Vì sao thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn với nhà đầu tư?
Hiện nay, việc chuyển tiền gửi tiết kiệm hoặc sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào chứng khoán đang là xu hướng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Ngay sau thời điểm thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh mạnh do tác động của đợt dịch COVID-19 vào cuối tháng 7/2020, anh Nguyễn Thành Chung ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định mở tài khoản tại một công ty chứng khoán để bắt đáy cổ phiếu.
Là một người chơi mới cộng thêm tính cẩn trọng, anh Chung lựa chọn nhóm cổ phiếu ngân hàng để đầu tư, vì tin rằng chúng có tính ổn định, nhiều khả năng tăng giá trong dài hạn và thanh khoản cao hơn so với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác.
Theo dõi sự biến động của các cổ phiếu nằm trong rổ đầu tư của mình, anh Chung cho biết quyết định đầu tư chứng khoán vào thời điểm hiện nay là khá đúng đắn.
“Mặc dù thị trường chứng khoán vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, song nhiều dự báo cho thấy triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối tích cực trong thời gian tới. Thêm vào đó, đây cũng là “sân chơi” phù hợp đối với các nhà đầu tư cá nhân do có tính khoản cao và không cần có khoản tiền lớn như khi đầu tư vàng hoặc bất động sản,” anh Chung cho biết.
Cách đây hơn 2 tuần, vợ chồng chị Phan Bích Ngọc ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định rút toàn bộ tiền tiết kiệm hơn 500 triệu đồng ở ngân hàng khi vừa đến hạn tất toán để mua cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo chị Ngọc, từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm, cao nhất cũng chỉ khoảng 8%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thường trên 10%/năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn. Xét trên lợi thế so sánh, rõ ràng đầu tư trái phiếu có lợi hơn so với gửi tiền tiết kiệm.
Còn đối với cổ phiếu, chị Ngọc quyết định lựa chọn đầu tư vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công, Hiệp định EVFTA… và một số doanh nghiệp uy tín có sự phục hồi tốt sau dịch COVID-19, vì cho rằng sẽ an toàn hơn với các nhà đầu tư mới.
Hiện nay, việc chuyển tiền gửi tiết kiệm hoặc sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào chứng khoán đang là xu hướng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. Do ảnh hưởng của COVID-19, thị trường chứng khoán giảm sâu đã thu hút nhiều người chưa từng đầu tư chứng khoán mở tài khoản “bắt đáy.”
Dẫn báo cáo “Asian In Focus” ngày 19/8 của Goldman Sachs, trong báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán đã tăng nhanh kể từ tháng Ba, với giá trị mua ròng tháng đạt mức cao nhất trong thập kỷ vừa qua. Sự gia tăng hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân cũng là xu hướng chung được quan sát thấy ở Mỹ và các thị trường Đông Á khác (Trung Quốc và Đài Loan) sau khi COVID-19 bùng phát.
Video đang HOT
Thanh khoản dồi dào do lãi suất gần bằng 0, hệ thống ngân hàng và nền tảng giao dịch thuận tiện góp phần vào sự bùng nổ của các hoạt động giao dịch cá nhân. Những động thái tương tự cũng đang diễn ra tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia khi mọi người đang tìm cách đầu tư số tiền nhàn rỗi do không thể chi cho du lịch.
Tại Việt Nam, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trung bình tháng trong 6 tháng đầu năm cao gấp đôi so với năm 2019 và tổng số tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng tăng gần gấp đôi lên 31.000 tỷ đồng (dựa trên dữ liệu của 40 công ty chứng khoán lớn nhất) trong 6 tháng.
Số tiền có sẵn để giao dịch (tiền ký quỹ tiền gửi của khách hàng) cao gấp 17 lần giá trị giao dịch trung bình ngày của tháng 8/2020, gấp đôi so với tháng 3/2018 khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh ở mức 1,204 điểm.
Dữ liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho thấy chỉ riêng trong tháng 8/2020, số lượng tài khoản môi giới mở mới trong nước tăng thêm 28.300 tài khoản, tăng 4,8% so với tháng trước, đạt mức cao nhất kể từ năm 2019 (15.000 – 20.000 tài khoản mỗi tháng).
Ngoài ra, theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho vay ký quỹ vào cuối tháng 8 đã tăng 40% so với tháng 6/2020. Việc dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh cho thấy sự “hào hứng” của các nhà đầu tư hiện tại trên thị trường.
“Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều bất định, lãi suất huy động lại liên tục giảm, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hoặc bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây,” báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2020 của VDSC nhận định.
Những điểm trên cho thấy dòng tiền trong nước vẫn còn khá dồi dào và sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 lần 2 và tình hình vĩ mô trong nước ổn định, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo khá tích cực trong những tháng cuối năm.
Tuy vậy, thị trường vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro và sẽ có những phiên điều chỉnh nhất định. Các chuyên gia cho rằng trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư mới cần tìm hiểu kỹ thị trường và nên có sự hiểu biết về doanh nghiệp, bao gồm triển vọng ngành nghề, chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính, đội ngũ quản lý…
Bên cạnh đó, cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư, kịp thời chốt lời hoặc cắt lỗ để bảo vệ thành quả khi cần thiết. Đồng thời, nên đa dạng danh mục đầu tư, để tránh rủi ro có thể xảy ra khi doanh nghiệp, ngành có yếu tố bất lợi…/.
Chuyên gia: Thị trường chứng khoán cần 'mồi lửa' để thu hút dòng tiền mới
"Tại sao nhà đầu tư phải bỏ tiền vào thị trường chứng khoán khi "đường đi còn đầy mù sương" trong khi định giá lại không đủ rẻ?".
Chuyên gia: Thị trường chứng khoán cần 'mồi lửa' để thu hút dòng tiền mới
Không phải cứ lãi suất giảm là chứng khoán tăng
Chia sẻ tại tọa đàm "Triển vọng và cơ hội chứng khoán đến cuối năm 2020" do FiinGroup tổ chức, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định việc mặt bằng lãi suất giảm trong thời gian vừa qua là hợp lý, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và nhu cầu tín dụng tăng thấp.
Ông Tú Anh cho rằng trong thời gian tới, lãi suất sẽ khó tăng, tuy nhiên liệu có giảm hay không thì còn phải cân nhắc đến việc duy trì sự ổn định của tỷ giá. Nếu lãi suất giảm quá thấp thì có thể sẽ làm tăng tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc đầu tư PVIAM cho rằng mặt bằng lãi suất huy động hiện tại (khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn 12-13 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần cỡ vừa) đang cao hơn so với kỳ vọng lạm phát khoảng dưới 4%, vì vậy việc giảm thêm lãi suất là khả thi.
"Chúng ta gần như chắc chắn rằng với bối cảnh hiện tại, cả ở góc độ chi phí đẩy và cầu kéo thì lạm phát không thể vượt quá 4% và xu hướng sẽ là giảm dần đều. Khi chúng ta kiểm soát được giá thịt lợn thì lạm phát của Việt Nam sẽ thấp", ông Linh nêu quan điểm.
Liên quan đến tỷ giá, chuyên gia này dự báo cán cân thương mại năm nay sẽ thặng dư, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua thêm được USD cho dự trữ ngoại hối, qua đó tỷ giá sẽ được giữ ở mức tương đối ổn định. Vì vậy, dù có giảm mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài xuống 6% hay thấp hơn thì vẫn đủ hấp dẫn để giữ VND thay vì giữ USD với lãi suất 0%.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia quản lý quỹ đầu tư, ông Đào Phúc Tường lưu ý rằng bên cạnh tác động tích cực của việc giảm lãi suất đối với người đi vay thì một đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực là những người gửi tiết kiệm.
Ông Tường nhấn mạnh rằng rất nhiều người không biết gì về chứng khoán, về vàng..., chỉ gửi tiết kiệm để lấy lãi. Đối với họ, khi lãi suất giảm, lượng tiền lãi thu về giảm thì sức mua của họ cũng bị sụt giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh.
Đối với chứng khoán, ông Đào Phúc Tường cho hay giới đầu tư đã nhìn nhận rằng chứng khoán là kênh đầu tư thay thế, khi lãi suất quá thấp thì người dân có xu hướng bỏ tiền sang kênh đầu tư này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng cần phải đặt câu hỏi "tại sao lãi suất thấp?". Lãi suất thấp cho thấy doanh nghiệp đang khó khăn, chứng tỏ rủi ro đối với chứng khoán đang tăng lên. Vì vậy, bên cạnh yếu tố tích cực từ việc dịch chuyển dòng tiền, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến phần bù rủi ro. Trong bối cảnh hiện tại, phần bù rủi ro đang tăng lên.
"Chúng ta không nên kỳ vọng rằng lãi suất giảm sẽ tốt cho chứng khoán. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, theo quan điểm cá nhân tôi, lãi suất giảm lại là rủi ro cho chứng khoán, chứ không phải là tốt cho chứng khoán nữa", ông Đào Phúc Tường nêu góc nhìn.
Thị trường chứng khoán cần "mồi lửa" để thu hút dòng tiền mới
Bình luận về yếu tố dòng tiền tác động đến thị trường chứng khoán thế nào trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng rất khó để có dòng tiền mới chảy vào thị trường ở thời điểm hiện tại, bởi "giá đã lên rồi thì cũng không kích thích người mới vào nữa".
Ông Linh nhấn mạnh thêm, ngay cả có giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại thì cũng không thể kích thích người dân rời xa khỏi kênh tích lũy hiện có, vì những người quan tâm đến chứng khoán thì đã đầu tư ở giai đoạn tháng 3 - 5 khi thị trường xuống đáy và đảo chiều đi lên, còn hiện tại mặt bằng định giá của thị trường chứng khoán đang ở mức cao, vì vậy rất khó thu hút dòng tiền mới.
"Tôi nghĩ ở giai đoạn này, khi nước ngoài bán và thị trường đang rất biến động, mọi người đều lo ngại rủi ro, thị trường có lẽ cần phải có một mồi lửa thì mới tạo nên một đám lửa. Tôi nghĩ những người dám dũng cảm mua vào ở những đợt mà thị trường không biết triển vọng dịch bệnh ra sao, thì nhiều khả năng những người này đã nắm được rất nhiều thông tin", vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Đào Phúc Tường cho biết để thu hút dòng tiền mới, thị trường chứng khoán đúng là phải có "mồi lửa", có thể từ chính sách hoặc từ triển vọng cực sáng của doanh nghiệp trong vòng 12 - 18 tháng tới.
Ông Tường cũng nhấn mạnh, thị trường phải đủ rẻ thì các nhà đầu tư mới rót tiền.
"Thị trường chúng ta hiện tại đang nằm trong giai đoạn thiếu leadership (người dẫn đầu - PV), lúc nào chúng ta nhìn thấy leadership thì lúc đó chúng ta mới tự tin rằng dòng tiền sẽ vào vì chắc chắn tiền còn rất nhiều, đặc biệt khi nhìn vào hạn mức cho vay ở các công ty chứng khoán, nhìn vào tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng tại sao họ phải bỏ tiền vào khi "đường đi còn đầy mù sương" trong khi định giá lại không đủ rẻ để rót tiền?", chuyên gia này đưa ra ẩn ý.
Ông Tường cũng chia sẻ kinh nghiệm rằng, những người nhiều tiền trên thị trường chứng khoán sẽ quan tâm đến 2 yếu tố cơ bản: doanh nghiệp đi xa được đến đâu và khi nào ra được hàng.
Giao dịch chứng khoán sáng 7/8: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index điều chỉnh nhẹ Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu sáng nay và đóng cửa trong sắc đỏ. Mặc dù liên tiếp những ngày gần đây luôn ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong nước không ngừng gia tăng nhưng dường như tâm lý nhà đầu tư đã dần quen với các thông tin này giúp thị...