Vì sao phim ‘Hậu duệ của mặt trời’ thành công?
Bộ phim với diễn xuất của cặp đôi Song Hye Kyo – Song Joong Ki đang viết nên lịch sử mới cho phim truyền hình Hàn.
Hậu duệ của mặt trời (tựa tiếng Anh: Descendants of the sun) được dự đoán sẽ tạo nên một cơn sốt phim Hàn mới ở châu Á, sau gần 2 năm kể từVì sao đưa anh tới của Kim Soo Hyun và Jun Ji Hyun.
Sau tập 4 phát sóng ngày 3/3, tỷ suất người xem của Hậu duệ của mặt trời đạt 24,1% và hứa hẹn sẽ xô đổ kỷ lục 28,1% mà Vì sao đưa anh tới lập được với tập cuối cùng.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, tính tới ngày 3/3, Hậu duệ của mặt trời có tới 120 triệu lượt xem trên trang video trực tuyến iQiyi. Trang tin Sina gọi đây là phim Hàn được nhắc tới nhiều nhất trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc cho rằng, thành công của Hậu duệ của mặt trời có ý nghĩa nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở tỷ lệ người xem kỷ lục.
Video đang HOT
Song Hye Kyo và Song Joong Ki trong Hậu duệ của mặt trời. Ảnh: KBS
Không như những bộ phim Hàn khác làm theo kiểu cuốn chiếu – vừa phát vừa quay, kịch bản của mỗi tập được đưa ra đúng 1 ngày trước khi bấm máy và việc chỉnh sửa được hoàn tất chỉ vài giờ trước khi lên sóng -Hậu duệ của mặt trời được quay sớm, hoàn thiện trước khi lên sóng.
Cách làm này đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn diễn viên. Trong khi người diễn tránh được tình trạng làm việc xuyên đêm nhiều ngày liên tiếp, có đủ thời gian để hiểu, đồng cảm với nhân vật thì các nhà sản xuất cũng có thể đảm bảo mọi cảnh quay đều có chất lượng tốt nhất.
“Trước chúng tôi, có nhiều phim truyền hình từng thực hiện theo kiểu này. Tuy nhiên, họ làm khi chưa được đảm bảo giờ phát sóng cũng như có dàn diễn viên quá yếu, thiếu các gương mặt ngôi sao” – Bae Kyung Soo, nhà sản xuất chính của KBS, phát biểu.
Việc quay phim sớm làm tăng chi phí trong khi doanh số bán còn mù mờ. Ở tình huống xấu, công ty sản xuất có thể rơi vào tình trạng phá sản.
Nhà sản xuất Bae Kyung Soo cho biết, Hậu duệ của mặt trời có xuất phát điểm khác với những bộ phim quay sớm trước đây. Đó chính là tiền Trung Quốc.
Mặc dù KBS khá kín tiếng trước khía cạnh thương mại của bộ phim, tuy nhiên, Korea Times cho rằng 5 tỷ won – hơn 1/3 trong tổng số 13 tỷ won kinh phí sản xuất của Hậu duệ của mặt trời – là do công ty Trung Quốc đầu tư.
Korea Times đưa tin, iQiyi trả 250.000 USD tới 300.000 USD/tập, từ trước khi Hậu duệ của mặt trời bấm máy. Điều kiện cho mức giá này là phim được phát ở Trung Quốc gần như đồng thời với Hàn Quốc. Theo đó, chỉ 1 giờ sau khi phim lên sóng ở Hàn Quốc, những khán giả trả tiền ở Trung Quốc cũng sẽ được đắm chìm trong chuyện tình cảm của Song Joong Ki và Song Hye Kyo.
Việc phát sóng gần như đồng thời này chỉ có thể thực hiện được nhờ vào việc quay sớm. Bởi lẽ, tất cả bộ phim nước ngoài muốn phát ở Trung Quốc đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao.
Dẫu vậy, không phải ai cũng lạc quan với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Nhà phê bình văn hóa Bang Yeon Ju cho biết, những dòng tiền của quốc gia láng giềng có thể là con dao 2 lưỡi.
“Trước đây, các khoản đầu tư từ Trung Quốc chảy vào thị trường bất động sản Hàn Quốc thì nay chúng đã chuyển hướng sang ngành công nghiệp giải trí và phim ảnh. Quay phim sớm là điều tuyệt vời để cải thiện điều kiện làm việc cho diễn viên cũng như chất lượng phim. Nhưng dòng tiền này có thể tiêu tan trong 2 hoặc 3 năm. Bên cạnh đó, khi làm phim, nếu nhà sản xuất cân nhắc đến thị hiếu của khán giả Trung Quốc, chúng ta có thể làm mất đi tính đặc sắc của Hàn Quốc” – ông Bang nhận xét.
Hiện tại, số lượng phim truyền hình Hàn xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng. Theo số liệu của Hiệp hội Truyền thông Hàn Quốc và Bộ Khoa học, năm 2014 có 17.721 phim Hàn xuất sang Trung Quốc, trong khi đó, con số này trong năm 2013 chỉ là 9.346 và 2012 là 3.389 phim.
Tổng doanh thu từ việc xuất khẩu phim trong năm 2014 đạt 47,23 triệu USD, tăng gấp nhiều lần so với con số 9,7 triệu USD của năm 2012.