Vì sao sông Tiền, sông Hậu sâu bất thường?
Các nhà khoa học cảnh báo sông Tiền (dài 250km) và sông Hậu (dài 200km) ngày càng bị sâu thêm, thay vì được bồi lắng như trước đây. Trong khoảng 10 năm gần đây hai sông này sâu thêm từ 5-7m.
Nghiên cứu và khảo sát mới nhất của các nhà khoa học cho thấy sông Tiền – sông Hậu ngày càng sâu bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Trong ảnh: một trong những thiệt hại thấy rõ ở đoạn sông Tiền khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị sạt lở kéo nhà dân xuống sông – Ảnh: T.B.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó quan trọng nhất là việc khai thác cát bừa bãi và xây các đập thủy điện trên dòng chính Mekong.
Sông sâu thêm
Công ty TNHH Trường Phát ở Tiền Giang vừa gửi văn bản cho Bộ GTVT xin tạm dừng thực hiện dự án nạo vét luồng sông Tiền đoạn từ TP Mỹ Tho đến huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang dài hơn 40km.
Ông Trần Duy Phương, giám đốc công ty, giải thích lý do tạm dừng do luồng sông Tiền thuộc địa phận Tiền Giang và Bến Tre bị sâu bất thường, không còn cát sỏi. Nếu tiếp tục nạo vét sẽ gây ra sạt lở nghiêm trọng.
Năm 2012, Công ty Trường Phát khảo sát luồng sông Tiền và ghi nhận độ sâu trung bình chỉ khoảng 9m, cần nạo vét để đạt độ sâu trên 10m cho tàu vận tải lưu thông. Bộ GTVT cũng cấp phép nạo vét tận thu cát sỏi lòng sông theo hình thức xã hội hóa.
Do trục trặc thủ tục nên mãi đến đầu năm 2016 ông Phương mới đưa phương tiện ra sông nạo vét. Tuy nhiên suốt bốn tháng trời chỉ thu được 12.000m3 cát trên đoạn sông dài gần 10km.
Khảo sát đoạn còn lại cũng thấy lòng sông bị sâu thêm vài mét, ông Phương quyết định rút lui.
“Theo tính toán lúc khảo sát thì khối lượng cát thu được ở đoạn này khoảng 1,5 triệu m3. Nhưng chỉ ba năm sau cát đâu mất hết mà luồng bị sâu thêm từ 5-7m. Hiện có nơi sâu tới 16-17m” – ông Phương nói.
Ông Hoàng Văn Hùng, chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Cục Đường thủy nội địa VN), cho rằng tốc độ sâu thêm của sông Tiền và sông Hậu từ năm 2008 đến nay diễn ra nhanh hơn, trung bình từ 3-7m. Tình trạng này xảy ra trên toàn tuyến chứ không riêng đoạn nào.
Sơ đồ một số khu vực sông Tiền và sông Hậu xuất hiện tình trạng sâu hơn trước – Nguồn: Chi cục Đường thủy nội địa phái Nam, Đồ họa: Tấn Đạt
Vì sao?
Tại sao sông ngày càng bị sâu thêm? Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia sinh thái ĐBSCL, có hai nguyên nhân chính là do khai thác cát sông quá mức và tác động tiêu cực từ hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.
Theo nghiên cứu của GS Bravard (ĐH Lyon, Pháp)và TS Goichot, từ năm 1998-2008 sông Tiền mất khoảng 90 triệu tấn vật liệu đáy sông. Còn sông Hậu mất 110 triệu tấn.
Video đang HOT
Nhưng giai đoạn 2008-2012 tốc độ khai thác tăng vọt lên 57 triệu tấn/năm, gấp 20 lần lượng cát vận chuyển hằng năm của sông Mekong, tính tại Kratie (Campuchia).
Việc khai thác cát quá mức tạo ra những hố sâu đến 15m trên sông thuộc địa phận Campuchia. Còn ở phía VN ghi nhận nhiều hố sâu hàng chục mét, có nơi sâu đến 45m tính từ đáy sông tự nhiên.
“Cát thô và cát trung bình từ thượng nguồn sông Mekong đổ về vốn đã ít lại bị mắc kẹt ở những hố khổng lồ đó mà không di chuyển về phía hạ nguồn được” – ông Thiện nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện là trưởng nhóm chuyên gia VN thực hiện công trình Đánh giá môi trường chiến lược 11 đập thủy điện dòng chính Mekong năm 2010 theo ủy nhiệm của Ủy hội Mekong quốc tế.
Theo ông Thiện, các đập thủy điện ở Trung Quốc làm giảm 50% lượng phù sa mịn đến ĐBSCL. Trong khi các địa phương đang khai thác lòng sông vô tội vạ.
Sắp tới khi tất cả 11 dự án đập thủy điện chắn ngang sông Mekong ở Lào và Campuchia được thực hiện thì toàn bộ 100% lượng vật liệu di chuyển ở đáy sông (cát, sỏi) sẽ không thể về tới ĐBSCL.
Nghiên cứu của GS Bravard cho biết Campuchia lâu nay vẫn nạo vét cát sông Mekong để bán cho Singapore và Trung Quốc. Tính từ năm 1960 đến nay, diện tích Singapore tăng thêm 1/5, một phần là nhờ mua cát sông, cát biển từ nhiều nước, trong đó có từ VN và Campuchia.
Chỉ riêng năm 2011-2012, bốn nước VN, Lào, Campuchia và Thái Lan khai thác tới 31 triệu m3 cát, cao hơn nhiều so với lượng phù sa cũng như cát sỏi từ đầu nguồn sông Mekong bù lại hằng năm.
Ngoài ra cũng có khả năng do ảnh hưởng bởi việc khai thác nước ngầm làm vùng ĐBSCL bị sụp, lún.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết năm 2013 ông làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về tác động của việc khai thác cát đối với sông Tiền, sông Hậu.
Số liệu cát sông mà nhóm nghiên cứu ghi nhận ở các con sông vùng ĐBSCL vào khoảng 28 triệu m3/năm. Ông cho rằng việc quy hoạch và cấp phép khai thác hiện nay chưa xem xét tới yếu tố ổn định lâu dài của lòng dẫn sông để hạn chế chiều sâu khai thác.
Quy hoạch của các tỉnh chưa xem xét định lượng việc khai thác có gây ra xói lở lòng sông hay không; chưa có quy trình hợp lý để khai thác mà không gây sạt lở bờ và xói lở lòng sông.
Thông thường các địa phương chỉ đánh giá trữ lượng mỏ rồi cấp phép cho khai thác mà không đánh giá khối lượng cát từ thượng nguồn về bù vào.
Ông lo ngại: “Với khối lượng khai thác cỡ đó thì chưa tới 30 năm nữa ĐBSCL sẽ khai thác hết toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu. Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động của việc khai thác cát đến môi trường thì sẽ xảy ra nhiều hậu quả rất khó lường”.
Bà Huỳnh Yến Vân, phó phòng tài nguyên biển và khí tượng thủy văn Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Bến Tre, nói khảo sát mới đây của sở cho thấy quá trình bồi đắp phù sa trên sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên diễn ra rất chậm, thậm chí có nơi không được bồi đắp.
Điều này trái ngược hoàn toàn với quy luật tự nhiên từ xưa đến nay là sau khi khai thác cát một thời gian thì mỏ sẽ được phục hồi.
Hãy dừng “bức tử” sông
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, suốt từ năm 2013 đến nay tỉnh không cấp phép khai thác cát trên sông Tiền để lòng sông được phục hồi, tránh bị sâu thêm và gây sạt lở.
Đến nay toàn bộ giấy phép cũng đã hết hạn, trên địa bàn không có mỏ cát nào đang được khai thác.
Tuy nhiên, trên sông Tiền đang có tới ba giấy phép của Bộ GTVT cho doanh nghiệp nạo vét luồng dài gần như suốt tuyến, từ cửa biển cho đến địa phận tỉnh Đồng Tháp.
Đầu tháng 8-2016 tỉnh chính thức đề nghị Bộ GTVT dừng các dự án đang triển khai, đồng thời không cấp phép dự án mới.
Tương tự, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có văn bản đề nghị Bộ GTVT giữ nguyên hiện trạng, không tiến hành nạo vét luồng đoạn thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Châu Thành và xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh.
Còn tại Bến Tre, Ủy ban MTTQ VN tỉnh đưa ý kiến của cử tri đến cuộc họp HĐND tỉnh hồi đầu tháng 8-2016 phản đối dự án nạo vét luồng dự kiến thực hiện trên sông Tiền tại khu vực huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nguồn tài nguyên cát sỏi ít ỏi còn lại trên sông Tiền, sông Hậu rất quý, cần phải được quản lý, giữ gìn cẩn thận.
Ông Thiện nói: “Tôi cho rằng các cơ quan chức năng không nên xem nhẹ thông tin sông Tiền và sông Hậu sâu bất thường. Cần phối hợp toàn vùng đề điều tra, khảo sát, đánh giá chính xác hiện trạng để lập quy hoạch bảo vệ cũng như khai thác hợp lý nhằm tránh thảm họa có thể xảy ra trong tương lai”.
Theo Tuổi Trẻ
Nước xả đập thượng nguồn sông Mekong về tới miền Tây
Người dân các tỉnh đầu nguồn ở miền Tây những ngày qua đã phấn khởi, bắt đầu xuống giống lúa hè thu khi nước xả đập từ Trung Quốc, Lào đổ về.
Từ ngày 27/3, tại đầu nguồn sông Hậu, lượng nước đổ về tăng lên mỗi ngày. Ảnh:A.X
Bà con vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang đang xuống giống lúa hè thu những ngày qua rất phấn khởi khi mực nước trên hệ thống sông, kênh rạch nội đồng dồi dào hơn.
"15 ha lúa của tôi được hai tuần tuổi, cũng khá lo vì nước trong kênh đang kiệt. Nhưng ba ngày qua nước đã tăng lên hơn 3 tấc (30 cm). Bà con ở đây mừng lắm. Mực nước cứ giữ như vầy hơn một tháng nữa sẽ có mưa xuống thì không còn lo thiếu nước nữa rồi", lão nông Lê Văn Lam (66 tuổi, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) nói.
Theo ông Nguyễn Văn Buông - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (đầu nguồn sông Tiền), hiện nay vào kỳ nước kém, nhưng do lượng nước thượng nguồn đổ về nhiều nên mực nước vẫn cao hơn trước 20-30 cm. "Điều này rất có lợi cho 12.000 ha lúa hè thu của người dân địa phương. Nguồn nước mang phù sa sẽ giúp nông dân giảm chi phí bơm tưới. Còn những hộ nuôi cá lồng bè, ao hồ thì có nguồn nước mới thay, đỡ lo ô nhiễm", ông Buông nói.
Tại huyện An Phú, tỉnh An Giang (đầu nguồn sông Hậu), biết nước đổ về, người dân đang cũng chuẩn bị xuống giống 18.000 ha lúa hè thu. Ngoài việc cho nạo vét gần chục kênh thủy lợi, chính quyền cũng khuyến cáo người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
"Ngành chức năng huyện cho mở các cống thủy lợi, đưa nước vào hệ thống kênh mương nội đồng cho bà con bơm lên làm đất trồng lúa và chăm sóc hơn 4.000 ha rau màu, ông Nguyễn Văn Thao - Phó chủ tịch UBND huyện An Phú nói.
Theo ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang - lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu mỗi ngày tăng 0,2 - 0,4 m như hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của vùng Tứ Giác Long Xuyên. Ngoài ra, độ mặn của tỉnh An Giang và các vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang cũng đã được đẩy lùi.
"Đợt triều cường tới đây cùng với việc Trung Quốc xả đập ổn định như hiện nay thì có khả năng lưu lượng nước sẽ còn tiếp tục tăng đến hết ngày 6/4", ông Ninh dự báo.
Người dân vùng tứ giác Long Xuyên tranh thủ bơm nước vào đồng ruộng. Ảnh:A.X
Tại Cần Thơ, mấy ngày qua, lượng nước trên sông rạch đã nhiều hơn trước. Độ mặn đo được tại các trạm giảm mạnh, dao động từ 0,09 đến 0,19 (hồi đầu tháng 3 có lúc lên đến 1,5-2,5).
Nước ngọt cũng theo sông Hậu về đến Sóc Trăng. Hiện các con kênh ở huyện Kế Sách và huyện Châu Thành đã có nước ngọt, độ mặn được đẩy lùi. "Độ mặn đo được vào những ngày cuối tháng 3 tại các tuyến kênh cao nhất trên sông Hậu tại từ 8,5-24.5, nay chỉ còn 0,6 ", Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huỳnh Ngọc Vân cho biết.
Theo ông Hà Tấn Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - để chủ động đón lượng nước ngọt từ Trung Quốc xả về, ngành đã chỉ đạo tất cả hệ thống thủy lợi luôn trong tình trạng mở, thông báo rộng rãi đến người dân lịch lấy nước ngọt.
"Lượng nước ngọt đổ về hiện nay đã chặn diện tích thiệt hại dưới 30% ở các huyện Kế Sách, Châu Thành..., cứu được khoảng 2.000 ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông", ông Việt cho biết.
Còn ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhận định, lượng nước ngọt từ sông Hậu về thông qua tuyến kênh Phụng Hiệp sẽ có trong một hai ngày tới, tuy nhiên rất ít do địa phương này nằm cuối nguồn. Dù vậy, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo mở cửa tất cả các cống thủy lợi giáp với Sóc Trăng để đón nước ngọt.
Trong khi đó, tỉnh Bến Tre - địa phương ảnh hưởng nặng nhất của hạn mặn - do nằm cuối nguồn nên vẫn còn bị mặn bủa vây. Người dân ở đây vẫn đang ngóng chờ nước ngọt. "Dự kiến trong vòng 2 ngày tới, nước ngọt từ thượng nguồn mới về đến huyện Chợ Lách (cách của biển khoảng 70 km)", ông Nguyễn Thanh Liêm-Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết.
Thiên tai hạn, mặn ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu... của người dân. Ảnh: A.X
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam vừa có thông báo khẩn về mặn xâm nhập và lấy nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, trong tháng 4, các tỉnh ven biển, trong phạm vi cách biển 25-40 km, sẽ có nước ngọt. Viện đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện lấy nước ngọt. Trong đó, đặc biệt chú ý mở các cống ở hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít...
Đến nay có 9 trong 12 tỉnh miền Tây bị hạn, xâm nhập mặn hoành hành đã công bố tình trạng thiên tai. Hàng trăm nghìn ha lúa, mía, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản bị thiệt hại; hơn 1 triệu người dân thiếu nước ngọt sử dụng. Nhiều nơi, người dân phải mua nước sông, nước giếng với giá 150.000-200.000 đồng mỗi khối...
Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố xả nước tại một đập thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam từ giữa tháng ba tới ngày 10/4 để cứu hạn cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Lào sau đó cũng quyết định xả nước một số đập thuỷ điện đến cuối tháng 5 nhằm tăng lưu lượng nước chảy vào sông Mekong, giúp Việt Nam giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cửu Long - Phúc Hưng
Theo VNE
13 tàu du lịch trên sông Tiền bị cháy rụi Lửa bùng lên từ tàu du lịch đang đậu tại cồn Phụng, trên sông Tiền, sau đó lan qua nhiều chiếc xung quanh, gây thiệt hại hơn 4,5 tỷ đồng. Các tàu du lịch bị cháy rụi. Ảnh: Hồ Nam Ngọn lửa bốc lên từ con tàu du lịch đậu tại bến của Công ty TNHH MTV du lịch Miền Tây, do bà...