Vì sao PC không chết?
Liệu PC có thể chết? Chẳng lý do nào thích đáng được đưa ra, bởi lẽ tất cả nguyên nhân đi sai hướng vấn đề. Ngược lại, máy tính cá nhân đang thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
PC (Personal Computer) đã ra đời từ rất lâu, trước khi khai sinh ra các khái niệm trò chơi, điện toán đám mây, hay công nghệ 3D một khoảng thời gian không hề nhỏ. Tuy nhiên, gần đây hệ thống này thường bị chê bai là cồng kềnh và già nua khi so sánh với các dòng máy tiên tiến thế hệ mới. Nhưng có một sự thật khó lòng phủ nhận được rằng chúng ta không thể thiếu PC, và thiết bị này vẫn đạt doanh số lớn dần theo từng năm chứ chưa thể hiện xu hướng đi xuống rõ rệt, ngay cả trong điều kiện khủng hoảng kinh tế.
Cụm từ “ngày tàn của đế chế PC”, “cái chết báo trước dành cho PC”… được sử dụng nhiều hơn trong những trường hợp khi người ta muốn giới thiệu những thiết bị chơi game mới hoặc các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với máy tính. Ngay cả một số người dùng trước kia trung thành với PC cũng chuyển sang cho rằng máy tính cá nhân sẽ chẳng thọ được lâu. Nhưng hầu hết ý kiến trong số đó chỉ là những suy nghĩ mang tính chất cảm tính là chính.
Video đang HOT
Đứng dưới góc độ của ngành, một sự cần thiết cho phát triển là tính sáng tạo. Chúng ta hãy tự hỏi: Liệu PC và những thiết bị bên trong có đang thiếu điều này? Lịch sử phát triển của các dòng chip Intel lại chứng minh điều ngược lại. Từ thế hệ CPU 4-bit đầu tiên của hãng được phát triển năm 1971 cho tới vi xử lý Intel Pentium, Celeron, Dual-core, Core 2 Duo, hay Core i mới… Mọi thứ đều cho thấy sự phát triển không ngừng nghỉ. Điều đứng sau sự phát triển này là một nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn. Hay nói cách khác, PC đang có được sự phát triển mạnh mẽ hơn và ngày càng phổ biến rộng rãi.
Đấy còn chưa kể tới việc PC là cỗ máy mà chưa sản phẩm nào sáng ngang về công dụng tương tự. Nếu chúng ta thấy mỗi khi netbook, smartphone, máy tính bảng, điện toán đám mây, hệ điều hành mới (Google Chrome OS)… ra đời bên cạnh khẩu hiệu “ngày tàn của PC” được nêu ra và đi đến kết luận điều đó trở thành sự thật thì đã quá vội vã. Đúng là tất cả các thiết bị trên đều có chức năng điện toán cá nhân nhưng chỉ cung cấp được một số tính năng nhất định nào đó. Cả khi điện thoại với mục đích liên lạc nhưng vẫn lướt web ngon lành, hay máy tính bảng hỗ trợ gọi thoại thì chúng cũng chẳng thể thay thế PC với hàng nghìn ứng dụng nhiều hơn.
PC “chết” chỉ đúng trong trường hợp hàng triệu gia đình trên thế giới từ bỏ ý định chuẩn bị sắm cho mình chiếc máy tính cá nhân đầu tiên, hàng triệu người dùng khác muốn mua một thiết bị mới khác hẳn hay khi dừng ham muốn sở hữu vài chiếc PC trở lên… Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. PC vẫn được vô số khách hàng theo dõi tin tức từng ngày, giá cổ phiếu của các hãng sản xuất máy tính vẫn đang tăng lên, chủ yếu bởi doanh số tiêu thụ sản phẩm khả quan. Chắc hẳn, khi nói đến đây, nhiều người sẽ bỏ bớt suy nghĩ rằng “nền công nghiệp PC đã chết” hoặc “đang chết”!
Tiếp theo, hãy thử nghĩ xem, nhân loại đã tiến bộ như thế nào kể từ ngày PC xuất hiện và họ được lợi từ việc sử dụng nó? Thông tin liên lạc được đẩy mạnh hơn, thương mại điện tử ra đời và nhanh chóng nổi lên với các công ty Amazon.com, BestBuy.com; giải trí đa phương tiện thỏa mãn nhu cầu của con người, giải trí, thư giãn, gaming… Điều ấy cho thấy những giá trị hoàn toàn không thể phủ nhận mà PC đang đem lại cho cuộc sống hàng ngày.
Hãy cùng nhìn vào các số liệu thực tế để nắm rõ hơn vấn đề. Năm 2009, thời điểm được coi là Đại khủng hoảng toàn cầu (Great Depression), thị trường PC vẫn phát triển khả quan. Doanh số của năm là hơn 360 triệu sản phẩm, tức là mỗi ngày có hơn 1 triệu máy tính được bán ra trên toàn cầu, số liệu do hãng phân tích Gartner cung cấp. Theo ước đoán của IDC, số đơn vị PC được bán ra sẽ là 630 triệu tính đến năm 2015, trung bình mỗi năm tăng trưởng 12%. Công nghiệp PC vẫn còn đang trên đà lớn mạnh bởi ngành vẫn đang tiếp tục theo đuổi xu hướng sáng tạo để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Cùng với sự phát triển của internet, PC đồng thời chiếm vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống của mỗi người. Theo thống kê, mỗi phút có 20 giờ video được tải lên YouTube, hơn 1000 bức ảnh được tải lên Facebook mỗi giây… Người sử dụng PC lưu trữ tới 9 tỉ file video chất lượng HD trong hệ thống, game 3D và phim ảnh 3D cũng đang chờ thời để phổ biến hơn. Để làm được điều đó, phải có PC!
Từ việc cung cấp giao diện đồ họa, hiệu ứng nghe nhìn, cảm ứng chạm, trải nghiệm 3D… quá trình đó chưa ai từng dự đoán được trong quá khứ. Và tương lai phát triển của PC sẽ còn sáng tạo tới mức nào thì vào thời điểm hiện tại cũng khó mà dự đoán trước được.
Theo PLXH