Vì sao Triều Tiên chưa thử hạt nhân lần 6?
Chờ đợi để theo dõi phản ứng quốc tế, muốn sử dụng hạt nhân làm đòn bẩy thương lượng hay sức ép từ Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Triều Tiên chưa tiến hành thử hạt nhân lần 6.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm cơ sở hạt nhân của nước này. Ảnh: KCNA.
Bất chấp những tuyên bố đầy thách thức, Triều Tiên đã không tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 nhân hai sự kiện trọng đại của đất nước là kỷ niệm 105 ngày sinh lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành và 85 năm ngày thành lập quân đội.
Giới phân tích nhận định rằng nhiều khả năng sau khi cân nhắc những yếu tố lợi hại, giới chức Bình Nhưỡng quyết định không thực hiện một bước đi được đánh giá là không cần thiết trong bối cảnh hiện nay, theo CNN.
“Chắc chắn Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân vào một thời điểm nào đó. Nhưng họ sẽ buộc phải cân nhắc nhiều yếu tố và tính toán thời điểm một cách rất thận trọng”, Jean Lee chuyên gia về Triều Tiên thuộc trung tâm Wilson, Mỹ, nhận định.
Theo dõi phản ứng quốc tế
Theo giáo sư John Delury, thuộc trường Nghiên cứu quốc tế Yonsei, Seoul, những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thường diễn ra theo chu kỳ và rơi vào những ngày lễ quan trọng của đất nước nhằm tận dụng triệt để tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao trong dân chúng hoặc được tính toán để làm nổi bật vấn đề địa chính trị nào đó.
Gần đây nhất, Triều Tiên tiến hành thử tên lửa, nhưng thất bại, vào 16/4, một ngày sau Ngày mặt trời, ngày lễ quan trọng nhất nước này nhằm kỷ niệm ngày sinh của lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành. Quả tên lửa đầu tiên được thử sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức diễn ra khi ông và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp nhau vào tháng hai.
Chính vì thế, dư luận quốc tế lo ngại rằng Bình Nhường sẽ thử hạt nhân lớn chưa từng có vào ngày thành lập quân đội 25/4. Tuy nhiên, Triều Tiên chỉ tiến hành tập trận pháo binh quy mô lớn.
Ông Delury cho rằng Triều Tiên chỉ đang trì hoãn động thái được tính toán từ trước để chủ động điều chỉnh tình hình và nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử hạt nhân vào ngày lễ quan trọng tiếp theo là ngày kỉ niệm Chiến tranh Triều Tiên vào 25/6
“Triều Tiên có thể đang điều chỉnh tình hình lên xuống tùy theo từng mốc diễn ra sự kiện quan trọng. Nghiên cứu kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy Binh Nhưỡng có thể biết rằng thế giới đang dõi theo và buộc có phản ứng phù hợp”, chuyên gia Delury tuyên bố.
“Triều Tiên không bắt buộc phải thử hạt nhân vào ngày cố định nào đó, họ có thể đợi tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ (hiện đang hướng tới bán đảo Triều Tiên) rời đi và tiến hành thử ngay sau đó”, ông Delury phân tích.
Chuyên gia Lee cho rằng bằng cách đặt bãi thử hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng và liên tục trì hoãn, Triều Tiên đang khiến thế giới phải sống trong tâm trạng lo lắng và bất an.
“Triều Tiên đã đạt được một phần mục đích là thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo thế giới”, ông Lee nhấn mạnh.
Video đang HOT
Sử dụng thử hạt nhân làm đòn bẩy thương lượng
Một số nhà phân tích thế giới hiện cho rằng Triều Tiên dường như đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa, vì thế những vụ thử tiếp theo với mục đích tăng cường sức hủy diệt của đầu đạn không còn quá quan trọng đối với Bình Nhưỡng.
Một loạt hình ảnh được công bố vào tháng 3 /2016 cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang kiểm tra những thiết bị được cho là là vũ khí hạt nhân thu nhỏ, khiến giới phân tích quốc tế tỏ ra quan ngại về năng lực hạt nhân thực sự của nước này.
Chuyên gia Tong Zhao, thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh cho rằng sau 5 lần thử nghiệm, Triều Tiên đã có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân để gắn lên tên lửa.
Các cuộc thử nghiệm tiếp theo chỉ được thực hiện với mục đích tăng cường sức mạnh hủy diệt và không còn quan trọng với mục tiêu cuối cùng của lãnh đạo nước này là bằng mọi cách sở hữu một vũ khí hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ.
“Sức hủy diệt lớn hơn không làm tăng khả năng răn đe hạt nhân hiện có. Điều đó có nghĩa Triều Tiên có thể hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo và sử dụng chúng như công cụ thương lượng tiềm năng với chính quyền của Tổng thống Donald Trump”, ông Zhao nhấn mạnh.
Sức ép từ Trung Quốc và Mỹ
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Theo bình luận viên Joshua Berlinger của CNN, áp lực từ Mỹ và Trung Quốc cũng có thể là một nhân tố khiến Triều Tiên đến nay vẫn chưa tiến hành thử hạt nhân lần 6, cho dù khả năng này là tương đối thấp.
Trung Quốc, đồng minh và nhà tài trợ kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên, gần đây dường như đã mất kiên nhẫn với các hành vi khiêu khích từ người láng giềng “bất trị”. Nếu Bắc Kinh muốn mạnh tay với Bình Nhưỡng bằng các biện pháp nghiêm khắc như ngừng xuất khẩu dầu thì nền kinh tế Triều Tiên có thể lao dốc nghiêm trọng.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố rằng chính quyền của ông đang cân nhắc mọi biện pháp, bao gồm cả hành động quân sự để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên
Mỹ cũng điều cụm tàu sân bay tấn công và tàu ngầm hạt nhân đến khu vực để phô diễn sức mạnh và gửi thông điệp ngầm đến Bình Nhưỡng.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William J. Perry đánh giá rằng trong trường hợp ông Kim Jong-un tin rằng Tổng thống Mỹ đang thực sự nghiêm túc khi đề cập đến biện pháp quân sự, lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn sẽ lựa chọn phương thức đàm phán như ông nội của mình vào năm 1994.
“Tôi cho rằng nhiều khả năng lãnh đạo Triều Tiên đang tin rằng Mỹ chắc chắn sẽ triển khai các biện pháp quân sự. Nghịch lý là tình trạng căng thẳng cực độ như hiện nay lại tạo điều kiện cho các biện pháp ngoại giao phát huy được vai trò”, ông Perry phân tích.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Điểm yếu chết người của đội tàu sân bay Mỹ áp sát Triều Tiên
454 quả tên lửa hành trình Tomahawk mà đội tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân Mỹ đem đến áp sát Triều Tiên là một kho vũ khí đồ sộ, nhưng đội tàu này cũng để lộ điểm yếu chết người.
Tàu sân bay hạt nhân Mỹ USS Carl Vinson.
Theo Bloomberg, tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson, 4 phi đội chiến đấu cơ cùng các tàu khu trục, tàu tuần dương hộ tống mang theo tới 300 tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa phòng không được coi "là cách răn đe phi hạt nhân mạnh mẽ".
Hội quân cùng đội tàu Carl Vinson là tàu ngầm hạt nhân USS Michigan lớn nhất của Mỹ. Tổng cộng, đội tàu chiến, tàu ngầm Mỹ áp sát Triều Tiên có tới 454 quả tên lửa hành trình sẵn sàng khai hỏa.
Đó là một kho vũ khí tấn công đồ sộ, trở thành cơn ác mộng đối với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng "đội tàu rất mạnh" mà ông Trump điều đến bán đảo Triều Tiên lại không hề có năng lực chống đỡ tên lửa đạn đạo.
"Nhóm tàu sân bay Mỹ áp sát Triều Tiên sẽ chẳng làm thay đổi điều gì cả", Omar Lamrani, nhà phân tích quân sự tại tổ chức tư vấn Stratfor nhận định. "Tàu Carl Vinson rõ ràng đã thu hút sự chú ý đặc biệt nhưng nó sẽ không làm được điều gì đáng kể".
Hộ tống tàu Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên có các tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, USS Michael Murphy và tàu tuần dương lớp Ticonderoga USS Lake Champlain.
Theo các thông tin trước đây, đội tàu sân bay USS Carl Vinson có các tàu khu trục trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, các tàu khởi hành đến bán đảo Triều Tiên không được trang bị phiên bản phù hợp có thể theo dõi tên lửa đạn đạo đối phương hay mang theo tên lửa đánh chặn SM-3.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Michigan mang theo 154 tên lửa Tomahawk đến Hàn Quốc.
Hai tàu khu trục JS Samidare và JS Ashigara hội quân cùng tàu Carl Vinson cũng không có năng lực phòng thủ như vậy, hải quân Nhật Bản xác nhận. Ngoài ra, 3 tàu chiến khác của Hàn Quốc dự kiến tập trận cùng tàu Carl Vinson cũng không thể chống đỡ trước đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross nói: "Chúng tôi không giải thích chi tiết năng lực chiến đấu của các tàu chiến".
Ông Ross giải thích, không một hệ thống nào có thể phòng vệ trước mọi mối đe dọa. "Thay vào đó, Mỹ có hệ thống phòng thủ đa lớp cả trên đất liền và trên biển, để chống tên lửa đối phương".
Bloomberg nhận định, nếu thực sự nghiêm túc về mối đe dọa tên lửa Triều Tiên, chính quyền Trump đã huy động toàn bộ 6 tàu chiến có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, vốn đang neo tại Yokosuka, phía đông Nhật Bản, tới bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích quốc phòng David Wright nói, các tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Mỹ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên ngay khi phóng.
"Aegis không hề có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung của đối phương ở giai đoạn tăng tốc", ông Wright phân tích. "Đến khi tàu chiến Mỹ có thể đánh chặn thì Triều Tiên đã đạt được mục đích là thử tên lửa".
Triều Tiên đã nhiều lần phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung.
Bên cạnh đó, dù các tàu chiến, tàu ngầm Mỹ mang theo tới 454 quả tên lửa Tomahawk răn đe Triều Tiên, hiệu quả sử dụng vũ khí này là không cao.
Tomahawk không phù hợp để oanh tạc căn cứ ngầm dưới lòng đất, hầm trú ẩn kiên cố. Nếu Mỹ quyết định tấn công phủ đầu Triều Tiên, tiêm kích tàng hình F-22 hay máy bay ném bom chiến lược B-2 mới là loại vũ khí phù hợp nhất.
Theo đánh giá của Stafor, Triều Tiên hiện có hơn 1.000 quả tên lửa tầm bắn khác nhau, có sức công phá lớn, nằm rải rác trên khắp đất nước này.
Nhưng Triều Tiên sẽ không thể khai hỏa kho vũ khí khổng lồ này đồng thời vì số lượng ống phóng có hạn.
Có thể nói, đội tàu chiến hùng hậu mà ông Trump đưa đến Triều Tiên hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
Kho vũ khí trên tàu đồ sộ, nhưng không phù hợp để giải quyết mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo vào tàu sân bay Carl Vinson hay chỉ đơn giản là phóng ra biển, các tàu chiến Mỹ cũng không có năng lực để đánh chặn.
Theo danviet
Kim Jong-un theo dõi quân đội Triều Tiên diễn tập phối hợp Nhà lãnh đạo Triều Tiên theo dõi một cuộc diễn tập bắn đạn thật nhằm vào "các tàu chiến địch" nhân dịp nước này kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nhân dân. Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi quân đội diễn tập bắn đạn thật đăng trên tờ Rodong Sinmun ngày 26/4. Ảnh: Yonhap. Nhà lãnh đạo...