Vì sao thuyết âm mưu liên kết 5G với virus Corona không sớm biến mất?
Đơn giản là vì sự lây lan của virus Corona chủng mới đang tỏ ra khó kiểm soát, nên các thông tin sai lệch xung quanh dịch bệnh này cũng vậy.
Một số trạm 5G ở Anh bị những kẻ quá khích đốt cháy vì cho rằng chúng phát tán Covid-19
Một trong những thuyết âm mưu vô căn cứ gần đây nhất xung quanh virus gây dịch Covid-19 là mạng 5G, thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây đang dần được phủ sóng trên khắp thế giới. Thuyết âm mưu này cho rằng 5G đang góp phần thúc đẩy đại dịch Corona chủng mới trên toàn cầu. Rất may sự thực không phải vậy.
Các tuyên bố vô căn cứ về mối liên hệ được cho là tồn tại giữa 5G và Covid-19 bắt đầu lưu hành trên các trang mạng lá cải của internet, nơi những người trục lợi về lượt xem đã chơi khăm nhiều người trên toàn cầu rằng những kẻ tài phiệt đang sử dụng 5G để phát tán virus Corona chủng mới. Các thuật toán không phân biệt được tin giả nên đã góp phần giúp phát tán các thông tin này, đưa thuyết âm mưu vô căn cứ này vào các kênh tin chính thống.
Các quan chức ở Vương quốc Anh đã bày tỏ lo ngại rằng, các cuộc tấn công gần đây vào các tháp phát sóng di động được kích động từ các thuyết âm mưu vô căn cứ. Trong đó, nam diễn viên Woody Mitchelson và ca sĩ MIA là một trong số những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đã góp phần lan truyền các tin giả ( fake news) này đến với hàng triệu người theo dõi họ trên toàn cầu.
Đến giờ, không có bằng chứng nào hỗ trợ cho thuyết âm mưu nói rằng mạng 5G góp phần tạo ra virus gây bệnh Covid-19 hay phát tán nó, nhưng thuyết này vẫn không sớm biến mất.
Dưới đây là những điều cần biết về mạng 5G, thuyết sai lầm này xuất hiện như thế nào và tại sao chúng ta không theo kịp tốc độ phát tán của chúng?
Cách 5G hoạt động
Video đang HOT
Có một số giả thuyết liên kết 5G và Covid-19 với tuyên bố đơn giản rằng các mạng 5G gây ra Covid-19 hoặc các triệu chứng nhiễm bệnh. Đáng sợ hơn, một số còn cho rằng mạng 5G phát ra bức xạ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến con người dễ nhiễm trùng hơn.
Để phá vỡ thuyết vô căn cứ này, chúng ta phải hiểu chính xác 5G là gì.
5G là công nghệ mạng không dây thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ, giúp thay đổi cách mà chúng ta sống và làm việc. Các ứng dụng tiềm năng được hưởng lợi bao gồm xe tự hành, phẫu thuật từ xa, các nhà máy tự động hóa… mặc dù vẫn còn lâu chúng ta mới nhận thấy những thay đổi này.
Sự khác biệt lớn giữa 4G và 5G là tốc độ nhanh hơn, băng thông cao hơn và độ trễ thấp hơn khi giao tiếp giữa các thiết bị và máy chủ. Các tín hiệu 5G chạy trên các tần số vô tuyến mới, đòi hỏi phải cập nhật đầu thu và thiết bị phát trên các tháp sóng di động lẫn điện thoại của người dùng. Các nhà mạng xây dựng mạng 5G siêu tốc đang phải lắp đặt hàng tấn trang thiết bị di động vào các trạm phát, các cột đèn… thường ở gần nhau do độ phủ của chúng thấp hơn 4G. Cho đến nay, các mạng 5G chủ yếu mới được triển khai ở một số ít thành phố lớn.
Tại sao mọi người liên kết 5G và Covid-19?
Các trạm phát sóng 5G đang trở thành mục tiêu tấn công của nhiều kẻ cuồng tín
Mạng 5G bắt đầu được triển khai thử nghiệm tại một số thành phố và quốc gia vào năm 2018, nhưng phải tới năm 2019 chúng mới được phủ sóng rộng rãi hơn, cùng năm với sự kiện Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Những người ưa thích thuyết âm mưu đã nhanh chóng liên kết hai thứ dường như không liên quan này, bỏ qua tính logic và tương quan nhân quả.
Kết quả là nhiều người trên internet đã chia sẻ hai bản đồ của Mỹ cho thấy các khu vực bị Covid-19 tấn công mạnh nhất cũng là nơi đang được phủ sóng mạng 5G. Trong khi đơn giản điểm chung giữa những khu vực này là các trung tâm đô thị có mật độ dân số lớn, dễ bị tổn thương hơn với sự lây lan của virus, nhưng đó cũng là những khu vực được ưu tiên phủ sóng 5G sớm hơn những nơi khác. Bám vào sự trùng hợp đó, những kẻ cuồng tín đã bỏ qua những bằng chứng khác vốn có thể giúp họ “tỉnh ra” và bác bỏ chúng. Chẳng hạn, dù Iran chưa có mạng 5G nhưng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Nâng cấp lên cơ sở hạ tầng không dây đã được liên kết sai với các loại bệnh trước đây và điều tương tự đã xảy ra với virus Corona chủng mới trong thời điểm nhạy cảm này. Nhiều thuyết âm mưu 5G/Covid-19 được liên kết với các nhóm từ lâu đã tuyên bố rằng sóng không dây gây ung thư, mặc dù không có bằng chứng xác thực nào chứng minh điều này.
Nghiên cứu cho thấy sóng tần số vô tuyến (RF) phát ra từ điện thoại di động không có đủ năng lượng để làm hỏng DNA trực tiếp hoặc làm nóng các mô cơ thể – mức năng lượng của chúng thấp hơn ngay cả các công nghệ đã được sử dụng từ lâu như lò vi sóng và TV. Hơn nữa, tín hiệu 5G thực sự tệ hơn trong việc xâm nhập các đối tượng so với tín hiệu 4G, đó là lý do tại sao mạng 5G yêu cầu nhiều trạm di động nhỏ hơn để lắp đặt gần nhau nhằm tăng mật độ phủ sóng.
Các nỗ lực nhằm hạn chế lây lan tin đồn thất thiệt này
Theo CNN, các mạng xã hội và internet đã bắt đầu thực hiện nỗ lực nhằm hạn chế lan truyền các thông tin sai lệch về Covid-19, mặc dù có vẻ hơi chậm chân. Điều này khiến các video về thuyết âm mưu vô căn cứ trên YouTube đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trước khi bị gỡ bỏ, trước đó Google và các công ty cho rằng các video này không vi phạm chính sách của họ và tỏ ra chậm chân trong việc chặn chúng từ đầu.
Twitter cho biết họ đang tăng cường sử dụng máy học và tự động hóa để giúp gỡ bỏ thông tin sai lệch. Tương tự, Facebook đã chuyển hướng các tìm kiếm theo từ khóa “5G coronavirus” sang các thông tin được xác thực, đáng tin cậy từ các cơ quan truyền thông, bệnh viện và tổ chức y tế; dù thỉnh thoảng vẫn để lọt các video và bài viết về thuyết âm mưu này trên bảng tin. Người phát ngôn của Facebook cho biết, công ty đang thực hiện các biện pháp “mạnh mẽ” để chống lại thông tin sai lệch xung quanh virus và đang “bắt đầu xóa các tuyên bố sai liên kết công nghệ Covid-19 đến 5G”.
Hữu Thắng
Facebook thiếu người kiểm duyệt trong cuộc chiến chống lại tin giả
Facebook đã thực hiện một số bước đi nhằm hạn chế sự lây lan của tin giả về COVID-19, tuy nhiên, sự thiếu hụt người kiểm duyệt đã tạo ra một số lỗ hổng lớn trong thực thi chính sách nội dung.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Facebook đã thực hiện một số bước đi nhằm hạn chế sự lây lan của thông tin sai lệch về COVID-19, tuy nhiên, sự thiếu hụt người kiểm duyệt đã tạo ra một số lỗ hổng lớn trong thực thi chính sách nội dung của mạng xã hội này.
Mới đây, tổ chức chuyên đánh giá sản phẩm Consumer Reports đã mua thành công một số quảng cáo vi phạm các quy tắc nội dung của Facebook, trong đó có một quảng cáo nói mọi người nên uống liều nhỏ hàng ngày một loại thuốc tẩy để loại bỏ virus SARS-CoV-2. Consumer Reports đã chụp lại quảng cáo trước khi nó biến mất và Facebook vô hiệu hóa các tài khoản được liên kết với quảng cáo sau khi chúng bị tổ chức này báo cáo.
Facebook trước đây đã cảnh báo rằng họ không thể dựa nhiều vào đội ngũ kiểm duyệt nội dung là con người khi hầu hết đội ngũ này là nhà thầu bên ngoài và không thể làm việc tại nhà, do đại dịch COVID-19. Thay vào đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới phải phụ thuộc nhiều vào các hệ thống tự động của mình, sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh dấu các vi phạm tiềm ẩn.
Tuy nhiên, vài tuần sau sự sắp xếp tổ chức mới này, có vẻ các công cụ tự động của Facebook chưa sẵn sàng để đảm trách toàn bộ khẩu kiểm duyệt và đã để lọt một số nội dung bị cấm như trường hợp quảng cáo thuốc tẩy mà Consumer Reports chỉ ra. Đây là loại nội dung quảng cáo chứa thông tin sai lệch đặc biệt nghiêm trọng thường được các giám đốc điều hành của Facebook, bao gồm Mark Zuckerberg, trích dẫn trong các tuyên bố về chống thông tin sai lệch.
Phát ngôn viên của Facebook cho biết hệ thống kiểm duyệt tự động đã gỡ xuống hàng triệu quảng cáo vi phạm các quy tắc nội dung.
Cũng theo phát ngôn viên này, mặc dù đã xóa hàng triệu quảng cáo và các giao dịch vi phạm các chính sách liên quan đến COVID-19, Facebook "luôn nỗ lực cải thiện các hệ thống kiểm duyệt của mình để ngăn chặn thông tin sai lệch có liên quan đến tình trạng khẩn cấp này lan truyền trên các dịch vụ của chúng tôi."
Các nhà phê bình cho rằng các chính sách quảng cáo của Facebook thường được thực thi không đồng đều. Mạng xã hội này từng bị cáo buộc tiếp tay cho truyền bá thông tin y tế sai lệch về thuốc phòng chống HIV./.
Việt Đức
WHO ra mắt chatbot chống tin giả trên WhatsApp Theo nhật báo Le Temps ngày 29/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã ra mắt phần mềm chatbot bằng tiếng Pháp sử dụng trên nền tảng ứng dụng tin nhắn WhatsApp để trả lời các câu hỏi về đại dịch COVID-19. Biểu tượng ứng dụng WhatsApp. Ảnh: AFP/TTXVN Phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels cho biết chatbot của...