Vị thế Việt Nam trong tầm nhìn chiến lược của Lý Quang Diệu
Quan hệ giữa Việt Nam và Singapore đã phát triển vượt bậc trên nhiều phương diện trong những năm gần đây, với điểm nhấn là việc hai nước ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2013.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người đặt nền móng cho mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Singapore
Và người đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên và bồi đắp cho mối quan hệ này chính là cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (1923-2015).
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, Phó Giáo sư (PGS) Alan Chong thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) nhận định, trong tầm nhìn chiến lược của ông Lý Quang Diệu, “Việt Nam là một đối tác rất đặc biệt trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)” của Singapore. Theo ông Alan Chong – chuyên gia về chính sách đối ngoại của Singapore, ngay khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Singapore đã muốn có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Và sự khởi đầu cho giai đoạn phát triển quan hệ đầu tiên chính là việc cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được mời để giúp lên kế hoạch tổng thể cho Việt Nam. PGS Alan Chong cho rằng quan hệ giữa hai nước hiện đã ở giai đoạn phát triển thứ hai, thứ ba và tiếp tục kéo dài.
PGS Alan Chong khẳng định việc Singapore hiện là đối tác đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam đã nói lên sự gần gũi trong quan hệ giữa hai nước. Cách tiếp cận Việt Nam của Singapore mang tính thực tế cao, “đôi bên cùng có lợi”. Hai nước đã làm rất nhiều trong việc chia sẻ kinh nghiệm, về phía Singapore là kinh nghiệm trong quản trị. Du lịch và giáo dục cũng là những lĩnh vực hợp tác có thể thúc đẩy nhiều hơn nữa. Có rất nhiều tiềm năng phát triển giữa hai bên và quan hệ đối tác song phương cũng có thể chuyển sang lĩnh vực công nghệ hiện đại, như công nghệ sinh học. Theo PGS Alan Chong, nền nông nghiệp Việt Nam cũng là một cơ hội hợp tác chưa được khai thác đầy đủ. Việt Nam rất có kinh nghiệm trong sản xuất lương thực và với bối cảnh đô thị hạn chế của Singapore, đảo quốc Sư tử sẽ có rất nhiều điều có thể học hỏi từ Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Đại sứ quán Cộng hòa Singapore viếng và ghi sổ tang chia buồn nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từ trần (Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN)
Cùng chung nhận định với PGS Alan Chong, PGS Vũ Minh Khương thuộc trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho rằng với Singapore, và trong thời kỳ của ông Lý Quang Diệu, Việt Nam là đất nước rất quan trọng. Ấn tượng về Việt Nam của ông Lý Quang Diệu và các cộng sự không chỉ là việc Việt Nam là quốc gia bản lĩnh mà còn có sức mạnh nhất định trong bảo vệ chủ quyền độc lập. Ông Lý Quang Diệu luôn nói Việt Nam có thể làm được những việc mà không ai có thể làm được. Ngoài ra, cố Thủ tướng Singapore cũng nhận thấy chất lượng nguồn lực Việt Nam rất tiềm tàng. Singapore đã trao khá nhiều học bổng cho học sinh Việt Nam, và các em đều học rất giỏi, tiếp tục phát triển và thành công. Ông Lý Quang Diệu tin rằng một đất nước có bản lĩnh dân tộc cao và tiềm năng con người như vậy sớm hay muộn cũng trở thành một quốc gia mạnh.
Video đang HOT
Với một người có tầm nhìn xa như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, điều tất yếu phải đến là mối quan hệ giữa hai bên được cải thiện và ngày càng phát triển. Một trong những biểu tượng hợp tác thành công nhất giữa Việt Nam và Singapore chính là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) được khởi công xây dựng tại tỉnh Bình Dương năm 1995, và đến nay đã trở thành khu công nghiệp mẫu trên cả nước, với cơ sở hạ tầng hiện đại, thân thiện với môi trường và góp phần thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn vào Việt Nam. Dự án VSIP Bình Dương đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Bản thân ông cũng đã nhiều lần về thăm tỉnh Bình Dương, và ghi nhận sự phát triển vượt bậc tại đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến ĐSQ Singapore tại Hà Nội đặt vòng hoa viếng ông Lý Quang Diệu (Ảnh: TTXVN)
Năm 2013, Việt Nam và Singapore đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long. Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Nguyễn Tiến Minh cho biết, kể từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực chủ chốt, với nhiều điểm nhấn quan trọng.
Về chính trị, hai bên đã tăng cường đối thoại và cùng chia sẻ mối quan tâm chung đến vấn đề duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, đặc biệt liên quan đến bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực và trên Biển Đông.
Về kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai bên đã tăng 20% trong năm 2014. Hiện Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là đối tác đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư là 32,7 tỷ USD.
Về văn hóa và xã hội, hiện giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng rất mạnh mẽ, đặc biệt gần đây Singapore đang thúc đẩy các vấn đề giáo dục và chăm sóc y tế cộng đồng. Rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã và đang chọn Singapore là điểm đến để học tập.
Những thực tế trên cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore đã thực sự phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, dưới sự vun đắp và quan tâm rất lớn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, như PGS Alan Chong đã khẳng định “tương lai giữa hai nước rất tươi sáng… và Singapore luôn coi Việt Nam là đối tác có thể tin cậy trong ASEAN”.
Theo TTXVN/baotintuc.vn
Từ ý tưởng của ông Lý Quang Diệu đến những dự án tỷ đô ở Việt Nam
Là điểm nhấn trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore, các khu công nghiệp đô thị dịch vụ Việt Nam - Singapore (VSIP) đã được hình thành từ ý tưởng của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Các khu công nghiệp này đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.
VSIP - Điểm sáng trong thu hút đầu tư (Ảnh: vietnambreakingnews)
Điểm sáng trong thu hút đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore nằm trong top 4. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Việt Nam, với 32,7 tỷ USD và hơn 1.350 dự án. Thống kê trong năm 2014, thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore đạt trên 16 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2013.
Việt Nam và Singapore có mối quan hệ đặc biệt, những nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước có mối quan hệ thân tình và tin cậy. Cho đến nay, dựa trên nền tảng mà ông Lý Quang Diệu đã xây dựng, mối quan hệ Singapore và Việt Nam đã chính thức được nâng lên tầm Đối tác chiến lược, mang lại chiều sâu trong quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Ngày 14-5-1996, tại Bình Dương, lễ động thổ VSIP I đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước lúc bấy giờ. Từ năm 2005, VSIP nhanh chóng mở rộng dự án thứ hai tại tỉnh Bình Dương, VSIP thứ ba tại tỉnh Bắc Ninh (2007), VSIP thứ tư tại Hải Phòng (2010) và gần đây nhất là dự án VSIP thứ năm tại tỉnh Quảng Ngãi (2013). Trong quá trình phát triển, VSIP đã chuyển mình từ một khu công nghiệp truyền thống trở thành khu liên hợp đô thị - công nghiệp, đem lại những giải pháp đô thị mới như quy hoạch tổng thể quốc tế, hạ tầng bền vững và thu hút nhà đầu tư nước ngoài sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. Đến nay, VSIP đã thu hút gần 500 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,4 tỷ USD và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD, tạo ra 140.000 việc làm.
Lưu bút của nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cao cấp - Goh Chok Tong trong chuyến thăm VSIP Bắc Ninh năm 2014
VSIP trên vùng đất Kinh Bắc
Khởi công năm 2007, VSIP Bắc Ninh có tổng diện tích khoảng 700 ha, trong đó, diện tích khu công nghiệp là 500 ha, diện tích khu đô thị và dịch vụ là 200 ha, với vốn đầu tư dự kiến là 2 tỷ USD và thu hút khoảng 50.000 lao động. Tại lễ khởi công năm 2007, nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cấp cao Singapore - Goh Chok Tong đánh giá: "VSIP Bắc Ninh không chỉ là khu công nghiệp theo tiêu chuẩn và mô hình mẫu của Singapore mà còn góp phần quan trọng trong quá trình đô thị hóa và phát triển của Việt Nam".
Hiện VSIP Bắc Ninh đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và đang trong quá trình hoàn thiện giai đoạn 2. Khu công nghiệp đã thu hút 51 nhà đầu tư quốc tế đến từ các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ... với nhiều tập đoàn, công ty lớn như Microsoft, Suntrory PepsiCo, Foster, Mapletree, Nittan. Hiện khu công nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000 người.
Khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa hai đất nước, tại chuyến khảo sát khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh của nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cấp cao - Goh Chok Tong trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, thành công của các khu công nghiệp VSIP có sự đóng góp lớn của các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Singapore như cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Hiển Long...
Các khu công nghiệp VSIP không chỉ thu hút được doanh nghiệp tiêu biểu và có công nghệ cao, mà còn là một mô hình khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả, có sự chăm sóc tới đời sống của người lao động, tham gia phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là những khu công nghiệp tiêu biểu, là đứa con tinh thần thể hiện tinh thần hữu nghị giữa hai nước, xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ của hai quốc gia.
Chị Đặng Thanh Hương - công nhân tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh chia sẻ: "Tôi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học và hiện đang làm công nhân đóng gói. Làm việc trong công ty nước ngoài nên tôi rèn luyện cho mình được nhiều đức tính tốt như luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về giờ giấc cũng như kỷ luật, nội quy. Mới vào làm việc nhưng hiện mức lương của tôi cũng được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, ngoài lương cơ bản, còn lại là các chế độ hỗ trợ như tiền ăn, tiền đi lại, chuyên cần, môi trường... Theo tìm hiểu của tôi thì mức lương sẽ được tăng mỗi năm 1 lân. Ngoài ra còn có 2 lần tiền thưởng cũng như được cho đi tham quan, nghỉ mát".
Cùng với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, VSIP cũng góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội địa phương. Anh Trần Thanh Phong - xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh chia sẻ: "Từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, đời sống người dân trong vùng cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình mở dịch vụ bán hàng, rồi cho thuê nhà... nhờ nhu cầu từ công nhân ở khu công nghiệp".
Ấn tượng với lời khuyên rất chân thành Có thể nói ông Lý Quang Diệu là người đầu tiên nhận thấy vai trò của Việt Nam trong khu vực và nhận thấy được lợi ích trong quan hệ với Việt Nam, đồng thời nhận thấy được lợi ích của việc Việt Nam tham gia vào tổ chức khu vực ASEAN. Ông rất hiểu được bàn cờ chính trị thế giới và khu vực cho nên ASEAN phải đoàn kết, phải biết tập hợp được những nước cần thiết, trong đó có Việt Nam. Tôi ấn tượng nhất có một lần ông nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam: "Các ông đừng nên vui mừng Singapore là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, mà các ông phải phấn đấu thế nào để Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam". Đây là lời khuyên rất chân thành. Ông Lý Quang Diệu thấy được vấn đề và biết được rằng lợi ích dân tộc của ông gắn với lợi ích của các dân tộc khác và gắn với lợi ích khu vực. PGS. TS Dương Văn Quảng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore (2003 - 2007)
Những gợi mở còn nguyên giá trị Trong hơn 40 năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhiều lần đến Việt Nam. Lần đầu tiên vào tháng 4-1992, ông đến thăm Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai, trò chuyện thân mật cả ngày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp xúc với Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh... Sau đó, ông liên tục trở lại Việt Nam vào tháng 11-1993, 3-1995, 11-1997 và lần cuối cùng là vào tháng 1-2007. Nhìn nhận về Việt Nam, ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Lý Quang Diệu từng mơ ước một ngày nào đó Singapore sánh ngang được với hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn. "Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực", ông nhận xét. Trong chuyến thăm Việt Nam cuối cùng hồi đầu năm 2007, ông Lý Quang Diệu đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như gợi mở những đường hướng giúp Việt Nam phát triển như vấn đề trọng dụng nhân tài, xây dựng bộ máy công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục. "Chúng ta luôn giáo dục để thừa chứ không phải để thiếu. Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung cấp đủ nhu cầu của thị trường. Nếu thắng trong cuộc đua này, sẽ thắng trong phát triển kinh tế. Và Việt Nam sẽ thắng!", ông khẳng định.
Theo Hùng Anh
An ninh Thủ đô
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sắp sang thăm Việt Nam Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, chiều 4/3, tại thủ đô Moskva, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn đã tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), tiến sỹ Andrey Klimov. Ông Andrey Klimov cũng là thành viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Đối ngoại Đảng Nước Nga Thống...