Vị vua huyền thoại dùng 300 người đánh “triệu” quân Ba Tư
Vị vua Sparta trở thành huyền thoại khi dẫn 300 quân tinh nhuệ quyết chặn đánh đội quân Ba Tư hùng mạnh lên đến cả triệu người.
Leonidas quyết chiến đấu đến chết chứ không đầu hàng. (Ảnh trong phim “300″ về trận chiến vĩ đại của Leonidas).
Trong lịch sử thế giới cổ đại, có những nhà lãnh đạo vô cùng kiệt xuất với đầu óc chiến lược và khả năng đánh bại mọi kẻ thù. Trong số các vị vua tài ba nhất thế giới, có những người tiêu biểu như Alexander Đại đế, Hoàng đế Caesar, Vua Hủi Jerusalem…
Theo War History, vua Leonidas I là vị tướng nổi danh nhất trong lịch sử Sparta và cả đất nước Hy Lạp cổ đại.
Ngày nay, không có nhiều thông tin về con người thật của Leonidas và liệu ông có thực sự là một lãnh đạo tài ba như người ta thường nhắc đến hay không.
Vua của Sparta
Leonidas là con trai thứ của vua Anaxandridas và người vợ đầu tiên. Theo luật của người Sparta, chỉ có con trai cả của vua là được miễn không phải trải qua quãng thời gian huấn luyện khắc nghiệt.
Leonidas cũng không được chỉ định làm người nối ngôi nên ngay từ nhỏ, ông bị đẩy ra thế giới bên ngoài để rèn luyện cách sinh tồn, chiến đấu, và nếu sống sót mới được trở về Sparta.
Ông trở thành vua Sparta vào năm 490 trước Công Nguyên, sau cái chết của người anh trai Cleomenes. Ngày nay, không ai biết rõ những gì thực sự xảy ra với Cleomenes. Nhưng cái chết bí ẩn được cho là có liên quan đến Leonidas.
Nhưng dù thế nào, Leonidas cũng trở thành vua Sparta. Đất nước nhỏ bé khi đó đang cùng với Hy Lạp chiến đấu chống Đế chế Ba Tư hùng mạnh.
Cũng vào năm 490 trước Công Nguyên, Leonidas liên minh với Hy Lạp, đánh lui quân Ba Tư trong trận Marathon.
Hình tượng Leonidas trong bộ phim 300.
Những gì xảy ra trong quãng thời gian Leonidas trị vì đất nước cho đến nay vẫn còn là bí ẩn bởi không còn nhiều tài liệu nhắc đến. Nhưng có một sự kiện mà các học giả phương Tây đều đồng tình là chiến dịch xâm lược Hy Lạp lần hai của vua Ba Tư Xerxes vào năm 481 trước Công Nguyên.
Ban đầu, Xerxes tìm cách mua chuộc nhiều thành bang ở Hy Lạp, nhưng Athen và Sparta duy trì quan điểm chống đối mạnh nhất. Hy Lạp khi đó được chia thành nhiều thành bang khác nhau.
Năm 480 trước Công Nguyên, 1 triệu quân Ba Tư đánh chiếm Thessaly, một trong những khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp. Do những thành bang khác nhanh chóng đầu hàng, Sparta và Athen bị rơi vào thế bị động.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Leonidas nhận trách nhiệm dẫn quân cố thủ tại Thermopylae, con đường dẫn đến Athen. Khu vực này nằm sát bờ biển, khá chật hẹp, phù hợp để chặn đánh đại quân Ba Tư.
Theo kế hoạch Leonidas sẽ cầm chân quân Ba Tư lâu nhất có thể trong khi hải quân Athen đánh úp tàu thuyền Ba Tư, chặn đường rút lui của quân địch.
Video đang HOT
Trận đánh không cân sức
Vua Leonidas quyết định chỉ đem theo 300 người lính Sparta tinh nhuệ nhất đến Thermopylae trong khi Hy Lạp đóng góp 6.000 quân.
Theo các học giả phương Tây, dường như Leonidas muốn bảo toàn lực lượng Sparta hơn là dồn toàn lực vào trận đánh quyết tử. 6.000 quân Hy Lạp cũng được lệnh đóng quân từ xa, hỗ trợ 300 lính Sparta tinh nhuệ.
Trước khi ra đi, Leonidas còn nói với người vợ rằng nếu không sống sót trở về, hoàng hậu nên lấy một chàng trai tốt và hãy sống tốt.
Ở Thermopylae, Leonidas xây dựng phòng tuyến vững chắc bằng những bức tường kiên cố. Những người lính Sparta tinh nhuệ sẽ tận dụng thời cơ phản công, đẩy lùi quân địch.
Những chiến binh Sparta nổi tiếng với giáo và khiên.
Bản thân vua Ba Tư Xerxes không đánh giá thấp kẻ thù, khi quyết chờ đợi đủ 1 triệu quân tập trung đến chiến tuyến Thermopylae. Tuy nhiên, các nhà sử học ngày nay cho rằng đây chỉ là con số phóng đại. Ước tính quân Ba Tư tham gia trận đánh Thermopylae vào khoảng 70.000-300.000 người.
Như thường lệ, Xerxes ngạo mạn yêu cầu toàn quân Sparta và Hy Lạp đầu hàng. Leonidas đáp lời bằng tuyên bố “Xerxes muốn gì thì hãy đến mà lấy”.
Trong hai ngày, đội quân của Leonidas đứng vững trước đợt tấn công như vũ bão của quân Ba Tư, tiêu diệt hàng ngàn kẻ địch. Quân địch đông đến mức mỗi khi phóng tên, những mũi tên che khuất cả một góc bầu trời.
Nhưng đến đêm ngày thứ hai, quân Ba Tư đã tìm ra con đường nhỏ, đánh thọc sườn người Sparta. Đến lúc này, Leonidas yêu cầu các binh sĩ Hy Lạp rút lui còn ông và 300 người lính Sparta vẫn ở lại quyết chiến.
Đây được coi là quyết định tự sát, nhưng đem đến hai mục đích to lớn. Một là những người lính Sparta tinh nhuệ có thể làm suy yếu sức chiến đấu của kẻ địch. Hai là họ sẽ cầm chân kỵ binh Ba Tư, để những người sống sót cấp báo về Athen và Sparta.
Cuối cùng, Leonidas và những người thân cận hy sinh trong anh dũng, trở thành huyền thoại trong lịch sử.
Theo các học giả phương Tây, cái chết của Leonidas thể hiện đúng với khí chất của một người lính Sparta, từng nhiều lần đối mặt giữa sự sống và cái chết. Tuy những tài liệu ghi chép đến ngày nay chỉ còn sơ sài, hành động của Leonidas đã chứng minh ông là một người dũng cảm và đầy quyết đoán.
Theo Danviet
Trận đánh không tưởng của "quỷ vương" Nhật: 3.000 quân dẹp tan 4 vạn
Đối đầu với kẻ địch đông gấp 10 lần, lãnh chúa Nhật Bản Oda Nobunaga không hề nao núng, trái lại còn để lại trận đánh đi vào lịch sử thế giới.
Phác họa hình tượng nhân vật Oda Nobunaga trong lịch sử Nhật Bản.
Oda Nobunaga là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử Nhật Bản. Ông là người có công chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài khắp nước Nhật, nhưng lại mang tiếng xấu "quỷ vương" cho đến tận ngày nay. Mời độc giả cùng tìm hiểu về nhân vật được cho là sánh ngang với Tần Thủy Hoàng qua loạt bài này.
Theo History, trận Okehazama diễn ra vào tháng 6.1560 là trận đánh làm nên tên tuổi lãnh chúa Oda Nobunaga và là một trong những cuộc đồi đầu kịch tính nhất trong lịch sử thế giới.
Người phương Tây thường nhắc đến cụm từ "người tí hon David và gã khổng lồ Goliath" khi nhắc đến trận đại chiến này ở thời Chiến quốc Nhật Bản.
Sau khi trở thành người thống lĩnh gia tộc Oda ở tỉnh Owari, Nobunaga bắt đầu muốn mở rộng quyền lực ra bên ngoài, đe dọa đến lợi ích của các lãnh chúa khác.
Nobunaga khi đó nổi tiếng là người thẳng tay tàn sát kẻ thù và ông cũng gây thù chuốc oán với không ít người. Nổi lên trong số đó là Imagawa Yoshimoto, lãnh chúa ở tỉnh Surugu láng giềng. Gia tộc Imagawa ngày càng hùng mạnh khi liên minh với nhà Takeda, đặt mục tiêu đánh chiếm kinh đô Kyoto.
Nhưng để làm được điều đó, Yoshimoto phải đem quân vượt qua lãnh địa của Oda Nobunaga.
Thử thách lớn đầu tiên
Trước cuộc đại chiến năm 1560, Yoshimoto đã tập hợp được đạo quân đông đảo, ước tính lên tới 35.000 người, bao gồm cả samurai và binh sĩ của các gia tộc trong liên minh.
Từ đó, Yoshimoto đem đại quân thẳng tiến và phía tây, hướng đến kinh đô Kyoto. Lãnh chúa nhà Imagawa không những không xin ý kiến Nobunaga khi đưa quân vào Owari mà còn đánh chiếm nhiều thành trì của tỉnh này.
Yoshimoto tin rằng quân Nobunaga sẽ không dám chống trả nên quyết chiếm luôn cả thủ phủ của tỉnh Owari, nơi Nobunaga đang ở.
Theo sử sách Nhật Bản, Nobunaga khi đó chỉ chiêu mộ được khoảng 3.000 binh sĩ, bao gồm cả những cận vệ của ông. Trong khi đó, tin mật báo nói đại quân của Imagawa lên tới hơn 40.000 người.
Oda Nobunaga (trái) dẫn quân đánh tan kẻ địch.
Trong khi đó, các tướng lĩnh dưới quyền Nobunaga nghe tin quân địch đông đảo đã vô vùng hốt hoảng.
Có người muốn lãnh chúa cố thủ trong thành, với hy vọng sẽ khiến quân địch nản chí. Người khác lại cho rằng nên đầu hàng vì đối đầu với lực lượng chênh lệch như vậy là tự sát.
"Imagawa có 40.000 hay 35.000 quân không quan trọng. Đó là một con số rất lớn so với thực lực của chúng ta", Nobunaga nói với các tướng lĩnh.
"Nhưng mọi người muốn ta đầu hàng, để rồi chết một cách hèn nhát như vậy? Hay cố thủ trong thành để hy vọng một ngày nào đó Imagawa sẽ chán nản rồi tự rút lui?".
"Chúng ta có thể sống thêm được 5-10 ngày, nhưng điều rõ ràng là chúng ta không thể cố thủ trong thành mãi được. Đây là cơ hội của cả đời người. Mọi người muốn ngồi đây và cầu nguyện được sống lâu sao? Chúng ta sinh ra là để chết đi".
Nói rồi, Oda Nobunaga quyết tâm đánh một trận lịch sử với nhà Imagawa. Ông nói ai tình nguyện chiến đấu thì sáng mai xuất quân, còn nếu không, hãy ở bất cứ đâu có thể và chứng kiến cảnh ông chiến thắng trở về.
Trận đánh 1 đấu 10 lịch sử
Ngày 11.6.1560, đạo quân của Nobunaga đến thắp hương tại đền thờ Zensh-ji. Ông nhận được tin báo quân của Yoshimoto hạ trại tại khu vực gần ngôi làng Okehazama.
Nobunaga nắm rõ địa hình và ông đã lựa chọn khu vực này làm nơi đánh một trận quyết định.
Trước trận đại chiến, Nobunaga dàn quân, cho người cầm theo nhiều khẩu hiệu để khiến quân địch nghĩ là ông có lực lượng đông đảo. Ông còn ra lệnh đặt những bù nhìn rơm đeo nón và cầm vũ khí, khiến đạo quân của Nobunaga nhìn từ xa trông đông đảo gấp nhiều lần.
Nobunaga cũng để lại vài trăm lính giữ trại, như thể ông vẫn còn giữ quân chủ lực ở phía sau.
Chỉ còn khoảng 2.000 lính, Nobunaga âm thầm áp sát nơi đạo quân Imagawa hạ trại ở bên cánh. Đó là một buổi trưa hè nắng nóng như đổ lửa ở Nhật Bản. Nhiệt độ có thể lên tới 30 độ C và độ ẩm cao. Đa số samurai nhà Imagawa trú ẩn trong lều nhằm duy trì thể trạng tốt nhất.
Quân Oda đánh úp khi kẻ địch còn không kịp phòng bị.
Một số chiến binh còn ngạo mạn, không ngừng uống rượu sake ngay giữa ban ngày.
Có một điểm may mắn với Nobunaga là khi đó trời bất ngờ có bão lớn, khiến quân Nobunaga có thêm cơ hội tiến sát doanh trại chủ tướng địch.
Sau khi xác định có Imagawa ở trong lều cùng các lướng lĩnh cấp cao, Nobunaga ra lệnh tấn công. Các binh sĩ nhà Imagawa không kịp phòng bị nên bị tiêu diệt hoặc quỳ gối đầu hàng.
Bản thân Imagawa Yoshimoto nghe thấy tiếng ồn nên bước ra ngoài, quát mắng đám lính samurai của Nobunaga vì khiến ông tỉnh giấc. Nhưng rồi Yoshimoto nhận ra đó không phải lính của mình.
Lãnh chúa nhà Imagawa chỉ kịp đỡ được đòn tấn công đầu tiên trước khi bị chặt đầu chỉ bằng một nhát chém.
Trận đánh kéo dài chưa đầy một giờ đồng hồ thì kết thúc. Yoshimoto mất mạng cùng một vài tướng lĩnh khác. Những người còn lại sau khi lắng nghe Nobunaga, đã quyết định gia nhập nhà Oda.
Có nguồn tin nói vợ con của họ đều nằm trong tay quân Nobunaga nên họ không còn cách nào khác là quy hàng để bảo vệ gia đình. Một trong những danh tướng nổi bật nhất đầu hàng là Matsudaira Motoyasu.
Motoyasu sau này đổi tên thành Tokugawa Ieyasu, trung thành với nhà Oda đến khi Nobunaga qua đời. Ông lập ra nhà Tokugawa, trị vì nước Nhật trong suốt 268 năm, đến thời Minh Trị Duy tân năm 1868.
Tuy thành công lớn trong trận đánh úp nhà Imagawa nhưng Nobunaga không phải là người dùng mãi một chiến thuật. Trong những trận đánh sau này, quân Oda còn đông hơn địch gấp nhiều lần.
Nobunaga cũng không đánh chớp nhoáng nữa mà chủ trương bao vây, cho đến khi quân địch mất hết nhuệ khí chiến đấu.
_________________
Bài viết xuất bản ngày 5.10 sẽ tìm hiểu con đường bước đến đỉnh cao quyền lực của Oda Nobunaga và giai thoại về tên gọi Quỷ vương tàn bạo nhất lịch sử Nhật Bản.
Theo Danviet
Khủng bố IS dồn lực lượng tinh nhuệ nhất đánh trận quyết tử Phiến quân IS từ nhiều khu vực khác tại Iraq cũng tìm đường sang Syria để đánh trận chiến cuối cùng. Quân Syria bên ngoài thành phố Deir ez-Zor. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, khủng bố IS đang dồn những lực lượng tinh nhuệ nhất tới thành phố Deir ez-Zor lớn nhất Syria để quyết tử. "Quân đội chính phủ Syria được...