Vì sao tiến độ cải tạo chung cư cũ TP.HCM vẫn chậm?
Kế hoạch trong năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM và chủ đầu tư được công nhận sẽ tháo dỡ, xây dựng lại 7 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm được kiểm định cấp độ D. Tuy nhiên đến nay đã nửa năm 2018 nhưng chưa có chung cư nào trong danh sách được tháo dỡ hay xây mới.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có 474 chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1975, tập trung ở các quận 1, 3, 4, 5 và 10. Trong đó, có 13 chung cư thuộc nhóm D – loại xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm phải di dời khẩn cấp người dân ra khỏi chung cư và sở đã có kế hoạch phá dỡ, xây mới các chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn.
Theo đó, trong năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM và chủ đầu tư được công nhận sẽ tháo dỡ, xây dựng lại 7 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm được kiểm định cấp độ D gồm: chung cư 128 Hai Bà Trưng (quận 1); chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3); chung cư 6 Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4); chung cư 440 Trần Hưng Đạo B (quận 5); chung cư 43 Bình Tây, chung cư 119B Tân Hòa Đông (quận 6) và chung cư 765 Bến Bình Đông (quận 8). Nhưng đến nay đã nửa năm 2018 nhưng chưa có chung cư nào trong danh sách trên được tháo dỡ hay xây mới.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo các doanh nghiệp và chuyên gia bất động sản, chủ yếu do phần lớn các chung cư cũ có diện tích đất nhỏ, nhưng dân số lại đông, nên không thu hút được các nhà đầu tư. Đơn cử, chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) có diện tích 170 m2, nhưng có 32 hộ cư ngụ, một số chung cư khác diện tích cũng chỉ vài trăm mét vuông, nhưng có đến hơn 100 hộ cư ngụ… Bên cạnh đó, với những dự án đã “có chủ”, thì trong quá trình triển khai, nhà đầu tư cũng gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa chủ dự án và người dân đang sinh sống.
Tại buổi họp với các sở ngành, góp ý dự thảo về bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư của các dự án cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế nhà chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, để tháo gỡ khó khăn này, các quận, huyện phải vượt ra khỏi sự ràng buộc của từng dự án, rộng hơn nữa là thoát ra khỏi địa giới hành chính của các quận, huyện để liên kết, tạo quỹ đất đủ lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia vào chương trình này. Muốn vậy, phải đảm bảo hài hòa lợi ích: người dân có nơi ở mới, doanh nghiệp có lợi nhuận, Nhà nước có được công trình mới.
Chung cư Thanh Đa quận Bình Thạnh đã xuống cấp nghiêm trọng
Video đang HOT
“Chẳng hạn, tại quận 3 có 10 chung cư cũ cần xây mới, có chung cư có diện tích quá nhỏ, nhưng cũng có chung cư có diện tích lớn, vì vậy cần tập trung xây dựng nhà tái định cư tại những chung cư có quỹ đất lớn, còn các chung cư nhỏ dành đất cho doanh nghiệp; giữa các quận, huyện cũng có thể làm theo cách này”, ông Tuyến nói.
Còn đối với vướng mắc trong việc lấy ý kiến người dân để tiến hành phá dỡ và cải tạo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, nếu có được 70 – 80% người dân đồng thuận là có thể triển khai dự án cải tạo chung cư cũ. Còn cứ chờ 100% đồng ý mới thực hiện thì rất khó.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy định hiện nay yêu cầu phải có sự đồng ý của 100% chủ nhà thì chung cư cũ mới được phá dỡ để xây dựng lại là một trở ngại cho chỉnh trang đô thị. Do đó, nội dung này cần sửa đổi theo hướng chung cư sẽ được xây dựng lại khi có tối thiểu bốn phần năm (khoảng 80%) các chủ sở hữu tại đây thống nhất tại hội nghị nhà chung cư.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia pháp lý, luật đã quy định “phải có sự đồng ý của 100% chủ nhà thì chung cư cũ mới được phá dỡ để xây dựng lại” cũng có cái lý. Chế định sở hữu chung cư là sở hữu chung và quyền sử dụng đất là quyền của tất cả chủ các căn hộ nhỏ ở đây, thế nên, việc quy định phải có sự đồng ý của 100% chủ nhà là có cơ sở, dựa trên chế định sở hữu tài sản đã được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Theo Danviet
Vướng mắc cải tạo chung cư cũ
Nhưng điều nghịch lý vẫn đang diễn ra là trong khi các hộ dân ở chung cư cũ vẫn ngày đêm nơm nớp lo chuyện chung cư sập đổ; nhà đầu tư vẫn phải dài cổ chờ quyết định được phép đầu tư, thì các cơ quan có trách nhiệm của thành phố vẫn cứ loay hoay cho việc tính toán phương án xây mới lại các chung cư cũ.
Đến thời điểm này, các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ, trong đó xác định có 14 chung cư cấp D - cấp nguy hiểm; 115 chung cư cấp C - cấp hư hỏng nặng; 328 chung cư cấp B, còn lại số ít chung cư không cần thiết kiểm định do đang thực hiện di dời hoặc đã chuyển đổi mục đích sử dụng.
Hiện cũng đã có gần 100 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tham gia các dự án xây dựng lại chung cư cũ cùng các dự án chỉnh trang, di dời, tái định cư các hộ dân đang sống trên và ven các kênh rạch trên địa bàn.
Việc có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm đến dự án cải tạo chung cư cũ tại thành phố là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực để nhanh chóng di dời các hộ dân, dập bỏ chung cư hỏng nặng, nguy hiểm.
Điều này càng hứa hẹn các dự án cải tạo chung cư cũ sẽ được đẩy nhanh để đảm bảo mục tiêu thay thế 50% chung cư cũ trước năm 2020 của thành phố đã đặt ra.
Một chung cư cũ chờ xây mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, ngoài số khu chung cư cũ nằm ở khu vực trung tâm có quy mô vài ngàn hộ dân, diện tích lớn, vị trí thuận tiện có sức hút mạnh nhà đầu tư... thì nhiều chung cư lại nằm rải rác, xen cài trong các khu dân cư, diện tích đã nhỏ, kết nối giao thông hạn chế ở các quận ven đã tỏ ra kém thu hút đầu tư.
Để tránh tình trạng nhà đầu tư đổ dồn vào làm các dự án chung cư cũ ở những vị trí dễ sinh lời; không chịu đầu tư vào các chung cư ở khu vực khai thác kém hiệu quả, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng được giao phối hợp cùng với các quận, huyện phân loại, xác định danh sách các chung cư cũ có lợi thế về vị trí; có khả năng sinh lợi cao khi đầu tư và các chung cư cũ không có lợi thế về vị trí để lồng ghép thành từng nhóm chung cư gồm cả 2 loại trên.
Ông Thế Hòa, đại diện một nhà đầu tư cho biết, ngoài chuyện phải dành diện tích nhất định để thực hiện chỉnh trang đô thị khi thực hiện dự án, chi phí hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân trong thời gian chờ bàn giao nhà của chủ đầu tư là rất lớn. Dân cư đông, nếu thành phố không tạo được sự đồng thuận để di dời dứt điểm các hộ dân trong khoảng thời gian nhất định, dự án chậm tiến độ, chi phí theo đó đội lên.
Thông tin từ Hiệp hội BĐS TP cho thấy, chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn liên quan đến việc tái định cư cho khoảng 35.000 hộ dân. Cùng thời gian thực hiện kế hoạch cải tạo chung cư cũ, chương trình di dời, tái định cư, chỉnh trang nhà ở trên và ven kênh rạch của thành phố cũng cần đến hơn 22.000 căn hộ, nền đất.
Không chỉ những hộ dân nhận tiền tự đi mua nhà hoặc nhận căn hộ tái định cư ở địa bàn khác, mà ngay cả số hộ dân chấp nhận chờ đợi để tái định cư tại chỗ cũng cần có nhà để thuê ở trong một vài năm. Cộng với nhu cầu về nhà ở từ các đại dự án đang hình thành, những năm tới trên địa bàn cần số lượng căn hộ bình dân rất lớn để phục vụ 2 chương trình cải tạo nhà ở này.
Trong khi đó hiện tỷ lệ căn hộ bình dân trong phân khúc nhà ở tại TP để phục vụ cho nhu cầu trên mới chỉ chiếm hơn 25%. Căn hộ bình dân thiếu, chủ dự án cải tạo chung cư cũ tìm đủ quỹ nhà tạm cư hoặc tái định cư ngay cho người phải di dời cũng là mối lo của nhà đầu tư trong quá trình tham gia các dự án xây dựng mới các chung cư cũ.
Nhưng điều nghịch lý vẫn đang diễn ra là trong khi các hộ dân ở chung cư cũ vẫn ngày đêm nơm nớp lo chuyện chung cư sập đổ; nhà đầu tư vẫn phải dài cổ chờ quyết định được phép đầu tư, thì các cơ quan có trách nhiệm của thành phố vẫn cứ loay hoay cho việc tính toán phương án xây mới lại các chung cư cũ.
Theo Đ.Thắng
Cải tạo chung cư cũ tại Hải Phòng: Hàng nghìn hộ dân có nguy cơ mất trắng quyền lợi Trong khi hàng triệu cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) cả nước được sở hữu căn nhà tập thể được phân phối những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước theo Nghị định 61 của Chính phủ, hàng ngàn CBCNVC ở Hải Phòng mất trắng quyền lợi khi căn hộ của họ bị thu hồi để xây dựng cải tạo lại....