nữ diễn viên để lại niềm thương tiếc cho đông đảo nghệ sĩ và khán giả hâm mộ.
Lợi dụng việc này, nhiều Facebooker, YouTuber đã cố tình tiếp cận tang lễ của nữ diễn viên để ghi hình, phát trực tiếp.
Sáng 29/3, trên trang cá nhân, diễn viên Ốc Thanh Vân tỏ ra bức xúc khi một tài khoản đăng tải nhiều bức ảnh của Mai Phương khi qua đời.
Video giả livestream đám tang Mai Phương tràn lan YouTube.
Cô viết: “Trà trộn vào rồi chụp hình và quay clip em tôi. Người này còn cố tình đưa những hình ảnh không cần phải đăng. Dù có muốn thông tin cho mọi người biết thì cũng không phải theo cách đó. Thương quá thì chụp lưu lại thôi”.
Bên cạnh Ốc Thanh Vân, diễn viên Gia Bảo cũng phản ứng gay gắt với những người ghi hình, phát trực tiếp với mục đích trục lợi tại đám tang Mai Phương.
“Mai Phương vừa nằm xuống! Sáng nay đã có vài người chạy đến tận nơi để chụp hình, quay clip đăng lên Facebook (không phải các anh chị em phóng viên chính thống). Trong khi tất cả anh chị em nghệ sĩ thân thiết với Mai Phương đang nắm tay nhau, cùng nhau không chia sẻ cả nơi tổ chức lễ tang”, nam diễn viên chia sẻ.
Video đang HOT
Trước sự phản ứng của gia đình và đồng nghiệp của nữ diễn viên, không còn cách nào tiếp cận đám tang Mai Phương, nhiều kênh YouTube đã đăng tải các video giả livestream. Với tiêu đề, “Trực tiếp đám tang diễn viên Mai Phương”, kênh YouTube “Tin nóng nhanh ****” thu hút được hơn 22.000 lượt xem chỉ trong một ngày.
Tuy vậy, video được phát thực chất là một đám tang được quay ở Trung Quốc. Di ảnh trên quan tài cũng là hình một người đàn ông chứ không phải diễn viên Mai Phương.
Video của đám tang của một người khác cũng được đặt tiêu đề liên quan đến nữ diễn viên Mai Phương.
Bên dưới phần bình luận, nhiều người vẫn tin đây là đám tang của diễn viên Mai Phương và gửi lời chia buồn.
Ngoài video trên, hàng trăm kênh khác cũng đăng tải những nội dung như “hình ảnh cuối cũng của Mai Phương”, “Trực tiếp đám tang Mai Phương – Độc quyền”…
Tuy vậy, đây chỉ là những video giả livestream. Nội dung bên trong là những hình ảnh lấy từ báo chí, Facebook để dựng thành video thu hút người xem nhằm thu tiền từ quảng cáo.
Để đánh lừa người xem, nhiều kênh còn sử dụng emoji vòng tròn màu đỏ tương tự logo trực tiếp của YouTube. Số khác lại chọn cách đổi tên kênh thành Trường Giang, Trấn Thành, Ốc Thanh Vân… những người bạn thân thiết của nữ diễn viên Mai Phương.
Một số kênh chọn cách đặt tiêu đề đánh vào cảm xúc của người xem như “Trấn Thành khóc tức tưởi”, “Trường Giang bật khóc”… để câu kéo người xem dù khi click vào, video chỉ là nội dung, hình ảnh tổng hợp từ nhiều nguồn khác.
Đây không phải lần đầu các YouTuber, Facebooker tiếp cận đám tang nghệ sĩ để phát trực tiếp. Trước đó, tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, hàng trăm người dân giẫm đạp lên mộ để livestream cảnh tiễn đưa nghệ sĩ Anh Vũ.
“Livestream thực chất là hoạt động quay phim, chụp ảnh. Hoạt động này được pháp luật quy định cụ thể từ lâu”, Phan Vũ Tuấn, giám đốc công ty luật Phan Law tại TP.HCM cho biết.
Việc quay, chụp, livestream bất cứ ai đều phải có sự đồng ý của chủ thể. Việc tự ý quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người đó mà xâm phạm nhân phẩm danh dự của người đó được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, các YouTuber, Facebooker cố tình tiếp cận, quay phim, phát trực tuyến đám tang của Mai Phương nhưng không được sự đồng ý của gia đình có thể vi phạm pháp luật.
Đám tang online thời Covid-19
Khi bà Isabel Cabrera Galindo, 82 tuổi, qua đời, gia đình và bạn bè của bà được khuyên không nên tới dự đám tang mà theo dõi qua livestream.
Thay vào đó, quá trình tưởng niệm và chôn cất được phát trực tiếp qua tài khoản Facebook. Tuy nhiên, nhiều người không nghe hoặc cảm nhận được những phần quan trọng trong buổi lễ.
Chỉ vài ngày sau khi trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC (Mỹ) yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tang lễ chuyển dịch vụ lên mạng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, các gia đình như nhà Galindo phải chấp nhận một thực tế họ không thể nghĩ tới trước đây.
"Là một người thuộc thế hệ millennial (sinh sau 1980) và hoạt động trên Internet, tôi đã theo dõi nhiều sự kiện được livestream. Nhưng thực tế này thật buồn. Buồn bởi bà tôi, một phụ nữ thích gặp gỡ, tiệc tùng lại phải trải qua nghi lễ cuối đời mình chỉ với 10 người thân. Buồn vì ngay cả với công nghệ ngày nay, rất khó nghe những lời tưởng nhớ về bà qua livestream. Và buồn khi biết rằng chúng tôi không thể chia sẻ những khoảnh khắc cuối cùng ấy bên nhau như một gia đình", Garrett Galindo nói với CNN Business.
Một đám tang hạn chế người tham dự ở Milwaukee, Wisconsin.
Trước đám tang, nhà thờ St. Helens ở Arizona thông báo cho gia đình Galindo rằng số người tham dự phải ở mức tối thiểu để tránh nguy cơ lây nhiễm. Vợ chồng ba người con của bà Isabel Galindo cùng ba trong số 11 người cháu tới dự. Cha của Garrett dùng iPhone và tripod quay và phát buổi lễ online qua tài khoản Facebook cá nhân.
"Có khoảng 20 người theo dõi qua laptop khi đang làm việc tại nhà. Bà tôi có nhiều bạn bè, nhưng đa số họ không dùng Internet hoặc biết về công nghệ. Nếu không, số người xem sẽ khoảng 100", Garrett nói.
Đại dịch khiến một vài trong số những sự kiện lớn nhất của cuộc đời bị huỷ, từ việc trì hoãn đám tang tới lùi lịch đám cưới, tốt nghiệp, lễ rửa tội... Nó cũng thúc đẩy người Mỹ tìm đến các dịch vụ livestream hay chat video để tham dự từ xa những sự kiện mà vốn dĩ nên tham gia trực tiếp.
Ngoài Mỹ, một số nước khác như Anh cũng đi theo xu hướng này. Còn Trung Quốc và Italy, tang lễ bị cấm tổ chức tới khi có thông báo mới và gia đình được khuyên nên hoả táng những người chết vì bệnh.
"Chúng tôi từng livestream đám tang vài lần trước đại dịch Covid-19 cho các thành viên gia đình ở xa không thể tham dự", mục sư Bryan Sabourin tại Nova Scotia (Canada) cho biết. Khi một trong những giáo dân qua đời gần đây, nhà thờ và gia đình quyết định livestream tang lễ trên YouTube. "Tôi không thấy ai bình luận tiêu cực về việc livestream này", Sabourin cho biết.
"Tôi bằng lòng với một số phần, nhưng khó chịu với toàn bộ buổi lễ. Khó có thể cảm nhận được gì khi bạn ngồi ở nhà", Garrett Gallindo nói.
Châu An
Ban kiểm soát dịch Mỹ khuyên người dân livestream đám tang để tránh dịch Covid-19 lây lan Công nghệ tiếp tục là cứu cánh của nhân loại trong đại dịch. Nỗi buồn khôn xiết do mất mát người thân, bạn bè không nguy hiểm bằng đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều quốc gia, mà tang lễ cũng là dịp khiến virus SARS-CoV-2 có thể lây lan mạnh - những giọt nước mắt nước mũi được chùi lên khăn,...