Vì sao sếp của Giang Kim Đạt đã nộp tiền khắc phục vẫn bị tử hình?
Trong số 3 bị cáo bị buộc tội Tham ô tài sản, tòa ghi nhận trường hợp Trần Văn Liêm – nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines – đã nộp một phần tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc vì sao bị cáo này vẫn bị tòa tuyên mức án cao nhất?
Trần Văn Liêm đã khắc phục bao nhiêu tiền?
Trong vụ án tham nhũng ở Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viên dương Vinashin (Vinashinlines), ngoài 2 bản án tử hình dành cho Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, một án chung thân dành cho Trần Văn Khương, 12 năm tù cho Giang Văn Hiển, Hội đồng xét xử (HĐXX) còn tuyên bị cáo Liêm, Đạt và Khương phải liên đới bồi thường số tiền hơn 260 tỷ đồng chiếm đoạt cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin).
Bị cáo Trần Văn Liêm người được xác định có vai trò chính trong vụ án tham ô tài sản ở Vinashinlines.
Trong đó, Giang Kim Đạt phải bồi thường hơn 255 tỷ đồng, Trần Văn Liêm phải bồi thường hơn 3,1 tỷ đồng, Trần Văn Khương phải bồi thường gần 1,8 tỷ đồng.
Tòa cũng xác nhận bị cáo Trần Văn Liêm đã bồi thường khắc phục hậu quả số tiền hơn 640 triệu đồng. Mặc dù đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả, nhưng vì sao Trần Văn Liêm vẫn bị tuyên án tử hình?
Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) giải thích: Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn:
Video đang HOT
Khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội Tham ô tài sản, người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người đó đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu: Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt; đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn… đến mức tối đa).
Qua đối chiếu có thể thấy, số tiền Trần Văn Liêm nộp khắc phục hơn 640 triệu đồng chỉ khoảng hơn 1/5 số tiền bị cáo đã chiếm đoạt (hơn 3,1 tỷ đồng). Bên cạnh đó bị cáo Liêm còn bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng định khung thuộc điểm b khoản 4 Điều 278 “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Chính vì thế tòa đã áp dụng mức án tử hình đối với bị cáo.
Cần tiếp tục khắc phục
Bản án của TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Trần Văn Liêm và đồng phạm mới là án sơ thẩm. Các bị cáo có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án sơ thẩm được tuyên.
Theo các chuyên gia pháp luật, nếu Trần Văn Liêm kháng cáo trong thời gian xử chờ xử phúc thẩm nếu tiếp tục khắc phục tốt hậu quả thì khi ra tòa sẽ có thêm căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Theo quy định mới, trường hợp người bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, án có hiệu lực pháp luật, họ vẫn có cơ hội thoát án tử.
Theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13.9.2016 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo Nghị quyết số 144/2016/QH13, Nghị quyết 109/2015 QH 13 của Quốc hội, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trường hợp bị cáo Liêm, sau khi trừ đi khoản tiền hơn 640 triệu đồng đã nộp, bị cáo này còn phải bồi thường tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Nếu bị cáo Liêm và gia đình tiếp tục nộp khắc phục gần hết số tiền trên cùng với việc hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án tử hình.
Theo Danviet
Tại sao các bị cáo vụ Giang Kim Đạt bị tuyên án cao hơn đề nghị?
Trong vụ án Giang Kim Đạt được TAND TP.Hà Nội tuyên án chiều 22.2, có 3/4 bị cáo bị tuyên phạt nặng hơn so với án của đại diện Viện KS đề nghị trước đó. Vì sao lại như vậy?
Theo ông Nguyễn Thân - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, trong phiên tòa hình sự, việc Hội đồng xét xử đưa ra mức hình phạt cho bị cáo cao hơn hay thấp hơn mức đề nghị của đại diện Viện KS là bình thường.
Bị cáo Giang Kim Đạt và đồng phạm tại tòa.
"Đại diện Viện KS giữ quyền công tố ở tòa hình sự là người thay mặt Nhà nước để buộc tội bị cáo. Trước khi phiên tòa bước vào phần tranh luận, đại diện Viện KS đưa ra các căn cứ buộc tội và đề nghị mức án cho bị cáo, đó là thể hiện quan điểm của đại diện Viện KS. Còn khi Hội đồng xét xử thì phải căn cứ vào diễn biến phiên tòa, lời khai của bị cáo, bị hại, người liên quan, bào chữa của luật sư và các toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, từ đó đưa ra mức án phù hợp cho bị cáo" - ông Thân cho biết.
Trở lại với vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm, Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Trần Văn Liêm với vai trò là Tổng giám đốc Vinashinlines, Giang Kim Đạt - quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, bị cáo Trần Văn Khương - Kế toán trưởng Vinashinlines - đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để đàm phán trong việc mua tàu chiếm hưởng tiền hoa hồng và chiếm đoạt tiền chênh lệch giá cước trong việc cho thuê tàu, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng.
Trong đó, Trần Văn Liêm được xác định giữ vai trò chính, Giang Kim Đạt là người thực hành tích cực, còn Trần Văn Khương giữ vai trò đồng phạm với bị cáo Liêm và Đạt.
"Hành vi của các bị cáo Liêm, Đạt, Khương đã cố ý xâm hại uy tín đúng đắn của công tác nghiệp vụ quản lý tài sản, xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của cơ quan nhà nước. Các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 260 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo đã gây một dư luận xấu trong xã hội, vì vậy cần thiết phải có mức hình phạt nghiêm khắc ở mức cao hơn mức đề nghị hình phạt với các bị cáo mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung", Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Quốc Thành cho biết.
Đối với bị cáo Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt), Hội đồng xét xử cho rằng: Hành vi của bị cáo Hiển là cố ý che giấu nguồn tiền bất hợp pháp do Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt phạm tội mà có. Hành vi của bị cáo không chỉ trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng mà còn gây trở ngại lớn cho hoạt động công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự phức tạp, nhất là những vụ án về tham nhũng. Hành vi của bị cáo Giang Văn Hiển cũng cần thiết phải áp dụng mức hình phạt cao trong khung hình phạt (khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự, mức án 8 - 15 năm) mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Trên cơ sở nhận định trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Liêm mức án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng. Trước đó, đại diện Viện KS đề nghị mức án cho bị cáo Liêm là tù chung thân.
Bị cáo Giang Kim Đạt bị tuyên phạt mức án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng. Hình phạt này bằng với mức đề nghị của đại diện Viện KS.
Bị cáo Trần Văn Khương bị tuyên phạt mức án tù chung thân vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 110 nghìn USD. Trước đó, đại diện Viện KS đề nghị mức án cho bị cáo Khương là 20 năm tù.
Bị cáo Giang Văn Hiển bị tuyên phạt 12 năm tù về tội Rửa tiền. Trước đó, đại diện Viện KS đề nghị mức án cho bị cáo Hiển từ 8-9 năm tù.
Theo cáo trạng, từ tháng 7.2006 đến tháng 3.2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và giao Giang Kim Đạt đàm phán mua tàu. Bị cáo Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Summer của Panama với giá 6,25 triệu USD, được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu; tàu Vinashin Island mua từ Croatia, giá 5,95 triệu USD, hoa hồng 3,75%; tàu Vinashin Phoenix mua từ Hy Lạp, giá 21,55 triệu USD, hoa hồng 2%. Trong các mức hoa hồng được hưởng trên, Đạt thỏa thuận trích lại cho công ty môi giới 10%. Tính chung tổng số tiền hoa hồng mua 3 con tàu trên trích lại cho công ty môi giới gần 11,5 tỷ đồng và đều được chuyển khoản vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển. Các bị cáo còn có hành vi chiếm đoạt tiền cho thuê ngoài hợp đồng đối với 9 con tàu. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, thông qua các công ty môi giới, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương thỏa thuận với các chủ tàu, gửi giá cước cho thuê ngoài hợp đồng 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines trên 249 tỷ đồng. Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị cáo Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị cáo Khương chiếm đoạt 110.000USD. Để che giấu nguồn tiền tham ô, Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, mua 40 bất động sản gồm nhà ở, biệt thự, đất đai ở TP.HCM, Hà Nội, TP.Nha Trang (Khánh Hòa)..., nhiều ô tô đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình.
Theo Danviet
Mẹ đẻ Giang Kim Đạt không biết gì về nhà cửa đứng tên mình ở Anh(?) "Tôi không mua nhà ở bên Anh, ở đâu mọc lên tôi không biết được" (?) - mẹ đẻ Giang Kim Đạt nói tại tòa. Sáng nay (18.2), vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm bước sang ngày xét xử thứ ba. Khoản thiệt hại bồi thường cho cơ quan nào? Khi phiên tòa diễn ra, các bị cáo tiếp tục được...