Vì sao ông chủ WikiLeaks bị bắt?
Truyền thông quốc tế mấy ngày qua đưa tin đậm nét về vụ bắt giữ ông chủ sáng lập trang WikiLeaks, Julian Assange, hôm 11-4. Những “vấn đề” nổi cộm trong quan hệ giữa “chủ nhà” Ecuador và vị khách nổi tiếng Assange lập tức được xới lên để làm rõ nguyên nhân vì sao lại như thế.
Theo Hãng tin AP, ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange bị bắt sau khi Chính phủ Ecuador chấm dứt quy chế tị nạn chính trị của ông tại đại sứ quán ở London và cho phép cảnh sát Anh vào thực hiện việc bắt người. Phát biểu với báo chí hôm 11-4, ông Moreno đã gọi Assange là “đứa trẻ hư hỏng”, là “viên đá trong giày”, là một “vấn đề thừa hưởng”, ám chỉ việc người tiền nhiệm Rafael Correa đã mở rộng vòng tay để chứa chấp “cục nợ” Assange và để lại cho ông.
Ông Moreno cho rằng việc chấm dứt quy chế tị nạn và cho phép bắt giữ Assange là bởi vì Ecuador không muốn tiếp tục để Assange lợi dụng đại sứ quán tại London để tiến hành các hoạt động gián điệp, do thám các quốc gia có chủ quyền khác.
Ông Moreno cáo buộc Assange trong thời gian tị nạn đã biến đại sứ quán nước ông tại London thành một “trung tâm đầu mối tình báo”. Cáo buộc của Moreno được cho là để đáp trả trang WikiLeaks vì trước đó một ngày đã đăng nội dung thông tin cáo buộc Chính phủ Ecuador có hành động do thám đối với ông Assange.
Trả lời báo chí phải chăng việc chấm dứt quy chế tị nạn cho Assange là hành động “trả thù cá nhân” do WikiLeaks đã tiết lộ thông tin tiêu cực của cá nhân và gia đình ông, Tổng thống Moreno bác bỏ những lời “đồn thổi”, khẳng định không có chuyện ông “trả thù cá nhân” khi chấm dứt quy chế tị nạn và cho phép cảnh sát London vào đại sứ quán bắt Assange.
Julian Assange, công dân Australia năm nay 47 tuổi, là ông chủ sáng lập trang WikiLeaks nổi tiếng chuyên đăng tải những thông tin bí mật bị rò rỉ. Năm 2012, Assange bị Chính phủ Thụy Điển cáo buộc tội tấn công tình dục và yêu cầu Chính phủ Anh bắt, dẫn độ sang Thụy Điển để xét xử.
Tháng 6-2012, Assange thất bại trong cuộc chiến pháp lý chống dẫn độ sang Thụy Điển. Trong thời gian tại ngoại có đóng tiền chuộc chờ phán quyết cuối cùng của tòa án Anh, Assange đã chạy vào Đại sứ quán Ecuador xin tị nạn. Thời điểm đó, Ecuador được ví như một “thiên đường” lánh nạn cho Assange trong cuộc săn đuổi ráo riết của chính phủ 3 nước Anh, Mỹ, Thụy Điển.
Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ, dẫn giải ra khỏi Đại sứ quán Ecuador.
Ban đầu, Assange định chỉ trú ngụ trong Đại sứ quán Ecuador một thời gian ngắn để tìm đường trốn thoát sang nước thứ ba không ký kết dẫn độ với Mỹ, Thụy Điển. Tuy nhiên, việc săn lùng quá ráo riết của cảnh sát Anh, cộng với sự nhiệt tình “hiếu khách” của Đại sứ quán Ecuador đã khiến Assange quyết định ở lại đó trong suốt thời gian gần 7 năm qua.
Video đang HOT
Vấn đề dần dần phát sinh trong thời gian gần 7 năm đó. Sự ủng hộ ban đầu của cộng đồng thế giới dành cho Assange đã khiến ông trở thành “kẻ tị nạn số một thời đại”. Ecuador đã bất chấp áp lực từ phía Chính phủ Anh, Mỹ để bảo vệ Assange. Ngay tại London, cảnh sát Anh đã cử một “biệt đội” ngày đêm túc trực bên ngoài Đại sứ quán Ecuador, chỉ cần Assange bước chân ra khỏi cửa là bắt ngay.
Để chống lại các áp lực này, Ecuador phải tốn chi phí triển khai một chiến dịch bí mật có tên gọi là “Chiến dịch khách mời” hoặc “Chiến dịch khách sạn” do Cơ quan tình báo Ecuador SENAIN triển khai để bảo vệ Assange, chống lại các cuộc đột kích của đặc nhiệm Anh. Một căn phòng làm việc bên trong đại sứ quán được cải hoán thành phòng ngủ và nơi ở đặc biệt dành cho Assange, không ai được bước chân vào nếu chưa được phép của đại sứ quán. Các cựu nhân viên Đại sứ quán Ecuador tại London đã gọi đùa đó là “lãnh thổ có chủ quyền bên trong lãnh thổ có chủ quyền”.
Theo báo chí quốc tế, Ecuador đã tiêu tốn khoảng 1 triệu USD mỗi năm cho công tác bảo vệ Assange tại đại sứ quán ở London. Đây được xem là một gánh nặng về tài chính đối với Chính phủ Ecuador và dư luận cho rằng nó góp phần khiến Ecuador giảm sự ủng hộ dành cho Assange.
Tuy nhiên, tiền chưa phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề chính là những hoạt động của Assange bên trong Đại sứ quán Ecuador trong gần 7 năm qua. Năm 2014, căng thẳng trong nội bộ Chính phủ Ecuador bắt đầu gia tăng sau khi xuất hiện một tấm hóa đơn trị giá 28 triệu USD gửi đến Đại sứ quán Ecuador yêu cầu thanh toán.
Tấm hóa đơn ghi rõ danh mục hàng hóa gồm các thiết bị do thám đắt tiền chỉ cung cấp cho chính phủ các quốc gia. Ai đã đặt mua các thiết bị này, để làm gì? Chưa hết, thêm những hóa đơn tiền thuế liên quan đến hoạt động bí mật trong các dinh thự ở khu vực Kensington và Chelsea.
Đại sứ Ecuador khi đó là Juan Falconí Puig đã than phiền với Giám đốc SENAIN ở Quito về những tấm hóa đơn này. Đại sứ Falconí cáu tiết vì ông không hề được biết về những hoạt động bí mật mà lẽ ra ông phải được biết. Mùa thu 2014, các cố vấn an ninh của SENAIN báo cáo “Assange dường như đã xây dựng một mạng lưới thông tin liên lạc của riêng mình”.
Báo cáo kết luận, Assange đã “xâm phạm” hệ thống máy tính của Đại sứ quán và có lẽ đã đọc được các tài liệu bí mật ngoại giao.
Việc WikiLeaks liên tục tiết lộ những thông tin bí mật của đảng Dân chủ và cá nhân bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã khiến nước Mỹ tức giận, đẩy quan hệ Mỹ và Ecuador vào tình trạng xấu thêm. Tháng 11-2017, Assange tiếp tục khiến chủ nhà Ecuador gặp rắc rối ngoại giao khi tiếp đoàn khách của phong trào ly khai Catalan, lúc đó đang là điểm nóng căng thẳng của Tây Ban Nha. Sau cuộc gặp, Assange đã công khai tuyên bố ủng hộ Catalan, khiến quan hệ giữa Tây Ban Nha và Ecuador trở nên căng thẳng.
Ngay khi còn tranh cử, ông Moreno đã đánh tiếng rằng nếu ông trở thành Tổng thống Ecuador, việc Assange tị nạn trong đại sứ quán sẽ phải chấm dứt. Tháng 2-2019, Moreno khiến những người hâm mộ Assange tức giận khi tuyên bố Assange không thể tiếp tục ở lại đại sứ quán do vi phạm các điều kiện tị nạn.
Tháng 3-2019, Internet của Assange bị tạm cắt cũng vì lý do vi phạm như đã nêu nhưng sau đó được cấp lại. Gần đây, tình trạng Assange sinh hoạt “kỳ quái”, thường xuyên xúc phạm nhân viên đại sứ quán và nước chủ nhà Ecuador đã được thông tin nhiều, như một dấu hiệu cho sự mất kiên nhẫn của chủ nhà đối với vị khách lưu trú quá lâu. Và chuyện gì phải đến, đã đến.
Nguyên Khang (tổng hợp)
Theo CAND
Quốc tế tranh cãi khi nhà sáng lập Wikileaks bị bắt sau 7 năm "ẩn dật"
Julian Assange hôm 11/4 bị bắt giữ bởi cảnh sát London - ngay sau khi Ecuador tước quyền tị nạn tại đại sứ quán - hiện đang đối mặt nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ.
WikiLeaks tung gần 9.000 tài liệu mật của CIATrước thềm bầu cử, WikiLeaks công bố hơn 8.000 email của DNC Đạo diễn giành giải Oscar làm phim về WikiLeaks
Hình ảnh Julian Assange (râu, tóc trắng) bị lôi khỏi đại sứ quán Ecuador tại Anh, cắt từ một clip do truyền thông Nga công bố hôm 11/4.
Nhà báo hay tội phạm?
Việc phát hành một kho thông tin ngoại giao nhạy cảm và toàn bộ cơ sở dữ liệu của Lầu Năm Góc gần một thập kỷ trước hiển nhiên khiến Julian Assange và nhóm WikiLeaks trở thành một "kẻ thù" của chính phủ Mỹ.
6 năm sau, WikiLeaks đã xuất bản hàng ngàn email riêng tư liên quan đến nhiều thành viên trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton - mà theo các nhà điều tra là đã bị đánh cắp và chuyển cho tổ chức dưới trướng của Assange vốn làm việc cho chính phủ Nga. Sự kiện năm 2016 đã gây phẫn nộ cho chính quyền Mỹ, khi Giám đốc CIA lúc đó, Mike Pompeo, gọi tổ chức của Assange là "dịch vụ tình báo thù địch".
Tuy nhiên, không gì trong số những điều đó khiến chính phủ cáo buộc Assange là tội phạm. Thay vào đó, theo cáo buộc hình sự mà Washington đưa ra nhằm chống lại người sáng lập WikiLeaks hôm 11/4, các công tố viên liên bang đã tiết lộ một tội danh duy nhất của Assange là hành vi tham gia với cựu nhà phân tích tình báo quân đội Chelsea Manning vào năm 2010 để phá mật khẩu của một mạng máy tính bí mật tại Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cáo buộc này dường như là kết quả của một cuộc đấu tranh lâu năm trong Bộ Tư pháp Mỹ về những gì cần làm với WikiLeaks và người sáng lập, khi mà những hoạt động bị Washington cáo buộc là liên tục gây nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia lại khó phân biệt với hoạt động của những nhà báo thường khai thác thông tin mật của Chính phủ. Chính điều này cũng dẫn đến những chỉ trích của các bên về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận hay sâu xa hơn là về bản chất thực của nền dân chủ Mỹ.
"Báo chí không phải sai trái, nhưng tấn công mạng thì có... Bản cáo trạng thực sự xoay quanh cáo buộc rằng anh ta (Julian Assange) đang âm mưu hack vào máy tính Bộ Quốc phòng", cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ April Doss nhận định, "bản cáo trạng này không gây ra bất kỳ rủi ro nào với các nhà báo đang nắm giữ thông tin tương tự".
Biểu tình phản đối việc bắt giữ Julian Assange đã nổ ra tại Tây Ban Nha và trước ĐSQ Anh tại Washington từ hôm 11/4 đến nay.
Khả năng dẫn độ về Mỹ?
Ryan Fayhee, cựu công tố viên liên bang thuộc Bộ An ninh quốc gia của Bộ Tư pháp đang giám sát vụ án Wikileaks, nói rằng nhiều khả năng chính phủ có thể bổ sung thêm một số chi tiết chưa có trong bản công bố rút ngắn hôm 11/4.
Đáng chú ý, cũng theo ông Fayhee, tội danh hiện tại của Assange đã "làm dịu" khả năng ông này bị dẫn độ về Mỹ, một phần là bởi luật pháp Anh cũng công nhận hành vi xâm nhập máy tính là tội.
"Các tòa án Vương quốc Anh sẽ cần phải đối mặt với một nỗ lực chưa từng có của Washington trong việc tìm cách dẫn độ một nhà báo nước ngoài để đối mặt với cáo buộc hình sự về việc công bố thông tin trung thực", Barry Pollack, luật sư đại diện cho Assange tại Mỹ nói.
Theo Baonghean
Những điểm chính từ báo cáo cuối cùng cuộc điều tra Tổng thống Trump thông đồng với Nga Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tiết lộ một bản tóm tắt báo cáo điều tra về các cáo buộc liên quan nghi vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr ngày 24/3 tiết lộ một bản tóm tắt về báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về các cáo...