Vì sao số ca nhiễm virus corona ở Hồ Bắc tăng gấp 9 lần?
Số liệu cập nhật ngày 13-2 được công bố chậm gần 2 tiếng so với những ngày trước đó và khiến nhiều người giật mình bởi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng gấp 9 lần, số ca tử vong cũng tăng gần gấp 3 lần.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, số ca tử vong vì viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) tại tỉnh này tính đến cuối ngày 12-2 là 242, tăng mạnh so với con số 94 người trong ngày 11-2 và 103 người của ngày 10-2.
Số ca nhiễm mới tính đến cuối ngày 12-2 cũng tăng vọt lên con số 14.840 tại Hồ Bắc (tăng hơn 9 lần so với con số 1.638 ca nhiễm ngày 11-2), trong đó có tới 13.436 trường hợp chỉ tính riêng thành phố Vũ Hán, nâng tổng số ca nhiễm tại Hồ Bắc lên con số 48.206 trường hợp.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc giải thích số ca nhiễm mới tăng mạnh là do thực hiện chỉ đạo mới từ trung ương về chẩn đoán và điều trị, nhằm đảm bảo giảm tỉ lệ tử vong và tăng tỉ lệ chữa trị thành công.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Vũ Hán ngày 9-2 – Ảnh: REUTERS
Video đang HOT
Theo đó, kể từ ngày 13-2, tỉnh Hồ Bắc sẽ cộng gộp các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng và các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới đã xác nhận vào tổng số ca nhiễm mới.
“Việc điều chỉnh cách tính là do chúng tôi đã có nhiều hiểu biết sâu sắc hơn về Covid-19 và tích lũy được các kinh nghiệm mới trong chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân”, Ủy ban Y tế Hồ Bắc lập luận.
Cơ quan này khẳng định cách tính mới này là có lợi cho người dân bởi họ sẽ được cách ly, chữa trị nhanh chóng hơn trước.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cũng chỉ rõ trong 14.840 trường hợp nhiễm mới ở tỉnh này, có 13.332 trường hợp chỉ mới được chẩn đoán lâm sàng, tức không nhất thiết phải có kết quả chính thức cho thấy những người này dương tính với virus corona chủng mới.
Tủy nhiên Ủy ban Y tế Hồ Bắc không nói rõ các phương pháp chẩn đoán lâm sàng được áp dụng là gì, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Hôm 10-2, giới chức y tế Hồ Bắc đã quyết định thêm phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) vào danh sách các phương pháp chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới. Việc chẩn đoán trước đó phụ thuộc hoàn toàn vào các bộ dụng cụ xét nghiệm RNA, vốn vẫn đang bị thiếu ở Trung Quốc, SCMP cho biết thêm.
Một trung tâm triển lãm ở Vũ Hán được cải tạo thành bệnh viện và trung tâm cách ly người nghi nhiễm virus corona mới – Ảnh: AFP
Phương pháp phổ biến nhất đang được áp dụng ở cả Trung Quốc và thế giới hiện nay là lấy dịch phết hầu họng để kiểm tra dấu vết axit nucleic của virus corona chủng mới. Tuy nhiên, đã có trường hợp dù bị nhiễm bệnh nhưng khi được xét nghiệm bằng phương pháp này lại cho ra kết quả âm tính, dẫn tới điều trị sai và nguy cơ lây lan cho người khác.
Việc chụp CT ngực cho phép các bác sĩ có thêm cơ sở để đưa ra kết luận, bởi virus corona chủng mới chủ yếu tấn công vào phổi của người bệnh, theo Đài CGTN của Trung Quốc.
Trong thông báo cập nhật sáng 13-2, Ủy ban Y tế Hồ Bắc cho biết tính đến cuối ngày 12-2 có 33.693 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới đang được điều trị tại tỉnh này, trong số này có 7.084 trường hợp nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa lên tiếng về con số gây sốc vừa được chính quyền tỉnh Hồ Bắc công bố. NHC cũng chưa công bố số liệu cập nhật dịch Covid-19 trên toàn Trung Quốc tính đến 8h30 sáng 13-2 (giờ Việt Nam) – chậm gần 2 tiếng so với các ngày trước đó.
Theo tuoitre
Chuyển 1 lao động Trung Quốc nghi nhiễm nCoV đến Bệnh viện Chợ Rẫy
Một lao động Trung Quốc nghi nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV) đã được chuyển từ Đồng Nai đến Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục theo dõi.
Một bệnh viện ở Đồng Nai tổ chức đo thân nhiệt đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi vào bệnh viện. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Ngày 4/2, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết đơn vị vừa chuyển một lao động Trung Quốc nghi nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV) từ Đồng Nai đến Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục theo dõi.
Bệnh nhân H.G. (50 tuổi, quê ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) làm việc trong khu công nghiệp ở Đồng Nai và sống tại phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa.
Trước đó, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, ông H.G. trở về nhà ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (nơi khởi phát dịch bệnh nCoV).
Sau khi ở nhà 16 ngày ông H.G. quay trở lại Việt Nam bằng đường hàng không.
Trước khi đến Việt Nam, ông H.G. quá cảnh tại Thái Lan và lưu trú ở đó 5 ngày.
Nhận được thông tin có lao động Trung Quốc trở về từ vùng dịch, chiều 3/2, ngành y tế Đồng Nai đã phối hợp cùng với lực lượng công an để tiếp cận ông H.G và kiểm tra thân nhiệt ngay khi ông này vừa từ sân bay vào đến thành phố.
Kết quả cho thấy ông H.G. bị sốt 38,2 độ C, ho ít, có cảm giác mệt mỏi.
Lực lượng chức năng đã chuyển ngay ông H.G. đến Bệnh viện Chợ Rẫy để theo dõi tình trạng sức khỏe và thực hiện các phương án cách ly theo quy định./.
Theo TTXVN/Vietnamplus
Câu chuyện từ trung tâm "phòng tuyến" chống virus Corona BV Chợ Rẫy Là nơi đầu tiên phát hiện ra bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới tại Việt Nam, cũng là lần đầu tiên đối mặt với loại virus chưa từng có này, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã và đang trải qua những ngày căng mình chống dịch đầy áp lực và thách thức. Lần "đánh trận" nhiều áp lực nhất...