Vì sao thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng tốt?
Mặc dù năm 2019 ghi nhận sự giảm tốc về chỉ số cung và cầu cũng như lực hấp thụ sản phẩm, song, thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng tốt nhờ các bệ đỡ từ bức tranh kinh tế vĩ mô, nhu cầu nhà ở cao…
Thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng tốt nhờ các bệ đỡ… Nguồn: internet
Tại Hội thảo “Tiềm năng & cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 16/11, các chuyên gia đã có những nhận định tích cực về gam màu tươi sáng trên thị trường.
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, sự phát triển của thị trường bất động sản được cấu thành từ các yếu tố: nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và ổn định, khả năng liên kết giữa các đô thị ngày càng mở rộng, doanh nghiệp bất động sản gia tăng tiềm lực, nhu cầu đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng được ưa chuộng.
Sự tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản còn đến từ khả năng hấp thụ tồn kho từ những dự án của các năm trước đó, đồng thời các dự án có sự chuẩn bị về mặt pháp lý tốt hơn.
Trên cơ sở đó, ông Phương cho rằng, thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển, tốc độ tăng GDP cao hơn các năm trước. Thu nhập của người dân ngày càng tăng trưởng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ gia tăng nguồn thu của người dân vào bất động sản và là động lực cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng các địa phương, vùng lân cận để đa dạng hóa sản phẩm của mình. Những nhà đầu tư chuyên về bất động sản không còn đơn điệu mà có nhiều sự lựa chọn hơn. Đây là yếu tố của các doanh nghiệp sẽ có thu nhập từ các nhà đầu tư mua. Ông Phương còn nhận định, doanh nghiệp bất động sản sẽ gia tăng về tiềm lực tài chính của họ.
Ở góc độ khác, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã điểm lại chu kỳ bất động sản Việt Nam.
Video đang HOT
Cụ thể, giai đoạn 2007 – 2008, thị trường bất động sản đạt đỉnh, nền kinh tế thịnh vượng; giới đầu cơ thống lĩnh thị trường.
Giai đoạn 2009 – 2010 bắt đầu xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau, nhất là năm 2009, bị ảnh hưởng nặng nề do nền kinh tế trong nước và thế giới bất ổn dẫn đến thị trường bất động sản suy thoái và giới đầu cơ dần dần rời bỏ thị trường.
Đến năm 2011 – 2012, thị trường bước vào thời kỳ suy yếu, nền kinh tế bị thắt chặt dẫn đến nguồn tiền mặt bị thiếu và căn hộ nhỏ được ưa chuộng vì ngân sách hạn hẹp.
Tuy nhiên, năm 2013 – 2014, thị trường được phục hồi, tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện, lãi suất thấp, sản phẩm thay đổi phù hợp với khả năng chi trả của thị trường bình dân. Thị trường phục hồi mạnh mẽ vào năm 2015 – 2016 với khối lượng bán hàng kỷ lục, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp. Các chủ đầu tư địa phương ngày càng củng cố và sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng, đến 2018 – 2019, thị trường lại trở về thế cân bằng, chủ đầu tư trong nước kinh nghiệm hơn và tiềm lực tài chính mạnh hơn, người mua tự tin hơn.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2019 đã chứng kiến sự giảm sút về nguồn cung trên thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bà Dung cho rằng: “Tuy nhiên, nhìn tổng quan thị trường trong những năm gần đây thì nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng trưởng ở mức ổn định. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp có sự tăng trưởng tốt, giúp duy trì cân bằng cho thị trường; tỷ lệ lạm phát và lãi suất cho vay được kiểm soát và duy trì ở mức ổn định”.
Nhận định về những bệ đỡ của thị trường bất động sản trong thời gian tới, bà Dung cho rằng, bối cảnh kinh tế có sự tăng trưởng ổn định, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực; GDP theo đầu người ước tính năm 2019 đạt 2.720 USD (tăng 7,7%); tổng FDI (9 tháng năm 2019) đạt hơn 25 tỷ USD.
“Thị trường chậm nhưng không có bong bóng; nhu cầu ở cao và các gói vay thế chấp giúp cân bằng thị trường và sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020.” – Bà Dương Thùy Dung
Tầng lớp trung lưu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và sự gia tăng này sẽ tạo động lực cho nguồn cầu.
Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà tại Việt Nam đã có xu hướng hạ và ổn định. Trong khi đó, giá bán và lợi nhuận cho thuê căn hộ tăng nhanh nhưng vẫn hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
Bà Dung dự báo, nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng trở lại, với nguồn cung chào bán và số căn bán được tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 35.000 căn và 40.000 căn tại Hà Nội; trong khi đó giá bán tiếp tục tăng nhờ lượng cung hạn chế. Riêng tại Khu Đông và Khu Nam của TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường (chiếm khoảng 61% tại Khu Đông và 23% tại Khu Nam).
“Thị trường chậm nhưng không có bong bóng; nhu cầu ở cao và các gói vay thế chấp giúp cân bằng thị trường và sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020″, bà Dương Thùy Dung khẳng định.
Theo Nhật Minh/reatimes.vn
Doanh nghiệp bất động sản tăng lượng phát hành trái phiếu
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bất động sản liên tục phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn để chuẩn bị cho các phương án sản xuất, kinh doanh trong năm mới.
Ảnh minh họa
Trước xu hướng dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản vẫn bị siết chặt, thời gian gần đây các doanh nghiệp bất động sản liên tục phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn để chuẩn bị cho các phương án sản xuất, kinh doanh trong năm mới.
Theo báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 10/2019 do Công ty cổ phần chứng khoán SSI công bố ngày 13/11, tính chung 10 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp đã phát hành lượng trái phiếu có giá trị 178.732 tỷ đồng. Số liệu này bao gồm cả các lô phát hành ra công chúng, nhưng không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do chưa được công bố.
Trong đó, các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 79.411 tỷ đồng, chiếm 44,4%. Đứng ngay sau đó là các doanh nghiệp bất động sản với 61.269 tỷ đồng, chiếm 34.3%, còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác.
Tính riêng tháng 10/2019, có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, nhưng chủ thể phát hành nhiều không phải là các ngân hàng thương mại mà thuộc về các công ty bất động sản với 9.349 tỷ đồng trái phiếu được phát hành; trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH Vinametric - chủ sở hữu của khách sạn Saigon Prince Hotel phát hành tổng cộng 3.705 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất thả nổi (kỳ đầu 10,5%/năm, các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu 3,65%/năm), kỳ trả lãi 6 tháng. Toàn bộ đều do Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương làm đầu mối phát hành, lưu ký.
Tiếp theo là Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) đã phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm và toàn bộ do Công ty cổ phần Chứng khoán HDB thu xếp phát hành, lưu ký. Đáng lưu ý, báo cáo tài chính quý 3/2019, Land Saigon ghi nhận lỗ 14.2 tỷ đồng, hệ số nợ/tổng tài sản lên tới 69%. Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nên việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu được xem là khá rủi ro.
Đối với nhóm ngân hàng, trong tháng 10/2019, các ngân hàng thương mại chỉ phát hành thêm 2.781 tỷ đồng trái phiếu; trong đó, có 1.000 tỷ đồng phát hành dưới hình thức chào bán ra công chúng của Vietinbank, còn lại là các lô phát hành riêng lẻ. Lượng phát hành này thấp hơn nhiều so với lượng phát hành trong các tháng trước đó mà cao điểm là tháng 9/2019. Lãi suất trái phiếu ngân hàng bình quân trong tháng 10 tăng lên 7,6% do gần 60% lượng phát hành là các kỳ hạn từ 5 - 10 năm.
Về lãi suất bình quân các trái phiếu phát hành trong tháng 10/2019 là 10,5%, tăng tới 2,7% so với mức bình quân tháng 9/2019. Lãi suất tăng chủ yếu là do các ngân hàng thương mại giảm phát hành trong tháng 10, trong khi nhóm này có mức lãi suất bình quân thấp nhất. Cũng trong tháng 10/2019, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản có mức lãi suất bình quân là 10,5%, cao hơn nhiều so với mức 9,6% của tháng trước đó.
Đặc biệt, có lô phát hành hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng với mức lãi suất "khủng" lên tới 20%/năm do Công ty TNHH Chứng khoán ACB thu xếp phát hành.
Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài mua khoảng 7,6% tổng lượng phát hành, còn lại là các nhà đầu tư trong nước; trong đó, có nhiều lô phát hành không có thông tin cụ thể mà chỉ chung chung là nhà đầu tư tổ chức trong nước. Với những lô có thông tin cụ thể, công ty chứng khoán là bên mua lớn nhất với tổng lượng mua trong 10 tháng đầu năm là 31.427 tỷ đồng, chiếm 18% lượng phát hành, trong đó hơn 80% là trái phiếu của các ngân hàng thương mại phát hành. Các ngân hàng thương mại mua 12.000 tỷ đồng, hầu hết mua trái phiếu là của các doanh nghiệp bất động sản và phát triển hạ tầng./.
Theo H.Chung/TTXVN
Cuối năm, nhà đầu tư hướng đến đất nền vùng ven Hà Nội Trong cơn khát các sản phẩm đầu tư vào dịp cuối năm nay, nhiều nhà đầu tư cho biết vẫn sẽ quan tâm và tìm kiếm các cơ hội rót vốn vào phân khúc đất nền, đặc biệt là phân khúc đất nền tại các vùng ven ngoại ô Hà Nội, nơi có tốc độ phát triển mạnh về hạ tầng đô thị...